sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7 - Cộng Sản Đã Làm Gì Đối Với Trình Minh Thế

Khoảng đầu thập niên 1950, thế lực cộng sản tại Miền Nam chẳng có gì đáng kể. Với những ổ du kích lẻ tẻ, với vũ khí tồi tàn, chúng chỉ có khả năng hoạt động trong bóng tối nhiều hơn là ra mặt đối chọi với các lực lượng chống cộng tiếng tăm như Cao Đài và Hoà Hảo.

Được tin Trình Minh Thế kéo quân ra khu, cộng sản hốt hoảng, vì chúng không lạ gì khả năng chiến đấu của Trình Minh Thế khi ông còn ở trong Quân Đội Cao Đài. Nhất là quân sĩ của Thế ngày nay lại dàn trải ra trên một đường chim bay khoảng 70 cây số, dọc theo biên thùy Miên Việt, mà lại chiếm cứ ngay những địa điểm chiến lược xưa nay vốn là chỗ ẩn núp tung hoành của bọn du kích cộng sản. Người ta được biết, trước khi Pháp trở lại Miền Nam, các vùng đất chạy dài theo bìa rừng Bù Lu, Doi Da, Cai Tắc, Bưng Rồ...v..v đều có đồng bào thường dân cư ngụ. Nhà cửa cất rải rác khắp nơi, vườn tược sum suê, ruộng đồng xanh tốt. Nhưng từ khi cộng sản xuất hiện làm mất an ninh trong vùng, thì đồng bào lần lượt tản cư, bỏ lại tất cả tài sản. Chúng tôi bắt gặp một số nền nhà cũ bằng xi măng láng bóng, vô số những khu vườn vô chủ rộng lớn có rào dậu hẳn hoi, tuy cỏ dại đã mọc cao quá đầu người, nhưng vẫn còn đầy đủ những hàng cau, những rặng dừa không quả, đứng thi gan cùng tuế nguyệt.

Bị quân Liên Minh đánh hất mình ra khỏi sào huyệt, lại bị đẩy lui vào tận các khu rừng sâu gần mạn biên giới, mất đường liên lạc, dỉ nhiên là cộng sản phải căm tức. Nhưng chúng không làm gì được, đành giở trò lén lút sát hại các quân nhn Liên Minh đi công tác lẻ loi trong rừng, hoặc đột kích một vài đơn vị nhỏ ở xa, hoặc hơn nữa thì rủ bè rủ bọn, rủ cả đàn bà con nít đi cướp gạo của Liên Minh về ăn.

Như tôi đã thuật trong một đoạn trước, mùa mưa trong Nam với nước lũ ngập rừng, với mỗi mòng vô kể, với chứng sốt rét rừng giết người dễ như không, đã là một trở ngại lớn cho kẻ ở rừng suốt một thời gian dài năm sáu tháng mỗi năm. Đời dống gần như hoàn toàn bị tê liệt trong mấy tháng đó. Cộng sản cũng cùng một số phận như chúng tôi. Tuy nhiên, tháng 6 năm 1952, thừa dịp Liên Minh mới bị Pháp tấn công, hàng ngũ chưa kịp chỉnh đốn, cộng sản đã cố gắng tổ chức phục kích một đơn vị nhỏ, ước chừng một Tiểu đội, đóng tại một cánh rừng giữa Bộ Tư Lệnh và Đài Phát Thanh. Anh em Liên Minh vốn khinh địch, lại nghỉ rằng giữa mùa mưa gió, chắc cộng sản chưa thể hoạt động gì. Nên họ hơi chểnh mảng việc đề phòng canh gác. Bấy giờ đám anh em đang mải bận làm cơm vào khoảng 6 giờ chiều, trời vừa tối. Một toán cộng sản rình rập bên ngoài từ hồi nào không hay, bỗng hô ‘‘xung phong’’ rồi nhảy qua hàng rào phòng thủ, ra tay hạ sát. Chúng không dám nổ súng, mà dùng dao mác chém chết 6 chiến sĩ Liên Minh trong giây phút. Xong đâu đấy, chúng cướp đoạt vũ khí, rồi lặng lẽ rút lui.

Khi được tin thì đã trễ. Tướng Tế giận lắm không ngờ cộng sản lại cả gan ra tay trước. Ông bèn cho tình báo theo dõi, biết được sào huyệt của bọn kia. Một toán quân Liên Minh tức thì mở cuộc tấn công báo thù, tiêu hủy sạch căn cứ chúng ở gần Đồng Chó Ngáp, và giết được 11 đứa trong bọn.

Sau đó ít lâu, chúng tôi lại phải một lần di tản chiến thuật, vì được tin Pháp sẽ lại tấn công lần nữa. Trước khi di binh, chúng tôi đặc biệt săn sóc tới kho gạo vừa mới thiết lập. Một số lớn mìn được gài chung quanh kho để bảo vệ mạch sống. Nào ngờ cộng sản lại biết được, thừa lúc chúng tôi bỏ đi, chúng lần mò đến cuớp gạo. Trườc hết, chúng sai một toán chuyên viên gỡ mìn, mạo hiểm tìm tòi từng quả, mở ra một con đường nhỏ an toàn dẫn vào kho gạo. Tiếp theo, chúng huy động một số đông dân chúng thuộc vùng chúng kiểm soát, kể cả đàn bà và con nít (theo dấu chân để lại), thay phiên nhau xúc sạch kho gạo quý giá kia chỉ trong vòng một đêm. Hôm sau, chúng tôi trở về, và việc đầu tiên là sai người tới xem xét lại kho gạo. Một quang cảnh tiêu điều bày ra trước mắt. Kho bị phá nát tan, gạo rơi rớt khắp một vùng, hàng trăm vết chân lớn nhỏ còn để lại trên mặt đất ướt, chứng tỏ kẻ thù không phải chỉ gồm có lũ cầm súng, mà trái lại, có rất nhiều thường dân giúp sức chúng cho kịp tẩu tán kho lương thực quan trọng kia trước khi trời sáng. Hành động cướp bóc này không những gây cho chúng tôi sự khốn đốn cấp thời về việc nuôi quân, mà còn nói lên thái độ khinh mạn của kẻ thù không đội trời chung cứ luôn luôn rình rập để phá hoại chúng tôi.

Tướng Thế không một phút trì hoãn, nghiêm khắc hạ lệnh cho Trung Tá Văn Thành Cao phải tức khắc tìm cho ra sào huyệt của lũ ăn cướp, phải cho chúng một bài học đích đáng, và phải thu hồi cho bằng được số lương thực đã mất. Cứ như tình thế này thì bọn cướp hãy còn tạm dấu tang vật đâu đây, nếu không ra tay gấp rút, chúng sẽ tẩu tán đi nơi xa thì không hy vọng gì tìm thấy.

Trung Tá Cao thân hành dẫn một cánh quân, noi theo dấu chân khoảng 6 cây số đường rừng, thì biết chắc là bọn cộng sản thủ phạm có một căn cứ tại Hố Bò. Đang đêm, ông mở cuộc tấn công chóp nhoáng, vừa chia quân bao vây căn cứ, vừa đánh thẳng vào Bộ chỉ huy của chúng. Đối phương không kịp trở tay, bị thiệt hại hết sức nặng nề. Chỉ một vài đứa trốn thoát, còn bao nhiêu đều bị giết hoặc bị thương nằm la liệt, thêm 2 đứa khác bị bắt sống dẫn về. Trận ấy, Liên Minh lấy lại được cả số gạo hãy còn chất đống trong một căn lều tranh, Liên Minh lại đốt sạch căn cứ địch. Lại khám phá được một đường hầm nơi ấy cộng sản chất chứa không biết bao nhiêu vại cá mắm, vốn là thức ăn cần thiết nhất và quý giá nhất đối với quân du kích. Ngoài ra, Liên Minh còn thu đoạt một số vũ khí, tịch thu một con bò và hai con lợn, với khá nhiều quần áo đen đã may sẵn. Thế là chung cuộc, cộng sản mất cả chì lẫn chài. Xét ra, chúng cũng hơi có vẻ tự tin, không nghĩ rằng Liên Minh thừa sức trừng phạt chúng một cách khá nhanh chóng và hiệu quả. Huống chi những dấu chân tội lỗi kia không thể nào che dấu được sào huyệt chúng, để đến nỗi "chưa vui chiến thắng đã sầu... tán mạng!"

Theo lời Trung Tá Cao báo cáo, căn cứ Hố Bò vừa kể trên mang kích tấc của một sào huyệt quan trọng. Lều trại rất nhiều và đều mới cả, chứng tỏ cộng sản mớì di chuyển về đó. Theo số quần áo may sẵn bị tịch thu, thì bọn y chúng ắt đang chuẩn bị tập trung thêm một số quân đông đảo, hoặc để đánh úp Liên Minh một ngày nào đó, hoặc để tăng cường lực lượng tại địa phương kia. Liên Minh thật đã may mắn trừ khử kịp thời một lực lượng đối phương đáng kể.

--&--

Một mặt lo đối phó với Pháp, mặt khác lại phải lo đề phòng những màn đánh lén của cộng sản, vai trò người chiến sĩ Liên Minh quả thật nặng nề khó khăn. Tuy nhiên, vì sự sống còn, Liên Minh vẫn càng ngày càng mở rộng vùng đất kiểm soát. Tiểu Đoàn của Trung Tá Nguyễn Trung Thừa về đóng tại khu Bời Lời. Tiểu Đoàn của Trung Tá Nguyễn Tấn Mạnh đứng làm cái nút chặn tại ranh giới Đồng Tháp.

Dạo ấy, cộng sản có con đường liên lạc quan trọng từ Cao Miên chạy qua địa phận Tây Ninh về tới Bình Dương, mà Bời Lời là cứ điểm then chốt. Mọi hoạt động của cộng sản đều qua ngả ấy. Có thể nói đó là cái yết hầu của cộng sản. Bởi vậy sự có mặt của Trung Tá Thừa tại khu Bời Lời là một đe dọa lớn đối với cộng sản. Chúng làm mọi cách để ngứt cái gai ấy đi. Chúng mở liên tiếp bao nhiêu cuộc tấn công dữ dội, nhưng trước sau Trung Tá Thừa vẫn không nao núng. Người sĩ quan gan lì này là một trong những phần tử nổi tiếng của Liên Minh, và được Tướng Thế yêu mến, tin cậy. Binh sĩ dưới quyền ông ít khi bị thiệt hại, mà thường lại hay thu đoạt thắng lợi vẻ vang. Hơn một lần, ông phục kích bắt trọn ổ một toán cán bộ thuộc cấp miền của cộng sản. Ngoài hai người trong toán ấy được sống sót nhờ có trình độ học vấn cao lại thuận tình quay sang hợp tác với Liên Minh, còn bao nhiêu đều bị thủ tiêu cả. Lại một lần khác, cũng chính ông phục kích giết mất hai nhân vật quan trọng Pháp trên đường Saigon - Tây Ninh. Lạ lùng thay, Pháp lại đem vấn đề ra khiếu nại với Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, chứ không trực tiếp trả đũa Liên Minh. Mặc dù Đức Hộ Pháp không dính líu gì tới Liên Minh, nhưng Ngài cũng dùng uy tín cá nhân, yêu cầu Liên Minh mở cuộc điều tra và trừng phạt xứng đáng kẻ đã giết hai nhân vật Pháp, theo như Pháp đòi hỏi.

Tướng Thế vô tình rơi vào cái thế khó xử. Vì lòng kính nể Đức Thầy, chẳng đặng đừng, ông hạ lệnh cho Trung Tá Trương Lương Thiện, Thiếu Tá Hồ Đức Trung, hợp lực với tôi giả vờ thiết lập một Tòa án Quân Sự Liên Minh, mở cuộc điều tra và tuyên án "tử hình" thủ phạm! Báo hại, cá nhân tôi phải "chế tạo" cả một tập hồ sơ dày cộm, toàn những công văn giấy tờ qua lại giữa người này với người kia, giữa cơ quan nầy với cơ quan nọ, mục đích làm sao cho bản án có vẻ hợp lý, gián tiếp thoa dịu nỗi phẫn uất của Pháp. Về sau, Pháp biết là giả mạo, nhưng họ cũng đành làm ngơ cho xong chuyện. Trong buổi lễ ra mắt hợp tác của một phần lực lượng Liên Minh cử hành ngày 13 tháng 2 năm 1955 tại Saigon, chính Trung Tá Nguyễn Trung Thừa đã được chỉ định đóng vai Tư Lệnh Danh Dự. Và cũng chính ông đã có mặt bên cạnh Tướng Thế trong cuộc đụng độ với Bình Xuyên tại cầu Tân Thuận ngày mồng 3 tháng 5 năm 1955. Khoảng cuối năm 1955, sau cái chết của Tướng Thế, ông chán nản xin giải ngũ rồi về nhà làm nghề xẻ gỗ tại đường Phát Diệm.

---&---

Trung Tá Nguyễn Tấn Mạnh cũng là một cấp chỉ huy khá nổi tiếng của Liên Minh, nhờ tài hành quân độc đáo, và nhờ cái tính nết liều lĩnh gan dạ ít có ai bằng. Ông lầm lì ít nói, trước đám đông thì đầy vẻ ngượng ngùng ấp úng. Nhưng khi lâm trận, thì bao giờ cũng xách súng đi trước anh em, tiến gần mục tiêu tới mức tới cận rồi mới khai hỏa. Trong một cuộc đụng độ với cộng sản, ông nằm ngay làn đạn của một ổ súng máy địch, mà tên xạ thủ địch lại bắn quá rát. Ông tức giận đợi cho tên kia vừa tạm ngừng tay để đổi sang thùng đạn mới, bèn chạy băng qua trước họng súng, phóng một bước thật dài tới ngay ổ súng, rồi nhanh như chớp nhoáng, ông đưa tay vặn cổ tên xạ thủ kia từ đằng trước ra đằng sau, tên ấy chết tức khắc không kịp kêu lên một tiếng nào. Thế là ông đoạt được ngay khẩu súng máy và lại dùng nó để bắn trả lại địch.

Khi được chỉ định đem quân về làm nút chặn tại ranh giới Đồng Tháp Mười, Trung Tá Mạnh gặp khá nhiều chuyện buồn cười khi phải đối phó với cộng sản. Dạo ấy Đồng Tháp Mười kể như bị cộng sản hoàn toàn khống chế.

Đồng bào thường dân bị chúng tuyên truyền đầu độc đến độ cuồng tín, bất chấp lẽ phải. Một hôm, binh sĩ của ông vô ý làm rụng mấy quả cam trên một cành cam ngả ra ngoài lối đi công cộng. Chủ nhân trông thấy, phản ứng một cách dữ dội, nhất thiết đòi bồi thường. Ông tiến lại gần người ấy, hỏi giá phải đền bao nhiêu. Quái gở thay, người chủ vườn cam không chịu lấy tiền, mà lại bắt buộc ‘‘thủ phạm” phải làm cách nào cho mấy quả cam "dính liền" trở lại cành cũ mới được. Bằng không thì đừng hòng bước khỏi. Trước cái yêu sách cổ kim chưa từng thấy kia, ông Trung Tá lầm lì nhà ta chẳng hề lộ vẻ tức giận, ông đứng yên một chặp, đợi cho tên kia tha hồ chửi mắng, rồi ông bỗng nghiêng tai nói một câu sấm sét như Trương Phi đứng trên cầu Trường Bản: "Mày mà còn lải nhải, tao vặn cổ mày ném xuống rãnh bùn kia! Mày chọn đằng nào?" Tên kia chợt trợn tròn đôi mắt, rồi đâm đầu chạy biến vào trong khu vườn, trốn mất, chẳng nhận được một xu bồi thường nào cả. Tuy vậy, ông Trung Tá cũng bắt chước Tướng Thế độ nào, đem tiền buộc trên cành cam rồi mới bỏ đi. Lại một lần khác, cũng tại Đồng Tháp Mười, ông giải quyết "vệ sinh" ngay giữa cánh đồng hoang, chẳng đụng chạm gì tới ai cả. Nhưng bất đồ một nông dân trông thấy, cứ đứng giữa trời chửi đổng, hết mắng nhiếc lại quay ra tuyên truyền theo lối cộng sản. Ông chẳng nói chẳng rằng, lầm lì bước ngang mặt tên ấy, rồi bất thình lình ông tung chân đá băng một phát, tên ấy bay luôn xuống cái rãnh nuớc như một chiếc lá. Thế là chấm dứt một hành động vô lý thứ hai của đám dân quê bị cộng sản nhồi sọ, thấy ai cũng ghét.

Hai mẩu chuyện trên đây chứng tỏ một cách hùng hồn lòng thù hận của cộng sản miền Nam đối với Liên Minh.Mục đích chúng là triệt hạ " con hùm dữ’’ Trình Minh Thế. Nhưng việc ấy khó thành tựu. Chúng bèn quay ra chọn mục tiêu dễ dàng hơn mà cũng trực tiếp liên hệ tới Tướng Thế. Ấy là thânphụ ông, cụ Trình Thành Quới và em ruột ông, Trình Minh Đức. Hai người này đã bị cộng sản sát hại một cách cực kỳ tàn bạo, mà tôi sẽ tường thuật chi tiết trong Chương XI tiếp theo.

Cuối cùng, cộng sản lại quay ra chơi trò dụ dỗ, thuyết phục. Dưới chiêu bài "Hòa bình’’ và ‘‘Đoàn kết chống Pháp”, trướcTết Nhâm Thìn (1953), chúng in một mớ truyền đơn lén rải khắp trong rừng, kêu gọi Tướng Thế hãy "xiết chặt nắm tay" với chúng, để đánh đuổi thực dân ra khỏi nước. Xem xong truyền đơn, tôi với Tướng Thế đưa mắt hội ý nhau, quyết sẽ ‘‘chơi’’ cho bọn xỏ lá này một trận cho chừa cái thói lừa bịp trẻ con. Một đêm nọ, chúng tôi tới thăm căn cứ của Thiếu Tá Nguyễn Kim Bằng. Mới ngồi được một lát, đã nghe đâu đây có tiếng loa nhai nhải kêu gọi nào là ‘‘ Anh em đồng chí Liên Minh’’, nào là ‘‘Các đồng bào có tấm lòng yêu nước gương mẫu’’ v..v.. hãy cùng ‘‘Chúng tôi hợp thành trận tuyến thống nhất, đánh đuổi bọn đế quốc Pháp, tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa’’!..

Tướng Thế mỉm cười, khẻ ra hiệu bằng khóe mắt, rồi toán quân của Thiếu Tá Bằng lặng lẽ chia nhau ra bao vây mấy thằng cán bộ tuyên truyền kia. Súng nổ khắp bốn mặt. Tiếng hô hào tịt ngay tức khắc. Chúng ném loa, vắt giò lên cổ mà chạy nghe ào ào như hổ bị đuổi. Chúng tôi được một bữa cười no bụng.

Xét một cách vô tư về mặt trang bị vũ khí, buổi đương thời cộng sản chẳng hơn gì Liên Minh, mặc dù chúng được tổ chức từ lâu. Cộng sản vẫn còn dùng loại súng trường Nga sản xuất từ hồi Đệ Nhất Thế Chiến, nòng súng dài một cách kém kỹ thụật, lại quá nặng và rất hiếm đạn để bắn nó. Có khi cả một đơn vị lớn của cộng sản cũng chưa có nổi một khẩu trung liên, còn mìn thì trước sau vẫn là thứ mìn "máng xối" mà bộ phận phát hỏa lại làm bằng thứ giây "Résistant" kém hiệu lực, dùng phá hủy mục tiêu bất động thì mười lần sai hỏng tới bảy tám. Trong khi ấy, Liên Minh có rất nhiều đại liên và trung liên trang bị cho từng đơn vị nhỏ. Lại thêm một số lớn tiểu liên "bá gấp" của Pháp được coi là tối tân hơn hết lúc bấy giờ. Hơn nữa, Liên Minh lại còn tự chế tạo thứ mìn rất nguy hiểm, thường gài giữa lưng chừng ở các lối đi. Mìn nổ cắt đứt cả đôi chân địch tới ngang đầu gối, không thể nào cứu sống được.

Ngoài ra, Liên Minh còn hơn hẳn cộng sản ở chỗ Liên Minh có một hệ thống điện thoại riêng biệt giúp cho sự thông tin liên lạc nhanh chóng hơn. Hệ thống này được cộng sản thèm khát cho đến nỗi chúng treo giải thưởng cho ai bắt được một chiếc máy kiểu mẫu để chúng bắt chước.

Thời kỳ đóng quân trên Núi Bà Đen, tình hình tương đối yên ổn, nên Công Binh xưởng Liên Minh có điều kiện hoạt động đắc lực hơn. Với Đại Uý Nguyễn Văn Tranh đứng quản đốc thay thế Trung Tá Cảm Văn Tỵ bận lo Quân Y Cục, và với sự giúp sức tài ba của một số chuyên viên Cao Đài mới gia nhập hàng ngũ, Công Binh xưởng Liên Minh bắt đầu sản xuất súng cá nhân, nói đúng theo kiểu "Colt - 45" của Mỹ, nhưng nòng súng lại chỉ có 9 ly, để tiện dùng đạn tiểu liên mà Liên Minh sẵn có rất nhiều. Kiểu súng mới này - có thể gọi là "Made-In-Lienminh" không hổ thẹn - thoạt trông rất dễ lầm với súng Colt của Mỹ lắm. Vì cách chế tạo, tuy bằng tay, nhưng rất tinh vi mỹ thuật, đường nét hoàn toàn như đường nét do máy làm ra, trơn tru, thẳng thớm, không để lộ một dấu vết gì của bàn tay người cả. Nước thép lại cũng đen xanh và bóng lộn, làm cho khẩu súng có một vẻ quyến rũ lạ thường. Cái khó nhất trong việc chế tạo súng là làm sao xoáy được mấy đường rãnh "trôn ốc" gọi là "khương tuyến" trong nòng súng bằng thép cứng, để đưa lằn đạn đi xa. Không có mấy đường rãnh ấy, súng sẽ thành vô dụng, đạn ra khỏi nòng là rơi ngay xuống đất, Ấy thế mà các nhà chế tạo Liên Minh đã dạt tới mức thành công tuyệt kỹ, không sao tưởng tượng được. Cứ đưa nòng súng lên trời ngắm thử, tưởng như thép đã được "ép" lại để tạo ra mấy đường rãnh "trôn ốc" kia vậy.

Khẩu súng "Colt-9 Liên Minh", khẩu súng đầu tiên ra khỏi lò đúc súng vào khoảng tháng 10 năm 1953, tại Công Binh xưởng thiết lập trong một hang đá mà diện tích có thể chứa được cả một Đại Đội. Đằng sau hang đá này, tình cờ chúng tôi khám phá được một đường hầm thiên tạo dài bất tận, đi suốt ngày cũng chẳng biết tới đâu. Tại đây, chúng tôi bắt gặp một bộ hài cốt lâu đời nằm cạnh một chiếc ô đã mục nát, chỉ còn lại cái khung sắt rét rỉ. Không hiểu do đâu mà có người vào nằm chết nơi đó, và người chết đó là ai? Một nhà ẩn sĩ tu tiên, hay là nạn nhân của một vụ ám sát nào?

Tướng Thế có nhã ý tặng ngay khẩu súng đầu tiên kia cho tôi để làm kỷ niệm. Trên mặt thép đen xanh, có khắc tên tôi và giòng chữ đề tặng của ban Giám Đốc Công Binh xưởng. Nhằm bày tỏ lòng biết ơn, và cũng để đánh dấu sự thành công đầu tiên trong công cuộc chế tạo vũ khí, tôi đã tổ chức một "tiệc mừng" anh em bằng một quả mít chín có cái lai lịch khá kỳ dị. Số là, khi mới dọn về Núi Bà Đen, tôi có cất một căn lều tranh nằm dựa vào một tảng đá lớn. Sẵn có cây mít với thân cây to vừa bằng gang tay, tôi dùng ngay nó làm một chiếc cột trụ cho căn lều. Tới mùa gió bão, cây mít bị gió đánh lắc lư, lôi theo cả chiếc lều cũng rung chuyển theo nó từng cơn, kêu lên ken két như muốn đổ. Được biết cây mít này dường như là vật sở hữu của một nhà đạo sĩ ẩn tích mai danh nào đó thuở xa xưa. Nhà ẩn sĩ này không biết đã về chơi tiên cảnh hay là còn mãi đi "hái thuốc" phương xa, mà quên săn sóc cây non mới trồng. Vắng chủ, dường như vật vô tri cũng biết thương nhớ, buồn rầu, nên dù hàng năm vẫn sinh thêm cành lá, mà tuyệt nhiên không hề có một lần đơm bông kết trái.Khi có tôi về ở đó, lạ thay, cây mít bỗng lớn cao vùn vụt, và năm ấy, tôi đếm không biết bao nhiêu là quả trên cành. Ngay trên mặt bàn viết của tôi (được kê sát vào thân cây) có hai quả mít càng ngày càng to, rồi bốc mùi thơm thật hấp dẫn. Thế là tôi mời khách tới nhà, cứ để nguyên quả mít gắn liền vào thân cây mà bổ ra làm tiệc, mọi người được thưởng thức một bữa no nê.

Sau này, khi tiếp kiến Tướng Edward Lansdale tại chiến khu, tôi có đem giới thiệu với ông khẩu súng kỷ niệm của tôi. Ông cầm lên xem với đôi mắt kinh ngạc, và sau khi bắn thử một gắp đạn, ông lắc đầu thán phục cách thức chế tạo và hiệu năng chính xác của nó. Năm 1956, tôi bỏ nước ra đi, khẩu súng quý báu được gửi lại cho Tướng Nguyễn Thành Phương, nhờ cất giữ giùm. Nhưng sau nghe nói nhà của Tướng Phương bị khám xét, và không biết khẩu súng kia đã về tay ai?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx