sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9 - Pháp Đánh Úp Liên Minh Tại Gò Sơn Tây

Bước sang năm 1953, áp lực Pháp càng ngày càng mãnh liệt, chiến khu Bù Lu khó lòng giữ vững được. Tướng Thế bèn quyết định mở rộng tầm hoạt động, tạo cái thế môi răng che chở cho nhau. Núi Bà Đen trở nên mục tiêu chính yếu đối với ông, nên cần phải chiếm giữ núi ấy vốn là sào huyệt cố cựu của cộng sản miền Nam lúc bấy giờ.

Đầu tháng 3 năm ấy, sau khi đã chọn lựa cắt đặt một số đơn vị ở lại chống giữ chiến khu Bù Lu, số còn lại được Tướng Thế đem theo trong một cuộc "Ngũ Nhật Trường Chinh" nhắm thẳng Núi Bà tiến phát. Sở dĩ tôi gọi cuộc hành quân ấy là "Ngũ Nhật Trường Chỉnh" là bởi, nếu đi theo con đường liên lạc bình thường, thì tù Bù Lu tới Núi Bà, chậm nhất cũng chỉ một ngày một đêm là tới nơi. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, vì đoàn quân quá đông đảo, và cũng vì đối phương theo dõi quá gắt gao, nên phải chọn con đường dài gấp năm, mười lần, con đường vắt qua đất địch cộng sản, con đường đầy dẫy những gian nguy bất trắc. Khiến cho nên phải mất tới 5 ngày 5 đêm hành quân bằng đường bộ, mới đặt bước tới nơi đã định.

Tù Bù Lu tới Bưng Rồ thì tạm đình binh, để chuẩn bị thuyền bè vượt qua sông Vàm Cỏ Đông, nhân tiện cũng để cho Trung Tá Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiện làm lễ tiễn biệt trước khi trở lại căn cứ. Trung Tá Thiện cũng muốn xin theo lắm, nhưng trách nhiệm bắt buộc ông phải ở lại Bù Lu thay cho Tướng Thế. Buổi chia tay diễn ra giữa chốn rừng hoang thật vô cùng cảm động. Con sông Vàm Cỏ Đông ở mạn Bưng Rồ lại quá rộng, và nhiều cá sấu. Thuyền qua sông lại chẳng có, nên anh em phải đẵn cây rừng và chuối mà kết bè, xong chiếc nào thì cho quân sang sông chiếc ấy. Dù biết nước kia có nhiều cá sấu nguy hiểm, anh em cũng bất chấp, phó mặc tính mạng cho may rủi. Chẳng may chiếc bè chở cái máy phát điện cùa đài Phát Thanh bị chồng chành rồi lật úp, ném luôn cái máy điện xuống đáy sông sâu. Tướng Thế được tin thì giận lắm, vì lẽ chiếc máy kia không những đắt giá mà còn là một trang bị huyết mạch của Liên Minh, không thể đánh mất được, ông liền hạ lệnh cho những ai có trách nhiệm phải tìm mọi sáng kiến vớt máy lên cho bằng được, nếu không sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Thương thay một số quân nhân giỏi nghề bơi, liều mình lặn xuống đáy sông tìm mãi mới bắt gặp cái máy. Họ liền lấy giây buộc máy vào mình, rồi bảo nhau cùng nổi lên mặt nước một lượt. Nhờ cách ấy, họ đã cứu vãn được chiếc máy nặng ngàn cân, nhưng họ cũng không khỏi hộc máu tươi vì công tác quá ư nặng nề khó khăn.

Đưa hết đoàn quân sang sông thì trời cũng đã sáng, lại phải vào rừng nghỉ ngơi, trú ẩn theo chương trình ngày nghỉ đêm đi. Đêm sau, chúng tôi tới một địa điểm xa lạ, mang tên Sơn Tây, mà người địa phương quen gọi là Gò Ông Hàn. Chỗ này địa thế hiểm trở, nguyên là một căn cứ quan trọng của cộng sản Miền Nam. Hồi 4 giờ khuya, lúc đoàn quân sắp đặt chân tới nơi ấy, thì dọc đường thỉnh thoảng nghe có tiếng súng nổ đơn độc, tiếp theo là tiếng bước chân chạy xào xạc trong rừng. Thì ra, cộng sản cho của chúng ban đêm leo lên ngọn cây ngồi canh gác. Khi nom thấy bóng chúng tôi, bọn quân canh ấy bnắ súng báo hiệu, rồi vội vàng tụt xuống tìm đường trốn tránh. Chúng tôi quá mệt mỏi, vô tình không biết là mình bị địch theo dõi, bao vây. Ông với tôi cùng núp tạm trong một lều tranh đổ nát, bốn mặt trống trơn chẳng có tường vách gì. Trong lều lại có một chiếc võng mây tơi tả. Ông nằm trên võng còn tôi thì nằm ngay dưới đất, đánh một giấc cho tới sáng, tin tưởng nơi sự canh phòng của anh em.

Bất đồ sáng hôm sau, giữa lúc chúng tôi đang trao đổi ý kiến với nhau về cuộc hành trình, thì tôi chợt trông thấy Trung Tá Trạng, Thiếu Tá Trung, từ đằng xa bià rừng đang chạy hớt hải về phía chúng tôi. Tướng Thế vội vàng nhổm dậy, thì đuợc báo cáo là Pháp đã xuất hiện cách chỗ chúng tôi chừng vài trăm thước, sắp sửa tấn công. Tin như sét đánh ngang tai. Tướng Thế một mặt sai hai sĩ quan kia lập tức trở về đơn vị của họ, mặt khác ông quay sang bảo tôi: "Anh hãy dẫn ngay đoàn quân Bản Bộ rút vào rừng cho mau, còn để mặc tôi đối phó".

Ông nói chưa dứt lời, tôi đã liếc thấy bóng dáng quân Pháp, gồm một số người Phi Châu da đen và người Thổ, lố nhố đằng kia, sau mấy chiếc gò mối. Họ vừa nổ súng đợt đầu, thì Tướng Thế cũng vừa chuẩn bị kịp mấy khẩu Mortier-60 và một khẩu đại liên, phóng ra một loạt chận đầu quân Pháp. Cuộc đụng độ trở nên dữ dội ngay trong chốc lát. Quân Liên Minh dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tướng Thế, cảm thấy tinh thần hăng hái tin tưởng, nên đã chống trả kịch liệt trong cái thế bị đánh úp bất thình lình. Mortier, súng máy, súng trường, súng cá nhân, lựu đạn, tất cả đều được Liên Minh xử dụng tới mức tối đa. Bọn lính Thổ và da đen hơi núng thế, chưa dám tiến tới, đủ thì giờ cho tôi hướng dẫn đoàn quân Bản Bộ rút lui vào trong rừng.

Nhưng vì rừng già xa lạ, mà toán quân của tôi phần đông lại không được võ trang, thêm một số bệnh nhân và thương binh cần phải có người khiêng theo, nên tôi đâm lúng túng. Sợ mắc phải cạm bẫy của cộng sản địa phương, tôi bèn đổi hướng, đánh liều dẫn đoàn quân quặt sang phía tay trái, rút băng qua một cái bưng nhỏ. Vừa lúc ấy, quân Pháp đã tới gần, chúng bắn như mưa bấc về phía chúng tôi. Một hạ sĩ quan đi bên cạnh tôi trúng đạn xuyên qua cuống họng, kêu tôi cầu cứu. Tôi vừa cúi xuống ôm người ấy, thì một tràng đạn bay ngang qua đầu, găm ngay vào một thân cây to lớn. Hú vía! Tôi suýt chết vì tràng đạn ấy. Trên mình tôi lúc ấy có sẵn 2 quả tạc đạn, một khẩu súng lục phòng thân, một khẩu tiểu liên. Tôi tự nghĩ nếu chẳng may không thoát được, thì sẽ dùng các khí giới kia tự hủy hoại để khỏi rơi vào tay địch.

Nhưng tôi hơi ngạc nhiên khi thấy Pháp chỉ tấn công tới đó rồi dừng bước lại, chúng không dám xông pha theo bước chúng tôi vào tận rừng già. Có chạm mặt chiến trường, mới biết Pháp chỉ có tài dùng hỏa lực trên chân để uy hiếp tinh thần, chứ họ chẳng phải là tay thiện chiến. Lại thêm một chi tiết làm tôi chú ý, là trong cuộc tấn công này, không nghe có tiếng trọng pháo. Tôi chắc vì đôi bên chạm súng quá gần nhau, nên Pháp không dám dùng trọng pháo, sợ gây thiệt hại lây cho quân nhà.

Cả đoàn người đông đảo rút cả vào bên trong rừng, và được vô sự. Ngoài kia, cuộc đụng độ giữa Tướng Thế và Pháp vẫn còn tiếp diễn. Cứ nghe theo lằn đạn bay, thì phần đông hỏa lực từ phía Liên Minh phát ra, có nghĩa là Liên Minh ít nhất cũng đã làm chủ được phòng tuyến của mình. Dù biết vậy, lòng tôi vẫn hết sức lo ngại cho tính mạng của Tướng Thế. Ông đã bất thần đứng ngay ải địa đầu, hứng chịu hỏa lực mạnh nhất của địch.

Ngồi tựa lưng vào gốc cây rừng, tôi hình dung lại giây phút hãi hùng vừa qua, và tôi tưởng suốt đời sẽ không bao giờ quên đuợc gương mặt sắt đá của Tướng Thế, gương mặt của một tướng lĩnh cầm quân sẵn sàng chịu chết cho anh em được sống, gương mặt của một Lĩnh tụ cách mạng ý thức ngay sứ mạng của mình trong giây phút tử sinh, thà chịu mai một chứ không thể hèn nhát lo tìm nẻo an toàn, mà để cho bao nhiêu anh em khác rơi vào tay giặc. Tôi nhớ lại lời ông bảo tôi hãy rút cho mau, còn để mặc ổng đối phó với kẻ địch đã gần bên nách, mà tưởng thấy như đó là lời trăn trối dặn dò nhau phút cuối cùng! Chứ đối phố làm sao nổi, khi đối phương đã sẵn sàng bắn giết, còn mình thì chẳng kịp trở tay. Nếu chẳng may ổng có mệnh hệ nào tại gồ đất Sơn Tây hiểm trở xa lạ này, thì oan uổng biết bao nhiêu cho cuộc đời một con người có một không hai của nòi giống Việt! Nếu mất ông, cả đại cuộc này đành coi như mây khói, mà tất cả các anh em sống sót cũng không thế nào phục hưng nổi.

Đau đớn nhất cho anh em Liên Minh là cuộc tấn công bấtn ngờ của Pháp lại do chính bè lũ cộng sản chủ mưu. Sau này mới biết rõ chi tiết vụ này. Số là lúc nửa đêm hôm trước, toán đầu quân Liên Minh có chận bắt được một tên quân cộng sản. Tên này kêu la như lợn bị cắt tiết, nhằm báo động cho toàn vùng bitế có biến động. Hắn cố vùng vẫy thoát thân, nhưng Đại Úy Đại Đội Trưởng Nguyễn Tấn Tước đã dùng một thế võ làm cho hắn tê liệt, không còn kêu la được nữa. Chúng tôi cũng tưởng hắn là một người dân quê khiếp nhược, nên không nỡ sát hại, định giữ hắn lại để nhờ hướng đạo. Nhưng suốt một đêm sau, từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng, hắn cứ dẫn chúng tôi đi loanh quanh trong một khu rừng già bưng bít, lâu lâu lại quay ngược về những chỗ chúng tôi đã đi qua. Mục đích hắn là cố giữ cho chúng tôi không ra thoát khỏi hiểm địa, để một là Pháp sẽ tiếp tục nghe ngóng theo dõi, hai là đồng bọn của hắn có đủ thì giờ bố trí tiêu diệt chúng tôi trong một nơi mà chúng tôi hoàn toàn mù tịt về địa hình địa vật. Quá tức giận trước thái độ gian manh của tên kia, tôi bảo Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn hãy lập tức khai thác hắn, rồi trừ khử đi để khỏi mang họa. Theo lời hắn khai, chúng tôi mới bật ngửa ra rằng lũ cộng sản địa phương thấy lực lượng Liên Minh quá hùng hậu, liệu thế chẳng dám đương đầu, bèn bày ra gian kế cho người ra Tây Ninh báo cáo với Pháp, để Pháp mở cuộc tấn công. Quả nhiên, sau khi trừ khử tên kia rồi, chúng tôi dùng địa bàn mở lối, chỉ trong chốc lát đã thoát khỏi khu rừng bưng bít.

Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, trận chiến chấm dứt, Tướng Thế với cánh quân của ông chẳng biết trôi giạt về đâu. Riêng cánh quân chúng tôi có Trung Tá Văn Thành Cao, Trung Tá Cảm Văn Tỵ, Trung Tá Hà Văn Tình, Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn gồm chung lại, bàn bạc với nhau hãy cứ nhắm thẳng hướng Núi Bà đi tới, rồi sau này sẽ tính chuyện đi tìm Tướng Thế. Chứ nếu còn bịn rịn quanh quẩn nơi này, nhất định sẽ bị Pháp tiêu diệt

Như trên vừa kể, đêm hôm ấy chúng tôi bị thằng cán bộ cộng sản lừa gạt dẫn giắt đi tới đi lui trong rừng tối bưng như hũ nút Sợ địch lợi dụng bóng tối chen vào giữa, dẫn giắt quân nhà lạc vào sào huyệt chúng, nên chúng tôi bí mật truyền lệnh cho nhau, người đi trước trao tay cho người đi sau, và người đi sau lại trao tay khác cho người đi sau nữa. Cứ thế, tạo thành một "đường giây người" len lỏi giữa rừng. Cũng vì cái lối di chuyển mất thăng bằng ấy, chúng tôi té ngã liên miên khi gặp phải chướng ngại vật trên đường mòn, bị cành cây đánh bật vào mắt suýt lòi tròng, gian nan không biết tới đâu mà nói. Tới nửa khuya, lại gặp sương mù bao phủ, mù mịt chẳng còn biết trời ở đâu, đất ở đâu. Riêng tôi thêm nỗi đau lòng vì người bộ hạ thân tín hàng ngày bị cộng sản phục kích sát hại, bằm thây vứt xuống giếng. Người anh em ấy cũng chỉ vì thương tôi mà chết. Nguyên trong buổi chiều hôm bị Pháp tấn công, chúng tôi tạm dừng chân giữa rừng, ai nấy đói lả. Vì khi Pháp đột ngột xuất hiện, là khi anh em đang sửa soạn làm cơm ăn sáng để chuẩn bị lên đường. Bao nhiêu cơm gạo, bao nhiêu nồi niêu xoong chảo đều vứt bỏ cả. Thậm chí một người anh em đang tắm bên cái giếng lạng, không kịp mặc quần áo đã bị Pháp bắt sống mang đi. Đó là anh Trung Uý Bút, một cựu sĩ quan không quân Đức Quốc Xã,mà tôi đã giới thiệu trong một đoạn trước. Thấy tôi đói khát, người bộ hạ bèn xin phép đi tìm trái cây rừng cho tôi lót dạ. Anh bảo đảm với tôi rừng này chắc có nhiều cây "gùi", một loại giây leo bám vào cây rừng lên tận đọt cây cao chót vót, sinh ra thứ quả to bằng quả bứa, vừa chua vừa ngọt, với cái hạt bên trong khá to, lại thêm chất nhựa lầm quặn thắt cả cuống họng và dạ dày. Muốn ăn thứ quả này, thì phải nuốt chửng, chứ không nhai được. Bất đồ khi men tới bìa rừng, người anh em đáng thương bị cộng sản rình rập đón bắt, rồi băm xác làm ba đoạn, vứt xuống giếng.

Bước sang ngày thứ hai (tức là sau hôm Pháp tấn công), chúng tôi phá lệ ngày nghỉ đêm đi, cứ lo thúc quân rút nhanh được chừng nào hay chừng ấy. Quân sĩ quá khát, hễ thấy nơi nào có nước uống là tấp ngay vào. Kỷ luật đã bắt đầu lỏng lèo. Trung Tá Cảm Văn Tỵ bèn rút súng ra, đứng ngay trên một bờ giếng ở cạnh đường đi, dõng dạc tuyên bố: ‘‘Bất cứ người nào dừng bước lại đây sẽ bị bắn chết ngay tức khắc!’’. Nhờ thái độ cứng rắn ấy, chúng tôi kịp rút khỏi một vùng bình địa hoang tiêu mà không xảy ra điều gì thiệt hại cả. Lại gặp một khu rừng già khác, định vào ẩn nấp. Nhưng rủi thay, khu rừng này lại quá nhiều hơi độc, vừa chực bước vào đã phải tháo lui ngay. Hơi độc phát ra từ những lớp lá rừng tẩm nước mưa làm nghẹn thở. Trong rừng hoàn toàn không có không khí, phần thì dưới đất rể lá chàng chịt, phần thì cây cối mọc lâu đời, cành lá đan kín cả bầu trời không để lọt một tia ánh nắng. Tại đây có những thứ cây rất lạ, thân cao đến nỗi ngửng mặt rơi mũ nón trên đầu mà vẫn chưa nom thấy ngọn. Thân cây trơ trụi, mãi tận cùng trên ngọn mới có một túp lá nhỏ trông như cái búi tóc. Nơi này thuộc địa phận Cam Miên, vì thỉnh trhoảng thấy hiện ra mấy cái cọc bằng xi măng dùng làm ranh giới.

Chúng tôi đành phải đóng quân tạm nơi bìa rừng, để anh em lo việc cơm nước. Thảm thương thay, cả một đoàn quân gom góp lại chỉ còn mấy lít gạo may mắn còn nằm trong các gối quần áo được anh em mang theo. Chúng tôi định chia nhau nấu cháo. Nhưng tìm mãi vẫn không ra nước uống. Trước tình thế quá nguy ngập, chúng tôi bèn chọn mấy cái đường mương thiên tạo, nơi mặt đất tương đối ẩm ướt và có in dấu hươu nai đi qua. Đào xới một hồi, thấy có chút nước ứa ra lẫn lộn với bùn đục ngầu ngầu. Anh em chẳng quản vấn đề vệ sinh, cứ đợi nước ứa ra chừng nào thì múc đổ ngay vào nồi chừng ấy, miễn nấu được cháo cho qua cơn đói. Ăn xong nồi cháo, thấy dưới đáy nồi hãy còn sót lại cả một lớp bùn đen sền sệt.

Sang hôm sau nữa, chúng tôi di chuyển tới một khu rừng khác, thì chợt nghe thấy tiếng người kêu la thảm thiết, tiếp đến thấy xuất hiện nơi xa xa một toán đông người cầm vũ khí. Nghi là mình bị địch đón đường đánh phá, Trung Tá Văn Thành Cao bèn bố trí mặt trận, rồi nổ súng. Toán người kia cũng bắn trả lại kịch liệt. Chừng mấy phút sau, nghe kỹ lại cách thức bắn súng của đối phương, nhất là súng máy, Trung Tá Cao bắt đầu nghi là gặp phải quân nhà, bèn ra lệnh ngưng bắn. Rồi ông kêu to giữa rừng: "Có phải Ngài Thiếu Tướng đó không?" Quả nhiên, người ở đằng kia là Tướng Thế. ông cũng kịp thời nhận ra cách bắn của quân nhà, nên tức khắc hạ lệnh đình chỉ cuộc nổ súng. Đôi bên gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, có người không cầm được nước mắt. May sao cả hai bên đều không bị thiệt hại gì sau một cuộc nổ súng "huynh đệ" vô tiền khoáng hậu.

Bấy giờ Tướng Thế mới tường thuật lại những gì đã xảy ra cho cánh quân ông. Sau mấy phút bắn chận đầu quân Pháp cho chúng tôi rút lui, ông đã nhanh chóng chuyển quân men theo bìa rừng về phiá tay trái, trong khi chúng tôi lại chuyển về phiá tay phải, vì vậy mà đôi bên thất lạc nhau ngay từ phút đầu. Ông bắt liên lạc được với cánh quân của Trung Tá Trạng, Thiếu Tá Trung, rồi cùng nhau tiến thẳng về hướng Bắc, bất kể địa hình địa vật. Quân Pháp thấy Liên Mmh xuất hiện lẻ tẻ ở nhiều nơi thì lấy làm hoang mang, không biết nên đuổi theo cánh nào. Nhờ vậy mà hỏa lực của chúng giảm dần cho tới khi chấm dứt. Nếu chúng biết rõ Tướng Thế nằm trong cánh nào, tôi chắc ông khó lòng sống sót. Lạ lùng nhất là Pháp tấn công bất thần như thế, đôi bên ở gần nhau như thế, mà chung cuộc, Liên Minh chỉ bị thiệt hại một số không đáng kể. Từ phương Bắc gò Sơn Tây, Tướng Thế lại cũng như chúng tôi cứ nhắm thẳng hướng Núi Bà mà đi dần tới, trong thâm tâm ông đoán chừng chúng tôi cũng về ngả ấy. Tới khu rừng này, ông bị lạc lối. Tình cờ thấy có một tiều phu giữa rừng, ông chụp ngay người ấy định hỏi thăm đường. Nào ngờ người ấy quá hoảng sợ, kêu la inh ỏi. Buồn cười thay, tiếng kêu của người tiều phu kia không ngờ lại hoá ra tiếng kêu giúp cho Liên Minh đoàn tụ. Nếu không, ắt chúng tôi vẫn còn cứ buồn lòng lo nghĩ, bâng khuâng không biết Tướng Thế sống chết ra thể nào.

Suốt ba ngày ba đêm xa cách nhau trong hoạn nạn, mới biết tình anh em quả thật không có gì sánh nổi, mới thấy vai trò người lãnh đạo quan trọng là dường nào. Tôi nghĩ tới Lê Lai xưa kia liều mình cứu Chúa, chắc cũng đã mang cái tâm trạng như anh em Liên Minh ngày nay, chắc cũng đã thấy mạng sống mình chả còn giá trị gì khi Chúa bị giặc Tầu bao vây cùng đường tuyệt lối. Nhớ lại buổi chiều ngồi khoanh tay bó gối trong rừng, nghe ngóng tin tức của Tướng Thế, người anh em Nguyễn Văn Đờn đã nhẹ nhàng hỏi tôi: "Anh định sao đây nếu Ngài Thiếu Tướng không còn?" Tôi chưa kịp đáp, thì anh lại nói tiếp: ‘'Tôi nghĩ rằng chúng mình thà chọn con đường lục lâm thảo khấu, chết bỏ thây trong rừng, chứ chả đời nào vác mặt ra hàng giặc để cho đời nguyền rủa!" Câu nói quả hợp với lòng tôi đang nghĩ. Vâng, thà chọn con đường lục lâm thảo khấu, một đi không trở lại. Chứ về để chết trong tủi nhục thì về làm gì nữa?

Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn xưa nay nổi tiếng trung thành với Trình Minh Thế, kể từ lúc hai người còn sống với nhau trong Quân Đội Cao Đài. Có thể nói, Đờn xem Trình Minh Thế như thần tượng của mình, và luôn luôn sẵn sàng hy sinh mạng sống cho thần tượng ấy.

Tôi còn nhớ một hôm, giữa cái hoàn cảnh lao đao sau vụ Pháp tấn công, một người bạn trẻ Trung Uý Nguyễn Văn Sáu - đã men lại gần tôi mà hòi một câu nghiêm cẩn rằng: "Thưa Ngài, xin cho em biết tình thế này rồi sẽ tới đâu?" Tôi biết lòng người anh em đang hoang mang tột độ, đang chân trong chân ngoài vôi cổng cuộc từ sinh trước mắt. Mà riêng tôi, tôi cũng lo buồn không kém. Vì mình càng biết rõ sự việc nhiều hơn, thì lại càng thấy tương lai không còn chút ánh sáng nào, càng biết sự suy bại quá gần. Tuy nhiên, chả nhẽ tôi lại nói ra cả sự thật trong lòng tôi cho người kia biết, thì có khác nào tôi xúi dục họ lìa bỏ hàng ngũ cho mau? Bởi thế, tôi đã cứng cỏi đáp lời người bạn trẻ: "Ngày nào anh còn thấy mặt tôi ở đây, thì ngày ấy anh còn yên chí. Không đến nỗi nào đâu, anh đừng lo ngại mà hỏng việc" Nói xong, tôi lại thấy thẹn với lòng mình, thấy mình đóng trò giả dối, dám đem mình ra làm gương cho kẻ khác. Dù sao chăng nữa, câu nói có vẻ phương tuồng kia của tôi không ngờ đã giúp cầm chân người bạn trẻ cho tới ngày về thành hồi tháng 2 năm 1955. Sau này người bạn trẻ kia được tôi nâng đỡ, tạo cho nghề nghiệp trong làng báo, lại xây dựng việc vợ chồng cho anh, nên anh bỗng nhớ tới chuyện xưa mà bảo tôi rằng: "Chính nhờ một câu nói của Ngài hồi còn ở trong rừng mà ngày nay em mới nên danh nên phận. Nếu không, chắc là đời em đã mai một tối tăm!" Tôi cảm thấy được an ủi vì câu đầy ân nghĩa thủy chung, mặc dù cái gọi là "nên danh nên phận" kia cũng chỉ là một cuộc sống bình thường ngày hai bát cơm vừa đủ ấm no, chứ cũng chả phải vương tướng.

Trở lại cuộc chiến ở gò Sơn Tây, tôi không bao giờ quên được cái thủ đoạn hèn mạt, cái thủ đoạn hết sức ghê tởm của bè lũ cộng sản. Hồ Chí Minh đích thân sang Pháp để mời Pháp trở lại Việt Nam hồi 1946, rồi lại chỉ mặt người quốc gia mà hô hoán "Việt Gian thân Pháp!" Lũ tôi tớ của y cũng lại bắt chước cái trò phản quốc, miệng nào hô hào "Chống Đế quốc Pháp", và miệng nào đi lén lút kêu gọi Pháp đem quân tới đánh úp Liên Minh tại gò Sơn Tây ngày mồng 3 tháng 3 năm 1953? Vì một phút rủi ro, chúng tôi đã rơi vào giũa gọng kìm của cả hai địch thủ. Vì một phút rủi ro, suýt nữa Liên Minh đã rã đàn tan nghé, quân suýt mất tướng, anh em một nhà suýt bắn giết nhau.

Trận "tam chiến" Sơn Tây, hay là gò Ông Hàn, ngẫu nhiên mà tô điểm cho lập trường "chống cộng, đả thực" của Trình Minh Thế vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx