Dũng trọ ở nhà một người bà con xa của mẹ: Ông Hai Hòa. Ông đã già, sống cô độc có một mình, vì vợ con đã chết cả. Ông Hai sinh sống bằng nhiều nghề lẩm cẩm, nhưng cũng rất là nghệ sĩ. Hồi xưa hình như ông là nhạc sĩ, chơi đàn cho nhiều ban hát cải lương. Và cái tài đặc biệt của ông là thổi ống tiêu. Bây giờ già rồi, ngắn hơi ông không thổi tiêu nữa, nhưng ông làm những ống tiêu đủ cỡ, to nhỏ dài ngắn, đeo lủng lẳng một chùm đem đi bán. Khi có người mua ông dạo thử cho họ nghe. Tiếng tiêu của ông nghe vẫn còn "mùi" như thường.
Ngoài nghề ấy, ông còn một nghề nữa: Nghề cắt hình truyền thần. Với một mảnh dao cạo thật bén, ông nhìn mặt người ta theo bề nghiêng rồi trổ hình lên một tờ giấy màu đen ghim trên tấm ván mỏng. Các bạn của Dũng đều rất mến ông Hai, và được ông cắt cho mỗi người một tấm hình làm kỷ niệm. Bạch Liên với mớ tóc buộc "đuôi ngựa" đằng sau gáy; Việt với lượt tóc húi ngắn trên vừng trán cao; Khôi với cái cằm đưa ra bướng bỉnh; và Tuấn với chiếc mũi dọc dừa bạch diện thư sinh...
Ông Hai dùng cả hai nghề này để sinh sống. Mỗi sáng, hễ Dũng cắp sách tới trường thì ông Hai cũng xách đồ nghề ra đi, một tay đeo lủng lẳng chùm ống tiêu, một tay mang chiếc giá vẽ bằng gỗ nhẹ lên đường Lê Lợi. Ông đặt đồ nghề trên một góc hè, ghim tấm hình cắt của Dũng lên giá để quảng cáo, rồi đứng tựa lưng vào tường, đưa ống tiêu lên miệng thổi dạo vài điệu. Khách nhàn du dừng lại, kẻ chọn mua một ống tiêu, người đứng cho ông cắt hình. Nhất là những du khách ngoại quốc, họ lấy làm thích thú và hoan nghênh cái trò của ông Hai nhiều lắm.
Cũng như Dũng, ông Hai chỉ trở về nhà vào hai buổi trưa và tối. Sáng nay khi Dũng trở dậy thì ông Hai đã đi rồi. Ông biết Dũng đang nghỉ hè nên cứ để mặc cho anh ngủ muộn, thầm bảo:
- Thằng nhỏ đêm qua cựa quậy hoài. Chắc lại nhớ mẹ nên không ngủ được!
Đêm qua Dũng trằn trọc không ngủ được thật. Anh nghĩ đến cô bán vé số. Anh mơ thấy cô ta đi lạc đường không tìm thấy nhà. Đêm tối bao trùm trên thành phố vắng lặng. Cô bé vừa chạy vừa khóc làm rơi vãi những tờ vé số xuống đường. Dũng chạy theo cô nhặt hộ mà không sao nhặt được. Giấc mộng đó ám ảnh Dũng đến nỗi khi tỉnh dậy, anh đã băn khoăn tự hỏi: Không biết tối qua cô bé có tìm thấy nhà hay đi lạc suốt đêm? Dũng thấy lo cho cô bé thật tình, có cảm tưởng như một người anh trai để lạc mất cô em gái khiến cho cô em đó bị bơ vơ lạc lõng.
Dũng vùng đứng lên, đi rửa mặt, mặc quần áo, ăn vội phần điểm tâm ông Hai để dành cho ở trên bàn, rồi đóng cửa ra đi. Ðáng lý trong kỳ hè, giờ này Dũng ở nhà học ôn lại bài, nhưng anh không thấy an tâm ngồi học. Dũng muốn lên đường Tự Do, tìm xem có phải cô bé ở đó hay không.
Mọi khi gặp trường hợp áy náy như thế này, Dũng đã lại bàn với các bạn. Nhưng kỳ này họ đi vắng cả. Khôi, Việt đi cắm trại ở sát đường biên giới Việt, Miên. Còn Bạch Liên, Tuấn, theo vợ chồng Lê Vinh ra miền Trung thăm di tích của dân Chàm. Đơn độc ở Sài gòn, vắng các bạn Dũng cảm thấy thiếu sót nhiều.
Đường Tự Do vào buổi sáng không tấp nập lắm. Người ít, nhưng xe hơi đậu đầy hai bên lề đường. Nhiều cánh cửa sổ trên các tầng lầu hãy còn đóng kín. Mấy hàng ăn, thực khách ngồi nhàn rỗi ăn điểm tâm.
Dũng lượn đi lượn lại mấy lần suốt đường phố, để ý từng nhà và ngước nhìn lên các cửa sổ. Ở một gốc cây có hai chú đánh giày ngồi trên hộp đồ nghề mải mê chơi cờ ô. Dũng tiến lại gần. Hai chú nhỏ rủ Dũng cùng chơi. Dũng nhận lời ngồi xuống, vui mừng vì có cớ để ở lại.
Thấy Dũng thỉnh thoảng lại nhớn nhác nhìn, một chú đánh giày tinh quái cười.
- Đằng ý tìm ai thế. Bộ có người quen ở cái khu vực sang trọng này hả?
Dũng mỉm cười không đáp, lặng lẽ đi một nước cờ. Rồi làm bộ thản nhiên anh hỏi dò hai anh đánh giày có thấy một cô bán vé số nào ở đây không.
Hai chú nhỏ cười hinh hích:
- Ở đây, các cô con gái mặc đồ đầm, diện "tu bin" đi học, làm gì có cô nào đi bán vé số! Thôi bồ ơi, có chơi thì mau lên, đến lượt bồ rồi đấy.
Dũng nán lại chơi thêm vài ván nữa. Anh về đến nhà vừa lúc ông Hai cũng mới trở về, đang sửa soạn bữa cơm trưa cho hai người.
Ông bảo Dũng:
- Bữa nay cháu làm sao thế Dũng? Có vẻ như cháu đứng ngồi không yên!
Dũng làm thinh, vì cũng không biết trả lời thế nào. Cơm xong, để ông Hai nghỉ trưa, anh lấy xe phóng lên nhà báo, chờ lãnh phần mình rồi đi giao cho các nhà. Xong anh hấp tấp tới Bưu điện. Cô bán vé số đã có mặt tại gốc cây cạnh quán Hương Lan. Dũng nhận thấy cô ta vẫn mặc chiếc áo ngắn màu hường hôm trước.
Thấy Dũng, cô bé quay mặt đi, xoay hẳn lưng về phía Dũng đứng. Mới chiều qua, trong lúc trú mưa, cô bé đã trò chuyện với Dũng, thế mà bây giờ lại như muốn tránh, khiến Dũng phải lờ đi. Chiều ấy, Dũng thấy thời gian đi thật chậm. Mặt trời như không chịu ngủ. Sau cùng, không dằn được Dũng rời chỗ đứng của mình chạy lại hỏi thăm cô bé xem tối qua, cô bé về tới nhà có bị ướt không.
Cô bé hoảng hốt, khó chịu bảo Dũng:
- Không, tôi bị ướt nhưng chẳng sao cả.
Và rất nhanh cô tiếp:
- Kệ tôi, anh trở về chỗ anh đi.
Giọng nói cương quyết của cô bé khiến Dũng quay đi ngay, tuy trong lòng hậm hực không hiểu ra sao nữa.
Thành phố lên đèn. Cửa nhà Bưu điện hết người qua lại. Cô bé sửa soạn ra về. Dũng giả bộ như không để ý đến nữa, nhưng định tâm sẽ theo dõi cô ta xem có điều gì bí ẩn. Anh lẩm bẩm:
- Ít ra, mình sẽ biết có thật nó ở đường Tự Do hay không?
Chờ cô bé đi khỏi, Dũng khóa xe giấu vào một chỗ rồi lén theo sau. Cô bé đi thật nhanh, thỉnh thoảng quay đầu nhìn lại như sợ có người theo sau. Tới đầu đường Tự Do, cô quẹo sang tay trái, rồi cứ lầm lũi quanh hết phố này qua phố khác, lên cầu Quay, sang bên Khánh Hội. Dũng thầm hỏi: Không biết cô bé sang khu đó làm gì? Anh phải dừng lại vì trên cầu không có chỗ nấp. Đợi cô bé sang hẳn bên kia anh mới rượt theo. Nửa đường Trịnh Minh Thế, cô bé mất hút vào một ngõ hẻm, Dũng lưỡng lự không dám theo nữa, vì ngõ hẻm chen chúc những căn nhà và chi chít những lối đi gồ ghề đan nhau như bàn cờ. Anh đứng chờ một lúc lâu ngoài đầu ngõ, nghĩ rằng có lẽ cô bé vào đó gặp ai rồi sẽ trở ra.
Nhưng chờ hoài uổng công. Dũng đành quay lên xe phóng về nhà.
Đêm ấy Dũng trằn trọc khá lâu mới ngủ được. Anh muốn đánh thức ông Hai Hòa dậy. Nhưng ông Hai ngủ say quá. Vả lại anh biết nói gì với ông? Chắc ông sẽ cười và chế diễu sự lẩn thẩn của Dũng. Tuy nhiên anh vẫn hoang mang với những câu hỏi: Cô bé bán vé số này là ai? Tại sao cô ta luôn luôn hoảng hốt? Và tại sao cô ta lại nói dối, vì chắc chắn nhà cô ta không phải ở đường Tự Do?
Sau một giấc ngủ ngắn, sáng hôm sau Dũng cũng vẫn trở dậy cùng một lượt với ông Hai Hòa. Chờ ông Hai đi rồi Dũng thả bộ sang Khánh Hội, tiến vào ngõ hẻm tối hôm qua. Ngõ hẻm đông đúc, đường lối gập ghềnh và nhiều lạch nước. Ban ngày dưới ánh mặt trời, những căn nhà lụp xụp chen chúc nhau trong cái xóm nghèo nàn trông càng xấu xí tồi tàn hơn nữa. Mùi sình lầy lẫn với mùi rác rưởi xông lên nồng nặc. Vài đứa nhỏ, nhảy tòm tõm xuống lạch nước, bơi như ếch và vốc bùn ném nhau. Đứng nhìn mấy đứa trẻ nô đùa dưới nước. Dũng chợt để ý có nhiều người qua lại một con đường ngang gần đấy.
Tim Dũng nhảy mạnh khi thấy bóng một cô bé mặc bộ quần áo cũ rách, vá nhiều chỗ, đi chân đất, tay cắp chiếc rổ theo sau mấy bà nội trợ. Lúc cô bé quay lại mắng mấy đứa trẻ tinh nghịch hắt nước lên người cô, Dũng nhận được ngay cô ta là ai. Anh sững người mất một lát, rồi đuổi theo vào chợ.
Chợ khá đông người, họp lộ thiên trên một mảnh đất trống, ồn ào và sặc sụa đủ mùi thực phẩm.
Cô bé bán vé số đang len vào chỗ hàng bán cá. Dũng đứng phân vân, rồi tiến lại gần. Cô bé giật mình khi thấy Dũng, tái mặt khẽ nói:
- Anh đi ngay đi, đừng đứng ở đây mà nguy cho cả hai đứa... Chiều nay, tôi sẽ gặp anh và nói rõ cho anh biết.
Nói đoạn cô bé lấm lét lẩn vào đám đông đi mất.
Dũng không theo nữa. Anh đã đọc được sự hoảng sợ trên nét mặt của cô và đem lòng thương hại. Chắc cô ta đang có điều gì bí ẩn muốn giấu.
Điều bí ẩn ấy, chiều nay, Dũng sẽ biết rõ, vì cô bé đã hứa với anh rồi.
@by txiuqw4