sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Khi Lòng Tốt Không Được Đặt Đúng Chỗ

Mùng Hai tết, Dương Xuân đưa con gái vào đền thờ Chu Văn An để xin chữ. Năm nay, con gái thị thi tốt nghiệp lớp Mười hai. Đền thờ đông người. Đất này dân sính chữ. Bởi chữ bây giờ cũng làm ra tiền. Chữ còn làm sang cho con người nữa. Hai mẹ con Dương Xuân chen vào bàn đặt lễ. Bỗng nhiên tim Dương thị như ngừng đập. Tai thị ù lên. Đầu thị bốc khói mù mịt. Mồm thị khô khốc. Trên cái bàn đặt lễ trống trơn. Vì sao cái bàn đặt lễ lại trống trơn? Đây là sự khác biệt lớn với các chùa chiền ở nơi đây. Các chùa chiền thì trong những ngày đầu năm đầy ắp lễ vật, không còn một chỗ trống để mà đặt lễ. Lễ vật của người nọ đặt chồng lên của người kia. Vì thế mà đã có những vụ đánh chửi nhau. Người bị người kia đặt lễ vật lên trên lễ vật của mình chửi rằng: “Lễ vật tầm thường của mày mà dám đặt lên trên lễ vật của tao à? Để các ngài lại nhầm tưởng lễ vật của tao tầm thường như của mày à?” Người kia cãi rằng: “Sao mày dám bảo lễ vật của tao tầm thường? Chính lễ vật của mày mới tầm thường, không đáng được dâng lên cho các quan ngài.” Thế rồi thành đám chửi nhau to. Có khi còn đánh nhau nữa. Ở đền thờ này, người ta không dâng lễ vật. Khi còn sống, ông thánh đã từ quan về ở ẩn nên khi chết, thành thánh, ông đâu cần lễ vật. Vì thế, người ta không dâng lễ vật, chỉ để một chút kim ngân vào hòm công đức để thủ từ nhang khói quanh năm.

Cái bàn lễ vật không có lễ vật nhưng lại lù lù một cái ví. Dương Xuân định kêu to: “Cái ví của ai để quên!” nhưng mồm thị không mở ra được. Thị nhìn những người xung quanh. Không ai để mắt tới cái bàn đặt lễ. Họ đang hướng cả vào ngai của ông thánh để cầu khấn. Dương thị áp sát cái bàn đặt lễ. Thị rút trong túi ra một tờ tiền, để lên bàn rồi như tiện tay cầm luôn chiếc ví của mình để cạnh đấy. Dương Xuân không còn lòng dạ nào để khấn vái nữa. Thị lủi ra ngoài, định bụng tìm ban tổ chức. Bỗng có một kẻ xông đến bên Dương thị, trỏ tay vào cái ví thị đang cầm trên tay, nói gằn giọng nhưng không quát to: “Mụ kia, sao dám móc ví của ta?” Dương Xuân đờ người nhưng không lạc vía. Thị nhìn vào mặt người đang trỏ tay. Cái mặt người đàn ông đó trông chẳng tử tế gì. Dương Xuân hỏi: “Ví nào của anh? Anh đi với tôi ra ban tổ chức phân rõ phải trái.” Người đàn ông nghe nói đến ban tổ chức bèn lủi mất.

Con gái Dương Xuân chứng kiến câu chuyện, bèn cự mẹ: “Mẹ lấy ví của người ta à?” Dương Xuân hỏi lại con gái: “Con thấy mẹ giống kẻ trộm lắm à?” Con gái không trả lời, hỏi lại: “Mẹ lấy ví của người ta à?” Dương Xuân bảo con gái: “Mẹ con mình sẽ ra ban tổ chức để giao lại cái ví này. Bây giờ con cầm lấy cái ví, mở nó ra đi! Mẹ tin chắc là trong ví không còn tiền nữa đâu nhưng sẽ còn giấy tờ của người mất ví. Ta sẽ đến ban tổ chức để giao cho họ, họ sẽ trả lại người mất. Giấy tờ quan trọng hơn tiền bạc nhiều con ạ!” Con gái Dương Xuân mở ví ra theo lời mẹ. Trong ví chỉ có 7.000 đồng tiền lẻ, không có giấy tờ. Dương Xuân bảo con gái: “Con cầm tiền bỏ vào hòm công đức rồi vứt cái ví đi! Bọn trộm nó ranh ma rồi, nó lấy luôn cả giấy tờ để kiếm tiền chuộc.” Con gái Dương Xuân lẩm bẩm: “Mẹ chỉ hay làm những chuyện dại dột. Nếu lúc nãy là người mất ví thật, người ta cứ đổ cho mẹ ăn cắp thì sao?” Dương Xuân nghĩ ngợi, thấy con mình nói đúng quá. Không biết ông thánh có chứng giám cho tấm lòng của Dương Xuân hay không chứ quả là Dương Xuân không có lòng tham. Chỉ sợ người khác có lòng tham. Nhiều bận Dương Xuân nhặt được ví tiền của người khác, có nguyên cả giấy tờ với mấy triệu đồng. Dương Xuân gọi đến trả, được mấy lời cám ơn, Dương Xuân vui lắm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx