sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

III. Nhận Thức Luận: Luận Về Tri Thức

DIMITRI: Giờ tôi thấy dễ chịu rồi, Tasso ạ. Nuốt trôi xong được món logic, phần còn lại xem ra sẽ chỉ là một chuyến dạo chơi trong Acropolis.

TASSO: Acropolis nào?

DIMITRI: Kia kìa! Ngay trước mặt đấy! Có lẽ cậu nên làm một ly ouzo cho dịu đầu óc, bạn ạ.

TASSO: Nhưng đó là Acropolis hay chỉ là thứ mà cậu tin là Acropolis? Làm sao cậu biết được nó là thật? Mà trong chuyện này, làm sao cậu biết được một cái gì đó là thật?

DIMITRI: Đấy, cậu lại thế.

LÝ TÍNH ĐỌ VỚI THIÊN KHẢI

Vậy làm sao ta biết rằng mình biết điều gì đó, nếu quả thực ta biết điều gì đó?

Suốt thời Trung cổ, câu hỏi này đã dẫn đến niềm tin coi thiên khải vượt trên lý tính, là nguồn gốc của tri thức con người, hoặc ngược lại.

Một người trượt chân rơi xuống giếng sâu, lao thẳng đến mấy chục mét mới dừng lại nhờ níu được vào một đoạn rễ cây nhỏ. Nhưng bàn tay nắm đoạn rễ cứ yếu dần, yếu dần, anh ta tuyệt vọng kêu lên, “Có ai ở trên đó không?"

Anh ta nhìn lên, chỉ thấy một mảnh trời tròn. Đột nhiên, những đám mây rẽ ra, rồi một tia sáng chói lòa chiếu thẳng xuống anh ta. Một giọng trầm sâu rền vang, "Ta, Đức Chúa Trời đây. Con hãy buông tay khỏi cái rễ cây, ta sẽ cứu."

Anh chàng gặp nạn thoáng nghĩ trong tích tắc rồi gào lên, "Có ai khác ở trên đó không?"

Bị treo trên một cái rễ cây, người ta dễ có xu hướng nghiêng cán cân về phía lý tính.

Ở thế kỷ mười bảy, René Descartes đã chọn lý tính thay vì thần linh là nguồn gốc của tri thức. Điều này sẽ được nhận rõ khi đặt Descartes trước nguồn gốc ấy.

Có lẽ Descartes ước gì ông chưa từng nói “Cogito ergo sum” (Tôi tư duy vậy tôi tồn tại), bởi vì đó là tất cả những gì mà mọi người nhớ về ông - câu nói đó và chuyện ông đã thốt ra nó khi đang ngồi trong một lò bánh mì. Dường như thế còn chưa đủ tệ, mà “cogito” (tôi tư duy) của ông thường xuyên bị hiểu sai thành Descartes tin tư duy là đặc tính căn bản của con người. Phải, thực sự ông đã tin như thế, nhưng điều đó không liên quan đến Cogito ergo sum. Descartes đi đến cái cogito thông qua một thử nghiệm hoài nghi triệt để nhằm phát hiện liệu có cái gì mà ông có thể tin chắc; tức là, một cái gì mà ông không thể nghi ngờ. Ông khởi đầu bằng cách nghi ngờ sự tồn tại của thế giới bên ngoài. Điều đó khá dễ dàng. Có lẽ ông đang mơ màng hay đang bị ảo giác. Rồi ông thử nghi ngờ sự tồn tại của chính ông. Nhưng khi ông hoài nghi, ông vấp phải thực tế rằng để hoài nghi cần có kẻ hoài nghi. Đó là chính ông! Ông không thể hoài nghi chính sự hoài nghi của mình. Lẽ ra ông đã có thể tránh được nhiều diễn giải sai lạc nếu chỉ nói,“Dubito ergo sum." (Tôi hoài nghi vậy tôi tồn tại).

Các quan tòa ở tòa án hình sự Mỹ luôn yêu cầu bồi thẩm đoàn áp dụng phương pháp tìm kiếm độ xác tín của Descartes bằng cách xem xét bằng chứng kết tội bị cáo dựa trên tiêu chuẩn khắt khe gần như ngang với Descartes. Yêu cầu dành cho bồi thấm đoàn không giống như dành cho Descartes; quan tòa không quan tâm liệu bồi thẩm đoàn cóbất kỳ nghi ngờ nào về tội trạng của bị cáo, mà quan tâm đến những nghi ngờ xác đáng. Nhưng thậm chí tiêu chuẩn thấp hơn ấy cũng đòi hỏi bồi thẩm đoàn phải tiến hành những thử nghiệm trí não tương tự, và gần như triệt để không kém Descartes.

Một bị cáo hầu tòa vì tội giết người. Các chứng cứ buộc tội anh ta trong vụ án đã rất rõ ràng, nhưng không có xác chết. Kết thúc phần tranh biện của mình, vị luật sư bào chữa quyết định phải dùng mẹo. "Kính thưa quý bồi thẩm đoàn," ông ta nói. "Tôi có một điều ngạc nhiên dành cho tất cả quý vị - trong vòng một phút nữa, người bị cho rằng đã chết sẽ bước vào phòng xử án này."

Ông ta ngó ra cửa phòng xử án. Các vị hội thẩm sửng sổt, cũng hăm hở ngó ra. Một phút trôi qua. Không có gì xảy ra. Cuối cùng, luật sư nói, "Nói thật là tôi đã bịa ra chuyện người chết sẽ bước vào. Nhưng tất cả quý vị đều nhìn ra cửa chờ đợi. Vậy, tôi có thể nói với các vị rằng trong vụ này có một nghi ngờ hợp lý, rằng có phải có người đã bị giết hay không, do đó tôi phải yêu cầu các vị quay lại phán quyết 'vô tội'.

Bổi thẩm đoàn giải lao để cân nhắc. Vài phút sau, họ trở lại và ra phán quyết "có tội."

"Nhưng sao các vị có thể làm thế?" viên luật sư gầm lên. "Chắc chắn các vị đã nghi ngờ. Tôi thấy tất cả các vị đều nhìn chằm chằm ra cửa."

Chủ tịch bồí thẩm đoàn trả lời, "Ồ, chúng tôi đã nhìn, nhưng thân chủ của ông thì không."

CHỦ NGHĨA KINH NGHIỆM

Theo triết gia kinh nghiệm chủ nghĩa người Ireland thế kỷ mười tám, giám mục George Berkeley, thì “Esse est percipi” (“Tồn tại là được tri giác”), hay nói cách khác thì cái gọi là thế giới khách quan chỉ ở trong trí óc của chúng ta. Berkeley lập luận rằng chúng ta chỉ nhận được tri thức về thế giới này thông qua các giác quan của mình. (Các nhà triết học gọi loại thông tin này là “dữ liệu giác quan.”) Vượt khỏi các dữ liệu giác quan này, Berkeley nói, ta không thể suy đoán được bất cứ điều gì khác, chẳng hạn như sự tồn tại của các vật chất ngoài kia đang phát ra những rung động kích thích các giác quan của chúng ta. Nhưng vị giám mục đáng kính này lại tiếp tục suy luận rằng những dữ liệu giác quan phải đến từ nơi nào đó, do đó nơi nào đó phải là Chúa. Về cơ bản, tư tưởng của Berkeley là Chúa ở trên kia đang gõ những dữ liệu giác quan lên một Website vũ trụ mà tất cả chúng ta đều cập nhật được 24/7. (Thế mà chúng ta cứ nghĩ Chúa chỉ làm việc 24/6!)

George Berkeley (1685-1753): giám mục Ireland, nhà thần học và triết gia đề xướng thuyết duy tâm chủ quan cực đoan với luận điểm nổi tiếng:"Esse est percipi aut percipere" (Sự tồn tại của các đối tượng là cái được tri giác, còn sự tồn tại của các chủ thể là sự tri giác.)

Có câu chuyện rằng người cùng thời với Berkeley là tiến sĩ Samuel Johnson, khi biết đến luận điếm “Esse est percipi”, đã đá vào một cái cột và la lên, “Tôi bác bỏ giám mục Berkeley như thế đấy!"

Đối với Berkeley, câu chuyện đó hẳn giống như một trò cười. Cú đá ấy và ngón chân bị đau sau cú đá chỉ chứng tỏ rằng Chúa vẫn đang bận rộn với nhiệm vụ của ngài là gửi các dữ liệu giác quan đã được định vị đến với tiến sĩ Johnson: đầu tiên là cảm giác cử động của chân bị chặn, và ngay sau đó là cảm giác đau.

Tình huống phức tạp hơn nhiều khi nguồn gốc dữ liệu giác quan của chúng ta là một người khác:

Một người đàn ông lo vợ mình nghễnh ngãng bèn tìm đến bác sĩ. Bác sĩ khuyên ông ta thực hiện một bài kiểm tra đơn giản ở nhà như sau: đứng phía sau vợ hỏi một câu gì đó, đầu tiên cách sáu mét, rồí ba mét, và cuối cùng đứng sát sau lưng.

Người đàn ông đi về nhà, thấy vợ đang đứng nấu nướng, quay mặt vào bếp lò.

"Tối nay nhà ta có món gì thế bà?" ông ta hỏi từ ngoài cửa.

Không có câu trả lời.

Tiến lên cách vợ ba mét, ông ta nhắc lại câu hỏi, "Tối nay nhà ta có món gì thế bà?"

Vẫn không có câu trả lời.

Cuối cùng, ông ta đứng sát sau lưng vợ và hỏi, "Tối nay nhà ta có món gì thế bà?"

Đến lúc này, bà vợ mới quay lại đáp, “Tôi bảo ông đến lần thứ ba rồi đấy nhé - gà!"

A, đôi vợ chồng này đúng là có rắc rối lớn với việc diễn giải dữ liệu giác quan.

PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC

Ngày nay, có lẽ không cần thông minh lắm ta cũng biết rằng toàn bộ tri thức về thế giới bên ngoài đều được lĩnh hội thông qua các giác quan của chúng ta. Nhưng xưa kia thì không phải lúc nào cũng vậy. Trong quá khứ, nhiều triết gia cho rằng có những ý niệm bẩm sinh hiện hữu trong trí óc chúng ta là tiên nghiệm (a priori) - tức là có trước kinh nghiệm. Một số triết gia coi các ý niệm của chúng ta về Chúa là bẩm sinh; nhiều người khác khẳng định rẳng tư tưởng của chúng ta về tính nhân quả cũng là bẩm sinh.

Thậm chí bây giờ, khi ai đó nói, “Mọi sự xảy ra đều có lý do”, hay “Tôi tin vào sự đầu thai”, thì mệnh đề anh ta nêu lên đều không thể khẳng định hay phủ định bằng kinh nghiệm. Những phần lớn chúng ta thừa nhận rằng bằng chứng xác tín nhất về tình trạng thế giới bên ngoài là kinh nghiệm thuộc cảm giác, và theo nghĩa đó tất cả chúng ta đều là những nhà chủ nghĩa kinh nghiệm. Tất nhiên, trừ phi chúng ta là vua nước Ba Lan, một ngoại lệ chứng minh cho nguyên tắc sau:

Đức vua Ba Lan cùng đoàn tùy tùng toàn các vị vương hầu bá tước vào rừng săn nai. Đoàn săn hoàng gia vừa đến gần khu rừng, bỗng từ sau một thân cây có gã nông nô chạy vụt ra, vẫy tay rối rít và la lên, "Tôi không phải là một con nai!"

Nhà vua bèn rút cung tên, bắn thủng tim gã nông nô, giết chết hắn trong tích tắc.

"Tâu bệ hạ," một công tước thưa, "sao ngài tại làm thế? Hắn đã kêu rằng hắn không phải là nai kia mà."

"Trời ơi," nhà vua đáp. "Thế mà ta cứ tưởng hắn nói hắn là một con nai."

Thôi được, giờ ta sẽ so sánh ông vua ấy với một nhà khoa học có đẳng cấp.

Một nhà khoa học cùng vợ chạy xe về nông thôn. Cô vợ nói, "ô, anh nhìn kìa! Lũ cừu đã được xén lông."

"Ừ," nhà khoa học đáp. "Phía bên này thôi."

Thoạt tiên chúng ta có thể nghĩ rằng người vợ chỉ nói ra một ý kiến dựa trên kinh nghiệm thông thường, còn nhà khoa học thì nêu quan điểm cẩn trọng và mang tính khoa học hơn, từ chối sử dụng bằng chứng không có trong cảm giác của bản thân. Nhưng chúng ta đã lầm. Thật ra chính câu nói của người vợ mói là định thức được đa số các nhà khoa học coi là giả thuyết mang tính khoa học hon. “Kinh nghiệm” của nhà kinh nghiệm chủ nghĩa không hạn chế trong kinh nghiệm cảm giác trực tiếp. Các nhà khoa học dùng những kinh nghiệm trước đó của mình để tính toán các khả năng và suy ra những nhận định tổng quát hơn. Điều mà người vợ nói thật ra là, “Thứ tôi nhìn thấy là những con cừu đã được xén lông, ít nhất là từ phía bên này. Từ kinh nghiệm trước đây tôi biết rằng người nuôi cừu thường không xén lông cừu chỉ một bên hông, và ngay cả khi họ làm như thế, thì khả năng để lũ cừu tự sắp xếp trên sườn đồi sao cho phần đã xén lông của chúng quay ra đường là vô cùng nhỏ. Nên tôi cảm thấy chắc chắn khi nói rằng, ‘Lũ cừu kia đã được xén sạch lông.”

Chúng tôi đồ rằng nhà khoa học trong truyện cười này thuộc loại ngộ chữ. Hoặc nói rõ hơn, chúng tôi cho rằng một người không thể suy luận bằng kinh nghiệm sẵn có của mình thì thật tối dạ, hay đúng là một Sardar - theo cách nói của người Ấn Độ.

Sardar là tước vị phổ biến trong cộng đồng người Sikh (Ấn Độ). Trước khi người Anh chiếm Punjab vào năm 1849, Sardar được dùng để gọi các thủ lĩnh quân sự và đại diện tầng lớp phong kiến người Sikh. Khi châm biếm, hài hước, Sardar đồng nghĩa với "tối dạ, ngốc..."

Một cảnh sát New Delhi tiến hành sát hạch ba Sardar được huấn luyện làm thám tử. Để khảo sát kỹ năng nhận diện kẻ tình nghi của bọn họ, anh ta cho Sardar thứ nhất xem một bức ảnh trong năm giây rồi giấu đi. "Đây là một kẻ tình nghi. Anh nhận ra hắn bằng cách nào?"

Anh chàng Sardar đáp, "Rất dễ, chúng ta sẽ tóm được hắn ngay vì hắn chỉ có một mắt!"

Viên cảnh sát nói, "Anh đúng là Sardar! Đó là bởi vì bức ảnh tôi cho anh xem là hình chụp nghiêng."

Sau đó, viên cảnh sát lại giơ bức ảnh ra trong năm giây và hỏi Sardar thứ hai, "Đây là một kẻ tình nghi. Anh nhận ra hắn bằng cách nào?"

Sardar thứ hai mỉm cười và nói, "Ha! Bắt hắn quá dễ, vì hắn chỉ có một tai."

Viên cảnh sát giận dữ, "Hai người các anh làm sao thế? Tất nhiên chỉ có một mắt và một tai lộ ra, vì đây là hình trông nghiêng của hắn! Đó là câu trả lời hay ho nhất mà các anh có được đấy rồi sao?"

Hết sức thất vọng, viên cảnh sát giơ bức ảnh cho Sardar thứ ba, hỏi bằng giọng gay gắt, "Đây là một kẻ tình nghi. Anh nhận ra hắn bằng cách nào?"

Sandar thứ ba nhìn bức ảnh chăm chú một lát rồi nói, "Kẻ tình nghi này mang kính áp tròng."

Viên cảnh sát giật mình, vì chính anh ta cũng không biết kẻ tình nghi có mang kính áp tròng hay không. "Hay lắm, thật là câu trả lời thú vị," anh ta nói. "Anh đợi đây một lát để tôi kiểm tra lại hồ sơ của hắn, rồi sẽ thông báo kết quả."

Anh ta về phòng làm việc của mình, kiểm tra hồ sơ của kẻ tình nghi trong máy tính, rồi quay lại mỉm cười. "Chà! Không thể tin được. Đúng thế đấy! Kẻ tình nghi này quả nhiên có mang kính áp tròng. Giỏi lắm! Làm sao anh có thể quan sát sắc sảo thế?"

"Dễ ợt," Sardar trả lời. "Hắn không thể đeo kính thường bởi vì hắn chỉ có một mắt và một tai."

Sự thắng thế của chủ nghĩa kinh nghiệm trong nhận thức luận phương Tây được phản ánh qua thực tế rằng chúng ta mặc nhiên coi nó là phương pháp kiểm tra mà mọi người đều sử dụng:

Ba phụ nữ đang thay quần áo trong phòng thay đồ để chuẩn bị chơi bóng vợt (Racquetball) thì có một người đàn ông trần truồng trùm mỗi cái bao trên đầu chạy qua. Bà thứ nhất nhìn mẩu xúc xích của anh ta và nói, "Không phải chồng tôi". Bà thứ hai nói, "Không, không phải đâu". Bà thứ ba nói, "Hắn thậm chí không phải thành viên câu lạc bộ này".

Tuy vậy, bất chấp sự thắng thế của chủ nghĩa kinh nghiệm và khoa học, nhiều người vẫn tiếp tục lý giải các sự kiện khác thường như là những phép lạ chứ không phải là kết quả của những nguyên nhân tự nhiên. David Hume, triết gia kinh nghiệm chủ nghĩa hoài nghi Anh, phát biểu rằng niềm tin vào phép lạ có thể có cách giải thích hợp lý duy nhất nếu tất cả những phương án khác còn khó tin hơn. Chẳng hạn, một người khăng khăng cho rằng anh ta có cây cọ cảnh biết hát những khúc aria trong vở Aida của Verdi. Điều nào khó tin hơn đây: cây cọ cảnh có khả năng phá vỡ quy luật tự nhiên hay anh chàng này điên, bịa tạc, hoặc ăn phải nấm độc? Câu trả lời của Hume: “Vớ vẩn!” (Chỗ này chúng tôi quả tình có hơi xuyên tạc lời ông ấy!) Do khả năng người kể chuyện bịa đặt hoặc thổi phồng sự thật cao hơn nhiều so với khả năng cây cọ phá vỡ quy luật tự nhiên, Hume hẳn không thấy có cái lý nào để kết luận rằng đã có một phép lạ xảy ra. Ngoài ra, hầu như ai cũng biết cây cọ cảnh thích Puccini hơn Verdi.

Thật thú vị, trong câu chuyện dưới đây, Bill, một người có vẻ giống môn đệ của Hume, đã thẩm định cả điều coi là phép lạ, nhưng rốt cuộc thì đi đến kết luận rằng phương án giải thích khác thậm chí còn khó tin hơn:

Một hôm Bill than phiền với người bạn rằng khuỷu tay anh ta rất đau. Người bạn khuyên anh ta đến gặp vị đạo sư sống trong một cái hang gần đó. "Cậu chỉ việc để lại chút nước tiểu ở ngoài cửa hang, ông ấy sẽ quán tưởng về nó, sẽ chẩn đoán chuẩn xác bệnh của cậu, và nói cho cậu biết phải làm gì. Chỉ mất có mười đô la thôi."

Bill nghĩ cũng chẳng tốn kém mấy, nên lấy một ít nước tiểu vào bình rồi đặt ngoài cửa hang cùng tờ mười đô la. Hôm sau, anh quay lại, ở đó đã có mẩu giấy viết sẵn cho anh: "Anh bị đau khuỷu tay. Hãy ngâm cánh tay bằng nước ấm. Tránh nâng vật nặng. Sau hai tuần sẽ đỡ."

Tối muộn hôm đó Bill mới sực nghi ngờ rằng "phép lạ" của đạo sư chỉ là trò bịp do anh bạn kia bày đặt ra, có thể chính anh ta đã viết mẩu giấy và để ngoài cửa hang. Nghĩ vậy, Bill bèn quyết định chơi lại anh bạn kia. Anh khoắng một chút nước vòi (robinet), một chút phân chó, cùng nước tiểu của vợ và con trai. Anh hoàn tất bằng cách thêm vào đó chút chất thải của chính mình rồi để hỗn hợp trước cửa hang cùng tờ mười đô la. Xong xuôi, anh mới gọi người bạn để bảo anh gặp vài vấn đề nữa về sức khỏe và đã để một mẫu khác cho đạo sư.

Hôm sau, anh quay trở lại hang và thấy một mẩu giấy khác ghi rằng, "Nước vòi nhà anh quá nhiều tạp chất. Hãy kiếm một chiếc máy lọc. Con chó của anh có giun. Cho nó uống thuốc. Con trai anh đã dính cocain. Đưa nó đi cai nghiện. Vợ anh có song thai, con gái. Chúng không phải con anh. Tìm một luật sư. Còn anh nếu không chấm dứt tự sướng, cái tay đau sẽ không bao giờ khỏi."

Nhưng thông thường trong truyện cười cũng như trong triết học, những lý giải gây hoài nghi vẫn phổ biến hơn.

Ông lang già Bloom, chủ một tiệm đồ sắt trong vùng, nổi tiếng trị bệnh viêm khớp rất thẩn tình, bệnh nhân xếp hàng dài chờ ngoài cửa, trong đó có một bà già lưng còng, chống gậy lê từng bước.

Khi đến lượt, bà già bước vào phòng, nửa giờ sau đã bước ra, và thật kinh ngạc, lưng thẳng băng, đầu ngẩng cao.

Một bà đang đợi đến lượt mình kêu lên, "Kỳ diệu quá! Bà vào đây lưng còng mà sau nửa giờ bước ra lưng lại thẳng. Thầy lang đã làm gì vậy?"

Bà già đáp, "ông ấy cho tôi cái gậy dài hơn."

Một người mù đương nhiên cũng có thể là người kinh nghiệm chủ nghĩa, như anh chàng sau đây, mặc dầu dữ liệu thị giác không có trong kinh nghiệm của anh ta:

Hôm ấy là lễ Quá hải, một người Do Thái đang dùng bữa trưa trong công viên. Chợt một người mù ngồi xuống bên cạnh, người Do Thái bèn mời người mù chia sẻ đồ ăn với mình - một miếng bánh không men. Người mù đón lấy miếng bánh, sờ sẩm một lát rồi hỏi, "Ai viết nhăng cuội gì thế này?"

Bánh không men (matozh) mỏng như giấy, do cách nướng đặc biệt nên nổi sần lên thành hàng như những hàng chữ khiến người mù tưởng là chữ nổi.

Còn anh chàng trong câu chuyện dưới đây mắc sai lầm ngớ ngẩn khi tưởng rằng người mù không thể kiểm tra thông tin khi sử dụng những giác quan khác:

Một người dắt chó vào quán bar gọi đồ uống. Người pha rượu nói, "ông không được mang con chó đó vào đây!" Người kia không hề bối rối, đáp, "Nó là con chó dẫn đường của tôi đấy."

"Ồ, tôi xin lỗi!" người pha rượu nói. "Đây, ly thứ nhất tôi mời nhé." Người kia cầm lấy ly rượu đến ngồi xuống một bàn gần cửa.

Lại có người nữa dắt chó đi vào quán bar. Người dắt chó lúc nãy ngăn anh ta lại khẽ nhắc, "Anh không được dắt chó vào đây đâu, trừ phi anh bảo với anh ta nó là chó dẫn đường." Người thứ hai nhã nhặn cám ơn, tiếp tục đi đến quầy và gọi đồ uống. Người pha rượu nói, "Này, ông không được mang con chó đó vào đây!"

Người đán ông đáp, "Đây là con chó dẫn đường của tôi."

Người pha rượu nói, "Không, tôi không nghĩ thế. Không ai dùng Chihuahua làm chó dẫn đường cả."

Người đàn ông thoáng khựng lại nửa giây rồi kêu lên, "Hả?!?! Họ đưa cho tôi một con Chihuahua?!?"

CHỦ NGHĨA DUY TÂM ĐỨC

Nhưng nếu để tâm suy nghĩ, thì dù sao mỗi vật thể cũng phải gắn với một cái gì đó khác nữa ngoài các dữ liệu giác quan chứ! Ấn đâu đó ở đằng sau nó chẳng hạn.

Triết gia Đức thế kỷ mười tám Immanuel Kant nghĩ vậy. Ông đọc các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa Anh, và như ông diễn tả, họ đã làm ông thức tỉnh khỏi cơn mê giáo điều. Kant từng cho rằng trí óc của chúng ta có thể cho ta biết chắc thế giới thực sự thế nào. Nhưng các nhà kinh nghiệm chủ nghĩa đã chứng minh, vì tri thức của chúng ta về thế giới bên ngoài đến với chúng ta qua các giác quan, nên ở một mức độ nào đó, nó luôn không chắc chắn. Một quả dâu chỉ đỏ và ngọt khi nó được kiểm tra bằng những công cụ nhất định - mắt và các nụ vị giác của chúng ta. Chúng ta biết một số người có cấu tạo nụ vị giác khác thường có thể không cảm thấy quả dâu ngọt. Vì vậy, Kant thắc mắc, quả dâu “tự thân” là gì mà có vẻ đỏ và ngọt - hoặc ở một trạng thái khác - khi đi qua công cụ cảm giác của chúng ta?

Kant kết luận rằng chúng ta không thể biết sự vật tự thân là gì. Ding an sich, vật-tự-thân, theo Kant là “bằng x” (ẩn số). Chúng ta chỉ có thể biết thế giới hiện tượng, thế giới của các biếu hiện bên ngoài; chúng ta không thể biết gì về thế giới bản thể, siêu nghiệm ở phía sau các biểu hiện bên ngoài.

Với quan điểm đó, Kant đã thách thức vô số các luận thuyết triết học. Lý trí không thể cho ta biết về thế giới nằm bên ngoài giới hạn các cảm giác của ta. Kể cả vị Chúa-thư-ký-nhập-dữ-liệu của Berkeley, lẫn tất cả các giải thích siêu hình về thế giới đều không đem lại cho chúng ta hình dung chân thực về thế giới. Triết học từ nay không bao giờ còn như trước nữa.

Thư ký: Thưa bác sĩ , có một người vô hình trong phòng đợi.

Bác sĩ: Bảo là tôi không thể gặp anh ta được. (*)

(*)Chơi chữ:I can’t see him: không thể nhìn thấy, hay từ chối gặp.

Có thể chuyện cười này không giúp bạn hiểu được những lý giải phân biệt thế giới hiện tượng và thế giới bản thể của Kant. Đó là vì nó đã bị rơi rụng ít nhiều khi chuyển ngữ. Đây là nguyên bản chúng tôi nghe được trong quán rượu tầng hầm của trường đại học Königsberg:

Thư ký: Herr Doktor (thưa bác sĩ), có một ding an sich trong phòng đợi.

Bác sĩ tiết niệu: Lại một ding an sich! Nếu hôm nay mà tôi thấy thêm một gã nữa thì tôi sẽ khóc thét lên mất! Ai vậy?

Thư ký: Làm sao tôi biết được?

Bác sĩ tiết niệu: Cô tả hắn cho tôi.

Thư ký: Ông đang đùa à!

Bạn có nó rồi đấy: một truyện cười chính hiệu về sich (vật tự thân).

Câu chuyện này sâu sắc hơn ta thoạt tưởng. Cô thư ký đã chọn, vì một lý do nào đó chỉ có một mình cô rõ nhất, không chia sẻ với bác sĩ dấu hiệu cô biết về việc có mộtding an sich trong phòng đợi. Dù dấu hiệu đó là cái gì, nó phải là mang tính hiện tượng!. (Nếu bạn vẫn đang theo sat chúng tôi nói gì). Cái gì mách nước cho cô? Phải là cái gì đó trong phạm vi các giác quan, có thể là giác quan thứ sáu, có thể chỉ là giác quan từ một đến năm, nhưng chắc chắn nó là một gíac quan theo nghĩa nào đó. Ở đây có một câu chuyện ẩn phía sau. Là cô thư ký đã hoàn thành luận án tiến sĩ về Phê phán Lý tính Thuần túy của Kant trước khi phát hiện ra rằng lựa chọn sự nghiệp thích hợp nhất với cô chính là nghề thư ký và công việc với nồi xoong bếp núc. Do đó, cô hiểu yêu cầu của bác sĩ, “tả hắn cho tôi”, không có nghĩa là “Cô đang trải nghiệm hiện tượng cảm tính nào?” mà là “hãy tả hắn như hắn vốn là, đằng sau những biểu hiện bề ngoài”. Dễ hiểu vì sao cô phật ý với yêu cầu này, mặc dù về sau cô đã bình tâm lại và cưới Helmut, người em họ của bác sĩ, và đã nuôi nấng ba đứa con đáng yêu.

Đối với Kant và những nhà nhận thức luận sau ông, câu hỏi chúng ta có thể biết cái gì và biết nó như thế nào có thể được diễn giải thành: chúng ta có thể nói gì, một cách đầy đủ ý nghĩa, về việc chúng ta biết cái gì và biết nó như thế nào. Loại mệnh đề nào về thế giới chứa đựng trí thức về thế giới?

Kant bắt tay giải quyết nhiệm vụ trả lời câu hỏi đó bằng cách chia các mệnh đề ra làm hai phạm trù: phân tích và tổng hợp. Mệnh đề phân tích là mệnh đề đúng theo định nghĩa. Mệnh đề “Tất cả thú mỏ vịt là động vật có vú” là mệnh đề phân tích. Nó không cung cấp thêm điều gì mới về bất kỳ con thú mỏ vịt có thật nào, ngoài những gì mà ta có thể biết được đơn giản bẳng cách tra từ “thú mỏ vịt” trong từ điển. Trái lại, “Một số con thú mỏ vịt bị lác mắt” là mệnh đề tổng hợp. Nó cho chúng ta một thông tin mới vềthế giới, bởi vì “bị lác mắt” không nằm trong định nghĩa về “thú mỏ vịt”. “Một số con thú mỏ vịt “bị lác mắt” nói với chúng ta thông tin về những con thú mỏ vịt mà chúng ta không thể tìm thấy bằng cách tra từ “thú mỏ vịt” trong từ điển.

Tiếp theo, Kant phân biệt mệnh đề a priori (tiên nghiệm) với a posteriori (hậu nghiệm). Các mệnh đề tiên nghiệm là mệnh đề mà chúng ta có thể thiết lập trên cơ sở thuần túy lý tính, không cầu viện đến kinh nghiệm cảm tính. Mệnh đề trên của chúng ta, “Tất cả thú mỏ vịt là những động vật có vú”, được coi là mệnh đề tiên nghiệm. Chúng ta không cần quan sát một đám thú mỏ vịt để thấy điều đó đúng. Chúng ta chỉ cần tra trong từ điển. Phán đoán hậu nghiệm, trái lại, dựa trên kinh nghiệm cảm giác về thế giới. Mệnh đề “Một số con thú mỏ vịt bị lác mắt” chỉ có thể thiết lập được qua kết quả quan sát nhiều con thú mỏ vịt - hoặc của chính chúng ta, hoặc của người khác mà chúng ta tin cậy.

Có hàng trăm truyện cười xoay quanh sự nhầm lẫn giữa những mệnh đề phân tích tiên nghiệm với những mệnh đề tổng hợp hậu nghiệm:

Một cách đảm báo trường thọ chắc chắn: mỗi ngày ăn một viên chả băm trong một trăm năm.

Cốt lõi của truyện cười này nằm ở chỗ nó đưa một “giải pháp” phân tích tiên nghiệm cho một vấn đề cần đến một giải pháp tổng hợp hậu nghiệm. Câu hỏi về một cách chắc chắn để sống lâu rõ ràng cần đến một số thông tin về thế giới. “Kinh nghiệm cho thấy điều gì dẫn đến trường thọ?” Chúng ta chờ đợi một câu trả lời đại loại “bỏ thuốc lá” hay là “uống 400 miligam Co-Enzyme Q-10 (Chất bổ sung dinh dưỡng, có tác dụng chống lão hóa, phòng chống bệnh tật) lúc đi ngủ”. Nhưng ở đây câu trả lời là phân tích, với một chút lạc đề về thịt băm viên làm trí óc của bạn mù mịt. “Để trường thọ, hãy sống một trăm năm, bởi vì một trăm năm, theo định nghĩa thông thường, là trường thọ. Ăn chút thịt viên nữa. Như thế không gây hại cho bạn đâu.” (Ờ, có lẽ tất cả những chất béo chuyển hóa trong thịt băm viên có thể gây hại, nhưng tất nhiên là không hại, nếu bạn ăn được một trăm năm).

Một truyện khác nữa:

Joe: Đúng là một ca sĩ huyền thoại, nhỉ?

Blow: Ha! Nếu tôi mà có giọng của anh ta, tôi cũng hát hay như thế.

Vẫn cùng một kiểu. Điều chúng ta ngụ ý khi nói “ca sĩ huyền thoại” là người có giọng hát tuyệt vời - thứ mà một nghệ sĩ biểu diễn đương nhiên phải có. Do đó, tuyên bố của Blow “Nếu tôi có giọng của anh ta, tôi cũng hát hay như thế”, không cho chúng ta biết thêm điều gì mới về khả năng ca hát của Blow. Câu nói của Blow thực ra là: “Nếu tôi là một ca sĩ huyền thoại, tôi sẽ là một ca sĩ huyền thoại.” Và nếu điều đó không đúng theo định nghĩa, thì chẳng có gì đúng.

Còn đây là một minh chứng phức tạp hơn khi người ta lẫn lộn mệnh đề tổng hợp hậu nghiệm và mệnh đề phân tích tiên nghiệm:

Một người thử bộ đồ đặt may và nói với thợ may, "Tôi muốn ống tay áo nầy ngắn bớt đi một chút! Nó dài quá đến năm phân!"

Người thợ may nói, "Không cần đâu, anh cứ gập khuỷu tay lại như thế này này. Đấy, nó sẽ kéo ống tay áo lên."

Người kia nói, "Thôi được, nhưng nhìn cái cổ áo xem! Khi tôi co khuỷu tay, thì cổ áo xốc lên đến nửa đoạn gáy."

Người thợ may nói, "Vậy sao? Thế thì anh hãy ngẩng cao đầu và ngửa ra sau. Tuyệt lắm."

Người kia nói, "Nhưng bây giờ vai trái thấp hơn vai phải đến bảy phân!"

Người thợ may nói, "Không thành vấn đề. Anh lệch eo lưng qua trái một chút nó lại bẳng ngay."

Người kia mặc bộ đồ ra khỏi tiệm may, khuỷu tay phải gập, đầu ngả ra sau, thân mình đổ nghiêng qua trái. Anh ta chỉ có thể đi theo lối cà giựt, co quắp như người liệt.

Đúng lúc đó, có hai người đi đường để ý đến anh ta.

Người thứ nhất nói: "Trông anh chàng tật nguyền tội nghiệp chưa kìa. Tôi thấy thương quá."

Người thứ hai nói: "ừ, nhưng thợ may của anh ta tài quá! Bộ đồ đó vừa khít với anh ta không chê vào đâu được!"

Tổng hợp đối lập phân tích, phải không? (Và ở đây chúng ta không bàn đến vải.) Người lạ mặt đó nghĩ, “Người thợ đã may cho anh ta bộ đồ vừa khít không chê vào đâu được.” Đây là một mệnh đề tổng hợp hậu nghiệm có mục đích thông qua quan sát để cung cấp thông tin về người thợ may và tay nghề của ông ta thế hiện qua bộ đồ. Nhưng đối với người thợ may, “Bộ đồ tôi may là bộ đồ vừa khít không chê vào đâu được” thật ra là một mệnh đề phân tích. Với người thợ may, câu nói đó không khác gì, “Bộ đồ tôi may là một bộ đồ tôi may”: vì bất cứ bộ đồ nào người đàn ông kia mặc thử cũng sẽ vừa khít với anh ta, do người thợ may đã làm cho người kia vừa khít với bộ đồ.

TRIẾT HỌC VỀ TOÁN HỌC

Vậy còn nhận xét sắc sảo 2 + 2 = 4 của Dimitri nói lên điều gì? Có phải đó là một mệnh đề phân tích, đúng theo định nghĩa? Liệu có phải tổng của 2 với 2 thuộc về định nghĩa của số 4 không? Hay nó là tổng hợp? Nó có cung cấp cho ta hiểu biết mới về thế giới không? Có phải chúng ta đạt tới kết luận đó bằng cách đếm hai vật rồi lại đếm thêm hai vật nữa và sau đó, đếm toàn bộ không? Thổ dân bộ lạc Voohoona ở vùng núi hẻo lánh ở Australia làm đúng như vậy.

Một người Voohoona nói với nhà nhân loại học phương Tây: 2 + 2 = 5. Nhà nhân loại học hỏi anh ta biết điều đó bằng cách nào. Anh thổ dân đó đáp, "Tất nhiên là bằng cách đếm. Đầu tiên tôi buộc hai cái nút trên một sợi dây thừng. Sau đó tôi buộc hai cái nút nữa trên một sợi dây thừng khác. Khi tôi buộc hai sợi dây lại với nhau, tôi có năm cái nút."

Triết học về toán học hầu như hoàn toàn mang tính kỹ thuật và rất khó. Điều duy nhất bạn thật sự cần biết là, khi nói đến toán học, có ba loại người: những người biết đếm và những người không biết đếm.

CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG

Đối với một nhà thực dụng chủ nghĩa theo tinh thần nhận thức luận như triết gia Mỹ cuối thế kỷ mười chín William James, chân lý của một mệnh đề nằm ở hệ quả thực tế của nó. Theo James, chúng ta chọn chân lý của mình bởi điều khác biệt nó sẽ tạo nên trong thực tế. Chúng ta nói định luật hấp dẫn của Newton là đúng không phải vì nó phù hợp với cái cách sự vật “thật sự là” mà bởi vì nó đã chứng tỏ là có ích trong việc tiên đoán hoạt động của hai vật thể tương quan với nhau ở nhiều loại tình huống khác nhau: “Này, tôi cá rằng những quả táo sẽ rơi xuống ngay cả ở New Jersey.” Cái ngày mà một lý thuyết không còn có ích nữa là ngày chúng ta sẽ thay thế nó bằng một lý thuyết khác.

Một phụ nữ báo với cảnh sát rằng chồng mình mất tích. Khi cảnh sát yêu cầu mô tả, bà ta nói:

“Ông ấy cao một mét tám lăm, vạm vỡ, tóc quăn, dày."

Bạn bà ta nói, "Bà đang nói cái gì đấy? Chồng ba cao một mét sáu, hói đầu và phệ bụng cơ mà?"

Ba ta đáp, "Ai cần cái người như thế trở về chứ?"

Đoạn đó thì nhiều người biết. Có thể chính bạn cũng đã nghe rồi. Nhưng đoạn đối thoại tiếp theo sau đây thì ít được biết đến hơn:

Viên cảnh sát nói, "Thưa bà, chúng tôi đang yêu cầu bà mô tả chồng phù hợp với người chồng thật của bà."

Người đàn bà đáp, "Phù với hợp cái gì! Sự thật không thể được xác định chỉ dựa theo các tiêu chí nhận thức luận, bởi vì các tiêu chí ấy không thể thỏa đáng nếu được xác định mà không tính đến mục tiêu được tìm kiếm và những giá trị được nắm giữ. Tức là nói tóm lại, sự thật là thứ mang lại sự thỏa mãn, mà thề có Chúa, ông chồng tôi không được như thế."

HIỆN TƯỢNG LUẬN

Sau khi bay lên những đỉnh cao trừu tượng, triết học lại hạ cánh bằng cuộc tiếp đất nhẹ nhàng xuống những kinh nghiệm bình thường của đời sống thường nhật. Điều này xảy ra với nhận thức luận vào đầu thế kỷ hai mưoi, khi các nhà hiện tượng luận tranh cãi “biết một cái gì đó” thực sự nghĩa là gì. Là một phương pháp luận hơn là tập hợp cácnguyên lý triết học, hiện tượng luận tìm cách hiểu kinh nghiệm con người như nó đang sống chứ không như những dữ liệu khách quan. Cách tiếp cận này giống của một tiểu thuyết gia hơn là của một triết gia thiên về trừu tượng.

Từ tiếng Đức einfühlung có nghĩa là “thấu cảm” hay “đồng cảm” được các nhà hiện tượng luận như Edmund Husserl dùng để nói về phương pháp nhận thức tìm cách thâm nhập vào kinh nghiệm của người khác để tri giác thế giới theo cùng cách mà người đó tri giác; hay nói cách khác là đặt mình vào vị trí của người khác.

"Bác sĩ Janet," người phụ nữ bối rối nói. "Tôi có vấn đề về tình dục. Chồng tôi không thể làm tôi hứng lên được."

Bác sĩ Janet nói, "Thôi được, ngày mai tôi sẽ khám kỹ. Hãy đưa cả chồng chị đến nhé."

Hôm sau, người phụ nữ đến cùng với ông chồng. "Xin hãy cởi quần áo ra, ông Thomas," bác sĩ nói. "Bây giờ hãy xoay một vòng. Tốt lắm, còn bây giờ xin hãy nằm xuống. À-há, tôi thấy rồi. Xong rồi, ông có thể mặc lại quần áo."

Bác sĩ Janet kéo người phụ nữ sang một bên. "Chị hoàn toàn khỏe mạnh," cô nói. "ông ấy cũng không làm tôi hứng lên được."

DIMITRI: Phải công nhận, Tasso ạ, cái món nhận thức luận này đáng để biết lắm.

TASSO: Đáng? Về phương diện nào? Cậu nói “đáng” ý là sao?

DIMITRI: Trước khi trả lời, tôi có một câu hỏi cho cậu. Cậu có biết “nhọt mông” nghĩa là gì không?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx