"Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng. Chiều đong đưa những bước chân đan mòn. Chợt khi mùa thu rơi trên trời không còn ai giữa mênh mông đời mình nỗi đau vùi lấp trong tuổi thơ... phố vẫn hoang vu từ lúc anh đi. Rồi trong mưa gió lấy ai vỗ về...
- Thôi Khôi An ơi, văn nghệ vừa vừa cho người ta nhờ với, năm thi mà không lo học hành, ở đó mà hát với hỏng hoài.
Câu cằn nhằn của anh Yên vọng đến từ nhà. Khôi An mỉm cười một mình:
- Lâu lâu anh phải cho em giải trí chứ.
- Giải trí thì thiếu gì cách. Sao không đi vòng vòng một chút. Làm như ca sĩ vậy.
- Chứ còn gì. Bộ em ca dỡ lắm à.
Giọng anh Yên cười dễ ghét:
- Không dỡ mà ai dỡ hơn là không xong.
Khôi An bước ra. Anh Yên đang vật lộn với chồng cours dày cộm của anh. Cô bé càu nhàu:
- Eo ơi! Anh không lo học, ở đó mà kê tủ đứng em hoài.
- Học hay không mặc xác tôi nghe. Cô nên lo cho cô đi.
Khôi An nhăn mặt:
- Em lo gì?
- Lo thi hỏng chứ lo gì?
Khôi An bực bội:
- Em không hiểu sao em chưa thi mà anh cứ trù em hoài.
- Trù gì. Tôi chỉ nói sự thật.
Khuôn mặt anh Yên nheo nheo trông dễ ghét. Khôi An nói:
- Anh cũng năm thi đó, sao cứ lo em.
Anh Yên cười tươi:
- Tôi hở? Cent pour cent à cô.
Khôi An nhướng mày:
- Cha, tự phụ dữ!
- Học thì phải biết mình biết người.
Khôi An nhún vai:
- Em cũng chờ coi.
- Cứ mở mắt chờ.
Khôi An nghĩ thầm, anh Yên nói thế mà không ngoa đâu. Năm nào thấy anh học cũng tà tà mà cuối năm đậu đâu có thua ai. Khôi An trở vào phòng mình. Anh Yên nhìn theo:
- Thua rồi hở?
Khôi An đáp, không quay lại:
- Thua gì? Ai đi thua đủ với anh chi.
Yên trêu em thêm:
- Chứ không phải ăn thua đủ không nổi à?
Khôi An dậm chân:
- Anh Yên!
Chợt có tiếng chuông ngoài cổng. Anh Yên nói nhanh:
- Thôi anh đùa đó. Chạy xuống coi xem ai gọi cổng kìa.
Khôi An ba chân bốn cẳng chạy xuống. Cô bé thấy Bạch Mai và Mỹ Hạnh đứng ngoài cổng.
Mỹ Hạnh nói nhanh:
- Mở cổng nhanh coi mày làm khỉ gì mà tụi tao gọi cửa hoài không ra?
Khôi An lui cui mở cổng vừa đáp:
- Cãi nhau với anh Yên.
Bạch Mai tròn mắt:
- Mày cãi nhau với anh Yên?
An vênh mặt:
- Sao? Được không?
Bạch Mai hạ mắt nhìn thấp xuống. Dường như cô bé cố dấu một cái gì đó vừa loé lên trong nội tâm. Một cái gì xôn xao mà sao khó giải thích quá. Một danh từ riêng gần gủi mà xa lạ, xa lạ vì mình không thể tiến đến gần hay người không không chấp nhận cho mình tiến tới? Nếu trả lời được những điều mình thắc mắc một cách thoả đáng, hẳn mình không bao giờ phải cúi nhìn xuống để tránh nhận xét của người khác một khi có ai mơ hồ như thấu hiểu mình.
- Thôi vào nhà đi chứ! Đứng trồng cây ở đây à?
Mỹ Hạnh hất ngược mái tóc ra sau:
- Bọn tao là khách. Mày là chủ. Khách đến nhà thì chủ nhân có bổn phận phải thù tiếp, mời mọc. Đằng này mày ngậm miệng, không lẽ tụi tao phăng phăng vào nhà.
Khôi An đập tay vào vai bạn:
- Hôm nay cô Mỹ Hạnh lại đi bặt lỗi tôi nữa, khổ quá. Thôi đừng, xin mời hai cô lên phòng em.
Mỹ Hạnh cười khúc khích:
- Phải thế mới được chứ.
Ba cô bé ríu rít theo nhau lên lầu. Họ cùng nhìn thấy Yên vì người con trai ngồi gần cầu thang. Yên lên tiếng trước:
- Hay quá. Sáng nay anh nhờ có hai cô đến cứu nguy dùm anh.
Mỹ Hạnh tò mò:
- Sao vậy anh Yên?
Yên làm bộ rụt cổ:
- Sợ lắm!
Câu nói ỡm ờ của anh Yên càng khơi động thêm trí tò mò của hai thiếu nữ. Bạch Mai dụt dè:
- Mà chuyện gì thế anh?
Yên nhìn Bạch Mai. Một tia nhìn thẳng thắn và vô tình nhưng vẫn làm thiếu nữ cúi xuống. Luôn luôn tia nhìn của Yên khơi động trong cô gái một điều gì đó.
Có phải mình không cưỡng chống lại được những vùng lên bất chợt của một thứ tình cảm phong phú vẫn sống âm thầm đâu đó trong cơ thể mình? Thí dụ như nếu có một lần nào đó, Yên chỉ nói chuyện với một mình mình và cho riêng mình thì sao? Liệu mình sẽ nói được gì với Yên? Nói miên man về những cơn mơ đến bất chợt trong giấc ngủ hay nói về những lần mộng đến trong lúc tỉnh? Sẽ nói với Yên được hay không, cái thứ cảm tình kỳ lạ nung nấu tâm can mình hay rồi sẽ câm nín cho đến muôn đời? Giọng người con trai cất lên lôi Bạch Mai về thực tế:
- Tại thế này nhé. Sáng nay Khôi An biểu diễn ca tân nhạc sớm lắm cơ, anh đang phải phát sốt lên vì nghe cô ấy ca.
Khôi An lườm anh:
- Thôi chứ anh Yên, chê hoài.
Mỹ Hạnh chen vào:
- Ủa, anh Yên nói gì lạ vậy. Khôi An ca hay lắm cơ mà?
- Vâng hay lắm. Xin dành cho hai cô đó.
Khôi An nắm tay bạn:
- Thôi đi mày, vào phòng tao chơi. Ở đây ông ấy kê tao hoài ai chịu nổi.
Cả ba xoay lưng. Yên nhìn theo vóc dáng mảnh khảnh của ba cô gái. Tuổi của họ, chưa có gì để nghĩ hai họ đã có quá nhiều điều mà không dám tỏ lộ. Khôi An, con nhỏ cũng ngoan. Cầu trời cho nhỏ đừng bao giờ vướng mắc vào một nỗi khổ nào.
Khôi An lấy tay đùa tấm rideau sang một bên. Căn phòng như sáng hẳn lên. Mỹ Hạnh nói trước tiên:
- Mày đang làm gì mà ông Yên la dữ vậy?
Khôi An cười:
- Làm gì? Tao hát chơi, tại ổng không có chuyện gì làm nên nói nhăng nói cuội cho vui.
Bạch Mai thành thật:
- Ảnh đang học bài mà.
Khôi An nheo mắt:
- Ê, bênh hả?
Bạch Mai đỏ mặt:
- Đâu có.
Khôi An quay lại Mỹ Hạnh:
- Mày làm chứng hộ tao nhé! Rõ ràng nó bênh ông Yên.
Mỹ Hạnh biểu đồng tình:
- Quả có thế... chắc ông Yên có hối lộ nó.
Bạch Mai dẫy nẫy:
- Tụi mày nói bậy.
- Chứ không à? Còn chối.
- Tao bênh ảnh làm gì?
Khôi An cười cười:
- Ai mà biết.
Bạch Mai cúi mặt tránh ánh mắt bạn. Khôi An đáng lẽ mày phải hiểu tao thêm chút nữa. Sợ rằng cho đến thiên thu, mày và tao vẫn là hai núi đá cách chia nhau bằng một bờ vực sâu thăm thẳm. Mày đứng bên kia, hồn nhiên và an tâm trong những điều kiện sống hoàn hảo. Tao đứng bên này, tê buốt nhìn một nỗi bất hạnh nào đó bỗng chực chờ ập đỗ xuống đời mình.
- Sao mày thừ người vậy Mai?
- Không.
- Có mày dấu tao.
Người con gái buồn giọng:
Đấu mày làm gì?
- Đôi khi người ta cần giữ lại cho riêng mình một điều gì đó.
Bạch Mai thẫn thờ:
- Mày đã hiểu thế sao còn hỏi tao?
Khôi An cắn môi, Bạch Mai, không phải tao khờ khạo để không hiểu gì về mày đâu. Nhưng nên nghĩ rằng tự tao, tao không thể khơi mào câu chuyện! Sao không nói thật cùng tao? Biết đâu tao sẽ chẳng giúp được mày hở Mai?
Mỹ Hạnh phàn nàn:
- Hai đứa tụi mày nói chuyện trên trời dưới biển thật. Tao không hiểu.
Khôi An cười:
- Ngu như mày thì làm sao mà hiểu.
- Làm như mày khôn lắm vậy.
Nụ cươi vô tư nở lại trên những đôi môi hồng. Cái quên và cái nhớ ở tuổi hồn nhiên này, hầu như không có một biên giới chắc chắn nào.
@by txiuqw4