sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Thư gửi bố - Chương 5

Cả trong Do Thái giáo cũng vậy, con không thể cứu mình trước bố. Đáng ra đây là một lĩnh vực tự nó có thể mang lại sự cứu rỗi, hay còn hơn thế, đáng ra hai bố con có thể tìm thấy nhau trong Do Thái giáo, hay thậm chí cùng dắt tay nhau hòa hợp đi ra từ đó. Nhưng mà, con đã nhận được từ bố thứ Do Thái giáo gì đây! Theo thời gian, con có ba loại thái độ với Do Thái giáo.

Khi bé con đồng quan điểm với bố. Con thường trách mình không siêng đến nhà thờ, không ăn chay v.v... Con không nghĩ mình đã làm điều có lỗi với mình, mà là có lỗi với bố, và con bị cảm giác tội lỗi vốn luôn có sẵn trong con chế ngự.

Sau này, ở tuổi thanh niên, con không hiểu tại sao bố, với một con số không về Do Thái giáo, lại trách con tại sao không cố gắng (vì chữ Hiếu, như bố nói) để đạt được một con số không tương tự. Theo như những gì con thấy, đó thực sự là con số không, một thú tiêu khiển, thậm chí còn không đáng là thú tiêu khiển nữa. Mỗi năm bố đến nhà thờ bốn ngày, ở đó bố thân mật với những kẻ thờ ơ hơn hẳn những người nghiêm túc, bố thực hiện những lễ tụng theo thủ tục, và đôi khi bố làm con kinh ngạc vì lẫn lộn đoạn kinh trong sách với đoạn kinh đang được tụng. Có điều khi đến nhà thờ con được phép trốn vào xó xỉnh nào con thích (đó là điều quan trọng nhất). Ở đó con ngáp dài ngáp ngắn nhiều giờ liền (sau này con nghĩ chỉ có giờ học nhảy là làm con chán tương tự). Con tìm cách khuây khỏa bằng vài sự thay đổi nho nhỏ trong đó, chẳng hạn như khi người ta mở nắp chiếc hòm giao ước, nó luôn làm con nghĩ đến trò chơi bắn súng giả, mỗi khi ta bắn trúng ô đen thì ngăn kéo mở ra, có điều ở trò chơi bắn súng giả, ta luôn nhận được cái gì đó hấp dẫn, trong khi ở đây lần nào ta cũng chỉ thấy những con búp bê cũ cụt đầu. Có điều con cũng thường xuyên bị sợ, không chỉ sợ rất nhiều người con gặp ở đó như thường lệ, mà còn vì, như có lần bố nói loáng thoáng, rằng con cũng có thể bị gọi lên đọc kinh Torah. Con đã run rẩy nhiều năm trời khi nghĩ đến điều đó. Ngoài ra thìcon không thực sự bị làm phiền gì trong sự nhàm chán của mình, có chăng là những bài tụng kinh, vốn chỉ đòi hỏi người ta học thuộc lòng một cách nực cười, một bài kiểm tra lố bịch, và vài sự kiện nhỏ nhặt, ít quan trọng liên quan đến bố, chẳng hạn khi bố được gọi lên đọc kinh Torah và theo cảm nhận của con thì đấy cũng chỉ là một màn kịch xã hội mà bố đã diễn tốt, hoặc là trong lễ thánh thể bố được giữ lại nhà thờ còn con thì bị đuổi đi, đến nỗi một thời gian dài sau đó, có lẽ phần vì bị đuổi, phần vì thiếu ý thức tham gia tích cực, trong con luôn dâng lên cảm giác vô thức rằng, đây hẳn phải là một việc gì đó thiếu tử tế. Ở nhà thờ thì như vậy, ở nhà đôi khi còn thảm hại hơn. Lễ nghi chủ yếu giới hạn trong ngày đầu tiên của lễ ăn chay, và

càng ngày càng trở thành một màn hài kịch với những trận cười ra nước mắt, nhưng điều này cũng còn do ảnh hưởng của đám con cái ngày một lớn nữa. (Tại sao bố phải chịu đựng ảnh hưởng này? Vì chính bố đã gây ra nó.) Đó là tất cả chất liệu của đức tin mà con được bố trao truyền, có thêm chăng là chuyện cổ tích Bàn tay xòe, ám chỉ “những người con của nhà triệu phú Fuchs”, những người con hiếu thảo, luôn ngoan ngoãn đến nhà thờ cùng cha trong những ngày lễ. Con không hiểu người ta có thể làm gì với chất liệu này, ngoại trừ việc vứt bỏ nó càng nhanh càng tốt. Chính hành động vứt bỏ này theo con mới là hành động có hiếu nhất.

Sau này thì con cũng nhìn nhận vấn đề khác đi và hiểu được tại sao bố nghĩ con đã phản bội bố một cách đầy ác ý ở phương diện này. Bố đã thực sự mang theo một chút Do Thái giáo từ cái làng quê nhỏ bé, biệt lập. Chút Do Thái giáo đó là không nhiều, và cũng rơi vãi đi phần nào ở thành phố cũng như trong quân ngũ, mặc dù vậy, những ấn tượng và kí ức thời trẻ cũng đủ cho bố một lối sống kiểu Do Thái, nhất là để duy trì lối sống ấy, bố không cần nhiều đến sự giúp đỡ từ bên ngoài, vì bố vốn xuất thân từ một dòng họ mạnh. Lối sống ấy không thể bị lung lay với người có quan niệm tôn giáo như bố, nhất là khi quan niệm ấy lại trộn lẫn rất nhiều với quan niệm ứng xử xã hội. Về cơ bản, đức tin tôn giáo dẫn dắt đời sống của bố là: Bố tin vào quan điểm nhất thiết đúng đắn của một tầng lớp Do Thái nhất định, và vì quan điểm đó cũng thuộc về bản thể của bố, nên thực ra điều đó có nghĩa là, bố có đức tin vào chính bố. Ngay cả ở đây cũng có đủ chất Do Thái giáo, nhưng để truyền-đạt-cho-người-khác thì nó lại là quá ít với đứa trẻ, và nó bị vón cục cả lại khi bố truyền tải. Một phần vì những kinh nghiệm thời trẻ của bố vốn không thể truyền tải, phần khác vì sự hiện diện gây khiếp sợ của bố. Mà cũng hoàn toàn không thể làm cho một đứa trẻ hiểu rằng, mấy chuyện vớ vẩn mà bố thực hành với thái độ vô thưởng vô phạt lại mang một ý nghĩa gì cao siêu, nhất là khi đứa trẻ đang sợ phát khiếp vì bị hau háu săm soi. Những chuyện đó có ý nghĩa với bố như là những hoài niệm nho nhỏ về thời xưa, vì thế bố muốn truyền đạt lại cho con, nhưng vì tự chúng cũng không còn giá trị gì với bố, nên bố chỉ có thể truyền cho con bằng dụ dỗ và dọa dẫm. Một mặt, cách đó không thể mang lại kết quả, mặt khác, vì hoàn toàn không nhận ra thế yếu của mình, bố đã luôn phải làm ra vẻ rất tức giận vì thái độ cứng đơ của con.

Tất cả không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Điều tương tự cũng xảy ra ở phần lớn thế hệ Do Thái chuyển đổi này, thế hệ những người di cư từ những vùng nông thôn còn tương đối sùng đạo ra thành phố. Điều này cũng tự nhiên thôi, chỉ có điều, nó lại bồi thêm một vết thương đủ đau vào mối quan hệ vốn đã không thiếu phần sắc cạnh giữa hai chúng ta. Ở đây, cũng như con, bố nên tin vào sự vô tội của mình, nhưng phải giải thích sự vô tội đó là do bản thể của bố cũng như do sự khác biệt về thế hệ, chứ không phải nói rằng, đại loại, bố luôn có cả đống việc phải làm, phải lo, không còn hơi sức đâu mà bận tâm tới những chuyện vớ vẩn đó. Bằng cách này, bằng vào sự vô tội miễn tranh cãi của bố, bố quay ra kết tội những người khác. Ở tất cả mọi trường hợp, cũng như ở đây, phản bác bố rất dễ. Vấn đề không phải là bốphải cho con bài học gì đó, mà là, bốhãy cho con một đời sống mẫu mực. Chỉ cần bố có đức tin Do Thái mạnh hơn, thì điều bố dạy tự nhiên sẽ thuyết phục hơn. Điều này là đương nhiên, và ở đây không phải con đang trách bố, mà là con chỉ tự vệ trước sự kết tội của bố. Gần đây, bố đã đọc cuốn hồi kítuổi trẻ của Franklin. Thực sự con đã cố ý đưa cho bố đọc cuốn sách đó, nhưng không phải vì một đoạn ngắn nói về việc ăn chay như bố nhận định một cách mia mai, mà vì mối quan hệ giữa tác giả với cha được miêu tả trong sách, cũng như quan hệ giữa tác giả với con trai, người được tác giả đề tặng cuốn hồi kí. Ở đây con không muốn đi vào chỉ tiết.

Những năm qua, con còn nhận được một bằng chứng nữa bổ sung cho quan điểm của bố về Do Thái giáo, khi bố nhận ra con đang quan tâm hơn tới những vấn đề Do Thái. Bởi vì ngay từ đầu bố đã luôn chống lại mọi việc con làm, nhất là chống lại thái độ của con, nên ở đây cũng vậy. Có điều, ngoài chuyện đó ra, lẽ ra người ta có thể chờ đợi, ở đây bố sẽ làm một ngoại lệ nho nhỏ chứ? Đó chẳng phải là Do Thái giáo, vâng, Do Thái giáo của bố hay sao? Và hẳn nó sẽ mở ra cơ hội cho quan hệ mới giữa hai bố con. Con không phủ nhận rằng, những điều mà bố quan tâm đều làm con nghi ngờ, đơn giản là bởi vì bố quan tâm. Con hoàn toàn không có ý muốn chứng tỏ rằng, con giỏi hơn bố về phuơng diện này. Nhưng con cũng chẳng có cơ hội đâu mà chứng tỏ. Qua sự giới thiệu của con, Do Thái giáo trở nên kinh tởm với bố; kinh sách Do Thái là thứ không đọc nổi, chúng làm bố “buồn nôn". Điều đó có thể được hiểu rằng, theo bố, oái ảm thay, chỉ có cái thứ Do Thái giáo mà bố dạy con hồi bé là Do Thái giáo duy nhất đúng, ngoài ra không còn gì nữa. Nhưng thật khó tưởng tượng là bố lại có thể nghĩ như thế. Vậy thì, sự “buồn nôn” (ngoại trừ việc nó trước hết không phải hướng vào Do Thái giáo, mà là hướng vào con người con) chỉ có nghĩa là trong vô thức, bố đã thừa nhận sự yếu kém về Do Thái giáo của mình cũng như nền giáo dục Do Thái mà con được nhận, và bố tuyệt đối không muốn bị ai nhắc tới điều đó. Bố đáp lại mọi nhắc nhở bằng sự căm ghét ra mặt. Có điều bố đã quá trầm trọng hóa cái Do Thái giáo mới của con, vì thứ nhất, nó mang theo cuộc trốn chạy của bố, và thứ hai, sự phát triển của nó có ảnh hưởng quyết định tới quan hệ của con với người khác nói chung. Trong trường hợp của con, đó là sự ảnh hưởng chết chóc.

Bố đã có lí hơn khi chống lại việc viết của con và những gì liên quan tới nó (những điều mà bố không biết), ở đây quả thật con đã tách ra độc lập được với bố một đoạn, cho dù sự độc lập này cũng chỉ gợi liên tưởng đến một con giun, con giun bị một bàn chân dậm chặt một đầu, còn đầu kia cố gắng kéo lê thân mình đi, và nó đổ oặt sang một bên. Ở đây con được yên ổn phần nào. Con được hít thở một chút. Tất nhiên bố đã lập tức chống lại việc viết của con, nhưng trong trường hợp ngoại lệ này, con lại sẵn sàng đón nhận. Đúng là sự kiêu căng của con, tham vọng của con đã bị tổn thươngtrước câu nói của bố, câu nói đã trởnên nổi tiếng với chúng con mỗi khi con mang về những cuốn sách mới của mình: “Để lên bàn đi!” (thường thì bố luôn chơi bài mỗi khi có sách đến), nhưng nhìn chung con vẫn thấy dễ chịu, không chỉ vì sự ác ý hoang dại, không chỉ vì sự khoái trá bởi quan điểm của con về mối quan hệ giữa chúng ta được xác nhận thêm một lần nữa, mà, vì một điều hết sức căn cốt là, mỗi câu nói hình thức của bố đều sẽ gây cho con cảm giác: "Giờ thì anh tự do!”. Tất nhiên, đó chỉ là ảo giác. Con không tự do. Ngay cả trong trường hợp thuận lợi nhất, con cũng vẫn chưa tự do. Con viết là con viết về bố. Con than vãn ở đó, chỉ vì con không thể than vãn trên ngực bố. Viết là một cuộc chia ly với bố, cuộc chia ly mà con cứ cố ý kéo dài ra mãi, và tuy rằng đó là cuộc chia ly do bố ép buộc, nhưng nó đi theo hướng nào lại do con quyết định. Nhưng tất cả thật ít ỏi biết bao! Sở dĩ con nói đến việc viết, là bởi vì việc viết đã làm tổ trong người con, ở đâu đó nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết, và còn bởi vì, nó đã chế ngự đời sống của con, như một dự cảm khi bé, như một hi vọng khi lớn, và rồi sau đó, như một niềm tuyệt vọng. Và - nói thế nào nhỉ, có lẽ cũng như bố - nó ra lệnh cho con trong một số quyết định nhỏ bé của mình.

Ví dụ như việc lựa chọn nghề nghiệp. Đúng là bố đã hào phóng cho con toàn quyền tự do, và theo nghĩa này, thậm chí có thể nói bố đã rất kiên nhẫn nữa. Tuy nhiên ở đây bố cũng bám theo các nguyên tắc chung mà giới trung lưu Do Thái áp dụng với con trai, hoặc ít nhất là những chuẩn mực giá trị của giới này. Và cuối cùng, việc này còn chịu tác động của một sự hiểu lầm của bố về con người con nữa. Vì lòng tự hào của người cha, vì thiếu hiểu biết về bản chất thực sự của con, vì tổng kết những biểu hiện yếu đuối của con, bố đã cho rằng con là đứa đặc biệt chăm chỉ. Theo bố thì khi bé, con đã luôn học và học, còn sau này thì viết và viết. Điều này không hề đúng. Ngược lại, không hề phóng đại, có thể nói rằng con là đứa học ít và đã chẳng học được gì hết. Nhiều năm trời chẳng có gì động đậy trong một bộ óc thuộc loại trung bình, trong một trí lực không phải loại tệ nhất, điều đó cũng không có gì quá đặc biệt, nhưng điều chắc chắn là, kết quả chung về kiến thức, đặc biệt là về sự chắc chắn của kiến thức, thuộc loại vô cùng thảm hại, nếu so với lượng thời gian và tiền bạc bỏ ra cho một đời sống bề ngoài tưởng chừng như yên ả, vô lo, đặc biệt là khi con so sánh mình với những người khác mà con biết. Điều đó thật thảm hại, nhưng lại dễ hiểu với con. Từ khi biết nghĩ, con đã luôn lo lắng ghê gớm về việc xác tín sự tồn tại tinh thần của mình, đến nỗi con dửng dưng với mọi thứ khác. Ở trường, học sinh Do Thái thường rất dễ nhận ra, vì họ thuộc loại ít giống người khác nhất, nhưng không thể tìm đâu ra một đứa trẻ tự hài lòng nhưng lãnh đạm như con, với vẻ dửng dưng lạnh lùng, dửng dưng không che đậy, dửng dưng không thể phá hủy, dửng dưng ngây thơ tuyệt vọng, dửng dưng đến nực cười, dửng dưng yên phận như thú vật. Có điều đấy là cách tự vệ duy nhất của con để không bị đứt dây thần kinh vì sợ hãi và cảm giác tội lỗi. Con chỉ quan tâm tới nỗi lo của mình, những nỗi lo đủ loại khác nhau. Chẳng hạn, lo về sức khỏe. Điều này rất dễ xảy ra, khi thì lo về tiêu hóa, khi thì lo rụng tóc, khi thì lo vẹo cột sốngv.v… những nỗi lo cứ tăng dần theo vô số cấp độ, rốt cuộc nó kết thúc bằng việc ốm thật. Mà đó thực ra là gì? Không hẳn là ốm về cơ thể. Nhưng bởi vì con không chắc chắn được về điều gì, nên từng lúc từng lúc, con lại cần được xác nhận mới về sự tồn tại của mình; bởi vì con không thực sự sở hữu cái gì - sở hữu một cách không nghi ngờ, sở hữu duy nhất, sở hữu được quyết định bởi chính con; bởi vì sự thật, con là một đứa con bị tước bỏ quyền thừa kế - nên dĩ nhiên con cũng không chắc chắn được về cái gì bên cạnh, không chắc chắn được về chính cơ thể mình. Người con cứ dài đuỗn ra, nhưng con không biết phải làm gì với nó, gánh nặng quá lớn, lưng còng xuống. Con gần như không dám hoạt động, gần như không dám chạy, con mãi là đứa yếu ớt. Con kinh ngạc về tất cả những gì mình còn sở hữu, chẳng hạn như khả năng tiêu hóa tốt, như một phép lạ. Chỉ cần đánh mất nó là các loại hypochondria (bệnh tưởng) nổi lên, cho tới lúc máu trào ra phổi vì sự nỗ lực quá sức trong dự-định-đám-cưới (con sẽ còn nói về việc này), mà trong đó sự cố thuê căn hộ ở Schönbornpalais [20] cũng góp phần gây ra (con cần căn hộ này, chỉ vì con nghĩ rằng con cần nó cho việc viết, vì vậy nó cũng đáng được đưa vào bức thư này). Tất cả những việc đó không đòi hỏi lao động gì quá ghê gớm, như bố thường tưởng tượng. Có những năm dài, khi hoàn toàn khỏe mạnh con chẳng làm gì khác ngoài việc nằm lười trên đi-văng mà đếm bệnh. Thời gian nằm lười này còn lớn hơn thời gian bố dành cho nghỉ ngơi trong cả cuộc đời. Những khi con làm ra vẻ bận rộn để rời khỏi bố, thì thực ra chủ yếu là để con về phòng nằm dài lên đi-văng. Năng suất lao động chung của con ở văn phòng (nơi mà sự lười nhác không dễ bị phát hiện lắm, và vì sợ hãi, nên con cũng cố chỉ lười nhác có mức độ thôi) cũng như ở nhà là vô cùng thấp. Nếu bố nhận ra, hẳn bố sẽ phải phát hoảng. Có lẽ về bản chất, con không phải là đứa lười nhác, nhưng chẳng có gì để con làm cả. Ở nhà, nơi con sống, con bị tước giá trị, bị kết tội, bị đè nén bẹp dí; còn ở những nơi mà con chạy đến, tuy con đã nỗ lực hết mình, nhưng đó chẳng phải công việc, đó là cái không thể chấp nhận, không thể đạt được với sức lực của con - trừ một số ngoại lệ nho nhỏ.

[20] Schönbompalais (tiếng Séc: Schönbomský palác - Lâu đài Schönbom): tòa nhà được xây dựng trong khoảng thời gian 1656 - 1715 theo phong cách barock ở Praha. Tòa nhà có tổng cộng trên 100 phòng. Năm 1794, tòa nhà được gia đình quí tộc Schönbom mua lại (vì vậy nó có tên “Schönbompalais”). Đầu năm 1917, Kafka thuê một căn hộ hai phòng ẩm thấp, không có lò sưởi ở đây để làm nơi viết văn. Hiện nay tòa nhà này thuộc sở hữu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và là trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Cộng hòa Séc - ND.

Ở trạng thái này, con được quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng liệu con còn có khả năng để sử dụng tự do ấy không? Liệu con còn dám tin rằng, mình sẽ đạt được một nghề nghiệp không? Việc tự định giá bản thân của con phụ thuộc vào bố hơn mọi thứ khác, như thành công bên ngoài chẳng hạn. Thành công bên ngoài chỉ động viên con chốc lát, ngoài ra nó chẳng là gì cả, trong khi ở phía kia, sức nặng của bố kéo xuống mạnh hơn nhiều. Con nghĩ mình sẽ không bao giờ vượt qua được lớp Một, nhưng rồi con vẫn vượt qua, thậm chí còn được khen thưởng nữa. Nhưng chắc con sẽ không thể đỗ kì thi tuyển vào trung học cơ sở, nhưng rồi con vẫn đỗ. Nhưng giờ thì chắc chắn con sẽ trượt lớp học đầu tiên ở trung học cơ sở, nhưng không, con không trượt, mà cứ tiếp tục thành công. Và cứ như thế. Nhưng điều này không hề mang lại sự tự tin, ngược lại, con luôn tin chắc rằng, mình càng thành công thì rốt cuộc mọi sự sẽ càng tồi tệ - và con nhìn thấy bằng chứng xác nhận cho niềm tin này trong ánh mắt miệt thị của bố. Con thường nhìn thấy trong tưởng tượng những cuộc họp khủng khiếp của các thầy cô giáo (trường trung học phổ thông chỉ là một ví dụ rõ ràng nhất thôi, còn khắp nơi quanh con đều vậy cả). Con thấy họ cùng nhau kéo đến khi con đỗ kì thi Prima, họ kéo đến khi con đỗ Sekunda, họ kéo đến khi con đỗ Tertia... Họ kéo đến để điều tra trường hợp bất công có một không hai này. Họ điều tra xem tại sao con, kẻ bất lực nhất, và chắc chắn là dốt nát nhất, lại có thể trườn tới được lớp học này, và, bởi vì tất cả ánh mắt đều dồn vào con, nên tất nhiên họ sẽ lập tức tóm được thủ phạm, và tất cả hò reo vì sự công bằng đã được giải thoát khỏi cơn ác mộng này. Phải sống với những hình dung như thế đối với một đứa trẻ thật không dễ. Trong hoàn cảnh đó, liệu con còn có thể quan tâm gì tới việc học nữa đây? Ai có khả năng gợi ra trong con một chút hứng thú đây? Sự quan tâm đến việc học hành của con - không chỉ việc học hành mà còn mọi việc khác ở độ tuổi quyết định ấy - đã chẳng hơn gì sự quan tâm đến công việc vụn vặt hàng ngày ở ngân hàng của một gã nhân viên biển thủ công quỹ, gã vừa tiếp tục làm việc như một nhân viên quèn ở đó vừa nơm nớp lo sợ bị phát hiện.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx