sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nếu đã yêu Ý, đừng hỏi tại sao... - Yêu Lắm Những Con Phố Nhỏ Roma

YÊU LẮM NHỮNG CON PHỐ NHỎ ROMA

Không dễ viết về một thành phố mà ta đang sống trong đó, và khó hơn nữa nếu đấy là thành phố ta yêu. Tôi đã sống và làm việc vài năm ở Roma, nhưng phải xa nó ra đi mới bắt đầu viết được những gì thực sự đáng đọc về nó, vì không đơn giản nắm bắt được cái hồn của một thành phố mà chỉ khi đã xa nó rồi, mới thấy không muốn bước chân đi. Đấy là một điều không dễ giải thích. Người ta có thể yêu một ai đó, thậm chí say đắm là khác, nhưng trong sâu kín tâm hồn, người ta không hiểu được nhau.

Roma với tôi là một thành phố khác biệt hơn tất cả những nơi khác tôi đi qua, đã sống và đã yêu: có những thành phố phải đi xa mới nhớ, nhưng có những nơi vẫn đang sống ở đó, mà đã nhớ nó rồi. Nhớ rất nhiều những tháp chuông nhà thờ in lên nền trời Roma lúc hoàng hôn, nhớ khu trung tâm phố cổ với những di tích hàng nghìn năm tuổi, nhớ con sông Tevere vắt ngang thành phố mà những đêm hè náo nức tiếng nhạc và tiếng cười nói trên đảo Tiberina… nhưng sẽ nhớ nhất chính là những ngõ nhỏ của thành phố trải dọc các khu phố mà tên tuổi của chúng đã đi vào lịch sử, với những câu chuyện, truyền thuyết, huyền thoại, những bài hát và thơ ca qua biết bao thế kỷ. Một lần ngồi chờ phục vụ những đồ ăn nấu theo kiểu Roma trong con phố nhỏ có tên Spagnoni rất ít người lại qua và để ý ở gần Pantheon, trung tâm thành phố, trong cái tịch mịch của đêm tối và ánh đèn vàng vọt tỏa xuống từ những ngọn đèn đường treo trên những bức tường phủ đầy dây leo chằng chịt, ngửi mùi thơm nức của các món ăn từ quảng trường Coppelle cạnh đó ùa tới, mới chọt nhận ra những gì ẩn giấu sâu kín trong tâm hồn của một thành phố maf trước nay tôi chưa hiểu.

Những con phố nhỏ của Roma luôn đem đến những cảm giác rất lạ khi đêm xuống. Đi trên con dường gập ghềnh lát đá, mà đôi khi kẽ của những viên đá có thể nuốt gọn một phần giày cao gót của một cô gái đáng yêu nào đó, và nghe tiếng chân mình dội vào những bức tường dày hai bên được chiếu sáng bằng một thứ ánh sáng lờ nhờ của những ngọn đèn hầu hết là theo kiểu cổ trên cao, dễ gợi nên những ấn tượng mà đôi khi những dòng chữ này không diễn tả nổi. Càng khó diễn tả hơn, một khi ta biết được những câu chuyện bí mật và lịch sử liên quan đến những góc phố ấy, những con người đã gắn liền với nó, đã sống ở đấy biết bao thế kỉ trước, đã nện gót trên những con đường hẹp lát đá không bằng phẳng mà lồi lõm, tiếng vó ngựa một thời rền rĩ, tiếng chuông nhà thờ vang lên từ đâu đó, tiếng những người đứng trên tháp cao gióng chuông báo hiệu 12 giờ đêm. Có hàng nghìn con phố nhỉ trong những khu phố trung tâm của Roma, chia thành phố thành từng ô vuong ngoằn ngoèo được phân định các khu bằng những đại lộ với hàng dãy những nhà thờ lớn chen chúc nhau, những palazzo* của nhà giàu xây từ hàng thế ky trước. Những con phố nhỏ ấy, dù ở khu nào cũng có những đặc điểm chung: hẹp, ngắn, thường lát đá, thỉnh thoảng có những vũng ngước, được chiếu sáng bới những ngọ đèn vàng vọt, những góc phố ở ngã tứ thường có một bức ảnh thờ Đức Mẹ Maria, đôi khi xuất hiện một họng nước chảy suốt ngày đêm lấy lên từ biết bao mạch nước nâfm phía dưới Roma và cuối cùng thường dẫn đến một quảng trường nào đó. Cuộc sống của người Roma nói riêng và người Ý nói chung từ bao đời nay thường gắn liền với những quảng trường ấy, một hình thức dân chủ sơ khai từ hàng nghìn năm trước, khi quảng trường là nới nhà nước và dân chúng gặp gỡ qua những bố cáo, nơi họp chợ, nơi truyền giáo, thậm chí là nơi xử trảm những tội nhân đại hình. Những con phố cứ chạy mãi, thế rồi bỗng nhiên mở ra cả một khoảng không gian rộng lớn: quảng trường Nanova, Campo de Fiori, quảng trường San Pietro, quảng trường Popolo… Nhiều lắm, những cái tên.

* Dinh thự

Tôi yêu một con đường nhỏ gần Circo Massmo dẫn lên đồi Aventino*. Con đường dốc chạy giữa những hàng cây dẫn đến một thế giới khác của Roma, luôn ngả vào với lá cây vào mùa thu in trên những bức tường cũ kĩ đã ố vàng pha đỏ tróc lở khắp nơi, luôn đầy ắp màu trắng của hoa cưới trên hai lối đi lên ban thờ chính của nhà thờ cổ Santa Sabina có từ thế kỷ thứ 13 và màu trắng của những chiếc váy cưới. Khu đồi có những cây can trĩu trịt quả mà tương truyền được Thánh Domenico trồng lên cũng ở thế kỷ 13 ấy được coi là một trong những nơi ngắm thành phố từ trên cao lãng mạn nhất. Người ta hôn nhau ở đó, chụp ảnh cưới tại đó, trẻ con nô đùa và đuổi chim bồ câu ở đó, các gia đình gặp gỡ cũng tại đó trong những cuộc pinic chiều Chủ nhật… Cuộc sống của Roma trên những ngọn đồi nhìn xuống thành phố với mái vòm nhà thờ San Pietro của Vatican phía xa xa, những nhà thờ nhấp nhô, những hàng cây và dãy phố cổ kính dọc con sông Tevere uốn khúc ở dưới lãng mạn và đáng yêu không ngờ.

*Tương truyền Aventino là một trong bảy ngọn đồi đã tạo nên Roma thuở sơ khai dưới tay của Romoto vào năm 753 trước Công Nguyên. Các ngọ đồi khác là Celio, Campidoglio, Esquillino, Palatino, Quỉinale và Viminale.

Cũng ở Aventino, cách nhà thờ Santa Sabina không xa, là một lỗ khóa trên cánh cửa dẫn vào một khu vườn tuyệt đẹp của dòng tu Malta. Tôi đã nheo mắt không biết bao nhiều lần chỉ để nheo mắt ngắm nhìn nhà thờ San Pietro qua lỗ khóa ấy. Chỉ vài giấy thôi, và cứ thế lặng người đi cứ như vừa được chứng kiến một phần thiêng liêng của thế giới sau một cái nhíu mày. Ta thấy gì qua lỗ khóa ấy? Con đường thẳng tắp giữa hai hàng cây hướng đến cái đích cuối cùng: mái vòm trứ danh mà Michelangelo và Delta Porta đã mất mấy thập kỷ để dựng lên trên ngôi nhà mà vị tông đồ của Chúa Jesus đang yên nghỉ phía dưới. Chúa và tình yêu của Người đôi khi có thể nhìn thấy được, vì ở gần quá, khi ghé mắt vào lỗ khóa và lắng tai nghe tiếng chuông của nhà thờ Saint’Alessio cạnh đó. Roma là sự hòa trộn không thể nào hoàn hảo hơn của thế giới những người đang sống với thế giưois của những vị thánh và của Chúa, tồn tại một cách mạnh mẽ qua tiếng chuông cầu nguyện, qua hình ảnh những nhà thờ lớn nhỏ xuất hiện dày đặc trong thành phố, và qua sự gắn bó của thể xác con người với tinh thần của chính họ. Bỗng nghẹn ngào khi rời Aventino đã quá quen thuộc đến từng viên đá lát đường, khi mùa thu Roma lại về, và trên con đường trở lại những phố đông đúc của thành phố, bắt gặp trên một bức tường cũ kỹ lời tỏ tình giữa phố của một chàng trai nào đó với người mà anh yêu.

Tôi đặc biệt thích Trastevere. Khu phố cổ có hơn hai nghìn năm tồn tại nằm bên sông Tevere chính là nơi ẩn chứa chất Roma nhiều nhất. Không có gì ngạc nhiên khi Trilussa* hay Gioachino Belli**, những nhà thơ nổi tiếng nhất và gắn liền với lịch sử cũng như ngôn ngữ của thành phố đều đã từng hoặc sống ở đấy, hoặc viết về nó, thường là bằng thổ ngữ Roma, thứ tiếng bây giờ vẫn còn được nói không ít bởi người thủ đô, trong đó có nhiều người sống tại Trastevere. Những con phố nhỉ chạy cắt nhau liên tiếp chỉ thích hợp cho việc đi bộ, những bức tường rêu phong phủ dây leo và chằng chịt dây điện, những dây phơi vắt vẻo quần áo còn sũng nước, hàng loạt tiêm ăn nhỏ chen lẫn nhau trong mùi thịt nướng bisteak thơm nức mũi, những biển báo giao thông xiêu vẹo, những bức tường được vẽ nguệc ngoạch và tự do, những công tơ điện treo lủng lẳng trên các bức tường bong vôi. Cột điện đôi khí trở thành nơi các bạn trẻ tự hào thông báo cho cả thế giới biết về sự sinh ra hoặc chết đi của một mối tình, hoặc một cuộc hôn nhân, như có lần cô Veronica nào đấy dán tuyên bố sẽ lấy Pipo của cô. Con ngõ nhỏ nào cũng hầu như cũng có một chiếc xe máy hay đạp dựng ở đấy, có khi xịt hết lốp, có nững chiếc Vespa cũ rích bám đầy mạng nhện và sơn bạc phếch không biết chủ nó đã bỏ nó bao năm trời khiến chọt nhớ mỗi năm có một ngày tháng Ba, dân đi xe máy ở Roma tụ tập trên con đường chính Fori Imperiali, để cầu xin Thánh Colombano, người được coi là Thánh bảo trợ cho những người đi xe máy, phù hộ họ không gặp tai nạn trong năm. Ở Trastevere, các Thánh, Chúa và Đức mẹ Maria hiện diện ở khắp nơi. Bốn mươi nhà thờ, tức là 1/10 số nhà thờ ở Roma, tập trung ở khu phố không lớn ấy. Nhưng hình như bây giờ tiếng chuông ngân ít hơn, những hoài niệm về khu phố mà nàng Fornarina, người tình và là nguồn cảm hứng của danh họa vĩ đại thời Phục Hưng Raphael***, từng sống, không còn được nhắc tới nữa. Tất cả bị át đi nhiều bởi tiếng người đi lại, tiếng cười nói của đám thanh niên đi chơi qua đêm, tiếng những người đứng hút thuốc xôn xao trước các quán bar và tiếng xe scooter vè vè của đám thanh niên lượn lách trong các ngõ. Lần nào đến đó tôi cũng rẽ qua quán La Rennella để ăn pizza và chui vào khu làm bánh mì vãi đầy bột trắng của nó. Bánh mì vỏ cứng ở đó ngon nhất nhì Roma, pizza cũng thế. Người đến ăn ở quán có thể vừa gặm pizza qua cái ô cửa kính đã vỡ xiêu vẹo, vừa ngắm cuộc sống lặng lờ trôi qua trước khuôn cửa thấp hướng đến một góc phố bừa bộn và đọc trên bức tường của quán có khắc những vần thơ bức hũ của Trilussa về thành phố mà ông đã sống, đã yêu và đưa vào thơ ca.

*Trilussa, tên thật là Carlo Alberto Salustri (1873-1950), thi hào người Ý, nổi tiếng với các bài thơ viết bằng tiếng Romanesco, thổ ngữ Roma. Tại quảng trường chính của Trastevere, hiện có tượng đài của ông.

** Gioachino Belli (1791-1863), nhà thơ người Ý, được biết đến với tư cách là một trong những người có công giữ gìn và phát triển thổ ngữ Roma qua các bài sonnet của mình.

***Raphael, tức Raffaello Santi (1483-1520), họa sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư, một trong ba trụ cột của nghệ thuật Phục hưng, cùng với Leonardo da Vinci và Michelangelo. Hiện thi hài của ông đang được gìn giữ trong điện Patheon, trung tâm Roma.

Ở bên kia sông Tevere, từ Trastevere nhìn sang là Lungotevere. Vẫn những con phố nhỏ, hẹp và khấp khểnh ấy, những nhà thờ bỗng đâu hiện ra ở quãng trường cuối con đường, nhưng Lungotevere nổi tiếng vì là nơi gắn bó với những nụ hôn. Cả một thời kéo dài hàng thế kỷ, khi cầu Milvio chưa trở thành nơi các đôi trai gái đem khóa lên để khóa và nững cột đèn, ném chìa xuống sông Tevere và thề thốt yêu đương trọng đời trọn kiếp, khi những sự cấm đoán thể hiện tình cảm cá nhân công khai còn thịnh hành, buộc người ta phải yêu nhau một cách kín đáo chứ không dám công khai như bây giờ, thì những con phố nhỏ chạy dọc theo sông Tevere ở nơi ấy là nơi lý tưởng để trao những nụ hôn đầu. Biết bao đôi trai gái đã từng hôn nhau dưới những tán cây sát mép nước che chở cho mối tình của họ. Biết bao lời hẹn ước trong những mối duyên đầu được trao nhau nơi đây. Bây giưof người Ý hôn nhau ở khắp nơi, nhưng những người lãng mạn vẫn tìm đến nơi ấy và cố lắng nghe trong tiếng xào xạc của lá cây mỗi khi gió về giọng hát của cố ca sĩ Claudio Villa trong một bài hát cổ như những viên gạch lát đường ở Trastevere có tên Vecchia Roma*, “Roma đã lớn lên nhiều/ Nhưng thành phố vẫn như nơi ta đã sống những năm qua/ Anh yêu em ở khu Lungotevere/ Hôn nhau dưới nững tán lá cây”, hay trong một bài hát khác có tên Chiatarra Romana**, “Lungotevere đã ngủ nhưng con sông vẫn chảy”. Hàng triệu người Ý thuộc bản ballad Questo piccolo grande amore***hay Con tutto l’amore che posso**** của Cladio Baglioni đều yêu Lungotevere và những con phố của nó, vì giờ người ta đến đấy không chỉ để hôn, để hẹn hò và ca hát, mà còn để cảm thấy mình sống một cách lãng mạn, bồi hồi nhất nhưng cũng có khi là cô đơn nhất giữa trái tim Roma.

* Vecchia Roma, Roma cũ kỹ.

** Chiatarra Romana, Cây guitar cũ kỹ.

*** Questo piccolo grande amore, Mối tình nhỏ.

****Con tutto l’amore che posso, Với tất cả tình yêu tôi có thể.

Xuôi xuống phía dưới nữa của khu Tevere, gần khu Do Thái, là một thế giớ khác. Có một con đường nhỏ lát đá dẫn tôi đến nhà hát Marcello một buổi tối mùa hạ. Nhà hát cổ mà thời La Mã có thể chứa được hơn hai vạn khán giả ấy giưof chỉ còn là một đống đổ nát, nhưng bức tường phía bên ngoài vẫn được giữ gần như nguyên vẹn, bởi kiến trúc có hơn hai nghìn năm tuổi ấy giờ được gắn liền với một nhà thờ. Ở đấy ánh đèn thành phoos ít chiếu tới. Trong một đêm mà ánh trăng bàng bạc phủ lên thành phố Vĩnh Cửu, đem đến cho nó cái vẻ thanh bình nhưng bí hiểm, con phố tôi đi như được dát vàng khiến bỗng ngỡ như mình đang đi trong giấc mơ, với tiếng piano sâu lắng và buồn một bản dạ khúc của Chopin mà người nghệ sĩ đang chơi giữa những cây cột đá cẩm thạch sứt sẹovà đổ nát của nhà hát Marcello. Chợt nhớ những bộ phim tình cảm lãng mạn lấy Roma làm bối cảnh, bao giờ cũng có những đoạn phim lướt qua những dãy phố trong đêm tối, nơi chàng trài chạy đi tìm cô gái mà anh yêu, trong tiếng nhạc trữ tình rớt nước mắt. Những năm trước, tôi cứ ngỡ đấy chỉ là cảnh phim, dù biết chắc rằng, mình đẫ yêu Roma và nước Ý chính từ những bộ phim ấy. Những bây giờ, sống ở đó, thậm chí không cần phải ghé qua xem những tấm bảng gắn trên những góc phố, chỉ rõ những bộ phim đã từng được quay ở nơi ấy đã từng một thời làm Roma trở nên bất hữu trên phim ảnh, tôi vẫn tin rằng cái đẹp ấy không chỉ là phim, mà là sự thật không hề tô vẽ. Roma đẹp, và đáng sống trong đó.

Tôi đã yêu Roma theo cách ấy, và cảm nhận những vẻ đẹp của nó theo những bước chân đi trên những con phố nhỏ. Đôi khi tự cảm thấy nhịp chân nhẹ hơn chút nữa, hơi hẫng đi vì phảng phất men rượu vang Chianti Classico mình vừa uống trong một quán ăn nằm khuất nẻo ở một khu phố cổ mà chỉ có người Ý hay lui tới ăn (tôi tin là nhưunxg quán ăn nào đông khách du lịch thường không phản ánh đúng chất ẩm thực Ý. Người Ý sành ăn và những quán nào nhiều người Ý đến ăn, quán đó chắc chắn rất ngon). Có những cầu thang tối dẫn đến nhà thờ Sant Pietro in Vincoli được chiếu bằng những cây đèn hơn hai trăn năm tuổi nhưng không đủ sáng và khiến ai đó rùng mình khi tưởng tượng ra bóng ma của nàng Lucrezia Borgia*, có những lối đi nhỏ dẫn đến quảng trường Maddalena, nơi có một quán kem nổi tiếng chưa lúc nào vắng khách, có những phố đưa ta đến đài phun nước Trevi, có những con đường nhỏ dẫn đến những quán ăn trên gác thượng của các palazzo mà từ đó ta có thể nhìn thấy Roma lung linh huyền ảo trong bóng đêm mát rượi và tịch mịch. Ở đáy trong bập bùng ánh nến, trong tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra trên loa và tiếng rượu vang chảy róc rách vào ly, là một thế giới khác của Roma lãng mạn, đày sức sống, bộ phim và bài thơ bất hủ đã làm say đắm biết bao người, như nhạc sĩ lừng danh Antonello Venditti đã từng ca, “Roma, em đẹp biết bao mỗi buổi chiều/ Khi ánh trăng lung linh chiếu trên đài phun nước/ Những đôi tình nhân đi qua…”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx