sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8 - Những Ngày Gian Khổ

Nói tới cái khổ của quân kháng chiến Liên Minh thì không bút mực nào tả xiết. Người Liên Minh không những cần một ý chí hy sinh anh dũng để đương đầu với kẻ thù bốn mặt, mà còn phải có một tấm lòng sắt đá bền bỉ để chịu đựng mọi sự thiếu thốn trên đời.

Ngày nay ôn lại những nỗi đọa đày gian nguy chồng chất ở trong rừng suốt cả 5 năm đằng đẳng, tôi không khỏi giật mình tự vấn lương tâm mình bằng cách nào hồi đó chúng tôi đã không bỏ cuộc trên con đường chỉ thấy chết chóc, tối tăm, đói khổ, và bệnh tật? Suốt cả 5 năm, dường như chỉ có một đôi lần chúng tôi nhìn thấy mặt mũi đồng tiền đồng bạc. Và khi cầm nó trên tay, chúng tôi có cảm tưởng là lạ như anh mán rừng, không biết dùng nó để làm gì đây? Khắp trong đoàn thể đều sống một nếp sống như nhau, không ai sang cả hơn ai, không ai có quyền thụ hưởng theo cái chính sách kỳ thị, phân giai cấp ‘'Tiểu Táo", "Đại Táo" như bọn cộng sản. Bình thường thì quanh đi quẩn lại vẫn có gạo lứt, muối, nước tương Tàu Vị Yểu, khá hơn chút nữa thì có thêm cá mắm đồng, hoặc cá khô tra. Nhưng Tàu Vị Yểu vẫn không được ăn nguyên chất, mặc dù giá bán chỉ có 15 đồng buổi đương thời, mà phải pha chế thêm nước muối nữa. Cứ mỗi chai nước tương lại phải đổ thêm vào 16 chai nước muối, rồi cho lên bếp đun sôi cho nước muối với nước tương lẫn lộn nhau, xong để dành ăn ngót cả tháng mới hết. Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn đã cám cảnh, đặt tên cho loại thức ăn ấy là "Thập lục hòa tương". Trong thời kỳ bị Pháp khủng bố, tình cờ một bữa tôi ăn cơm chung với Đại Úy Lê Văn Sâm. Thấy tôi bốc cơm nhai với muối trắng, mà anh em thường gọi là "Muối Bà Rịa", ông cựu quân nhân ONS của Pháp chợt trịnh trọng rút từ trong cái "gùi" của anh ra một lọ nước tương "Maggi" nổi tiếng của Pháp. Tôi sáng cả đôi mắt, mừng thầm là sắp được thưởng thức một món ăn đặc biệt. Nhưng không, lọ "Maggi" kia chỉ còn là cái lọ trống trơn, tận cùng dưới đáy chỉ còn sót lại vài giọt nước màu nâu. Sâm cầm cái lọ chúc xuống, đợi mãi hồi lâu cho mấy giọt nước chảy ra, ngấm vào giữa mớ muối trắng đựng trên một chiếc lá. Chúng tôi bèn chia nhau những hạt muối phảng phất mùi tương trưởng giả mà coi như ăn tiệc. Thì ra, Sâm vừa bắt được cái vỏ chai "Maggi" do Pháp dùng xong, vứt trong rừng. Thế mà anh ra vẻ quý trọng nó, cất kỹ trong cái bao quần áo như một thứ kim cương, hột xoàn.

--&--

Đồng bào ngoài thành khi nghe nói tới "cá khô tra" thì lấy làm ghê tởm, vì cái lai lịch xấu xa của loài cá ăn bẩn đó. Nhưng đối với anh em Liên Minh, nó chả bẩn tí nào. Dăm thì mười họa được tiếp tế "khô tra", người nào cũng hí hửng đem nướng ngay trên bếp. Ăn hết thịt còn xưong thì bẻ nát ra bỏ vào trong nồi, nấu với lá bứa làm canh chua, ăn cũng ngon đáo để. Tôi thiết tưởng cái thứ xương ấy, vứt cho chó cũng chả thèm đụng tới. Canh lá bứa cũng là một câu chuyện rất lý thú. Trong rừng, bứa mọc khắp nơi. Anh em đâm ra phung phí của trời. Đáng lẽ cần vặt một mớ lá non cũng đủ nồi canh, có người lại đẵn cả một cây bứa sum suê xuống cho bõ ghét. Nếu không nấu canh, thì cũng còn cách nhai lá non với muối cho đỡ dạ. Trung Tá Mạnh đã có lần phẫn uất, đề nghị mai sau về thành, thì rủ nhau làm một bữa tiệc gồm có "Thập lục hòa tương", cá khô tra nướng, với canh bứa "chính hiệu Liên Minh". Kẻ nào chê không ăn thì...bắn bỏ!

Có một dạo, vì tình hình quá khó khăn, chúng tôi chỉ được tiếp tế lúa hạt thay cho gạo lứt. Khổ nỗi trong rừng làm gì có đủ vật dụng để biến lúa kia thành gạo. Người bộ hạ của tôi bèn nghĩ ra cách đào lỗ, đặt một cái hộp thiếc nhỏ đựng thức ăn của Pháp xuống lòng đất, rồi đổ một ít lúa vào, giã bằng một khúc cây nhỏ từ sáng tới chiều, vừa đủ một nồi cơm. Ngày nào cũng thế, cứ hì hục lo giã gạo cho đủ ăn cũng đã quên hết thì giờ buồn tênh. Nhưng cái việc "giã lúa" cho tróc vỏ ra để thành gạo, cuối cùng đã làm cho hạt gạo nát vụn ra thành tấm. Anh em đành phải ăn cơm tấm tràng kỳ, ăn với măng luộc chấm với muối trộn ớt "chim iả". Số là trong rừng có thứ ớt do chim phóng uế ra mà mọc lên. Cây ớt cao hơn cả đầu người, cành lá sum suê và tròn trịa trông như một cây rơm ở miền quê. Ớt quả không biết cơ man nào mà kể, chín đỏ rực, tha hồ mà hái. Nhưng thứ ớt bé bằng hạt tiêu ấy nồng cay vô cùng, cay không kém gì các loại ớt nổi tiếng tại vùng Nam Mỹ, nơi mà người ta thường tổ chức các cuộc thi ăn ớt để phát giải thưởng. Có truyền thuyết cho rằng kẻ ở rừng nên ăn cho thật nhiều ớt cay để chống nước độc, thành thử anh em cứ cố xơi vào cho lắm để ngồi mà khóc cả đám như đưa ma.

Dường như trời cũng biết thương kẻ lầm than. Gặp thời kỳ khủng hoảng, thiếu thức ăn, bỗng nhiên lại bắt gặp măng tre "tầm vông" khá ngon ngọt và dễ kiếm. Chắc là đồng bào xưa kia đã trồng tre này làm rào dậu, lâu ngày chày tháng, tre tự nhiên sinh sôi nảy nở, mỗi bụi tre có khi chiếm trọn cả một khu vườn hoang. Khoảng tháng 5 tháng 6 âm lịch, măng non xuất hiện ê hề. Cứ mỗi buổi sáng, anh em rủ nhau ra "phục kích" các bụi tre, cắt những mụt măng vừa nhô lên khỏi mặt đất chừng một hai tấc. Cắt nhẵn cả măng lớn, măng nhỏ, chẳng chừa một mống nào. Muốn cho chắc hơn, anh em cẩn thận thò tay vào tận giữa hàng tre, vét sạch lá khô cành mục, sạch cho đến nỗi người bên này có thể nhìn thấy kẻ bên kia đang làm gì. Làm như thế là để yên chí hôm nay không còn "trự" măng nào sống sót. Ấy thế mà ngày hôm sau, đã lại bắt gặp hàng chục "trự’’ khác nhô lên giữa bụi tre. Chả hiểu có tài gì mà mọc nhanh như thế!

Một hôm, tôi theo anh em đi kiếm măng. Tới bìa rừng, chợt chạm trán với Trung Úy Vũ Trải, Trưởng ban Quân phục. Anh có vẻ mặt hớn hở khác thường. Là vì tôi nom thấy anh quảy trên vai một gánh đồ vật khá hấp dẫn. Đầu này là một xâu măng kết lại bằng cái giây "cổ rùa", đầu kia là một tĩn nước mắm mà anh cho biết là mới được gia đình tiếp tế. Anh vui vẻ hứa ngay với tôi là sau khi về lều, anh sẽ cho người mang tới biếu tôi "chút nước mắm dùng cho đã!" Nhưng tôi vừa quay gót thì chợt nghe có tiếng vật gì rơi xuống đất. Tôi vội vàng chạy lại vừa đúng lúc anh Vũ Trải đang đưa tay chùi nước mắt! Thì ra, trong một phút sơ ý, anh đã để cho tĩn nưốc mắm tụt khỏi đầu đòn gánh, rơi nhằm chỗ đất cứng, võ toang. Nước mắm đổ đầy đường, chảy tràn vào trong cỏ, mùi thơm nồng nực. Tệ hại hơn nữa là ông trời đã "chơi khăm" anh cho đến nỗi cái tĩn sành kia vỡ nát làm sao mà không để lại cho anh lấy một giọt mắm nào. Cả một gia tài quý báu bỗng biến ra mây khói. Trước sự tình quá mỉa mai, tôi muốn cất tiếng cười mà chẳng dám cười, đành im lặng chia xẻ nỗi đau khổ thất vọng với người anh em đáng thương! Trên Núi Bà lại đặc biệt có "măng Mạnh Tông", thứ măng rất hiếm quý vừa to như măng tre lồ-ồ, lại vừa hết sức ngon ngọt bổ dưỡng, chỉ mọc vào mùa đông tháng giá mà thôi. Sở dĩ có cái tên "măng Mạnh Tông" là theo truyện "Nhị Thập Tứ Hiếu" bên Tàu kể lại rằng thuở xưa có ông Mạnh Tông thờ mẹ rất có hiếu. Khi mẫu thân ông già, đau bệnh, và sắp chết, có ước ao một điều duy nhất là trước khi chết, nếu được ăn một bát canh măng, thì dẫu có nhắm mắt cũng vui lòng. Lời ước nguyện kia lại xảy ra giữa mùa đông tuyết phủ trắng phau, làm gì còn có măng mọc? Nhưng ông Mạnh Tông vì lòng hiếu thảo với mẹ già, vẫn cứ đội nón mang tơi, gieo bước khắp núi rừng, mong tìm được măng đem về nấu canh cho mẹ. Ông vừa đi vừa khóc sụt sùi. Chợt có Đức Phật hiện lên, hỏi rõ lý do, bèn động lòng hóa phép cho một cây tre mọc lên giữa vùng tuyết trắng, với một mụt măng non mơn mởn. Nhờ vậy mà ông Mạnh Tông làm tròn chữ hiếu với mẹ già. Và cũng từ đó, bỗng có thứ măng mọc trái mùa, và chỉ được tìm thấy nơi rùng sâu núi thẳm, mà người Việt đặt tên là "măng Mạnh Tông". Quả thật thứ măng này rất hiếm hoi. Trên Núi Bà thỉnh thoảng mới bắt gặp một bụi nho nhỏ, thoạt trông có thể lầm với tre lồ-ồ, loại tre sinh ra thứ măng đắng rát cả cổ, không thể ăn được. Măng Mạnh Tông có mùi vị thơm tho ngọt ngào, ngon hơn cả thứ măng có tiếng tại miền Nam là "măng Vĩnh Long".

Người Liên Minh hết sức khốn khổ vì bệnh sốt rét rừng. Mùa muỗi mòng sinh sôi nảy nở là mùa sốt rét hoành hành dữ dội. Nhất thiết không một người nào tránh khỏi, dù có đề phòng đến đâu cũng vậy. Chỉ sau một vài cơn sốt là cả một đơn vị, cả một đoàn quân đông đảo đều bị tê liệt, không còn hoạt động gì được nữa cả. Ngay việc cơm nước hàng ngày cũng đành lãng quên, vì ai nấy sức lực hao mòn, mặt mày hốc hác xanh xao, không buồn cựa quậy. Tội nghiệp cho các quân nhân đêm đêm lo việc canh phòng, vừa run cầm cập vừa lo tròn bổn phận. Cũng may trong hoàn cảnh ấy, địch lại chẳng tấn công. Vì phía cộng sản nào có hơn gì, chúng cũng chết lên chết xuống vì chứng sốt rét. Còn Pháp thì chẳng dám vào rừng, vì mùa sốt rét lại là mùa nước lũ dâng ngập rừng rú, đỉa vát ê hề, dẫu Pháp có điên chăng nữa cũng chẳng dám liều mạng.

Thật thảm thê cho anh em Liên Minh, vì cùng với cái họa sốt rét, họ lại còn phải thân màn trời chiếu đất không cửa không nhà, vì không quân Pháp luôn luôn hoạt động, đốt phá. Mang tấm thân bệnh hoạn, họ nằm ngủ ngay trên mặt cỏ ướt. Ban đêm trời mưa dầm dề, phải chọn chỗ nằm dưới gốc cây to, lấy tấm quần tấm áo che mặt để tránh những giọt nước lá rơi bồm bộp suốt canh thâu. Sáng ra mình mẩy bốc hơi, áo quần hôi hám, đành ngồi đợi ánh nắng cho khô ráo. Vì thế mà bệnh càng thêm nặng khó chữa.

Trong rừng có loại mòng hút máu người thật đáng sợ. Cá nhân tôi đã một lần làm nạn nhân của chúng. Hôm ấy, tôi mượn được cái thùng múc nước của một người anh em, định đi tắm rửa tại một cái giếng hoang ở giữa rừng. Giọc đường tôi bỗng bắt gặp một con lợn rừng khá to, với làn da sần sùi và hai cái nanh nhọn hoắt chỉa ra hai bên mép. Tôi hoảng sợ, vội vàng trèo ngay lên một thân cây gần đó. Con vật khổng lồ kia cứ đủng đỉnh vừa đi vừa ủi cái mõm dài xuống mặt đất, cày đất lên thành luống dài trông phát khiếp. Nó qua rồi, mồ hôi tôi toát ra như tắm. Khi tới cái giếng hoang, tôi lại vô ý đánh rơi cái thùng múc nước xuống đáy giếng. Thấy có cây tre ai bỏ dưới giếng, tôi bèn vịn theo nó, nhảy xuống làn nước cạn. Nào ngờ tới nơi tôi mới biết là nguy. Mặt tôi nóng bừng bừng, tim đập như trống trận. Tôi không thở được nữa. Thì ra tôi đã bị hơi độc làm tắc thở. Giếng hoang lâu ngày chất chứa hơi độc trong lòng, làm cho không khí nặng hẳn lên. Lần đầu tiên tôi đuợc kinh nghiệm, ý thức ngay cái tai họa chết người, nếu chậm trễ giây phút, ắt sẽ bỏ thây dưới giếng. Tôi bèn nín thở, cố lấy sức bám vào cây tre, trườn mình lên mặt đất, rồi nằm lăn quay ra vì mệt mõi. Một hồi lâu tỉnh lại, tôi nhìn thấy trên mình tôi đầy những con vật màu nâu bằng con ruồi lằng, đang cắm đầu hút máu. Hoảng quá, tôi đuổi chúng đi, rồi chẳng thèm tắm nữa, cứ để nguyên thân hình lốm đốm những dấu máu và bùn, trở về nhà.

Thành thật mà nói, tôi không sợ giặc bằng sợ những con mòng đáng ghê tởm đó.

Ngoài ra, trong rừng lại thêm cái nạn sâu rọm mối đất, và ve, độc hại cũng không kém. Sâu rọm to hơn cả ngón chân cái, bò lổm ngổm khắp nơi. Chúng chết trên những đống lá khô, để lại thứ lông đen, sẵn sàng đâm nát cả chân người. Vô ý dẫm phải, chỉ còn có nước ngồi bệt xuống, dùng dip tốt nhổ từng chiếc lông một, có khi cả một ngày trời mới xong. Nếu còn sót lại, chỗ ấy sẽ làm độc, thối cả chân. Còn thứ mối đất tôi kể ra đây không phải là thứ mối vẫn thường đùn đất lên làm thành tổ mối mà người miền quê hay dùng làm cối xay rất tốt. Trái lại, thứ côn trùng nguy hiểm này lại thích sống từng đàn, thường nằm giữa các lối đi. Khi nghe tiếng bước chân người, chúng bỗng vùng cả dậy, gây ra những tiếng kêu rèn rẹt. Chúng tấn công bằng cách mở rộng hai chiếc gọng kềm nhọn hoắt ở phiá trước miệng, gắp chặt vào da thịt. Dù có giết được chúng, thì đôi gọng kềm kia vẫn còn dính trong da thịt, gây ra những vết thương khá đau đớn. Loại côn trùng nguy hiểm thứ ba được đặt tên là "con ve", hình thù bé tí teo, thường ẩn mình trong lớp vỏ cây tràm. Chúng lén lút bò lên người, chui vào các chỗ kín, hoặc trong lỗ tai, khóe mắt.

Ai bị đốt, sẽ nổi hạch và sốt li bì. Nếu không sớm tìm ra "thủ phạm" để ngứt bỏ đi, thì cơn sốt sẽ kéo dài và càng thêm trầm trọng bỏ ăn bỏ uống. Nhưng đặc biệt là chỗ bị

'’Ve" đốt cứ tiếp tục đóng vẩy hàng năm trời, hỗ lớp này gỡ bỏ đi thì lớp khác lại mọc lên, ngứa ngáy khó chịu.

Mùa mưa sinh ra thứ nấm tràm hằng hà sa số. Thoạt mới trông thấy, chúng tôi tưởng là của quý, vội đem về ăn. Ngờ đâu, nấm đắng hơn bồ hòn, không nỡ vứt đi, vẫn cố ăn cho hết, nhưng vừa nhai vừa bịt mũi để khỏi nghe mùi đắng. Đêm đêm, rủ nhau đi bắt dế mèn về nướng ăn cho đỡ dạ. Ăn cả những con nhện đen, lông lá thật là ghê gớm. Riêng trên Núi Bà, có loại thằn lằn đen bóng, to bằng cả một con cắc kè. Chúng sống từng đàn từng lũ, và thường bám trên ngọn cây gáo. Chúng sợ nhất lũ chim Hồng Hoàng, một loài chim đồ sộ có cái mỏ vàng thật to tướng, khi bay phát ra tiếng kêu vun vút như tiếng trọng pháo đang bay qua đầu. Thành thử mỗi khi Hồng Hoàng bay qua, cả một đám thằn lằn đều bủn rủn buông chân, rơi đồm độp xuống đất. Người anh em Nguyễn Văn Phương vốn có tính khôi hài, một hôm bỗng đưa ra ý kiến bắt thằn lằn kia ăn thịt. Anh lý luận: "Chúng ta sẵn có một kho lương thực trước mắt, tội gì không dùng? Tôi xin tình nguyện làm cuộc thí nghiệm. Nếu tôi chết, thì đừng ai bắt chước nữa!" Thế là anh đi bắt thằn lằn về nướng, bóc lớp da đen để lộ mảnh thịt trắng hếu. Anh nhai ngấu nghiến, mà rồi anh vẫn không chết. Tuy vậy, tôi cũng đành chịu thua, ít dám đụng chạm tới món thực phẩm ấy.

Núi Bà cũng lại là sào huyệt độc nhất vô nhị của loài dơi. Có tới hàng triệu con dơi sống trong các hang đá. Buổi chiều, khi mặt trời vừa tắt, từng đàn dơi bay ra khỏi núi cho mãi tới gần sáng mới về. Anh em bèn nghĩ ra mọi sáng kiến bắt dơi về làm món ăn. Riêng tôi, chẳng có lưới, chẳng có vợt, mà cũng rủ người bộ hạ tổ chức bắt dơi như ai vậy. Tôi bảo người ấy vào trong hang, cầm cây khua động cho dơi bay ra. Còn phần tôi thì đứng thủ thế ngoài cửa hang, sẵn sàng dùng hai tay không để "chơi" với loại "phi cầm phi thú". Ngờ đâu khi dơi hoảng hốt tung ra, thì chúng lại "tè" ngay trên đầu, trên mặt, hôi hám không thể tả. Bị tối tăm mặt mày, tôi chụp được con nào là bóp ngay con ấy, rồi nhét vào túi quần. Nhưng chúng sống lại, cắn đau quá, rồi bay thoát mất. Rút cục, chỉ còn lại dăm ba con là nhiều. Đem chiến lợi phẩm về nhà lột da, cắt bỏ đầu, rồi bằm nát nấu cháo. Mùi xạ dơi vẫn còn nồng nực, người thị thành đời nào thèm chiếu cố. Nhưng "quân tử cố cùng", vẫn cứ coi như "mỹ vị", có sá chi cái mùi xạ dơi khó ngửi. Ăn mãi mấy tháng cho tới mùa dơi có chửa, thì không còn lòng dạ nào sát hại chúng nữa.

Từ khi dời Bộ Tư Lệnh về Núi Bà, Tướng Thế bị sốt rét nặng. Tuy nhiên, hoặc vì lòng tự ái của một tướng lĩnh cầm quân, hoặc muốn lấy việc làm để quên đi cơn sốt, ông hì hục đi vác đá làm phòng tuyến. Chỉ được một lát thôi, ông lại phát run cầm cập, đành bỏ dở công việc, nằm đáp chăn chịu đựng cơn sốt. Phần tôi cũng thế, bị sốt liên miên. Qua những cơn đau ốm khủng hoảng, với tấm thân càng ngày càng gầy yếu, với miệng khô cổ đắng, mọi người đều thầm ao ước phải chi có được một ngụm cà phê hoặc một điếu thuốc lá đặt trên môi, thì cuộc đời đỡ khổ biết chừng nào. Những thứ ấy trở thành hiếm hoi, tăng cường sự thèm khát cho đến nỗi một hôm Tướng Thế được gia đình lén gửi vào cho một bịch thuốc, Tướng Thế cùng với anh em đốt sạch chỉ trong vòng một đêm thôi. Tới khi hết nhẵn, lại thấy thèm, bèn rủ nhau đốt đèn cầy, mò mẫm xuống dưới hố sâu, nơi tàn thuốc vừa được quăng xuống. Đáng thương cho Tướng Thế, ông bị phân dơi làm khó thở, hắt hơi, cả hàm răng giả văng đâu mất. Hố sâu, đèn cầy không đủ sáng, đành bỏ dở việc tìm kiếm. Lúc trở lên phòng họp, anh em cứ chọc cho ông cười. Nhưng ông mắc cở, liền tuyên bố bế mạc phiên họp quan trọng đã kéo dài gần trọn đêm.

Dường như có lúc Tướng Thế cũng muốn "trả thù" cuộc đời thiếu thốn cho bỏ ghét! Nên nhân dịp Tết năm thứ hai, ông nhận được một chút quà Xuân, liền bày ra một bũa tiệc Tân Niên gồm có rau muống, nước mắm, và cơm gạo trắng! Ông ra điều kiện là mỗi thứ ấy phải ăn riêng rẽ chứ không được lẫn lộn. Nghĩa là rau muống thì cứ việc nhai không một mình cho hết, nước mắm húp riêng cho sạch, rồi tới cơm thì... ăn nhạt! Anh em làm bộ tươi cười tham gia "bữa tiệc" hơi quái gở ấy, mà lòng thì "nát tan đau khổ", bởi đã không được thưởng thức bữa cơm theo lối bình thường với rau muống chấm nước mắm thì còn cái thú nào hơn?

Lại một hôm, lúc còn ở tại rừng Bù Lu, tôi bỗng nhận được cú điện thoại vào lúc nửa đêm của Trung Tá Cảm Văn Tỵ, mời tôi với Trung Tá Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiện, Thiếu Tá Hồ Đức Trung, Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn, "vui lòng quá bộ" tới căn cứ của ông ở mãi dưới khu rừng Cai Tắc, để dự một "bữa tiệc"... cà phê sữa! Phải biết từ chỗ tôi ở tới rừng Cai Tắc, đường chim bay ít nhất cũng phải 6 cây số. Vậy mà anh em chúng tôi chẳng có người nào từ chối cả. Mắt cứ sáng lên, chúng tôi mừng rỡ lên đường, lội bì bõm trong làn nước sâu gần tới rốn, lại phải đi qua một chiếc cầu treo bằng giây mây bắc ngang giòng suối đang mùa nước lũ. Lúc tới nơi, thấy Trung Tá Tỵ vẻ mặt hớn hở, cho hay gia đình ông vừa gửi cho một hộp cà phê bột Nestlé với một hộp sữa bò. Anh em nhìn ông với vẻ thán phục. Thế rồi cà phê được mang ra đãi khách trong mấy chiếc điã nhôm (chứ làm gì có tách mà dùng). Báo hại, đỉa nhôm nóng bỏng môi, không tài nào húp được, ai nấy đành lè lưỡi ra "liếm" cà phê từng chút, từng chút, cho tới khi hết nhẵn. Sau đó, thấy lòng ấm áp, lại ngồi "tán dóc" thêm một hồi, xong mới rủ nhau lội bộ thêm 6 cây số nữa, trở về nhà.

Nhân nói về cái tài "tán dóc" của người Liên Minh, tôi dám chắc không ai bằng họ. Tôi không hiểu do đâu mà bụng dạ người nào cũng chất chứa cả một kho tàng những chuyện trên trời dưới đất, những chuyện hài hước thích thú lạ lùng, để khí rảnh rỗi thì xúm nhau lại trao đổi liên miên bất tận. Nhất là khi gặp cảnh gian truân, thì khoa "tán dóc" càng tăng gia gấp bội, tiếng cười tiếng nói rộn ràng như ngạo mạn khinh khi sự nguy biến, sự tử sinh đang chờ đợi đâu đây. Riêng Tướng Thế xem chừng cũng thích tham gia tán gẫu với anh em, và kể ra nhiều câu chuyện ngộ nghĩnh cười nôn ruột. Đặc biệt khi ông có điều chưa giải quyết được trong lòng, thì ông dám phí cả buổi trời nói chuyện "tào lao". Tôi nghiệm thấy đồng bào trong Nam phần đông mang trong giòng máu cái tính hài hước, dễ dãi, hay chế nhạo người mà không hề có ác ý. Chẳng hạn; khi một cá nhân vô tình lầm lỗi việc gì, thì họ lấy ngay việc ấy mà đặt tên cho người trong cuộc, mãi rồi khắp bàng dân thiên hạ đều biết tên biết tuổi.

Cũng vì cái nạn "đào ngũ" của một số binh sĩ kém tinh thần, mà bao nhiêu "anh lớn" trong đoàn thể đều bị đày đọa hết sức khốn khổ. Nhằm giữ bí mật an toàn, chúng tôi phải thân hành đi vác gạo đổ vào kho, chứ không dám phó thác cho các cấp nhỏ như mọi khi. Gạo đựng trong bao sọc xanh 100 ký. Vì không có kinh nghiệm trong nghề vác gạo, chúng tôi tưởng "dễ ăn", định cứ hai người khiêng một bao từ chỗ chất gạo vào tới trong rừng, ước chừng một cây số. Thử đi thử lại mọi cách vẫn không xong, cuối cùng đành tháo gạo ra, rồi ai nấy cởi ngay quần dài, buộc túm hai ống lại, đổ gạo cho đầy hai ống, đoạn cho lên cổ, bước lom khom, trông như "người cõng người" với đôi chân bỏ ra phía trước vậy. Tải cho xong mấy chục bao gạo thì đã mệt đừ người, bèn nằm lăn quay ra bãi cỏ mà thở hồng hộc. Đây cũng là một trong những lúc cái thể xác thiếu dinh dưỡng kinh niên của mỗi người vùng dậy mơ "giấc mơ tiên" có được một bữa "cơm y", một tách cà phê hoặc một điếu thuốc lá. Nhưng "nàng tiên" vẫn cứ vô tình không hóa phép đem cho mấy món vàng ngọc ấy. Nên một người anh em trong bọn chợt nổi cơn bất bình, cởi phăng quần áo, rồi nhảy tùm xuống cái ao nước ở giữa bưng, tắm rửa ào ào, bất chấp vấn đề "công xúc tu sỉ!" Tắm xong, con người hiên ngang ấy lại đứng tồng ngồng giữa khoảng trời đất mênh mông, đứng yên lặng như một thi nhân đang thả hồn theo ý đẹp! Cái cảnh man rợ ấy hãy còn in dấu trong tâm hồn tôi, ám ảnh suốt cuộc đời lưu lạc. Tôi thấy không còn quang cảnh nào "hùng vĩ" hơn thế nữa.

Tôi vừa nhắc tới hai chữ "cơm y" mà tôi chắc nhiều người chưa hiểu nghĩa. Nguyên do lúc bấy giờ, cả Pháp lẫn một số chân tay bộ hạ của Tướng Nguyễn Văn Thành bao vây Liên Minh quá chặt chẽ, khủng bố quá tàn bạo, khiến Liên Minh bị cắt mất nguồn tiếp tế lương thực. Gạo thóc trở nên hiếm hoi cho đến nỗi Liên Minh phải cắt đặt một số nữ cán bộ lang thang trong các vùng cư ngụ của ngườỉ Thổ (tức là Miên), đóng vai "con nuôi" của họ, để mong họ nhủ lòng giúp cho một ít gạo đem về nuôi quân. Dù khéo léo tới đâu chăng nữa, mấy người cán bộ "con nuôi" kia cũng chỉ thu hoạch được một số lương thực giới hạn, chẳng đủ vào đâu. Thành thử món ăn chính hàng ngày của Liên Minh vẫn là thứ củ mì mà hàng năm đồng bào Cao Đài vẫn canh tác ở mấy vùng đất nằm cạnh chân Núi Bà Đen. Đồng bào được biết anh em đói khổ cùng cực, nên đã kín đáo gửi "thông điệp" cho hay họ sẵn sàng hy sinh toàn vẹn các thửa vườn mì của họ, và cho phép Tướng Thế cứ việc bảo anh em tự tiện đào xới lên mà dùng, đừng nghĩ gì tới chuyện tiền nong. Thế là "một miếng khi đói bằng một gói khi no", người Liên Minh tha hồ ăn sắn trừ cơm. Lúc đầu thì cũng thấy hơi ngon miệng. Nhưng càng ngày càng ngán tới cần cổ, không còn ham nhai sống, nuốt tươi, hoặc luộc, hoặc nấu canh như trước. Vì cái món cũ mì thật khó tiêu hóa. Không ăn thì đói, mà ăn vào thì cứ thấy nóng nơi cuống họng, dạ dày anh ách rất là khó chịu. Cho nên, hễ nhận được lon gạo nào, là anh em đổ chung vào thổi cơm với sắn. Gạo ít, sắn nhiều, khiến mỗi củ sắn "đèo bồng" dăm mười hạt cơm, thảm thương khó tả. Dĩ nhiên là anh em thèm thuồng những bát cơm hoàn toàn không trộn sắn. Vì thế mới có danh từ "cơm y" được truyền bá, có nghĩa là cơm nguyên vẹn.

Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn có ông bố hàng ngày vào làm rẫy ở dưới chân núi. Thực ra, ông cụ cũng chẳng có bao nhiêu đất đai để gọi là "làm rẫy" ngày nọ tháng kia.

Song ông cụ cũng thác cớ nọ kia, để đuợc phép luôn luôn ra vào một nơi gần gũi với con ông (mặc dù con ông ở tận mãi trên đỉnh núi). Mỗi khi có chút quà nào mang được vào cho con, ông cụ đánh mấy tiếng mõ lốc cốc báo hiệu cho Đờn biết. Đờn lập tức sai bộ hạ men xuống rẫy "chớp" ngay món quà quý báu mang lên núi. Hơn một lần, riêng tôi cũng đã được một đồng bào Cao Đài vốn có lòng quý

mến tôi, lén lút mang vào biếu tôi chút ít "cơm y", theo cái thể thức như ông cụ vừa kể trên. Vừa nom thấy tôi, người ấy đã khóc ròng, rồi vội vàng lật úp cái rổ đựng phân trâu hôi hám, lôi ra dưới đáy rổ một gói cơm bọc bằng lá chuối, trao cho tôi với tất cả tấm lòng thiết tha cao quý. Cái mớ "cơm y" nằm dưới rổ phân trâu, tuy được che đậy kỹ càng, vẫn ngấm mùi phân inh ính. Nhưng tôi không thấy lộm giọng, tôi vẫn cố ăn cơm ấy, ăn miếng cơm nghĩa khí đậm đà, thật là "bát cơm Phiếu Mẫu" của đời nay vậy.

Lại một lần khác, một cụ già được biết là ở tận dưới mũi Cà Mau, không biết lặn lội cách nào mà vào được tới Núi Bà Đen, yêu cầu trạm canh gác ở chân núi cho lên gặp

tôi. Ông cụ với tôi hoàn toàn không quen biết xưa nay. Nhưng ông cụ bỗng lôi ra trong bọc áo một bao thuốc lá "Cotab" và một hộp sữa bò, rồi trịnh trọng đứng lên mà nói

rằng: "Già này được nghe biết danh Ngài đã lâu, rất có bụng cảm phục Ngài. Nay nhân dịp lên thăm thằng con trai ở Tây Ninh, nên không bỏ lỡ cơ hội, đem vào tặng Ngài một chút quà nhỏ mọn. Xin Ngài đừng từ chối!". Ôi thôi, lòng tôi xiết bao kinh ngạc, hoảng sợ và cảm kích trước cái nghĩa cử lạ lùng đó. Tôi liền ưá nước mắt, và vội vàng sụp lạy bực lão trượng, chứ cũng nghẹn ngào chẳng biết nói lời gì hơn. Ông cụ hấp tấp đỡ tôi dậy, rồi nói tiếp: ‘'Xin Ngài đừng làm thế. Già này cũng chẳng còn sống sót bao lâu nữa. Thương nhau thì muốn biết mặt biết người để trở về cho yên dạ. Dẫu có bị bắt bỏ tù đày, cũng không lấy làm ân hận!" Tôi không biết lấy gì đãi cụ, bèn mời cụ nán lại xơi một bữa cơm sắn trước khi ra về. Tôi có hỏi tên cụ, nhưng cụ vẫn nhất mực không nói. Tôi chắc ngày nay cụ đã về cõi hạc, và khi chép lại mấy giòng này, tôi khấn nguyện vong hồn cụ hãy biết cho rằng suốt cả cuộc đời tôi, tôi không bao giờ dám quên tấm lòng vàng ngọc của cụ ngày xưa, cách đây những 30 năm dư.

Các mẩu chuyện hy hữu trên đây là những chứng tích về tấm lòng thương yêu đùm bọc của đồng bào Cao Đài đối với Tướng Thế, đối với Liên Minh. Không có họ, Liên Minh không thể sống sót năm năm đằng đẵng, Tướng Thế không thể nêu cao nghĩa khí anh hùng. Tôi nghĩ rằng một cuộc đấu tranh chính nghĩa mang màu sắc dân tộc, hoàn toàn phù họp với nguyện vọng toàn dân, thì bao giờ cũng được toàn dân ủng hộ bằng cách này hay cách khác. Chứ chẳng phải như lũ cộng sản kia, khi thất thế thì dùng chính sách lừa bịp để cướp của dân, rồi khi đắc thời thì lại quay ra sát hại thẳng tay ngay chính các ân nhân của chúng.

Đồng bào đạo hữu Cao Đài vốn đã thấm nhuần cái giáo lý từ bi hỷ xả, lại thêm có con cháu trong hàng ngũ Liên Minh, nên chẳng cần ai tuyên truyền thuyết phục, mà họ vẫn cứ tích cực hy sinh giúp đở Liên Minh, không màng chuyện ơn nghĩa. Họ thương yêu và quý trọng Liên Minh cho đến nỗi bất cứ bao giờ có lễ lạc trong chiến khu, là họ tự động lần mò tới dự, bất chấp cả hiểm nguy tù tội đang chờ đợi họ. Trước mỗi cái Tết, Liên Minh lại được tiếp tế hàng núi bánh trái, nhất là Tết năm 1953, quà bánh quá nhiều đến nỗi phải phơi khô để dành. Hàng năm, Liên Minh tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam, tức là ngày 20 tháng 8 dương lịch. Đồng bào tham dự vô cùng đông đảo, thức suốt đêm, ngồi bệt duới mưa, theo dõi những màn trình diễn văn nghệ kháng chiến.

Trong dịp kỷ niệm Mặt Trận hồi tháng 8 năm 1954, chúng tôi đem trình diễn vở kịch chống cộng, đặc sắc của Đ.T.B., nhan đề "ái tình Bôn Sơ Vít", vở kịch khá dài, diễn gần trọn một đêm. Đồng bào say mê trước tài diễn xuất của anh chị em trong ban Văn nghệ Đài Phát Thanh Chiến Khu, và chính tôi cũng say mê ngồi cạnh đồng bào, với nhiều lần ứa nước mắt trước tài nghệ của các diễn viên. Nói tới Đ.T.B., tôi muốn vẽ ra hình ảnh một thanh niên trẻ tuổi, thông minh, tính tình thật đáng yêu, và đầy nhiệt huyết với cách mạng dân tộc ngay khi còn ở lứa tuổi học trò. B. bấy giờ đã khá giỏi Anh văn, nên được giao cho tiếp tay với Trung Úy Bút, soạn các bài bình luận cho chương trình phát thanh Anh ngữ. Hai người này luôn luôn cãi vả nhau, thật khá buồn cười. Quả thật, cuộc đấu tranh gian khổ đã chóng đưa B. tới mức trưởng thành, vở kịch "ái Tình Bôn Sơ Vít" kia, B. sáng tác ngay trong khu, làm tôi khá ngạc nhiên vì cách bố cục, và tôi cũng lại là một trong những người ham mộ vở kịch ấy. Sau về Saigon, Liên Minh đem trình diễn tại rạp Thống Nhất, và được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Thời gian tôi ở nước ngoài, nghe đâu Đ.T.B. đã đem kịch bản "Ái Tình Bôn Sơ Vít" ra xuất bản, nhưng tôi chưa hề thấy mặt tác phẩm ấy.

Tóm lại, những nỗi gian khổ của Liên Minh đếm không xuể. Sau 5 năm sống cuộc đời rừng bụi, màn trời chiếu đất, bữa đói bữa no, ăn rắn rết trừ cơm, uống cả nước tiểu của mình cho đỡ khát, hầu hết anh em Liên Minh đều mang những chứng bệnh ngặt nghèo bắt nguồn từ chỗ thiếu dinh dưỡng; Một số không chịu nổi phong trần, đã bỏ mình tại chỗ, như trường hợp Thiếu Tá Vũ Ước. Số khác, sau khi về thành, mắc chứng đau dạ dày, đau gan, rụng tóc, rụng răng, già trước tuổi. Dù mang hậu quả nặng nề như thế, tôi vẫn chưa bao giờ nghe thấy một người anh em Liên Minh nào than thở phàn nàn về cái dĩ vãng của họ. Dù trở về làng làm ruộng rẫy, dù đạp xích lô, dù lái Taxi đưa khách, tất cả những con người đã từng một thời là "Đồng chí" của Tướng Trình Minh Thế đều hãnh diện khi nhắc tối hai chữ Liên Minh, khi nhắc tới Núi Bà Đen, khi nhắc tới những trận đụng độ oanh liệt với kẻ thù. Chỉ một cái tên "Trình Minh Thế" đã gieo rắc hương hoa trên suốt cuộc đời của những người chiến sĩ hiên ngang mà giờ đây, sau một phần ba thế kỷ, phần đông chắc đã mai một...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx