sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Kỳ 35: Khẩu Súng Và Nhân Tình

Chúng tôi vừa gặp một trong những người gần gũi nhất của ông Ba Quốc. Đó là người lái xe cho ông suốt hơn 20 năm qua. Trong những ngày này anh vẫn thường xuyên trong bệnh viện, anh không rời ông Ba Quốc. Anh bảo:

“Suốt hơn 20 năm lái xe cho chú Ba, chỉ duy nhất có một lần ông nổi nóng quát tôi. Đó là lần tôi đưa ông đi dự đám cưới một cán Bộ trong đơn vị. Đám cưới đó ông làm chủ hôn. Lần đó tôi gặp một sự cố nên đến đón ông trễ giờ. Ông rất giận. May mà cô Xuân (vợ ông Ba Quốc - PV) nói giúp: Đám cưới bây giờ người ta tổ chức trễ lắm so với giờ mời, ông không lo. Lúc đó ông mới nguôi giận”.

Ngồi với chúng tôi trong căn - tin bệnh viện, người tài xế của ông Ba Quốc nói tiếp: “Đối với anh em trong đơn vị, ông thân tình như một người cha, người chú thật sự. Cán Bộ , nhân viên dưới quyền nếu có sai sót khuyết điểm gì thì ông rất nghiêm khắc, nhưng ôn tồn chỉ bảo từng li từng tí một. Một lần đưa chú Ba ra Hà Nội công tác, bà Thanh (vợ ông Ba Quốc ngoài Bắc - PV) hỏi: Cháu đi với ông, cháu có biết tính ông không ? Bà hỏi và trả lời luôn: Ông này đơn giản lắm. Rất ngang đối với cấp trên nhưng lại rất thương cấp dưới. Ông còn dạy tôi cách lái xe nữa. Ông khuyên tôi một câu mà tôi nhớ mãi: Cậu muốn lái xe cho an toàn thì cậu phải coi những người lái xe khác đang chạy đều là người say hết, chỉ mình cậu tỉnh thôi, như vậy cậu sẽ cẩn thận không để xảy ra tai nạn. Chú Ba làm việc giờ giấc cực kỳ chính xác và rất thận trọng trong mọi chuyện. Trong người ông có hai vật bất ly thân. Đó là khẩu súng và cái hộp quẹt. Ông chỉ rời hai thứ đó khi ông vào phòng tắm. Súng thì ông để tự vệ, còn hộp quẹt thì có lẽ do thói quen từ trước, ông dùng để đốt tài liệu nếu gặp bất trắc. Khẩu súng ông mới trả lại cho cơ quan được một năm nay thôi...”.

Người tài xế của ông Ba Quốc còn kể rằng hồi mới giải phóng, khi ông làm nhiệm vụ tiếp quản Phủ Đặc ủy trung ương tình báo, nhiều người trong gia đình các tướng tá, sĩ quan và nhân viên cũ của phủ này đã mang quà cáp rất đắt tiền đến nhà đưa cho bà Xuân, nhờ bà Xuân nói với ông cho họ được nhẹ tội. Ông dặn bà Xuân dứt khoát không được nhận bất cứ một thứ gì, cái gì họ để lại thì phải mang đi trả cho bằng được.

Như chúng tôi đã từng đề cập trong thiên ký sự viết về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, những người cách mạng chân chính không có kẻ thù riêng. Làm tình báo càng phải nhưvậy. Cũng như ông Ẩn, ông Ba Quốc có những bạn bè ở bên kia chiến tuyến. Ông phải thắng họ , nhưng ông vẫn trân trọng tình người. Ngay cảnhững người đã làm hại gia đình ông, ông cũng không định kiến. Cũng theo người lái xe của ông kể lại, khi người sĩ quan đã từng đánh đập con ông khi vợ con ông bị bắt hồi đó đến trình diện ông, người này rất sợ ông trảthù. Nhưng ông Ba Quốc đã nói với người này rằng: “Anh có tội với nhân dân, chứ không có tội gì với gia đình tôi, với con tôi cả. Bây giờ kết thúc chiến tranh rồi, anh cứ đến trình diện đi học tập theo chính sách chung để sau này về làm ăn bình thường như những người dân khác”. Nghe ông nói vậy, người này rất cảm động. Anh ta đã cởi chiếc đồng hồ đang đeo tay nhờ ông Ba Quốc mang về trả lại cho con trai ông. Chiếc đồng hồ đó anh ta đã lấy của con trai ông khi vợ con ông bị bắt.

Khi thiên ký sự này được đưa lên Thanhnien online, rất nhiều bạn đọc ở nước ngoài, trong đó có những bạn đọc ở Mỹ, Canada, Australia... gửi thư về tòa soạn bày tỏ sựngưỡng mộ đối với ông Ba Quốc. Ông Hoàng Văn Giàu, người mà chúng tôi có nhắc đến trong ký sự này, hiện cư trú tại Australia, có gửi thư cho chúng tôi. Trước đó, người thân của ông Giàu đã gửi thư nói với chúng tôi rằng: “Anh Giàu bảo dù hai người ở hai chiến tuyến, nhưng giữa anh Giàu và anh Tá (tên ông Ba Quốc hồi ở Sài Gòn trước giải phóng - PV) có mối quan hệ bạn bè tốt và chung một chí hướng là đất nước phải thống nhất và chấm dứt chiến tranh. Được tin anh Tá bị bệnh nặng, anh Giàu và chúng tôi rất buồn, cầu mong cho mọi chuyện êm ái đến với anh ấy”. Còn ông Hoàng Văn Giàu thì sau đó viết trong thư gửi chúng tôi: “Tôi thành tâm cầu nguyện cho sức khỏe anh Tá được cải thiện. Xin gia đình cho biết tôi có thể làm được gì để giúp anh Tá không ?”. Chúng tôi đã chuyển lời ông Giàu đến gia đình ông Ba Quốc. Gia đình ông gửi lời cảm ơn ông Giàu và thông báo rằng ông Ba Quốc được Nhà nước và quân đội chăm sóc tận tình và chu đáo với những điều kiện tốt nhất.

Mặc dù ông Ba Quốc đang được Đảng, Nhà nước, các bác sĩ, nhân viên y tếvà gia đình tận tình chăm sóc sức khỏe, nhưng đến thời điểm này sức khỏe của ông đang được tính từng giờ ...

Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng: Vĩnh biệt ông Ba Quốc

Sáng sớm ngày 26/3, tướng Phạm Xuân Ẩn gọi điện cho chúng tôi báo tin: "Ông Ba Quốc đã mất rồi. Tội nghiệp ổng quá". Sau đó, chúng tôi nhận được tin buồn từ Bộ Quốc phòng và cơ quan tình báo quân đội thông báo chính thức: Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc) đã từ trần hồi 5h30 phút ngày 26/3/2004 tại Quân y viện 175. Lễ viếng bắt đầu lúc 9h30 ngày 29/3/2004 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam, số5 đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TPHCM. Lễ truy điệu lúc 8h ngày 30/3/2004. An táng tại nghĩa trang TP HồChí Minh.

Ông Ba Quốc tên thật là Đặng Trần Đức, nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương Quân công hạng hai; Huân chương Chiến thắng hạng hai; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân Kỳ quyết thắng.

Khi viết những dòng vĩnh biệt này, chúng tôi lại nhận được rất nhiều thư của bạn đọc. Bạn Trần Minh Trung, thay mặt các nghiên cứu sinh Việt Nam ở Hàn Quốc viết: “Đọc thiên ký sự về tướng tình báo ông Ba Quốc, tôi rất bất ngờ, cảm phục và xúc động. Hôm nay khi đọc đến đoạn "... đến thời điểm này sức khỏe của ông đang được tính từng giờ ...", tôi đã rơi lệ. Dân tộc ta lại sắp mất đi một người anh hùng. Thực sự tôi không thể hình dung nổi sự hy sinh chịu đựng quá lớn lao mà ông và gia đình đã dành cho sự nghiệp chung của dân tộc. Tôi cầu nguyện ông được khỏe mạnh trở lại để được tiếp tục chứng kiến những thay đổi lớn lao của đất nước. Thế hệ trẻ chúng tôi nguyện sẽ ngày đêm học hỏi để không phụ lòng sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh như tướng Ba Quốc. Xin chân thành cảm ơn Báo Thanh Niên đã mang đến cho chúng tôi những trang ký sự đầy ý nghĩa này".

Bạn Nguyễn Trọng Việt viết: "Chuyện về ông Ba Quốc quá hay, đầy kịch tính, tôi say mê đón đọc mỗi ngày. Hy vọng báo sẽ gom lại và xuất bản thành sách".

Ông Đào Phúc, 58/647 Nguyễn Oanh, Gò Vấp, TPHCM viết trong một bức thư rất dài: "Xin được gửi đến Báo Thanh Niên và các tác giả lời cảm ơn vì đã đem đến cho độc giả một thiên ký sự thật hay, thật chân thực về một con người vĩ đại - cho tôi được dùng từ vĩ đại với đúng nghĩa đen của từ này để nói về ông Ba Quốc. Ông là người rất khiêm tốn, giản dị, không thích nói về mình nên tôi biết các tác giảđã phải rất kỳ công và đầy trách nhiệm mới có thể cho ra đời một thiên phóng sự đầy đủ đến như vậy. Tôi cám ơn quý vị vì: Đức tính khiêm tốn của ông nếu không được những người có trách nhiệm như hai tác giả quyết tâm tìm hiểu để viết thì rất có thể một tấm gương sáng ngời như cuộc đời ông sẽ rất ít người biết đến và đó sẽ là sự thiệt thòi không nhỏ cho nhiều thế hệ ... Địa vị xã hội không phải bao giờ cũng là sự đánh giá hoàn toàn đúng về đức độ và tài năng của một con người. Ông Ba Quốc là người có địa vị không thật cao nhưng ngành tình báo quân đội và quân đội ta có quyền tự hào về ông. Đức độ, tài năng và những chiến công mà ông giành được thật sự xứng đáng được đánh giá cao ở tầm mức quốc tế trong lĩnh vực tình báo... Tôi thiết tha mong Báo Thanh Niên cho xuất bản cuốn sách viết về ông để lại cho hôm nay và cho hậu thế ...".

Bạn Mạnh Hiệp (Bruxelles, Bỉ) xúc động: "Tôi đọc và theo dõi thường Kỳ về chuyện ông tướng tình báo, tôi vô cùng cảm phục và biết ơn sâu sắc những chiến sĩcách mạng đã hy sinh cuộc đời mình cho dân tộc và cách mạng Việt Nam. Đọc đến hoàn cảnh éo le của gia đình ông mà tôi không cầm được nước mắt, nếu không có những người con thân yêu của Tổ quốc như vậy, những bậc cha chú như vậy, những gia đình như thế, xã hội chúng ta làm sao có được như ngày hôm nay".

Còn rất nhiều thư, nhiều cuộc điện thoại gửi đến, gọi đến tòa soạn bày tỏ lòng thán phục, nhiều người hỏi chúng tôi bệnh viện nơi ông Ba Quốc nằm để đến thăm, nhưng chúng tôi không thể cho biết được vì mấy hôm vừa rồi ông đã bất tỉnh. Một sốnghệ sĩ còn tỏý muốn góp tiền giúp đỡ ông Ba Quốc, chúng tôi giải thích rằng ông Ba Quốc được quân đội chăm lo chu đáo, ông không gặp khó khăn gì. Ngay cả những người "có chuyện này chuyện kia" đối với cách mạng vẫn gửi thư bày tỏ sự khâm phục đối với một con người dành cả cuộc đời toàn tâm toàn ý phụng sự đất nước như ông Ba Quốc.

Sau khi nhận được tin ông mất, chúng tôi đã đến thăm gia đình ông. Bà Ngô Thị Xuân nói trong nước mắt: "Tôi không tin nhà tôi lại đi nhanh như vậy. Tháng 11 năm ngoái ông còn định đi Hà Nội họp, nhưng nghe Hà Nội lúc đó lạnh quá, nhà tôi lại bị đau khớp nên bác sĩ khuyên không nên đi, chứ ông ấy đã chuẩn bị áo quần, đồ đạc chuẩn bị đi rồi. Mà cuối năm ông còn vào cơ quan ăn tất niên vui vẻ lắm. Hôm tết ông bảo cái bụng hơi đau, mấy ngày sau khi ăn cơm tay ông cầm đũa hơi run. Mồng 6 tết ông vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Đầu tiên thì không thấy dấu hiệu gì, rồi siêu âm, rồi cắt lớp... mới phát hiện ông bị ung thư gan. Bác sĩ bảo bệnh mới phát cách đó vài tháng. Nhưng nằm trong bệnh viện, mặc dù các bác sĩ rất tận tình nhưng mỗi ngày ông yếu dần, bệnh ông nhanh chóng rơi vào giai đoạn cuối, không thể cứu chữa được. Từ khi ông vào bệnh viện cho đến lúc mất là tròn 2 tháng...".

Giờ đây ông Ba Quốc không còn nữa. Những gìcó thể viết được về ông, chúng tôi đã viết trong thiên ký sự dài 36 kỳ báo. Nhưng con người này vẫn còn rất nhiều bí ẩn, đặc biệt là những bí ẩn trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Một phần những bí ẩn đó ông đã mang theo, nó mãi mãi là những bí ẩn. Một phần khác đến một lúc nào đó sẽ được "giải mã" và chúng ta sẽ biết.

Tối 26/3, chúng tôi ngồi với 3 sĩ quan cao cấp từng là những người cộng sự của ông Ba Quốc. Tưởng nhớ đến ông, cả ba người đều bảo: "Chúng tôi còn có những thú vui, thỉnh thoảng còn đi nhậu với bạn bè, nhưng chú Ba thì không. Cả đời ông chỉ làm việc cho quân đội". Viết ra những dòng này, chúng tôi không có ý muốn khuyên các bạn trẻ học tất cảnhững gì mà ông Ba Quốc làm. Mỗi thế hệ có những nhiệm vụ của mình, mỗi con người đều phải làm việc đều phải phụng sự cho xã hội và đều được hưởng những thú vui. Ông Ba Quốc vừa là điển hình, vừa là cá biệt. Ông Ba Quốc tận trung với nước một đời không hối tiếc. Ông là con người "nếu có đi trở lại, tôi sẽ đi đường này", như một câu thơ ai đó đã viết. Học ông Ba Quốc, chính là phải học điều quan trọng đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx