sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 25

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 2,5 - 3 TUỔI

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Đứng một chân được khoảng 2 phút;

• Chạy được nhanh nhưng chưa thể bắt đầu và dừng lại một cách đột ngột được;

• Biết bật nhảy bằng cả hai chân từ ghế xuống đất;

• Nhảy được qua dây chăng ngang cách mặt đất khoảng 25 centimét;

• Đã biết đi xe đạp ba bánh.

Các phần cơ nhỏ

• Tay và mắt phối hợp với nhau rất ăn ý;

• Chơi trò xếp hình cao được 8 tầng;

• Có thể cử động từng ngón tay một cách tự do.

Phát triển về ngôn ngữ

• Nói và tiếp thu được rất nhiều từ mới, biết được khoảng 50 từ mới/1 tháng;

• Đã biết ghép những câu có 4 từ;

• Nhớ được họ tên của mình;

• Thích xem những cuốn sách ảnh;

• Thích nghe đọc thơ.

Phát triển về mặt xã hội

• Thích giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà;

• Thích ra lệnh;

• Tách biệt được rõ ràng giữa “cha” và “mẹ”;

• Đôi khi vẫn sử dụng những cử chỉ và ngôn ngữ của trẻ sơ sinh (vì đôi lúc vẫn muốn quay trở lại làm trẻ nhỏ).

Phát triển về trí tuệ

• Muốn tìm hiểu sự vật bằng cách đặt ra những câu hỏi;

• Đã biết phân biệt nhiều màu sắc;

• Bắt đầu biết tập trung và quyết tâm làm những việc mà bản thân thích;

• Quan tâm đến việc khám phá các sự vật.

Phát triển về tâm sinh lý

• Tâm trạng thường xuyên thay đổi;

• Không chịu chờ đợi, khi muốn được cái gì là phải có được bằng mọi cách;

• Đã biết đến giới tính của bản thân, bắt đầu để ý đến sự khác nhau về mặt cơ thể giữa nam và nữ.

Phát triển về mặt chơi

• Bắt đầu thích chơi cùng những trẻ khác;

• Thích nghịch điện thoại, nhưng vẫn chưa thể nói được những câu dài;

• Thích chơi các trò chơi tưởng tượng và trò giả tưởng;

• Ghép được những bức tranh có từ 6 đến 12 miếng;

• Thích tô màu bằng ngón tay và thích nặn đất theo khuôn.

Phát triển riêng theo lứa tuổi

• Phần lớn đều tự kiểm soát được hệ thống bài tiết vào ban ngày;

• Tự xúc thức ăn mà rất ít bị rơi vãi;

• Dùng thìa xúc thức ăn, uống nước bằng cốc nhưng vẫn bị rơi rớt ra ngoài chút ít;

• Hợp tác trong khi thay quần áo.

KHÁM PHÁ THẾ GIỚI RỘNG LỚN

(3 - 6 TUỔI)

Sau khi đã bước qua một năm đầy rắc rối, trẻ ở độ tuổi này sẽ trầm tính hơn, hay có thể nói rằng đã hiểu chuyện hơn. Trẻ trong giai đoạn này sẽ phát triển mạnh cả về tư duy và tinh thần. Trẻ đã biết nói, biết nghe, biết đặt câu hỏi; có lý trí, có sự tập trung; có sự tin tưởng và quyết tâm. Chỉ cần người lớn tạo cho trẻ cơ hội, khả năng của trẻ sẽ bùng nổ và phát triển mạnh mẽ.

THÁNG THỨ 37 - 42 (3 - 3,5 TUỔI)

Dễ dạy bảo

Có vẻ như trẻ trong độ tuổi này đã ngoan ngoãn hơn, dễ dàng làm theo những lời chỉ dạy của người lớn. Trẻ sẽ lấy cha mẹ làm hình mẫu, cố gắng bắt chước lời nói và dáng điệu của cha mẹ. Thái độ ngang ngược, bướng bỉnh của trẻ trong những tháng trước đây đã giảm đi nhiều. Chúng ta sẽ thấy trẻ bắt đầu hiểu ra việc gì được làm và việc gì không được làm, đồng thời hợp tác tốt hơn với người lớn.

Phát triển về thể chất

• Các cơ lớn hoạt động hiệu quả hơn

Cơ chế và hệ thống các cơ lớn sẽ phối hợp với nhau một cách hiệu quả hơn. Bước chân vững chắc, đi thẳng, khi đi sẽ vung tay sang hai bên và cố gắng tạo dáng đi giống người lớn, lưng thẳng, chiếc bụng vốn tròn căng giờ đã phẳng lỳ, biết ngồi tập trung, đứng bằng một chân, đi bằng mũi chân, đi tiến về phía trước, lùi về phía sau, sang trái, sang phải, đá được quả bóng cứng, ném và bắt bóng tốt.

Việc di chuyển nhanh nhẹn hơn, chạy nhanh hơn, có thể dừng lại hay chuyển hướng một cách bất ngờ, biết bước đổi chân lên cầu thang nhưng chưa biết đi xuống, có thể lái xe đạp tránh được những chướng ngại vật, khi đang ngồi xổm cũng có thể dễ dàng đứng lên được, khi đi trên nền nghiêng đã có thể giữ thăng bằng tốt.

• Điều khiển tốt các ngón tay và bàn tay

Thích chơi những trò chơi cần sử dụng đến bàn tay và các ngón tay như cầm, gõ, tháo các bộ phận của đồ chơi hay tô màu. Trẻ đã có thể điều khiển được bàn tay và các ngón tay một cách dễ dàng. Trẻ đã vẽ được đường thẳng, vẽ được vòng tròn và hình chữ thập theo mẫu, xếp hình được 9 - 10 tầng. Tay và mắt phối hợp hoạt động tốt hơn, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ để nhặt vật nhỏ rất giỏi.

Ngoài ra, trẻ còn biết xếp hình thành hình vuông, hình tròn hay tam giác theo mẫu. Trẻ rất thích cắt giấy, được cắt giấy thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phát triển kỹ năng sử dụng tay của trẻ.

Phát triển về ngôn ngữ

Khi được 2 tuổi, trẻ đã biết được rất nhiều từ mới, khi được 3 tuổi, trẻ sẽ biết sử dụng những từ đó để ghép thành câu nói. Đối với trẻ ở độ tuổi này, ngôn ngữ là một công cụ trong việc diễn đạt các ý nghĩ, ngắn hay dài tùy thuộc vào suy nghĩ của trẻ.

Khi người lớn nói chuyện với nhau, chúng ta sẽ để ý thấy trẻ lắng tai nghe để ghi nhớ những từ mới và nội dung câu chuyện. Trẻ sẽ thích nghe truyện cổ tích, các bài hát, thích nói tên đồ vật trong tranh, kể lại những câu chuyện đã được nghe, thích đóng giả và bắt chước tiếng kêu của các loại động vật như chó, vịt, gà…

Phát triển về mặt xã hội

Trẻ sẽ dùng phần lớn thời gian để chơi với các bạn. Trẻ thích có bạn đến nỗi chịu chấp nhận làm chân sai vặt cho các anh chị lớn tuổi hoặc chịu chơi cùng các em nhỏ hơn. Trẻ có cái gì cũng chia cho các bạn, tuy vẫn thấy tiếc nhưng trẻ cũng cho. Trẻ đã biết hy vọng vào kết quả đạt được, biết nhường nhịn, biết chơi thành nhóm song vẫn chưa thực sự hiểu về việc hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau.

Nếu chưa thể hòa nhập được với các bạn, trẻ sẽ nghĩ ra cách thức mới, một số trẻ sẽ có những hành động buồn cười, nói chuyện hài hước để các bạn thích thú và chấp nhận cho tham gia.

• Trẻ sống khép kín và trẻ hay xấu hổ

Việc thiếu những kiến thức cơ bản về xã hội hoặc từng bị thất bại trong việc hòa nhập với các bạn có thể sẽ làm cho trẻ sống khép kín hoặc hay xấu hổ.

Trẻ sống khép kín sẽ thiếu kỹ năng hòa nhập với người khác. Vì vậy, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào các nhóm bạn. Nhưng cha mẹ cũng xem xét rằng có phải trẻ chỉ thích chơi một mình từ nhỏ hay không, nếu đúng thì đó là biểu hiện bình thường. Dù sao đi nữa, bạn phải nhạy bén trong việc nhận định cảm xúc thật của trẻ và cố gắng cổ vũ để trẻ hòa nhập với bạn bè mà không tạo cho trẻ cảm giác sợ hãi hoặc khó khăn.

Trẻ hay xấu hổ có thể do tự ti vào bản thân hoặc không tin tưởng vào xã hội, cảm giác này vốn bắt nguồn từ cảm giác không được yêu thương và khen ngợi trong một giai đoạn đã qua nào đó. Trẻ có tính cách này phần lớn do cha mẹ quá kỳ vọng vào con và liên tục dè bỉu, phàn nàn khi trẻ không làm được khiến đứa trẻ lớn lên tự ti, không dám tự quyết định, hay phiền muộn.

Tính hay xấu hổ của trẻ sẽ biến mất nếu cha mẹ:

• Tạo cơ hội cho trẻ tự giúp đỡ bản thân như ăn cơm, tắm, mặc quần áo…;

• Để cho trẻ tự quyết định làm một số việc gì đó mà không ảnh hưởng tới bản thân;

• Tạo cơ hội cho trẻ chơi với những trẻ khác;

• Tạo không khí thoải mái khi đưa trẻ đi quan sát xã hội;

• Đừng làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ hơn bằng việc thử cho trẻ làm quen với người khác;

• Đừng mắng trẻ trước mặt các bạn hoặc người khác, làm cho trẻ trở thành trung tâm của mọi ánh mắt;

• Đừng nên nói với trẻ bằng giọng điệu tiêu cực, không có sự đóng góp như “Im ngay”, “Không tự làm được việc gì hay sao?”…;

• Đừng nên hy vọng rằng trẻ có thể làm được mọi việc theo ý muốn của cha mẹ;

• Thể hiện cho trẻ thấy rằng bạn tự hào về trẻ;

• Tìm cách hỗ trợ cho trẻ được thể hiện khả năng và tự suy nghĩ.

Phát triển trí tuệ

Khi trẻ 3 tuổi bước ra khỏi nhà để đến trường mầm non, những điều mà trẻ học được sẽ hoàn toàn khác lạ. Một trường mầm non tốt sẽ làm cho trẻ cảm thấy yêu đời, năng động, hoạt bát, giúp các em thích thú với việc khám phá hơn, làm được nhiều việc hơn. Từ đó trẻ mới có niềm vui, biết ghi nhận mọi điều trong cuộc sống và hòa mình vào môi trường tốt hơn trước. Giới hạn của việc tìm hiểu thế giới của các em sẽ mở rộng hơn cùng những kinh nghiệm tiếp thu được qua mỗi lần khám phá.

• Trường mầm non quan trọng đến mức nào?

Những điều trẻ đáng được học trong giai đoạn mầm non là:

Sự phát triển toàn diện cả về thể chất, xã hội, tâm trạng, tinh thần và trí tuệ, trong đó trí tuệ không phải chỉ có việc đọc, viết mà phải bao gồm cả việc biết nghĩ cách giải quyết vấn đề, nghĩ ra những điều mới mẻ, hỗ trợ ý tưởng sáng tạo, giúp trẻ được thỏa sức tưởng tượng.

Tập việc biết suy nghĩ: Đối với trẻ là việc được dùng cả 5 giác quan.

Suy nghĩ theo lý trí: Biết nghĩ tới nguyên nhân.

Rèn luyện việc lãnh đạo, việc tuân theo: Phải trải qua kỹ năng làm việc nhóm và làm việc một mình.

Luyện tập cách học tập chủ động (Active leaner): Tự mình làm.

Luyện tập kỹ năng hòa nhập cộng đồng: Bởi trẻ ở tầm tuổi này vẫn coi mình là trung tâm, trẻ thường chỉ nghĩ chủ quan nên phải rèn cho trẻ thói quen đặt vào vị trí của người khác, để trẻ nhận ra rằng không phải ai cũng có những ý nghĩ giống nhau hoặc là phải nghĩ giống như bản thân trẻ.

Rèn việc học tập qua con người, đồ vật và môi trường sống xung quanh: Yếu tố môi trường chính là người thầy thứ 3 của trẻ bởi vì môi trường sống sẽ giúp trẻ có sự tưởng tượng và tò mò muốn khám phá.

Trẻ đã sẵn sàng để bước vào trường mầm non hay chưa?

Tiến sĩ Richard Crangle đã đưa ra phương hướng cho các bậc cha mẹ dùng để đánh giá sự sẵn sàng của trẻ trước khi đến trường như sau:

1. Về thể chất, trẻ cần phải có sức khỏe tốt và khỏe mạnh. Trẻ có niềm vui để đương đầu với cuộc sống tại trường học và chịu đựng được sự căng thẳng sẽ xảy đến ngày càng nhiều.

2. Trẻ có thể rời xa cha mẹ. Trẻ có thể ở được một nơi lạ lẫm với người lớn và những trẻ khác mà bản thân chưa từng biết đến trong nhiều tiếng đồng hồ một ngày.

3. Trẻ phải tuân theo những quy tắc cơ bản trong trường học, và phải thực hiện theo cho dù không có thầy cô ở bên cạnh để theo dõi.

4. Phải quan tâm tới một việc gì đó được một khoảng thời gian nhất định. Có thể ngồi với một sự vật nào đó trong một khoảng thời gian nhất định, từ từ học hỏi cho tới khi tìm thấy niềm vui trong việc luyện tập khi làm một việc gì đó hoặc giải quyết các vấn đề phát sinh trong khi thực hiện hoạt động đó.

5. Trẻ có thể chịu được sự thất vọng và biết đợi chờ. Nếu thầy cô hoặc người khác chưa thể quan tâm đến trẻ ngay lập tức, trẻ phải biết đợi chờ và làm các công việc theo thứ tự.

6. Trẻ phải có kỹ năng trong việc sử dụng mắt và tay ở một mức độ nhất định. Điều này rất quan trọng đối với việc học tập, việc đọc và viết của trẻ, như đã biết cách cầm bút chì, lật được từng trang sách, đã biết đến các hình khối, màu và các kỹ năng khác.

Phát triển về mặt chơi

Trẻ trong độ tuổi này thích ước mơ, thích sử dụng những biểu tượng. Trẻ vô cùng thích thú khi chơi các trò giả tưởng và chính những trò chơi này giúp cho trẻ phát triển tư duy tổng hợp.

Cả bé trai và bé gái ở độ tuổi này đều thích nói và làm. Trẻ sẽ học được những kỹ năng về ngôn ngữ, tư duy và quyết định. Mọi trẻ em đều thích chơi trò giả tưởng và nhận được rất nhiều lợi ích từ trò chơi này. Trẻ sẽ chọn cách chơi hoặc sử dụng đồ chơi để tưởng tượng, điều này giúp trẻ hiểu hơn về bản thân và thế giới xung quanh.

Một nhà tâm lý học đã từng nói rằng: “Những trò chơi giả tưởng sẽ làm cho người chơi cảm thấy bằng lòng với bản thân trong việc biến sự thật thành ‘những mong muốn’, là việc đặt nền móng cho sự phát triển tư duy sâu rộng hơn, là điểm khởi đầu cho sự tự tin vào bản thân”.

Mặc dù ở độ tuổi này trẻ đang có sự phát triển và chuyển động cơ thể tốt hơn nhưng trẻ lại thích ngồi chơi một chỗ, nếu có chơi với trái bóng hoặc chạy chơi thì cũng chỉ chơi được chốc lát mà thôi. Những đồ chơi mà trẻ thích nhất là ghép tranh và những quân bài Domino đầy màu sắc. Những trẻ nào được chơi sẽ có tinh thần tốt, vui vẻ, hoạt bát. Các trò chơi cũng là công cụ giúp giảm các căng thẳng cho trẻ rất tốt. Đôi khi trẻ thích ngồi chơi một mình, đôi khi lại thích chơi cùng với các bạn khác. Bạn nên để cho trẻ có nhiều thời gian chơi nhất bởi việc chơi sẽ giúp cho quá trình học hỏi, phát triển kỹ năng xã hội và tư duy được sâu rộng hơn, giúp trẻ có tính tự chủ cao hơn.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ 3 - 3,5 TUỔI

Phát triển về thể chất

Các phần cơ lớn

• Đứng được một chân;

• Giữ thăng bằng và leo được lên mặt phẳng nghiêng;

• Chạy, nhảy, leo trèo giỏi;

• Giữ thăng bằng tốt để ngồi xuống;

• Ném và đá bóng tốt;

• Bước đổi chân lên cầu thang được, nhưng chưa đi xuống được.

Các phần cơ nhỏ

• Sử dụng tay một cách thành thạo;

• Nhặt được những vật nhỏ;

• Dùng kéo cắt được giấy;

• Vẽ được các hình tròn và hình chữ thập theo mẫu;

• Nói được đúng đặc điểm của hình tròn, hình vuông, hình tam giác;

• Chơi trò ghép hình được 9 - 10 tầng;

• Biết đưa mắt nhìn theo những đồ vật di chuyển.

Phát triển về ngôn ngữ

• Hay nói, biết lý luận;

• Thích hỏi những câu như “Cái gì?”, “Thế nào?”, “Tại sao?”, “Khi nào?”;

• Gọi tên đồ vật quen thuộc một cách thành thạo;

• Quan tâm đến những cuốn sách có hình ảnh các con vật, các cuốn truyện cổ tích.

Phát triển về mặt xã hội

• Nghe lời người lớn hơn;

• Thần tượng mẹ;

• Thích chơi theo nhóm, tỏ ra thân thiện, biết được điều gì có lợi cho bản thân;

• Đã biết cất đồ chơi.

Phát triển trí tuệ

• Gọi đúng tên các hình dáng và màu sắc;

• Biết cách mô tả các hình ảnh trong sách;

• Đã biết sự khác nhau giữa trai và gái;

• Đã hiểu hơn về vị trí, như trên, dưới;

• Hiểu các khái niệm về thời gian như “hôm qua”, “hôm nay”, “ngày mai”;

• Nhớ được các con số từ 1 - 10, nhưng chỉ biết đếm số lượng từ 1 - 3.

Phát triển về tâm sinh lý

• Quan tâm đến những điệu bộ;

• Quan tâm đến những trẻ nhỏ hơn, muốn có em;

• Hay bực tức và biết ghen tị;

• Đã bắt đầu gặp ác mộng.

Phát triển về kỹ năng chơi

• Tập trung chơi được khoảng 20 phút;

• Thích chơi xếp hình, ghép tranh;

• Thích nghịch cát, nghịch nước;

• Thích chơi trò giả tưởng;

• Thích chơi những trò chơi cần sử dụng đến đôi tay, thích vẽ tranh;

• Thích hát.

Phát triển riêng theo lứa tuổi

• Biết sử dụng thành thạo thìa, dĩa;

• Tự cầm cốc nước uống thành thạo;

• Ăn nhiều hơn, tự ăn;

• Tự mặc quần áo, đi giày dép, đi bít tất nhưng vẫn phải có người lớn giúp mở cúc, kéo khóa, thắt dây giày;

• Ngủ giấc dài vào ban đêm.

THÁNG THỨ 43 - 48 (3,5 - 4 TUỔI)

Ông chủ, bà chủ nhỏ

3,5 tuổi là độ tuổi không chắc chắn một điều gì, thay đi đổi lại, trẻ đang rất ngoan ngoãn nhưng có thể quay sang khóc lóc ầm ĩ được ngay. Trẻ sẽ liên tục làm cho cha mẹ cảm thấy khó chịu. Trẻ có thể trở thành ông chủ, bà chủ nhỏ ngồi chỉ tay muốn cha mẹ làm theo yêu cầu của mình, lúc nào cũng muốn người khác phải quan tâm. Bên cạnh đó trẻ cũng có cảm giác sợ hãi, không tự tin, luôn sợ rằng sẽ không có ai yêu thương mình.

Phát triển về thể chất

• Đi giỏi nhưng không tự tin

Trẻ trong độ tuổi này thường có ý nghĩ rằng bản thân chưa vững vàng, chưa giữ thăng bằng được, vẫn chưa thể tự giúp đỡ bản thân và có cảm giác rằng bản thân không được an toàn nên phải có người lớn dắt tay khi đi đâu đó. Nhưng trên thực tế trẻ có thể đi và quay người được trên một tấm ván, nhảy lò cò một chân hoặc bật nhảy bằng hai chân khá tốt. Ngoài ra trẻ còn có thể cúi xuống lấy tay chạm vào chân mà gối không bị trùng, ném và bắt bóng một cách chính xác, ném trái bóng đi xa khoảng 3 mét, thích chạy bằng các đầu ngón chân. Nếu hôm nào cảm thấy vui vẻ, trẻ sẽ nhảy nhót, hoạt bát, leo trèo, trượt cầu trượt, ngồi trên tấm ván với các bạn, nhưng hôm sau có thể cảm thấy căng thẳng, lo sợ sẽ ngã xuống hoặc không thể trèo lên được.

Phần lớn trẻ 3,5 tuổi đều có thể nhảy lò cò bằng bên chân thuận được khoảng 2 - 3 bước và đi theo đường thẳng được khoảng 3 mét. Khi trẻ bước vào tuổi thứ 4 có thể nhảy một chân được 4 - 6 bước và có thể đi theo vòng tròn.

• Thích sử dụng tay thuận

Đôi khi có thể thấy trẻ có hiện tượng giật ở một số cơ như ở môi, mí mắt… Hiện tượng này do các cơ của trẻ vẫn chưa phối hợp hoạt động với nhau một cách nhuần nhuyễn. Tình trạng này sẽ dần dần mất đi.

Trẻ sẽ dùng tay thuận để vẽ tranh, xâu hạt cườm, cố gắng vẽ bốn đường thẳng để nối lại với nhau thành một hình vuông, đôi khi trẻ còn vẽ thành hình tròn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx