sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10 - Vị Hoàng Tử

Đêm đó, trong giấc mơ, tôi thấy toàn những người đàn ông tóc hung đỏ nhẩy múa tưng bừng, hát hỏng hò reo như chế riễu. Tôi đâm lo và chỉ mong Trí đổi ý. Nhưng khi đến nhà anh, liếc nhanh nét mặt “sếp” một lần nữa, tôi lại khổ tâm vì rõ biết Trí là một cỡ người không bao giờ thay đổi ý định.

Anh nói với tôi:

- Thái Tử Hà Lam qua đây rồi!

Tôi bĩu môi:

- Tưởng cái gì chứ? Ai chả biết. Bà Lan Anh đã nói từ hôm qua mà!

- Mà tôi muốn bảo với Chiêm rằng Thái Tử Hà Lam hiện đang ở đây, nghĩa là ở trong nhà tôi, trong văn phòng của ba tôi nè!

Tôi chưa kịp ngạc nhiên đã cảm thấy đôi mắt Trí nguýt không khác một lưỡi dao cạo lướt nhẹ trên má.

A! Nếu vậy thì ra bà Huỳnh Lan Anh đã đưa hoàng tử Hà Lam tới đây giới thiệu với giáo sư Bích Tâm. Bà biết ông Bích Tâm, ba Trí, dạy môn sử học tại Đại học Văn Khoa Saigòn và chắc chắn thế nào Hà Lam cũng phải học giáo sư Bích Tâm ít nhất bốn giờ một tuần.

Giọng Trí nghe hăm hở rõ rệt:

- Sáng nay bà Huỳnh Lan Anh đã đưa Hà Lam tới đây và rồi ba tôi sẽ dẫn “ông” ấy tới thăm qua trường đại học. Ê, Chiêm, đây là lần đầu tiên tụi mình thực hiện được cái mộng tiếp xúc với một vị hoàng tử đấy nhé. Ấy, hơn thế nữa chứ! Một Đông Cung Thái Tử, người kế vị chính thức ngai vàng của Ca-sa-bỉ-ba quốc.

Thần thái khích động của Trí lây sang tôi: quả thật đây đúng là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn tận mắt một vị hoàng tử… thứ thiệt. Hai anh em thả bước băng qua bãi cỏ ngoài vườn sắp sửa bước vào nhà, đột nhiên tôi ngừng chân lại và tự nhiên giọng nói nghe nghèn nghẹn:

- À, anh Trí! Xưng hô với một vị hoàng tử thì xưng hô thế nào, hả?

Trí vênh mặt, “lên lớp” ngay:

- Kính thưa Đông cung thái tử chứ còn gì nữa?

- À, vậy tôi phải nói: “Kính thưa Đông cung Thái tử mạnh khoẻ ra sao?” và “Kính thưa Đông cung Thái Tử, Saigòn có làm vui lòng Đông cung Thái Tử chăng?”, phải không anh Trí?

Thay vì trả lời, Trí chỉ lườm tôi một cái. Và tôi hiểu ngay cái lườm ấy có nghĩa là tôi ngốc nghếch như một cậu bé mới ở nhà quê lên Saigòn và tốt hơn hết là tôi nên im đi đứng hỏi nữa.

Ấy vậy mà chưa chắc tôi đã “quê” như “sếp” đã tưởng. Khi gặp “ông” Hoàng Tử, tôi cảm thấy ngay chẳng có gì là khó khăn cả. Trông “ông” cũng không cao lắm, hơn tôi chừng ba hay bốn phân gì đó thôi, vóc người mảnh dẻ, có thể nói gầy là khác. Tóc đen nhánh, mắt cũng vậy, và nước da thì rõ ràng là sậm hơn màu da của chúng tôi mặc dầu nắng gió Saigòn cũng đã khiến cho chúng tôi không còn trắng nhễ nhại như mấy chú lười hoạt động chỉ chúi xó ở nhà nữa. Và cứ đinh ninh là sẽ phải đối diện với một vì Hoàng Tử Ả Rập đầu quấn khăn vành rế to tướng bằng lụa trắng dát ngọc, áo bào dài lướt thướt và chân mang ủng gấm thêu rồng phương như đã nhiều lần nhìn thấy trên màn ảnh. Thái tử Hà Lam lại chỉ phục sức giản dị như mọi sinh viên Việt Nam khác: quần hàng len xám, áo sơ mi và veston trắng.

Khi hai anh em bước vào văn phòng giáo sư Bích Tâm, thì thấy ông đang đứng cùng với Hoàng Tử Hà Lam chăm chú xem mấy cái giấy tờ gì đó.

Giáo sư Bích Tâm, khi chợt trông thấy tôi lên tiếng:

- A, cháu Chiêm! Ô may quá, cả hai anh em dều có mặt, tốt lắm. để bác giới thiệu với Thái Tử Hà Lam.

Trí tiến lênmột bước, miệng lẩm bẩm nói cái gì đó, cúi người thật thấp: “Rất hân hạnh! Rất hân hạnh! Kính thưa Thái Tử!”.

Riêng tôi, tôi chỉ muốn giơ tay bắt tay ông Hoàng Tử một cái có phải tiện bao nhiêu không? Nhưng trước cử chỉ và thái độ kính cẩn của Trí, tôi đâm ra ngập ngừng do dự nên cũng sửa soạn bắt chước làm theo anh. May sao ông hoàng tử đã vội đứng lên chấm dứt ngay cái nghi lễ phiền phức ấy. “Ông” đi vòng bàn giấy tiến tới, giơ hai tay niềm nở, đôi môi tươi mấp máy nói tiếng Việt rất thạo:

- Ôi chà! Ôi chà! Hai anh cứ gọi tôi là Hà Lam như thường đi và xin tạm quên tôi là một vị hoàng tử nhé! Cứ việc đối xử với tôi, coi tôi như một sinh viên khác ở Saigòn này, nghe!

Lập tức, Trí ngẩng phắt đầu lên. Liếc mắt nhìn lẹ, tôi thấy rõ mặt anh đỏ như quả gấc chín khiến tôi suýt nữa phì cười nếu không cố bấm bụng kìm nhanh lại được. Vừa may, bác Bích Tâm đã vui vẻ:

- Đây! Bác cùng Thái Tử Hà Lam vừa mới duyệt qua chương trình trong niên học năm nay đây. Và bác cùng Hà Lam định đi thăm trường Đại Học Văn Khoa một chút. Hai anh em có muốn cùng đi cho vui không?

Trí và tôi sốt sắng xin ông Bích Tâm cho đi theo. Cả bọn ra xe của ông. Tôi biết rõ trường Đại Học Văn Khoa, nhưng được đến thăm trường trong những ngày nghỉ hè lại là một cái thú đặc biệt lắm. hàng phượng vĩ hoa đỏ tán xanh toả bóng râm mát như đứng chờ các anh các chị sinh viên đến chuyện trò tâm sự, bàn cãi tranh luận về bài vở. Sân trường rộng rãi vắng hoe, trông buồn man mác như thiếu thốn một cái gì. Trong khi tôi đang thả hồn mộng mơ nhìn ngắm quang cảnh Trí chỉ hăm hở hỏi chuyện ông Hoàng tử Ả Rập. Anh nóng ruột, nét mặt đăm chiêu thấy rõ, và chỉ thở ra một cái “khì” khi được ba anh đưa tất cả vào phòng hội, nơi các giáo sư vẫn thường lui tới họp bàn. Vừa ngồi yên chỗ, anh đã thao thao hỏi ý kiến của Hà Lam về Saigòn thủ đô nước Việt ra sao.

Hà Lam giọng nói trịnh trọng lễ độ:

- Dĩ nhiên là mọi cái đều khác cả, anh Chính à! Đồ ăn thức uống, áo quần, phong tục tập quán cái gì cũng khác cả.

Trí vội vã:

- Hà Lam cứ gọi tôi là Trí đi, nghe! Đừng gọi anh Chính, anh Chính làm gì. Ở đây ai cũng gọi tôi là Trí, Trí thôi đó … trừ ba má tôi.

Giáo sư Bích Tâm cười mỉm đưa tia mắt thích thú ngó đưa con trai yêu mà không nói gì.

Hà Lam cũng cười thật tươi, phô hai hàm răng trắng bóng:

- Đồng ý! Đồng ý! Trí! Bây giờ Trí muốn hỏi gì thì hỏi đi! Tôi sẽ trả lời tất cả những gì mà tôi biết.

- Tôi muốn Hà Lam cho biết rõ về việc lễ đăng quang. Theo tôi biết thì đáng lẽ Hà Lam, tuần lễ sau vào ngày thứ Sáu, sẽ làm chủ lễ đăng quang, được nhận vương miện, bước lên ngai vàng kế vị tiên vương phải không? Cậu Hải Minh của Chiêm đã viết thơ về cho biết như vậy đó.

Hà Lam quay nhìn tôi:

- Chiêm! Cậu Hải Minh của Chiêm là một người rất tốt. Hồi ở Anh Quốc tôi đã có dịp được Hải Minh lái phi cơ đưa đi chơi. Cậu ấy còn cho tôi cầm lái nữa kia, khi phi cơ bay cao trên mây đó. Thế rồi khi Hải Minh về Ca-sa quốc lái phi cơ riêng cho vua cha thì tôi vẫn ở bên Anh, không được về lần nào vì bận học.

Trí nói tiếp, giọng vẫn điềm đạm, nhưng tôi biết rõ là anh không muốn câu chuyện lái về hướng… máy bay tàu bò:

- Có phải đúng thứ Sáu tuần sau là Ca-sa-bỉ-ba quốc sẽ làm lễ đăng quang cho vị vua mới không?

Hà Lam, nét mặt nghiêm trầm thoáng lộ vẻ đau buồn, trả lời:

- Đúng vậy đó, Trí! Tôi lo lắng ghê lắm! Nếu cuộc đại lễ này thành tựu thì dòng dõi nhà tôi sẽ mất ngôi báu và muôn dân Ca-sa quốc tế sẽ khổ sở lầm than. Tôi biết rằng các vị trung thần nghĩa sĩ Ca-sa-bỉ-ba đã làm đủ mọi cách để ngăn chặn, phá vỡ âm mưu của bè lũ Rả Bây bất nghĩa, nhưng họ đã bị thất bại … Nhưng – Hà Lam thở dài – nhưng biết đâu một ngày kia tôi lại chẳng có thể đòi lại được ngôi báu:

- Đại lễ đăng quang thì có những gì?

Đôi mắt Hà Lam bừng sáng một giây nhưng lại tức khắc rầu rĩ ủ ê, buồn rũ xuống:

- Trời! Tưng bừng rực rỡ vô cùng Trí, Chiêm à! Chính tôi, tôi cũng chưa được tham dự lần nào, chỉ được vua cha cho coi hình chụp để lại trong hoàng cung. Phụ vương lên ngôi báu trước khi tôi ra đời. Chỉ còn thiếu hai năm nữa là đủ hai chục năm, thời gian trị vì của cha tôi như vậy là lâu dài nhất so với các vị vua tài đức. Tiền của do các mỏ dầu hoả kỹ sư Phan khám phá được, vua cha đã dùng vào vệic làm công ích cho toàn dân… Hà! Vào tay tên bạo ngược Rả Bây… thì đảo lộn hết.

Khi nói đến hai tiếng Rả-Bây, âm thanh Hà Lam lại đượm mùi cay đắng. Nhờ vua cha, nhờ kỹ sư Phan, tiểu quốc Ca-sa-bỉ-ba của giòng họ tôi vây giờ cường thịnh lắm, lễ đăng quang của tân vương ắt sẽ được tổ chức linh đình gấp bội so với hồi phụ vương tôi lên ngôi báu. Các vương quốc lân bang sẽ gửi sứ thần qua chúc thọ, có cả nhiều vị quốc vương Ấn Độ này, rồi lại cả phái đoàn Anh quốc nữa. Ca-sa-bì-ba chả là một tiểu quốc do nước Anh bảo hộ mà. Cuộc đại lễ sẽ kéo dài suốt một ngày. Những bộ lạc tại sa mạc cũng về dự. Họ ít khi về chúc thọ tân vương. Họ sẽ cưỡi ngựa xếp thành hàng, những đoàn ngựa cao lớn đẹp vô cùng, đi quanh thành phố cho toàn dân chiêm ngưỡng. Rồi lại có cả duyệt binh nữa. Vui lắm! Nhưng mục chính của buổi đại lễ vẫn là mục … cuối cùng. Tôn nghiêm và kính cẩn nhất. Đó là giờ phút thiêng liêng nhất! Vị tân vương sẽ uống chung ly nước “đồng sinh” với một gã ăn mày!

Trí nhổm người lên:

- Ăn mày! Gả ăn mày! Sao lựa ai không lựa lại lựa một gã ăn mày?

Riêng tôi, tôi chỉ thấy nóng ruột muốn biết nước “đồng sinh” là thứ nước gì.

Hà Lam:

- Riêng về trường hợp Rả Bây thì tôi chắc chắn là ông ta sẽ chọn một người bên họ nhà vợ ông. Lý do: gã ăn mày, sau khi cùng vị tân vương uống nước phép, sẽ nhận được rất nhiều tặng vật, nhiều lắm, và hắn sẽ trở nên giàu sang phú quý suốt đời. Rồi lại được phong quan tước đại thần trong trường hợp như thế.

Tôi đánh bạo hỏi thử một câu:

- Nước phép “Đồng sinh” là nước gì vậy? Và tại sao vị tân vương lại không uống một mình có được không?

- Đó là một hình thức tượng trưng. Nước được lấy về từ một giòng khe lạch rất trong ở tít mãi tận cùng thẳm núi cao. Vị tân vương uống nước đó chung cùng một cái ly quý với một tên ăn mày, nghĩa là người thần dân nghèo khổ nhất, để chứng tỏ tinh thần bình dân dễ dãi của mình và cũng để cho mọi người thấy rằng nhà vua sẽ tòng phục nguyện vọng của toàn dân, cũng như toàn dân phải tuân theo mệnh lệnh của đức Vua.

- Cái ly uống chung đó phải là đồ quốc bảo?

- Đúng! Đó là một chiếc ly đúc bằng bạch kim, một thứ vàng rất quý, hiếm, trắng sáng như bạc, lại có giát thêm châu báu. Rất xinh! Chỉ bằng chiếc bình nhỏ cắm hoa thôi!

Chợt nghe câu “bình nhỏ cắm hoa” từ miệng Thái Tử Hà Lam nói ra, Trí liếc nhanh mắt cho tôi. Tôi định lên tiếng hỏi, anh đã vội nháy mắt ra hiệu bảo tôi im lặng.

Hà Lam nói tiếp:

- Chiếc ly quý lưu truyền từ đời vua này tới đời vua sau và cứ mãi mãi như vậy, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Báu vật được cất trong hoàng cung có thị vệ canh gác kỹ lắm. Chính tôi cũng chưa được thấy tận mắt lần nào. Hình chụp để trưng bày thì có. Trời! Nếu tôi có được cái ly báu đó, thì chắc chắn người bước lên ngai vàng sẽ là tôi chứ không phải tên bất nghĩa Rả Bây kia đâu.

Trí hỏi kỹ:

- Hà Lam nói thế có nghĩa là nếu không có chiếc ly quý đó trong tay thì không thể lên được ngôi báu?

- Đúng như vậy! – Và nét mặt vị hoàng tử lưu vong lại đượm nét ủ ê.

- Lễ đăng quang của phụ vương Hà Lam được tổ chức vào năm nào?

- Ngày 12-8 năm 1950.

Trí gật gật đầu, đắm chìm suy nghĩ. Hà Lam cũng mơ màng tưởng nhớ cái gì đâu đâu. Tôi chỉ im lặng đưa mắt ngó hai người, không dám làm kinh động. Nhưng giáo sư Bích Tâm, ba Trí, thì lại cứ tự nhiên như không. Ông đứng lên nhắc anh là đã tời giờ về:

- Thôi trễ rồi đây! Hai anh em liệu có về thì về đi. Ba và Hà Lam còn ở lại làm nốt một vài việc đã!

Khi hai anh em bước ra ngoài đường phố, Trí bỗng tỏ ra xao động và vội vã cô cùng:

- Cứ cách một giờ lại có xe đi Biên Hoà đấy nhỉ?

Tôi ngó đồng hồ tay:

- Ừ! 30 phút nữa là có chuyến! Sao! Tụi mình đi Biên Hoà hả?

- Không! Chiêm ở nhà! Mình tôi đi đủ rồi. Chiêm còn việc quan trọng phải làm mà, - Tôi biết là anh lại nhắc tôi cái món nợ “lọn tóc của tên Kha Bỉ”, liền nhăn mặt:

- Trời đất! Tôi đâu phải thợ cạo! Làm sao mà cắt được tóc trên đầu hắn chứ?

Khi về đến nơi, Trí không nói không rằng quay ngoắt vào trong nhà dắt xe ra, nhẩy lên, nhằm hướng bến xe Biên Hoà, chân đạp băng băng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx