sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 13

Không nên để trẻ ra khỏi tầm mắt của người lớn

Trẻ độ tuổi này thường tò mò và háo hức khám phá hết cái này đến cái kia nên cha mẹ luôn phải để ý đến trẻ. Chỉ cần bạn sao nhãng trong giây lát là trẻ sẽ đi ra khỏi nhà ngay lập tức hoặc đang chọn đồ trong siêu thị, bạn thả tay trẻ trong giây lát, sau đó bạn quay lại thì trẻ đã đi đâu mất rồi. Khi đi biển nhất định bạn không được lơ là bởi chỉ cần không để ý chút xíu là trẻ sẽ chạy xuống nước ngay.

• Cha mẹ phải chấp nhận những gì là bản năng của trẻ, chú ý cẩn thận hơn với trẻ, nhưng cũng đừng cản trở sự tò mò của trẻ. Bạn phải có thái độ tích cực trước những phản xạ bản năng của trẻ, không nên cấm đoán hay ngăn cản sự háo hức thích luyện tập kỹ năng đi và khám phá sự vật của trẻ.

• Tìm cách thức xử lý phù hợp với trẻ bởi bạn không thể ngăn cấm hoặc vạch ra giới hạn cho trẻ trong việc khám phá. Đối với trẻ, không có giới hạn nào cho sự tò mò của bản thân.

• Nên tạo ra một môi trường để trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều sự vật, sự việc dưới các hình thức khác nhau, cho trẻ có cảm giác tự do trong việc khám phá và dùng tay tiếp xúc với đồ vật. Bên cạnh đó bạn cũng không nên để cho trẻ tùy tiện sờ vào mọi vật mà không có sự phân biệt bởi một số vật sẽ gây nguy hiểm hoặc độc hại cho trẻ.

• Việc ngăn cấm trẻ không phải lần nào cũng có tác dụng, ngược lại còn gây cảm giác khó chịu cho trẻ bởi trẻ không hiểu tại sao lại không được chơi cái đó. Tốt nhất cha mẹ nên cất hết những đồ vật có thể gây nguy hiểm vào nơi mà trẻ không thể lấy ra được.

• Quy định giới hạn được cho phép. Với những phòng có đồ đạc dễ gây nguy hiểm, cha mẹ nên khóa cửa lại rồi sắp xếp một nơi phù hợp cho trẻ được vui chơi. Không gian này không nên chỉ giới hạn ở một căn phòng hay những nơi nhàm chán. Phòng khách, phòng ngủ, thậm chí cả phòng bếp đều nên cho trẻ vào chơi và khám phá, tuy nhiên trẻ phải luôn ở trong tầm mắt của người lớn.

Sự khó chịu

Những việc hoặc trò chơi phải sử dụng đến các cơ nhỏ thường cần đến sự cẩn thận, tỉ mỉ nên dễ gây ra sự khó chịu cho trẻ ở độ tuổi này.

Ví dụ như trẻ cố gắng đi tất cho búp bê, khi không làm được một số trẻ có thể ném búp bê đi hoặc cáu gắt nhưng rồi lại nhặt lên để làm lại. Một số trẻ thì gọi hoặc tỏ ý muốn người lớn đến giúp. Khi đã làm xong với sự giúp đỡ của người lớn, trẻ mới hài lòng.

Có thể thấy rằng mục tiêu của trẻ xa hơn khả năng thực tế nên trẻ chưa thể làm được những gì mình muốn, và điều này khiến trẻ luôn cảm thấy khó chịu. Nhưng không vì thế mà trẻ sẽ dễ dàng từ bỏ. Bạn sẽ thấy trẻ rất kiên nhẫn, quyết tâm và cố gắng đút quả nho khô vào miệng một chiếc chai nhỏ. Nếu không thành công trẻ sẽ bực bội và tạm thời mất kiên nhẫn.

Cha mẹ nên giúp trẻ bằng cách như nếu trẻ muốn xếp vòng tròn vào cột, bạn có thể dắt tay trẻ lại gần mục tiêu khoảng 2 - 3 lần. Khi đã biết được khoảng cách và thành công (cùng với sự giúp đỡ của bạn) trẻ sẽ tự tin và hài lòng để tự mình thử làm nhiều hơn.

Cha mẹ nên lựa chọn hoặc sắp xếp đồ chơi phù hợp với tay của trẻ để trẻ dễ dàng thành công trong trò chơi hơn. Ví dụ với trò chơi thả hình vào ô, bạn nên chọn hình có kích thước lớn và ô lớn một chút để trẻ dễ dàng thả vào. Với loại đồ chơi xếp hình hoặc cho bóng vào lỗ thì quả bóng không nên quá to sẽ khiến trẻ khó cầm. Nên có ghế cao để trẻ cùng ngồi bên bàn ăn với mọi người và có thể lấy được đồ ăn giống mọi người.

Tại sao trẻ lại ngang bướng?

Trẻ ở độ tuổi 13 - 14 tháng thường bướng bỉnh.

Dường như trẻ biết dùng từ “không” nhiều hơn từ “có” và từ “được”. Từ “không” của trẻ có nhiều nghĩa khác nhau. Trẻ sẽ trả lời “không” ngay lập tức khi bạn gọi và chạy trốn ngay khi bạn nói “đừng”

Nhiều khi trẻ nói “không” nhưng vẫn có nghĩa là “có” và “được”. Bạn hỏi trẻ: “Con có ăn bánh không?”. Ngay lập tức trẻ sẽ lắc đầu và nói “không” nhưng lại chìa tay ra để xin hoặc sau đó mới nghĩ ra liền gật đầu và nói “có”.

Sự bướng bỉnh này của trẻ là một phần trong quá trình xây dựng tính cách tự chủ và thử nghiệm sức mạnh quyền lực của bản thân thông qua việc dùng từ “không” và động tác lắc đầu.

Các nhà tâm lý học đã đưa ra những gợi ý cho các bậc cha mẹ nhằm tránh việc trẻ hình thành tính ích kỷ như sau:

Cha mẹ nên quy định thời gian và lên kế hoạch trước: nếu bạn muốn trẻ thức dậy và ra khỏi phòng ngủ, ra khỏi chậu tắm, chuẩn bị đi ra ngoài với mẹ… hãy lên kế hoạch hoặc đặt lịch trình xem nên làm việc gì trước, việc gì sau. Bạn hãy cho trẻ một khoảng thời gian để chuẩn bị như 5 phút để trẻ kêu ca, phàn nàn, khó chịu, từ chối, phản đối và 5 phút để làm cho xong theo mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, bạn cũng nên nói cho trẻ biết rằng tiếp theo trẻ phải làm gì.

Tránh những câu hỏi dễ nhận được câu trả lời “không” từ trẻ. Ví dụ bạn không nên hỏi trẻ những câu như “Bây giờ con có muốn đi về nhà luôn không?” hay “Con có muốn đi rửa tay không?” mà nên nói ngay rằng “Một chút nữa chúng ta sẽ về nhà đấy!” hoặc “Đến giờ đi ngủ rồi!” để tránh gặp phải những câu trả lời hoặc tránh vấp phải sự phản đối và từ chối của trẻ.

Khả năng hòa nhập với xã hội

Hoạt động giao tiếp đầu tiên đưa trẻ sơ sinh hòa nhập với mọi người và xã hội, đó là khóc. Khóc là cách thức tốt nhất để nói cho mẹ biết được nhu cầu và cảm giác của trẻ.

Việc tương tác lại những tín hiệu giao tiếp của trẻ một cách đúng đắn sẽ giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp và hòa nhập với xã hội tốt hơn. Kết quả nghiên cứu vào năm 1971 của các nhà nghiên cứu Donalda J. Stratton, Robert Hogan và Mary D. Salter Ainsworth thuộc Trung tâm Tâm lý học của trường Đại học Johns Hopkins về mối quan hệ giữa những hành vi của mẹ và IQ của trẻ cho chúng ta thấy rõ rằng một người mẹ nhạy cảm trước các tín hiệu hoặc phản xạ của trẻ sơ sinh, tạo điều kiện cho trẻ được tự do khám phá thế giới xung quanh, được chơi những trò chơi mang tính bổ trợ, nói chuyện nhiều với trẻ sẽ giúp trẻ phát triển chỉ số IQ cao hơn những trẻ không được kích thích.

Tình trạng bám mẹ là một dấu hiệu cho thấy trẻ muốn có cảm giác an toàn từ người mẹ trước khi khám phá các sự vật xung quanh. Việc người mẹ hiểu và cố gắng đưa trẻ đi chơi hoặc chơi với trẻ, đưa trẻ đi khám phá, đưa trẻ đi gặp gỡ, làm quen với người khác, lựa chọn những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, sẽ giúp trẻ dần cảm thấy tự tin và dũng cảm hơn để tự mình bước ra thế giới rộng lớn.

Việc tạo dựng nền tảng trong việc thiết lập những mối quan hệ với người khác cho trẻ phải bắt đầu từ việc cha mẹ hiểu được trẻ, chơi cùng trẻ, nói chuyện với trẻ, hiểu những tín hiệu mà trẻ phát ra ngay từ khi mới chào đời. Đến tháng thứ 14 này, trẻ sẽ bắt đầu có những biểu hiện bày tỏ nhu cầu, thái độ hài lòng hay không hài lòng và tức giận một cách rõ nét. Ví dụ: Khi giận dữ, trẻ sẽ quăng, ném đồ đạc, đạp chân, vặn người hoặc đánh mẹ…

Cha mẹ nên xem xét những hành vi được thể hiện ra của trẻ xem có phù hợp hay không, hành vi nào nên phát huy và hành vi nào nên ngăn cấm để trẻ nhận biết được rằng những biểu hiện nào được xã hội chấp nhận.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 14

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Tự đứng được;

• Quỳ gối xuống sàn hoặc xuống ghế;

• Bò qua được các chướng ngại vật thấp;

• Trèo lên cầu thang bằng cách bò;

• Bò giống như con gấu, nghĩa là trọng tâm cơ thể dồn vào hai tay và hai chân, gối không chạm đất;

• Đi và dừng lại được bằng cách bước hai chân so le nhau;

• Cúi xuống nhặt đồ chơi ở dưới sàn lên.

Các phần cơ nhỏ

• Nhặt và cầm những đồ nhỏ như thanh gỗ nhỏ hay thìa bằng một tay;

• Dùng cả hai tay để cầm miếng xếp hình hay bốn khối hình được một lúc;

• Khi chơi trò chơi xếp hình đã xếp được hai đến ba lớp;

• Ném hoặc vứt đồ chơi đi rồi đi ra nhặt lại;

• Với được đồ vật một cách chính xác vì đã biết ước lượng khoảng cách; cầm và nắm đồ vật thành thạo hơn.

Phát triển về ngôn ngữ

• Thích nghe âm thanh có nhịp, tiếng nhạc, thơ vần;

• Biết bày tỏ mong muốn bằng nhiều cách khác nhau ngoài việc khóc;

• Khi muốn lấy thứ gì thường kéo cha hoặc mẹ đến lấy giúp;

• Cố gắng hiểu ngôn ngữ và những câu nói đã được nghe;

• Biết tên gọi của đồ dùng hàng ngày như ghế, cốc, bình sữa, búp bê, phấn rôm, lược, áo, quần…;

• Nhớ được tên của các thành viên trong gia đình;

• Nói được 3 - 5 động từ như đi, chơi, ngủ, ăn…;

• Bắt chước được hầu hết các từ được dạy mặc dù chưa hiểu hết ý nghĩa.

Phát triển về tâm sinh lý

• Dường như thích khoe, thích biểu diễn nhiều hơn;

• Thường ném đồ đi khi tức giận;

• Đôi khi cũng sợ mắc lỗi;

• Muốn tự làm mọi việc.

Phát triển về mặt xã hội

• Biết thu hút sự chú ý của người khác;

• Khi ngủ dậy thường lên tiếng để cha mẹ chú ý;

• Ném đồ xuống sàn để cha mẹ phải chơi cùng (cha mẹ sẽ nhặt lên đưa cho trẻ rồi trẻ lại tiếp tục ném xuống);

• Bắt chước làm việc nhà;

• Nếu có người xin đồ chơi sẽ đưa cho, nhưng đôi khi đưa cho rồi sẽ lấy lại ngay;

• Có những biểu hiện như thích, không thích, tỏ vẻ biết và nhớ được;

• Tỏ vẻ hiểu khi bị người khác mắng;

• Thích hét to để thể hiện uy quyền.

Phát triển về nhận thức và khả năng của các giác quan

• Thích nhảy theo điệu nhạc;

• Thích lấy bút chì hoặc bút màu để tự tô vẽ mà không cần khuyến khích;

• Cố gắng xem, sờ và nếm tất cả đồ vật xung quanh;

• Biết được rằng hành động của mình sẽ tạo ra kết quả như thế nào;

• Cố gắng tìm những đồ vật bị giấu đi;

• Hiểu được mối quan hệ giữa vật đựng và đồ ở bên trong;

• Chỉ đúng những bộ phận trên cơ thể.

Trò chơi và đồ chơi

• Thích chơi một mình;

• Thích thú với việc ngồi bệt dưới sàn rồi đẩy quả bóng về phía cha mẹ hay anh chị;

• Thích chơi trò cưỡi ngựa, nhào lộn;

• Thích thú và hài lòng khi được chơi những trò chơi giả tưởng;

• Thích nói chuyện điện thoại đồ chơi bằng ngôn ngữ riêng của mình và kết thúc bằng từ “bai bai”;

• Thích thú với trò đuổi bắt.

Lịch trình hàng ngày

• Tự cầm cốc uống nước;

• Dùng thìa tự xúc thức ăn nhưng vẫn còn bị rơi vãi, bôi bẩn khắp mặt mũi, yếm dãi và bàn ghế;

• Hợp tác khi được mặc quần áo bằng cách giơ tay, giơ chân theo lời người lớn nói;

• Có thể ngủ mặc dù bên cạnh có tiếng ồn;

• Tự cởi tất.

THÁNG THỨ 15

NHÀ KHÁM PHÁ TÝ HON

Tháng thứ 15 là tháng mà trẻ đã trải qua quá trình tập luyện để đi lại được thành thạo. Lúc này bé con với dáng người lũn cũn đã có thể đi tới bất cứ nơi đâu một cách tự tin hơn. Tuy đôi khi trẻ vẫn đi hơi liêu xiêu, nếu không chú ý sẽ bị ngã nhưng cha mẹ cũng không nên lo lắng quá bởi trẻ sẽ tự chống tay đứng lên. Đây là một bài học dạy cho trẻ biết cách đương đầu với trở ngại.

Phát triển chung

• Biết cách sử dụng các đồ chơi. Trẻ có thể dùng thìa để quấy trong chảo, cầm chổi quét nhà, làm đi làm lại nhiều lần một hành động và chú ý học hỏi cách ước lượng, hình dáng, kích cỡ và các cách thức liên quan tới nhau. Trẻ biết suy nghĩ nhiều hơn, không chỉ nhìn và cầm, nắm. Cách chơi của trẻ cũng phức tạp hơn, trẻ bắt đầu biết ghi nhớ kiến thức về chủng loại và mối quan hệ giữa các đồ vật, tích lũy kiến thức về các công đoạn, các bước của hành động xem nên làm cái gì trước cái gì sau để thành công. Ngoài ra trẻ còn biết nghĩ và so sánh những tình huống với nhau.

• Trẻ bắt đầu biết sử dụng lời nói để diễn đạt mong muốn nhiều hơn, biết giải quyết vấn đề một cách có trình tự. Ví dụ như nếu muốn lấy đồ vật ở trên giá cao, trẻ sẽ biết kéo ghế ra để trèo lên, nếu vẫn chưa với tới trẻ sẽ lấy que để khều… Khả năng này là kết quả của việc tích lũy các kinh nghiệm từ việc khám phá, thử nghiệm trước đó.

• Rất thích tiếng nhạc, nhịp điệu, hễ nghe thấy tiếng nhạc là trẻ sẽ nhún nhảy, lắc lư theo. Nếu bài nào trẻ thích thì có thể nghe đi nghe lại không biết chán. Cha mẹ có thể hỗ trợ sự phát triển này của trẻ bằng cách tìm mua những đĩa ca nhạc thiếu nhi cho trẻ nghe, hoặc có thể mua những nhạc cụ đơn giản như đàn ranat[9] cho trẻ gõ để tìm hiểu về sự khác nhau giữa những nốt nhạc.

[9] Ranat (mộc cầm) tên gọi của một loại nhạc cụ gõ của Thái Lan. Ranat thường có nhiều thanh (phím) ghép lại với nhau, các thanh này có thể được làm bằng gỗ, tre... Ở Việt Nam, các bậc cha mẹ có thể dùng đàn T’rưng mini.

• Bắt đầu biết chơi trò giả tưởng. Biểu hiện dễ nhận thấy là việc trẻ bắt đầu chơi với búp bê nhiều hơn, đôi khi còn ôm búp bê ngủ thay vì móc mắt hay giật tóc búp bê giống như trước đây. Nếu trẻ phát triển về ngôn ngữ nhiều hơn, các trò chơi tưởng tượng hay giả vờ, đóng vai cũng sẽ tăng lên. Thời điểm này có thể trẻ sẽ cầm chiếc cốc không lên giả vờ uống hay giả vờ thanh gỗ, miếng xếp hình là thức ăn. Những trò chơi tưởng tượng của trẻ thường liên quan đến những hoạt động của bản thân như ăn, chơi, ngủ…

• Thích chơi những trò chơi mang tính tương tác. Tuy đã có đồ chơi vừa ý song bé con vẫn thích chơi những trò chơi với cha mẹ hoặc người khác như chơi trò ú òa, tung hứng… mặc dù nhiều khi trẻ vẫn chưa làm được nhưng cũng hết sức cố gắng. Trong khi chơi với trẻ, cha mẹ nên nói những lời như “của con”, “của mẹ”, “mẹ cho con”, “cho mẹ xin”… để trẻ có thể phân biệt được ý nghĩa của những câu nói đó tốt hơn.

• Chú hề của gia đình. Ở tuổi này trẻ có thể làm được rất nhiều thứ. Nhiều lần bạn sẽ bật cười trước những động tác của trẻ. Bản thân trẻ cũng biết rằng mình là trung tâm của gia đình, ai ai cũng quan tâm, yêu quý. Nếu cha mẹ biết cách chơi đùa vui vẻ với trẻ, làm những động tác hài hước cho trẻ xem sẽ giúp ích rất nhiều cho tính cách vui vẻ của trẻ và bản thân bạn cũng cảm thấy hạnh phúc.

Sự phát triển của các phần cơ lớn

Khi được 15 tháng tuổi cùng với việc có thể tự đi được (một số trẻ đã có thể đi nhanh và thành thạo) trẻ sẽ từ chối những việc mà trẻ từng làm khi còn bé. Một số trẻ có thể sẽ bỏ việc uống sữa bằng bình, không ngồi xe đẩy, không chịu nằm nôi hay giường dành cho trẻ em nữa mà muốn ngủ với cha mẹ trên giường của người lớn, muốn làm những việc mà người lớn thường làm như được lái chiếc xe đẹp của cha, bắt chước nói chuyện điện thoại, lấy chổi quét nhà, ngồi ghế của người lớn, bắt chước đọc báo…

Động lực hay sức mạnh bên trong cơ thể và sự phát triển một cách nhanh chóng của các phần cơ lớn khiến trẻ ở độ tuổi này trở nên rất năng động, thích trèo leo, đi, chạy, thích dùng sức bê cái này, cất cái nọ, trèo lên bàn, chui xuống gầm giường, thích tự mình làm mọi việc. Trẻ ở độ tuổi này rất hoạt bát, tràn đầy sinh lực và có thể nghịch suốt ngày không biết mệt mỏi. Một vận động viên điền kinh cấp quốc tế đã tiến hành một thử nghiệm bằng cách thực hiện theo những vận động của trẻ 15 tháng tuổi. Kết quả là vận động viên từng đoạt huy chương vàng thế giới phải giơ cờ trắng xin hàng bé con khi mới được nửa ngày. Các bậc cha mẹ có thể thử sức mình xem sao, các bạn không nhất thiết phải làm theo mọi hoạt động của trẻ, chỉ cần theo sau thu dọn bãi chiến trường đã rất mệt rồi.

Các hoạt động của trẻ diễn ra liên tục không phải chỉ bởi hệ cơ lớn đang phát triển mạnh, trẻ cần tập luyện những kỹ năng trong việc di chuyển cơ thể, mà quan trọng là những hoạt động này đều nhằm mục đích khám phá thế giới. Việc khám phá cơ chế hoạt động của các sự vật bắt đầu từ khi trẻ được gần 1 tuổi. Đến tháng thứ 15, việc khám phá của trẻ đã có sự chọn lọc hơn, trẻ chỉ quan tâm đến một số sự vật mà thôi. Những đồ vật mà trẻ rất quan tâm thường là đồ dùng của cha mẹ và anh chị như ví đựng tiền, chùm chìa khóa, tô vít, son môi, bút, đồng hồ, sách vở…

Trong khi chơi và khám phá sự vật, trẻ thường thử sức mình để xem điều gì sẽ xảy ra; nếu muốn biết cơ chế hoạt động của đồ vật, trẻ sẽ cầm chúng lên ném, đập xuống sàn hay sẵn sàng cho vào miệng để nếm cho dù đó là bánh, vỏ hộp, viên đá hay đất, bùn đi chăng nữa.

Việc chơi để khám phá và tính cách bướng bỉnh, khăng khăng làm theo ý mình cho dù có bị ngăn cản thế nào đi nữa là dấu hiệu cho thấy sự tự ý thức về bản thân của trẻ.

Sự phát triển của các phần cơ nhỏ

Tiến sĩ Koch, thuộc Viện Chăm sóc bà mẹ và trẻ em ở thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, người đã nghiên cứu về trẻ em trên 50 năm, trong đó ông dành 1 nửa thời gian sau để nghiên cứu về tâm lý trẻ sơ sinh) nói rằng: “Sự phát triển việc sử dụng đôi tay của trẻ sơ sinh có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển về trí não. Chúng ta có thể nói rằng để biết một đứa trẻ có thông minh hay không hãy xem khả năng của trẻ trong việc dùng tay cầm, nắm và thả đồ vật ”.

Để có thể sử dụng đôi tay một cách khéo léo, trẻ cần phải dựa nhiều vào sự học hỏi và kinh nghiệm luyện tập. Đối với trẻ 15 tháng tuổi khả năng sử dụng đôi bàn tay để làm những việc đòi hỏi tỉ mỉ đã khéo léo hơn rất nhiều. Trẻ có thể xếp hình được 2 tầng trở lên, nhặt được hạt cườm, chiếc cúc áo cho vào lọ.

Khả năng sử dụng 5 giác quan

Trẻ ở độ tuổi này chủ yếu học hỏi bằng 5 giác quan: mắt nhìn, tai nghe, tay cầm, miệng nếm vị, mũi ngửi mùi.

Mặc dù trẻ 15 tháng tuổi chưa nói được nhiều hoặc một số trẻ còn chưa biết nói nhưng hệ thống các giác quan của trẻ đã có thể tiếp nhận và phân tích những kinh nghiệm mà bản thân đã được trải qua rất tốt.

Nói chung, trẻ sẽ nhận biết, khám phá sự vật nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc cả 5 giác quan của trẻ có được kích thích để tiếp nhận thông tin một cách rõ nét và hiệu quả hay không.

Cha mẹ cần rèn giũa các giác quan cho trẻ, cụ thể như sau:

Thị giác: Kích thích trẻ nhìn theo các đồ vật đang di chuyển hoặc đưa mắt tìm kiếm nơi phát ra âm thanh; thường xuyên thay đổi đồ vật mới cho trẻ nhìn; chỉ cho trẻ thấy những sự vật khác nhau và so sánh sự khác biệt giữa chúng (có thể là màu sắc, dáng đi của những con vật khác nhau); rủ trẻ tìm đồ vật bị giấu hoặc bị che khuất.

Xúc giác: Để trẻ được tự do tiếp xúc với các đồ vật, chấp nhận việc trẻ sẽ bị vấy bẩn, nên tránh từ “không”, rủ trẻ chơi trò “Sờ xem nào, đây là cái gì” bằng cách cho từng đồ vật vào một cái túi bằng vải rồi để trẻ thò tay vào sờ bên trong để đoán xem đó là cái gì, nếu trẻ không biết bạn hãy nói cho trẻ nghe, sau đó bạn hãy cho tất cả vào trong túi để trẻ tìm đồ vật theo tên gọi.

Thính giác: Cho trẻ phân biệt các loại âm thanh đơn giản bằng trò chơi “Con có biết đây là tiếng gì không?” bằng cách lấy một chiếc hộp tròn có nắp có thể mở - đóng được, lần lượt cho gạo, hạt đỗ, cát hoặc các loại hạt khác vào rồi sau đó lắc lên và cho trẻ đoán xem đó là tiếng kêu của hạt gì.

Khứu giác: Trẻ có khả năng nhận biết và phân biệt mùi thơm hay mùi hôi từ khi mới được sinh ra. Bạn nên cho trẻ ngửi các loại mùi khác nhau như mùi hoa (không có hóa chất), mùi trứng rán, súp, bánh, phấn rôm… và có thể dạy cho trẻ biết tên của những mùi đó, đồng thời giúp trẻ nhớ được sự khác nhau về hình dáng, mùi và bề mặt của các đồ vật cùng lúc.

Vị giác: Hệ miễn dịch của trẻ ở độ tuổi này đã tốt hơn nên cha mẹ có thể cho trẻ nếm thử nhiều loại thức ăn có vị vừa phải rồi thử hỏi trẻ xem đó là vị gì. Nếu trẻ không biết, cha mẹ hãy coi đây là cơ hội để từ từ dạy cho trẻ. Trẻ ở tuổi này thường ấn tượng trước một số mùi vị nào đó và có thể mang ấn tượng này trong suốt cuộc đời nên bạn phải lưu ý những thức ăn có vị quá ngọt hoặc đồ ăn vặt bởi trẻ thường có xu hướng thích vị ngọt.

Việc chơi của trẻ

• Nếu trẻ thấy chán hoặc không vừa lòng với một số món đồ chơi nào đó có nghĩa là món đồ chơi đó đã cũ hoặc đã trở nên nhàm chán, không còn tác dụng gì với trẻ nữa. Ví dụ như kiểu đồ chơi con khỉ đánh trống, lần đầu tiên nhìn thấy có thể trẻ sẽ rất thích nhưng một thời gian sau trẻ sẽ vô cùng chán ghét con khỉ đó bởi nó chỉ đánh trống kêu coong coong mà thôi, không thể tháo ra hay làm gì khác được). Lúc đó, cha mẹ nên tìm mua cho trẻ đồ chơi khác bởi những đồ chơi không phù hợp với lứa tuổi và sở thích của trẻ thường khiến trẻ không vui hoặc thích thú.

• Nếu món đồ chơi nào bị vỡ hay đã hỏng, cha mẹ nên để chúng riêng ra và không nên cho trẻ chơi cho đến khi bạn sửa xong. Nếu không sửa được bạn cũng đừng nên tiếc mà hãy vứt bỏ đi bởi nó có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu trẻ tiếp tục lấy ra chơi.

• Được mua cho quá nhiều đồ chơi có thể khiến trẻ lẫn lộn, trẻ sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn loại đồ chơi nào. Tốt nhất cha mẹ nên quay vòng những loại đồ chơi yêu thích cho trẻ, có nghĩa là khi trẻ bắt đầu thấy chán đồ chơi này, bạn hãy lấy thứ khác ra thay. Sự thay đổi liên tục sẽ giúp cho hoạt động vui chơi của trẻ luôn mới mẻ và đa dạng. Như vậy trẻ sẽ không dễ chán, mà hoạt động vui chơi lại được phát triển nhiều hơn, không những thế những đồ chơi bạn tìm mua cho trẻ sẽ phát huy được tác dụng tối đa.

• Chọn những loại đồ chơi an toàn: Không có các chi tiết hay các góc cạnh nhọn, sắc, mỏng, không có chỉ hay dây vì chúng có thể quấn vào cổ, vào tay của trẻ hoặc khiến trẻ vấp ngã.

• Đối với những đồ chơi có thể ngồi hay cưỡi, bạn cần chắc chắn rằng đồ chơi đó đủ cứng và chắc chắn để chịu được lực kéo, cưỡi, lôi của trẻ.

Những đồ chơi phù hợp nên là những đồ chơi mà trẻ có thể chơi được trong suốt giai đoạn còn nhỏ, cha mẹ có thể linh động để có thể sử dụng chúng với nhiều cách thức khác nhau để tạo được niềm vui cho trẻ.

Nên chọn loại đồ chơi nào?

ới đây là những loại đồ chơi phù hợp với trẻ từ 15 tháng tuổi đến 2 tuổi (hoặc nhiều hơn), chúng không phải loại đồ chơi chỉ có 1 tác dụng là để ngắm hoặc để trưng bày cho đẹp. Không những thế bạn có thể mang những loại đồ chơi này đổi cho bạn bè của bạn có con nhỏ hơn.

• Những thanh gỗ dài hình vuông (Những người cha chăm chỉ có thể mua gỗ về cắt ra, bào nhẵn các mặt rồi mua các loại sơn không độc hại để sơn, phòng trường hợp trẻ cho vào miệng);

• Ngựa bập bênh;

• Những miếng gỗ dạng hình học xếp vào chân đế;

• Những cuốn sách có ảnh màu, bìa cứng, màu sắc tươi sáng, có hình của những con vật, xe, nhà, người…;

• Xe tải đồ chơi bằng gỗ có bánh xe đủ cứng để trẻ có thể kéo, đẩy, và chở được đồ vật;

• Các vòng gỗ xếp vào chân đế thành hình tháp;

• Những chiếc hộp không đã qua sử dụng (dành cho những nhà sưu tầm tí hon hoặc thích bới nghịch);

• Nồi, niêu, xoong, chảo, bát, đĩa… được làm bằng nhôm hoặc nhựa dành riêng cho trẻ hoặc trong số những đồ dùng trong nhà bếp, có thể chọn ra cho trẻ một vài thứ cho trẻ chơi;

• Những loại đồ chơi có thể kéo, đẩy, những loại thú nhồi bông mềm có thể giặt được, không làm cho trẻ bị dị ứng;

• Các loại búp bê bằng cao su không lẫn hóa chất độc hại dùng cho trẻ thả chơi dưới nước;

• Bút sáp màu loại to và giấy trắng khổ lớn để trẻ có thể tô vẽ.

Phát triển về mặt xã hội

Việc chơi và dành toàn bộ thời gian để làm việc này, việc kia, cầm hết thứ này đến thứ khác đều là những hành vi để tìm tòi khám phá. Nhưng một hoạt động không thể thiếu với trẻ đó là giao tiếp với người khác, và đây cũng là một sự khám phá. Trẻ sẽ dần dần chú ý hơn đến kết quả sẽ xảy ra khi phải giao tiếp với người khác. Có thể trẻ sẽ thu hút sự chú ý của người khác bằng cách khóc, hét, biểu diễn hành động bắt chước người khác hay cấu, kéo, cắn, lôi, đẩy, ôm ấp hoặc có thể bắt người khác làm theo ý mình bằng cách kéo tay, kéo người, đánh, hét, khóc, cười…

Việc học hỏi về các hành vi xã hội sẽ có kết quả tốt hay không phải phụ thuộc vào sự nhất quán và quy định giới hạn một cách chính đáng của cha mẹ. Bởi trẻ em học các kỹ thuật để thu hút phản ứng của người lớn rất nhanh. Trẻ biết rằng khi trẻ khóc, trẻ sẽ được đáp ứng nhu cầu ngay tức thì, biết rằng mọi người sẽ quan tâm khi mình cười nhiều hơn khi gào khóc và một số trẻ còn nhận biết được rằng mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau đối với cùng một sự việc. Ví dụ như khi khóc lóc sẽ nhận được sự thấu hiểu, dỗ dành ngay lập tức từ bà ngoại, còn mẹ sẽ không dỗ; khi trẻ đánh vào người cha, cha sẽ cười sảng khoái nhưng khi đánh vào mẹ thì mẹ sẽ tức giận.

Do đó, tốt nhất cha mẹ hoặc người lớn nên có thái độ giống nhau đối với trẻ để trẻ nhận biết được rằng điều gì hoặc hành động nào sẽ được xã hội chấp nhận. Bởi với cùng một hành động của trẻ, nếu một người có thái độ thế này người kia lại có phản ứng khác thì trẻ sẽ lựa chọn làm theo cách để bản thân đạt được mong muốn (có thể không đúng) với người mà trẻ biết rằng thể nào cũng chiều theo ý của mình. Vì vậy sẽ xảy ra chuyện mà chúng ta vẫn gọi là “làm hư trẻ”. Trẻ thường dựa dẫm vào người hay chiều theo ý của trẻ nên mọi người cần đặt ra những giới hạn hoặc điều cấm kỵ cho nhau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx