sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10 - Cuộc Chiếm Đóng Núi Bà Đen

Qua khỏi cuộc thử thách tại gò Sơn Tây mà ít bị sứt mẻ, tinh thần anh em rất là phấn khởi. Kế hoạch chiếm giữ Núi Bà Đen, nhằm mở thêm chiến khu thứ hai cho Liên Minh, vẫn được tiến hành như dự định.

Sang tối đêm thứ 5 - kể từ lúc từ giã Bù Lu - đoàn quân mới về tới chân núi, với áo quần dày dép tả tơi. Người nào cũng sặc mùi phân và nước tiểu trâu bò, vì giọc đường đã nằm ngủ trên những đám cỏ ven rừng hoặc những nghĩa địa mà trâu bò thường lui tới. Chúng tôi men theo một con đường đất đỏ chạy dài theo chân núi, nơi có một đồn binh Cao Đài trấn đóng thường trực, gọi là đồn Nghĩa. Nhưng người Trưởng đồn, khi được biết là quân của Tướng Thế, thì sẵn sàng làm ngơ cho ai nấy đi qua. Tới lúc này, mọi người hầu như kiệt sức, không còn lê gót nổi. Nhân một lúc đình bộ nghỉ ngơi, người người vẫn được lệnh phải đứng nguyên một chỗ, không được nằm ngồi, và người nọ đặt tay lên vai người kia mà ngủ gật hồi nào không hay. Tôi nghe Hồ Đức Trung dặn dò Nguyễn Văn Đờn khi nào cất bước thì cho biết. Đờn ừ è, nhưng lại có tính đùa nghịch, nên khi được lệnh tiến binh, thì im lặng lách mình ra khỏi bàn tay của kẻ đứng sau, đi mất hồi nào không ai hay biết cả. Hồ Đức Trung cứ đứng ngủ ngon lành khiến cả đoàn người phía sau cùng đứng lại cả một lượt. Tới khi Trung chợt mở mắt, không thấy Đờn đâu, biết là bị lừa, bèn hoảng hốt rủ nhau đuổi theo cho kịp.

Núi Bà là quả núi hùng vĩ, đứng trơ vơ giữa một vùng đất bằng phẳng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Núi cao hơn 1.000 thước, gồm toàn những tảng đá khổng lồ mà diện tích đôi khi rộng bằng cả một thửa ruộng. Bên trong các tảng đá là những chiếc hang mênh mông, với những ngõ ngách vô cùng vô tận mà nhà thám hiểm có thể len lỏi suốt ngày cũng chẳng tới đâu. Nhưng nếu không dùng sơn trắng làm dấu trên vách đá, thì chắc chắn sẽ phải bỏ thây trong hang sâu, chứ không tài nào tìm được lối ra. Có điều nguy hiểm là trong hang thiếu dưỡng khí, đuốc không cháy, còn đèn Pin thì chỉ trong vòng một phút là tắt ngóm.

Núi Bà có nhiều chuyện lạ. Chẳng hạn như giữa lưng chừng núi lại chợt hiện ra một chiếc hồ nước trong xanh, quanh năm không bao giờ bị khô cạn. Lại có nói người ta bắt gặp các tảng đá xanh to, nát vụn ra thành từng mảnh nhỏ, tựa hồ như có một bàn tay nào dùng chiếc búa khổng lồ đập xuống các tảng đá ấy. Ở những chỗ khác, người ta nhìn thấy rõ một chất màu xám như xi măng chảy giọc xuống các tảng đá, khô cứng lại và dính liền với đá. Các hiện tượng trên khiến người ta nghi ngờ Núi Bà nguyên thủy có thể là một ngọn núi lửa, cho nên các tảng đá kia bị tung lên trời, rơi xuống mà nát vụn ra, và chất xi măng kia ắt cũng từ trong lòng nứi lửa phun ra mà chảy thành từng giòng như vậy. Ấy cũng chỉ là một sự giả đoán mà thôi, vì nếu quả thật là núi lửa, thì tại sao trên đỉnh lại không có miệng núi? Điều chắc chắn hơn cả là Núi Bà có mỏ vàng bên trong, vì ngay dưới chân núi, có một giòng suối nước trong vắt, lòng suối chứa đầy những hạt vàng lóng lánh trộn lẫn với cát. Uống thử nước suối kia, thấy có mùi kim khí làm the cả lưỡi, và chứng sốt rét nổi lên tức thì, dù chỉ uống một ngụm thôi.

Tuy núi toàn là đá to, đá nhỏ, nhưng cây cối cũng mọc đầy. Có hai loại cây quý, là bằng lăng và dên dên. Cây bằng lăng mọc thành rừng, cây nào cũng to bằng người ôm, cao tới đôi ba mươi thước, thẳng tắp rất đẹp. Còn dên dên (tức gỗ lim) thì to lớn vô cùng, ba bốn người ôm không xuể. Thậm chí khi Liên Minh cho phép tiều phu vào núi đẵn cây, họ dùng cưa cắt ngang thân cây một nửa, rồi xẻ giọc xuống chừng hai thước, lấy đủ số dùng, phần còn lại vẫn sống với cây như cũ. Khi xẻ ra, mặt ván rộng bằng hai thước tây, đỏ như máu. Càng tiếp xúc với ánh sáng, ván kia càng trở nên đen dần và cứng vô hạn. Ngoài hai loại gỗ quý kia ra, lại còn cây dầu cũng khá đắc dụng. Ngay dưới chân núi, có một cây dầu to cao ngoài sức tưởng tượng. Khi tiều phu hạ xuống, núi dội ầm ầm như địa chấn, đánh đổ luôn một lúc hàng chục cây dầu khác ở quanh đó.

Ở về phía tay phải Núi Bà, từ Tòa Thánh Cao Đài trông lên, có một ngôi chùa nổi tiếng đất Tây Ninh, cất từ đời nào không ai biết. Chùa ở vào một độ cao chừng một phần ba quả núi, thờ Đức Linh Sơn Thánh Mẫu với bức tượng bằng đồng đen. Vì thế mới có tên Núi Bà Đen. Muốn lên tới nơi, phải qua một con đường độc đạo lót đá mấy trăm bực. Dưới cùng con đường độc đạo, là Chùa Dưới, trên nữa là Chùa Giữa, rồi mới đến Chùa Bà hay là Chùa Trên. Nhưng Chùa Dưới và Chùa Giữa chỉ nghe thấy tên mà chẳng thấy hình dạng đâu nữa. Chùa Bà có cách kiến trúc rất kỳ lạ và công phu. Toàn thể cột kèo đều bằng đá xanh, lấy từ trong núi ra, và được đẽo gọt rất thẳng thốm, mỹ thuật, trông không khác nào những cột kèo bằng gỗ vậy. Nhà cửa rộng mênh mông, có thể chứa hàng ngàn người một lúc. Nơi nhà trai của chùa, có những bộ ván lim dài quá kích thước bình thường, ít nhất cũng phải năm sáu người lục lưỡng mới khiêng nổi.

Nằm xế bên tay phải Chùa Bà là Chùa Hang, cách nhau bằng một khe núi. Trong một đoạn trước, tôi có thuật qua cuộc địa chấn năm Nhâm Thìn có liên quan tới hai ngôi chùa này.

Với một vị trí hiểm trở như trên, Chùa Bà đã trở thành mục tiêu chiến lược cho Tướng Thế mở cuộc hành quân chiếm đóng cả quả Núi Bà Đen. Sở dĩ tôi nói "chiếm đóng", vì Chùa Bà đang bị cộng sản Miền Nam chiếm làm sào huyệt. Các Sư, Vãi trong Chùa đều là cán bộ cộng sản hoặc cảm tình viên khoác áo tu hành để che mắt thế gian. Lúc toán quân tiền thám của Liên Minh vừa đặt bước lên con đường độc đạo lát đá, thì trong chùa đã có tiếng báo động. Một số người chạy trốn vào núi. Chỉ còn lại vài ba ông Sư, một bà Vãi, và hai cô thiếu nữ được biết là con gái của bà. Cộng sản không ngờ chúng tôi tiến chiếm lúc nửa đêm, nên việc canh gác tỏ ra khá lỏng lẻo. Dường như đây chưa phải là một căn cứ quân sự của chúng, mà chỉ là một địa điểm trá hình để làm nhiều việc khác. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải thúc quân chạy lên con đường giốc đá, phòng đối phương dùng chiến thuật lăn đá xuống làm kế hoãn binh. Lúc tới nơi, chúng tôi bắt gặp một thái độ ác cảm rõ rệt của mấy người còn ở lại chùa. Một nhà Sư ước chừng 40 tuổi cứ làm bộ câm nín, hỏi gì cũng không nói. Còn bà Vãi kia thì liến thoắng, chạy lăng xăng khắp nơi như muốn trốn.

Chúng tôi chưa biết rõ trong chùa có bao nhiêu người cả thảy, nên tức khắc hạ lệnh thiết quân luật. Bà Vãi kia làm bộ quê mùa dốt nát, cứ thản nhiên kiếm cớ thoát khỏi chùa, đi giọc xuống con đường lát đá, ý muốn đi báo cáo việc gì với ai vậy. Tôi cho gọi bà ta trở lên ngay, và tôi đã trừng phạt bà bằng một cái tát khá mạnh, khiến bà lăn luôn xuống mấy bực đá. Tôi lại gọi trở lên lần nữa, và nghiêm khắc cảnh cáo để bà đừng tiếp tục diễn trò ngu dốt để đi thông báo tin tức cho đồng bọn. Sáng hôm sau, chúng tôi mới bắt đầu lục soát các nơi, từ Chùa Bà sang tới Chùa Hang. Chúng tôi tìm thấy không biết bao nhiêu quần áo lót mình của phụ nữ dấu trong hang đá, đây hẳn là quần áo may sẵn để tiếp tế cho nữ cán bộ. Quả là một sự lạ. Tại một nơi thờ tự thiêng liêng, lại chất chứa đồ dùng của đàn bà! Chúng tôi sai soát xét cả mấy cái lu sành đựng tương, vì nghi có lựu đạn dấu bên trong. Không ngờ lại lôi ra một mớ thịt lợn đã luộc chín bỏ lẫn vào trong tương. Nhìn mấy miếng thịt vừa dài vừa to, chúng tôi không khỏi ngán ngẫm trước cái trò che mắt thế gian của cộng sản. Đã thế, hôm sau và hôm sau nữa, ngay giữa lúc chúng tôi đang ngồi họp bàn các vấn đề quan trọng, thì mấy ông Sư giả kia lại bày trò tụng kinh gõ mõ inh ỏi suốt cả buổi họp, khiến chúng tôi chẳng còn nghe được gì nhau nữa cả. Tướng Thế buổi đầu cũng hơi nể việc kinh kệ của nhà tu hành, không dám phàn nàn gì. Nhưng càng lúc càng thấy rõ người ta dụng ý phá mình, ông nổi giận, hét lên một tiếng "Im ngay tức khắc!" Bấy giờ tiếng chuông tiếng mõ mới chấm dứt.

Dù sao, chúng tôi vẫn còn sợ nỗi mình nghi lầm người ta thì mang tội. Nên chỉ để mắt theo dõi. Cho tới khi nhà Sư kia đầu hôm lén lút xuống núi, ra tận Tây Ninh báo với Pháp, rồi thân hành dẫn Pháp vào Núi Bà tấn công chúng tôi. Nào ngờ khi lên giốc núi, nhà Sư đi đầu bị ngay một quả mìn chết ngay tại chỗ. Sự thật về hành động xấu xa của con người đội lốt Sư Sãi ấy đã bày ra trước mắt, không còn chối cãi vào đâu được nữa. Riêng đối với bà Vãi và hai cô con gái của bà, chúng tôi vẫn đối đãi tử tế. Ba mẹ con đều bị sốt rét kinh niên, bụng õng da chì. Chúng tôi phát thuốc cho họ chữa trị. Ít lâu sau, bà vãi xin về quê, còn hai cô con gái thì tình nguyện ở lại với Liên Minh, được sung nhập vào ban Quân Y dưới quyền của Trung Tá Cảm Văn Tỵ.

Cần nói rõ là trước khi mở cuộc hành quân chiếm đóng Chùa Bà, Tướng Thế đã bí mật liên lạc với phu nhân là bà Nguyễn Thị Kim, yêu cầu bà sẵn sàng tiếp tế cho một số lương thực. Nhờ vậy mà vừa được tin Tướng Thế về Núi Bà, người phụ nữ đảm đương kia đã trá hình trá dạng, thân hành chuyên chở vào khu 30 bao gạo 100 ký do chính tiền bà bỏ ra, tiền cầm bán tư trang vật hạng. Tiện đây, tôi cũng nói thêm chút ít về tấm lòng hy sinh gương mẫu và sự quả cảm vô song của bà Nguyễn Thị Kim. Đối phương biết rõ bà là vợ của Tướng Thế, nên càng theo dõi gắt gao hơn ai hết. Tuy vậy mà bà vẫn không sộ sệt, bằng cách này hay cách nọ, bà luôn luôn sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của chồng. Bà đi thu thập tin tức gửi vào khu, báo động khi có biến, hô hào cho hàng ngũ Liên Minh mỗi ngày một đông hơn, cung cấp một số nữ cán bộ đắc lực cho các ban Quân Y và Quân Phục. Cần gạo, bà chở gạo; cần vải vóc, bà gửi vải vóc. Mãi rồi bao nhiêu của cải riêng tây đều mất hết, thậm chí phải đi vay nợ để giúp chồng. Tôi nhắc lại, chính bà đã là một trong các cán bộ hàm thụ thuộc chương trình huấn luyện của tôi. Hơn một lần, tôi theo Tướng Thế về thăm nhà ông vào lúc nửa đêm. Nhà ở tại cổng số 5 Tòa Thánh Tây Ninh. Bà Kim xiết bao mừng rỡ, đang đêm lo nấu nướng vật nọ thức kia để đãi chồng và khách. Xong rồi, còn gói cả một con gà luộc cho chúng tôi mang về núi. Anh em Liên Minh nhất mực kính trọng bà. Khi trở thành góa bụa, bà dọn về ở tại chợ Trương Minh Giảng Saigon, hàng năm anh em vẫn tề tựu tại đó nhân dịp cúng giỗ Tướng Thế. Tướng Thế mất đi, có để lại một cuốn phim kỷ niệm lúc ông hướng dẫn Tướng Edward Lansdale về thăm Đồng Tháp Mười. Mỗi lần chiếu lại cuốn phim ấy, thì đứa con dại của Tướng Thế lại chỉ lên hình ông mà gọi "Ba...Ba", khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.

Ở lại Núi Bà một thời gian để chỉnh đốn binh mã, chỉ định sự bố phòng, sau đó Tướng Thế giao quyền chỉ huy cho Trung Tá Trần Minh Triết, tự Trạng. Rồi cùng tôi và một số anh em khác trở lại Bù Lu. Sau này tôi mới biết rõ mưu lược của Tướng Thế. Ông tính toán như thần, biết trước không bao lâu Pháp sẽ tấn công Núi Bà, vì thấy thế lực Liên Minh càng ngày bành trướng. Ông để lại "cẩm nang” cho Trung Tá Trạng "cứ thế, cứ thế mà làm". Không phải ông hèn nhát trốn tránh sự hiểm nghèo, mà ông ý thức vai trò trọng đại trên vai, muốn giao cho Trung Tá Trạng ở lại giữ thành trì, hầu đo lường phản ứng của Pháp ra sao. Quả nhiên, một thời gian sau, tháng 8 năm 1953, Pháp mở cuộc tấn công đại quy mô Núi Bà Đen, xử dụng cả mấy Tiểu đoàn Nùng chuyên leo núi, bày ra thanh thế rất đáng cho Liên Minh lo ngại. Trung Tá Trạng dùng đèn Pin đánh mật mã báo ngay cho Bù Lu biết. Cũng vừa lúc ấy, Thiếu Tá Hồ Đức Trung được lệnh chuyển Đài Phát Thanh lên núi. Bất đồ vừa tới chân núi lại gặp giặc, khiến Thiếu Tá Trung và toàn ban chuyên viên của Đài phải núp trong các thửa vườn sắn, đào củ sắn lên ăn,chịu đựng suốt cả 2 tuần lễ.

Pháp đánh lừa Trung Tá Trạng bằng cách một mặt chúng cho một số quân tấn công ngả trước Chùa Bà, tiến lên bằng con đường độc đạo. Trung Tá Trạng dùng chiến thuật Khổng Minh, vừa bắn súng vừa lăn đá và cây to xuống con đường độc đạo. Pháp chẳng tiến lên được. Nhưng ông không ngờ Pháp lại theo mặt khác, sai lính Nùng leo lên núi sau, rồi từ đỉnh núi đổ xuống Chùa Bà, đánh bọc hậu. Trước tình thế quá nguy ngập, Trung Tá Trạng bèn rút quân chui vào hang đá, nơi đã chất chứa sẵn lương khô và nước uống. Pháp không tìm thấy Liên Minh đâu, nổi giận đốt phá kho lúa tại Chùa Bà, rồi dùng mìn phá tan ngôi Chùa cổ kính, để lại một đống đá vụn. Tôi muốn dừng lại đây để nói vài lời về hành động của Pháp. Tôi thấy việc Pháp phá Chùa là một việc tiểu nhân. Xưa nay Pháp vẫn tỏ ra kính trọng bảo tồn các lăng tẩm đền đài Việt Nam, mà viện Bác Cổ Viễn Đông tại bờ sông Nhị Hà, Hà Nội là một bằng chứng. Chùa Bà là một thắng tích quý giá, với công trình kiến trúc có một không hai. Tại sao Pháp lại phá hủy đi, khi Liên Minh không biến cải nơi ấy thành một thành trì kiên cố? Pháp tỏ ra giận cá chém thớt, quả là một hành động đáng hổ thẹn.

Pháp không tìm ra Liên Minh, vẫn không chịu thua. Họ sai lính Nùng ngồi chờ chực ngoài các cửa hang đá, hễ nghe có tiếng động bên trong là tung lựu đạn xuống hang. Anh em Liên Minh biết vậy, nên thay phiên nhau canh gác, nhất thiết không cho người nào ngủ ngáy thành tiếng hoặc mơ ú ớ trong hang. Mặc dù có sẵn lương thực chất chứa trong hang, anh em Liên Minh vẫn không dám thổi lửa nấu cơm. Còn nước uống thì có hạn, dùng được mấy ngày thì hết nhẵn. Rút cục, anh em quá khát, đành dùng ngay nước tiểu của mình. May sao, vừa tới tình trạng khẩn trương đó, thì Pháp rút lui, Liên Minh thoát nạn.

Kiểm điểm lại trận này, tuy Pháp dụng công tiêu diệt Liên Minh bằng những toán lính Nùng thiện chiến nơi rùng núi, nhưng Pháp tính sai ở chỗ Liên Minh có một hệ thống đường hầm thiên nhiên, không dễ gì Pháp phá hủy được. Trọng pháo Pháp có bắn lên cũng chỉ làm trầy trụa một vài tảng đá. Huống chi Pháp muốn dùng trọng pháo, thì lại phải tới gần đồn Phan trước mặt Núi Bà để sửa soạn pháo kích. Người Liên Minh trên núi cứ ngồi đợi cho tới khi thấy ánh lửa lóe ra nơi cửa nòng trọng pháo, nhiên hậu mới đủng đỉnh ấp mình vào trong hang đá, ngồi bịt tai lại. Xong tiếng nổ, lại chui ra chọc giận Pháp. Chung cuộc, vụ Pháp tấn công Núi Bà mùa thu năm ấy tuy kéo dài tới nửa tháng trời, vẫn chỉ là một trò chơi máu lửa vô hiệu quả đối với Liên Minh. Kết quả duy nhất họ mang về trong trận ấy là cái xác mặc áo vàng của nhà Sư giả mạo mà tôi vừa nói trên, với một số binh sĩ Pháp chết vì mìn và đá từ trên núi lăn xuống.

Chắc có lẽ vì lòng tự ái, Pháp chưa chịu bỏ cuộc. Khoảng cuối năm năm ấy, Pháp lại tấn công lần thứ hai. Lần này, họ huy động binh sĩ từ Saigon mang lên. Lúc nửa đêm, cả một đoàn công-voa tiến theo con đường Saigon - Tây Ninh, đèn pha bật sáng làm thành một con "rắn lửa" dài có tới đôi ba cây số. Liên Minh trông thấy, biết thân phận mình, liền tức tốc chuẩn bị. Rút kinh nghiệm chuyến trước, Liên Minh tích trữ khá nhiều lương khô trong hang đá. Lại tìm ra được một giòng suối ở tận dưới lòng núi sâu, lẫn trong hang đá. Liên Minh bèn dùng ống cao su dài hàng trăm thước, cố lấy sức người hút mãi cho nước chảy ra, rồi nhờ áp lực không khí nơi mặt suối, nước cứ tiếp tục rỉ rả vào những chiếc thùng dấu trong hang. Nhờ vậy không còn lo sợ vấn đề khan hiếm nước uống nữa.

Pháp vẫn quen lối cũ, hò hét om sòm, bắn súng bừa bãi, nhằm uy hiếp tinh thần Liên Minh. Chúng đốt mất cơ trại của Trung Tá Văn Thành Cao đóng gần chân núi, và phá hủy một mớ ruộng ngô của đồng bào. Ngược lại, chúng bị thiệt hại nặng trong chuyến này vì khinh địch. Pháp quên rằng thời gian qua đã giúp Liên Minh có đủ điều kiện bố trí rộng rãi hơn, chuẩn bị chu đáo hơn, với cơ trại rải rác khắp mặt núi, chứ không phải chỉ đóng tại Chùa Bà như trước, và với những loại địa lôi chôn dấu khắp các lối đi. Núi Bà đã trở thành một cạm bẫy to tát đối với Pháp, vì vậy, Pháp đặt chân tới đâu, bị thiệt hại tới đó. Tiếng là đem quân đi đánh Liên Minh, nhưng Pháp lại trở về thế thủ, cứ quanh quẩn dưới chân núi, chứ không dám men theo các lối mòn lên núi, mặc dù họ thấy rõ Liên Minh xuất hiện ở chỗ nào. Trái với dự đoán, cuộc tấn công chỉ diễn tiến trong hai ngày, rồi Pháp nhẹ nhàng rút lui, ra điều như Pháp đang hành quân chống cộng sản ở đâu đó, tiện đường thì ghé lại phá quấy nhau chốc lát.

Nhân đây, tôi cũng muốn nói rõ thêm về cách đánh phá tiểu nhân của Pháp. Một hôm, hồi còn ở Bù Lu, tôi đi thăm ban Quân Phục, lúc trở về phải vượt qua một cái bung rộng. Bất ngờ có một chiếc phóng pháo cơ của Pháp bay ngang qua đó. Mặc dù chỉ thấy có một mình tôi giữa bưng, viên phi công Pháp cũng quyết định không tha. Hắn liền quay ngược trở lại rồi hạ thấp xuống. Tôi biết là hắn định tấn công tôi, bèn không chậm trễ, tôi nằm xuống, nấp mình bên một chiếc "bờ mẫu". Viên phi công phóng xuống một tràng đạn, tôi không việc gì. Hắn liền đảo ngược lại một lần nữa, và cũng nổ súng một tràng dài. Nhưng tôi lại phóng qua bên kia chiếc ‘‘ bờ mẫu", và cũng nấp mình theo lối cũ. Rút cục, đạn chỉ găm vào cái bờ đất cứng mà thôi. Biết không làm gì được tôi, viên phi công "anh hùng" kia mới đành chịu thua, và bỏ đi luôn...

Thời gian này, Tướng Thế đã lại có mặt trên Núi Bà Đen. Số là, sau khi giao quyền chỉ huy quân Núi Bà cho Trung Tá Trạng, ông trở về Bù Lu, xét thấy tình thế càng ngày càng bất lợi cho cá nhân ông, nên ông mới quyết định dứt khoát lên ở hẳn Núi Bà, nơi Pháp hoặc cộng sản khó lòng bắt cóc ông được. Thoạt tiên ông lập Hành Dinh tại một vách núi hiểm trở, ở cách xa về phía tay phải của Chùa Bà, ngay phía trên chỗ ở của tôi. Muốn vào tới ông, phải qua một chiếc hố sâu với chiếc cầu làm bằng tấm ván thật nhỏ. Người nào yếu tim không dám bước qua cầu ấy, hoặc nếu kém bản lĩnh, sẽ lộn đầu xuống hố mà chết. Tại đây, ông tỏ vẻ lo lắng nhiều. Thường bỏ thì giờ xuống thăm tôi, rồi nằm sấp trên sạp với đôi chân gấp lại phía sau, và hút thuốc lá luôn miệng. Cách nằm ấy quá quen thuộc, khiến tôi hiểu ngay rằng lòng ông đang có điều lo tính nghiêm trọng, nhưng tôi chưa đoán ra là điều gì. Chợt ông ngồi dậy hỏi tôi: - Anh thấy trong đoàn thể ta, ngoài tôi ra, ai là người xứng đáng hơn hết về mặt quân sự? Tôi thoáng giật mình, ngầm đoán là câu hỏi này liên quan tới sự sống còn của đoàn thể. Tôi chưa kịp đáp, thì ông lại nói tiếp: - Tôi đang cần một người có khả năng thay thế tôi để trông coi chiến khu Bù Lu. Theo anh, ai xứng đáng? Tôi đáp ngay: - Xét về mặt quân sự, tôi thấy ở đây không ai hơn Trung Tá Văn Thành Cao. Người ấy đáng tin cậy và có thể làm nên việc. Đôi mắt Tướng Thế chợt sáng hẳn lên. ông gật gù: - Tôi cũng đã nghỉ như anh, nhưng tôi muốn thử xem ý anh ra sao. Tôi lại bảo: - Trung Tá Cao đã đành là tài năng đảm lược cao hơn những người khác. Tuy nhiên, nếu tôi xét không lầm, thì ông ấy rất ít được anh em mến phục. Vậy nếu Thiếu Tướng đồng ý chọn ông ấy lãnh đạo chiến khu Bù Lu, thì việc trước nhất là phải thăng cấp cho ông ấy, hầu có đủ uy quyền sai bảo mọi người.

Tướng Thế gật đầu ngay tức khắc, và tôi thấy nét đăm chiêu trên mặt ông bỗng nhiên biến mất. Thì ra, nội bộ đoàn thể đang có biến. Từ khi Tướng Thế bỏ về Núi Bà, hàng ngũ bên Bù Lu càng ngày càng rời rã. Một số sỉ quan có trách nhiệm không những chểnh mảng việc bố phòng, mà còn manh nha một cuộc phản bội, toan bảo nhau lìa bỏ hàng ngũ. Tôi choáng váng rụng rời khi biết rõ việc này mà Tướng Thế cố giữ kín trong lòng, mãi bây giờ mới chịu nói ra.

Thế là ngay buổi tối hôm ấy, Tướng Thế sai đánh mật mã gọi Trung Tá Cao về Bộ Tư Lệnh gấp. Sáng hôm sau, ông này đã có mặt. Và theo thường lệ, bao giờ ông cũng vào thăm tôi trước, rồi mới lên trình diện Tướng Thế. ông không quên mang biếu tôi 5 gói thuốc Mic, và cố gắng hỏi tôi về cái lý do ông bị gọi về. Mặt ông tỏ vẻ lo ngại. Sống trong đoàn thể, tối thấy có một điều rất lạ. Tất cả các nhân vật trọng yếu của Liên Minh, kể từ ông Phó Tổng Tư Lệnh Văn Thành Cao trở xuống, đều rất sợ hãi mỗi khi có lệnh về ra mắt Tướng Thế. Và bất cứ nhân vật nào cũng đều tìm tới tôi trước, dò xem thái độ của tôi, hỏi thăm ý kiến tôi, rồi mới chịu vào gặp mặt Tướng Thế. Lần này, trông thấy nét mặt đăm chiêu của Trung Tá Cao, tôi đâm ái ngại và mỉm cười bảo: '’Trung Tá hãy mừng đi. Tin vui chứ chẳng phải tin buồn!" Quả nhiên, ngay sau đó, Thiếu Tá Đổng Lý Văn Phòng Nguyễn Văn Đờn được lệnh tổ chức gấp một buổi lễ quân cách dưới chân núi, có nhiều sĩ quan tham dự. Trung Tá Văn Thành Cao được thăng cấp Đại Tá với chức vụ Phó Tổng Tư Lệnh như cũ, và được toàn quyền thay mặt Tướng Thế trở về Bù Lu chỉnh đốn lại hàng ngũ, trừng phạt nặng những ai có tội. Bầu không khí thật trang nghiêm và cũng không kém khẩn trương. Nhận chức xong, Đại Tá Văn Thành Cao tức khắc dẫn quân về Bù Lu nội nhật hôm ấy, và chọn ngay Trung Uý Nguyễn Văn Phương làm Bí Thư.

Từ ngày đó, chiến khu Bù Lu lại khởi sắc. Đại Tá Cao chứng tỏ tài năng lãnh đạo bằng nhiều sự cải tổ, bằng cách chọn người, và bằng sự thành lập một ban Văn Nghệ Chiến đấu riêng cho chiến khu Bù Lu. Trung Uý Nguyễn Văn Phương, một sinh viên Luật quê đất Bắc, đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công ấy. Được ít lâu, xem chừng mọi việc đã yên ổn, mưu toan phản bội bị chôn vùi, Đại Tá Cao bèn mời Tướng Thế và tôi về thăm Bù Lu. Ông tổ chức tiếp đón thượng cấp của ông thật trọng thể, tiếp theo là một đêm trình diễn văn nghệ với sự tranh tài của hai ban Văn nghệ Núi Bà và Bù Lu. Tôi thành thật nhìn nhận rằng Bù Lu nay đã khác xưa. Đồn trại thật kiên cố, anh em phấn chấn tinh thần. Lòng tôi mừng vô hạn.

Về phần Tướng Thế, ông lại bỏ Hành Dinh hiện hữu, dọn về bên Núi Heo, là một quả núi nhỏ nhưng vô cùng hiểm trở, nằm về phía cực tả của Núi Bà, từ Tòa Thánh trông lên. Lần này ông sai cất nhà sàn cheo leo trên vách núi, cây lá um tùm. Muốn lên tới chỗ này, phải men theo một con đường đất đỏ, con đường do quân Nhật thuở xưa thiết lập dẫn lên một ổ trọng pháo phòng không còn để lại dấu vết. Rồi lại phải trèo lên một dốc núi cao dựng thẳng như bức vách, phải bám rễ bám giây mới leo lên được. Gặp hôm trời mưa, thì quả là một cực hình, sơ ý chút đỉnh sẽ lăn ngay xuống đáy vực. Chỗ ở mới này của Tướng Thế quả là một chỗ ở "chiến lược", máy bay địch khó lòng tìm ra, mà nếu địch muốn tấn công bằng đường bộ, thì khi lên tới nơi chắc không còn hơi sức để chiến đấu, mà hình bóng Tướng Thế cũng chẳng còn tìm thấy đâu nữa. Đã thế, nơi này lại rất lạnh. Ban đêm, sương rơi đồm độp như mưa rào. Suốt ngày, khỉ ho vượn hú, quang cảnh khá u buồn. Người khách đầu tiên và cũng là người khách duy nhất được Tướng Thế cho phép lên thăm ông tại địa điểm hiểm trở này phải nói là Tướng Edward Lansdale. Ông này trong thời gian tiếp xúc vận động để giúp Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đón Tướng Thế về thành hợp tác, đã được cái "hân hạnh" trèo dốc núi cao, được phép mang theo một phái đoàn người Mỹ lên tận đỉnh Núi Heo, dự một bữa tiệc linh đình trong lịch sử Liên Minh, và một đêm "khiêu vũ" ở giữa từng trời. Tôi sẽ đề cập tới công cuộc vận động này trong Chương XIII tiếp theo.

Bù Lu trở lại thế đứng vững vàng dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Văn Thành Cao. Núi Bà cũng càng ngày càng mở mang về mọi mặt, quân sự, kỹ thuật, thông tin. Thanh thế Liên Minh lên cao hơn bao giờ hết. Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiện được rút về núi. Công Binh xưởng bắt đầu sản xuất vũ khí. Đài Phát Thanh thêm người tài giỏi phụ lực. Tờ báo Quốc gia ra đời, mệnh danh là "Cơ Quan Ngôn Luận của Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến Việt Nam". Hệ thống điện thoại được thiết lập. Các phần tử thanh niên có lòng với kháng chiến lũ lượt kéo vào khu tình nguyện ở lại chiến đấu.

Trong số những người này, đáng kể nhất là Thiếu Úy Tạ Thành Long, một cựu sĩ quan Quân Đội Quốc Gia. Tướng Thế lúc đầu chưa để ý tới, nên Tạ Thành Long được phái về sống một cách lu mờ bên cạnh Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiện. Tình cờ một hôm tôi đi thăm ông Tham Mưu Trưởng, thấy mặt Long tôi bèn hỏi chuyện, nhận ra Long có khả năng và tư cách. Tôi bèn quyết định nâng đỡ Long, đề nghị với Tướng Thế thăng Long lên Trung Uý. Khi về thành, Tướng Thế hỏi ý kiến tôi xem ai đáng dùng làm Sĩ quan Tùy Viên cho ông. Tôi trả lời rằng chức vụ Tùy Viên nên dành cho một sĩ quan có học thức, biết xã giao, có tư cách, và dáng người phải cao ráo mạnh dạn, và nhất là phải có lòng tận tụy. Vậy không ai hơn Tạ Thành Long. Thế là Long lại được thăng lên cấp Đại Úy, suốt ngày đêm ở gần Tướng Thế.

Thấy cái trách nhiệm quá nặng nề, cuộc sống quá bị ràng buộc theo sự đi đứng bất thường của Tướng Thế, một hôm Long thì thầm trách oán tôi, xin cho được đổi sang nhiệm vụ khác. Tôi an ủi: "Chú mày chớ có dại. Con đường tiến thân là ở đó. Đừng đòi hỏi lôi thôi nữa. " Quả nhiên, cuộc đời Long như có tiền định để cho tôi nâng đở. Sau khi Tướng Thế mất, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vẫn có lòng thương tưởng Liên Minh, nên gửi công hàm yêu cầu Liên Minh cử cho một sĩ quan sung nhập cơ quan Tham Mưu Biệt Bộ của Thủ Tướng. Tôi lại đề nghị Tạ Thành Long. Thế là Thủ Tướng Diệm bổ ngay Long làm Phụ Tá Tham Mưu Biệt Bộ, dưới quyền Thiếu Tá Huỳnh Văn Cao. Chẳng bao lâu sau, Long lại được thăng cấp Thiếu Tá do chính Thủ Tướng Diệm quyết định. Đời Long càng ngày càng sáng sủa. Tôi bỗng nói đùa Long: "Chú mày mà đeo lon Thiếu Tá của chính phủ về đây, sẽ bị đánh đòn." Không ngờ Long sợ thật, về tới cổng Hành Dinh ở đường Công Lý là Long vội xuống xe, cất bỏ ga lông, rồi mới dám vào gặp tôi. Về sau Long tiến mãi lên cấp Đại Tá, nắm giữ một vai trò quan trọng về mặt an ninh vòng đai Saigon. Lúc này Long đã có vợ con đầy đàn, cất nhà ở bên Quận 8 Saigon. Hôm Long thiết tiệc ăn mừng chức Đại Tá, trước mặt các Tướng Nguyễn Thành Phương, Văn Thành Cao, Long cầm mấy chiếc hoa mai bạc dơ lên cao và nói bằng một giọng bùi ngùi cảm động: "Cả cuộc đời em trong binh nghiệp, ngày nay lên tới chức Đại Tá này, đều do bàn tay nâng đở của anh N.L. Em xin kính cẩn mời anh nhận cho chén rượu biết ơn của em!" Tôi thật không ngờ Long lại làm như vậy.

Cũng trong thời gian đóng tại Núi Bà, Tướng Thế có tiếp kiến một người khách đặc biệt. Đó là Thiếu Tướng Lê Quang Vinh, tự Ba Cụt, cùng đi với phu nhân là bà Cao Thị Nguyệt. Nên nhớ lúc ấy Tướng Lê Quang Vinh đang chiến đấu trong khu ở tận Miền Tây chống lại nhà cầm quyền Pháp. Thế mà vợ chồng ông dám liều mạng lái một chiếc xe Vedette vào tận Núi Bà thăm chúng tôi, kể thật là điều hiếm có vậy. Đôi bên chuyện trò rất tương đắc, Tướng Vinh ở lại chơi một đêm. Trước khi ra về, ông có nói với Tướng Thế một câu mà tôi còn nhớ rõ: "Miền Đông có anh, Miền Tây có tôi, chúng ta sợ gì lũ cộng sản?" Cũng từ ngày đó, giữa đôi bên đã có sự đồng lòng hợp tác huynh đệ cho tới khi chúng tôi lìa bỏ Núi Bà. Ngày được tin Tướng Thế mất, Tướng Vinh từ trong rừng miền Tây viết thư chia buồn với tôi, lời lẽ hết sức chân thành. Không biết thư đi cách nào mà lại vào thẳng Dinh độc Lập, nằm trong tay ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Ông Nhu bóc ra xem trước, rồi thản nhiên trao cho Tạ Thành Long cầm về tôi. Dường như ông Nhu muốn gián tiếp cảnh cáo tôi là đừng nên liên lạc với Tướng Lê Quang Vinh nữa, vì ông ta đang chống chính quyền. Tôi thoáng giật mình. Nếu ông Nhu mượn cớ ấy bắt tôi hạ ngục, thì tôi cũng chẳng còn trách oán vào đâu được. Nhờ cuộc viếng thăm lạ lùng kể trên, giữa tôi với Tướng Lê Quang Vinh bỗng sinh ra một tình bằng hữu mật thiết. Về sau, tôi xuống Cái Vồn thăm Trung Tướng Trần Văn Soái, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hòa Hảo. Dịp ấy, tôi gặp lại Tướng Vinh, và ông ôm tôi khóc ngay trước mặt Tướng Trần Văn Soái, khiến nhà lãnh tụ quân sự Hòa Hảo ngạc nhiên, chẳng biết tại sao lại có sự lạ lùng như vậy. Sở dĩ Tướng Vinh khóc như thế, là vì có sự đụng chạm đáng tiếc xảy ra giữa binh lính ông với một sĩ quan Liên Minh trong thời kỳ đôi bên hợp tác với nhau ở trong rừng. Viên sĩ quan kia - Thiếu Tá Nguyễn Văn Của, người đã bị Tướng Thế nghiêm trị bằng một tràng đạn bắn vào chân, như tôi đã thuật trong một đoạn trước - được phái về Miền Tây đóng vai liên lạc giữa đôi bên. Không ngờ bộ hạ của Tướng Vinh đòi đặt ông ta dưới quyền chỉ huy của họ. Ông ta cực lực chống lại, và một cuộc chạm súng đã xảy ra, khiến chính Tướng Lê Quang Vinh bị một vết thương nhỏ ở cổ. Câu chuyện xảy ra thật đáng tiếc, vì Thiếu Tá Của vốn là người nóng nảy, cứng đầu, nên đã không dằn được sự bất bình cá nhân. Khi ôm tôi khóc, Tướng Vinh có chỉ cho tôi xem vết thương ở cổ. Tôi đành chỉ biết vuốt ve an ủi ông mà thôi.

Dưới con mắt của tôi, Tướng Lê Quang Vinh, tự Ba Cụt (vì sút mất một ngón tay khi còn ít tuổi) quả là người có chí khí anh hùng, có lòng với đất nước. Ngoài cái tính tình cởi mở riêng không kể, ông còn có một tâm hồn phóng khoáng, bất vụ lợi. Đúng trên lập trường quốc gia mà xét, Tướng Vinh là một trong những cột trụ Miền Nam giữ vững thành trì chống cộng. Tiếc rằng đởi ông đã chấm dứt bằng một cái chết đau thương năm 1956. Kẻ chủ mưu không ai khác hơn là Nguyễn Ngọc Thơ, người quê quán Míền Tây, nhưng lại mắc phải mối thù bất cộng đái thiên của khối Phật Giáo Hòa Hảo, sau khi sắp đặt bắt cóc Tướng Lê Quang Vinh để xử tội. Nguyễn Ngọc Thơ đứng trên thế chính quyền đã làm một việc mù quáng. Cá nhân Cố Tổng Thống Diệm, theo tôi biết, không hề có ý định sát hại Tướng Lê Quang Vinh, mà chỉ muốn thương lượng đón Vinh về với mình, như Trình Minh Thế vậy, để tăng cường hàng ngũ quốc gia chống cộng. Nhưng Nguyễn Ngọc Thơ vì muốn lập công nên tự ý tổ chức bắt Vinh. Sau khi bắt được rồi, lỡ nằm trên cái thế cưỡi đầu voi dữ, nên gây áp lực và đặt lời dèm pha với chính phủ Diệm để Vinh bị chém đầu một cách đau đớn.

Tôi vừa nói Nguyễn Ngọc Thơ muốn lập công với Cố Tổng Thống Diệm nên tự ý tổ chức bắt Vinh. Sau này, nhờ một sự tình cờ lịch sử, tôi biết thêm rằng Nguyễn Ngọc Thơ cố bắt và xử tội Vinh cho bằng được là do một áp lực bí mật khác, mà buổi đương thời chắc hẳn Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu đều không ngờ tới. Đó là bọn Giải Phóng Miền Nam. Quả thực ông cựu Đốc Phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ chẳng những là một phần tử được lòng người Pháp thuở xưa, mà lại có mối liên hệ chặt chẽ với bọn cộng sản Việt, ngay khi chúng chưa thành lập cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Thơ có người cháu ruột, gọi ông bằng chú, nằm trong tổ chức Việt Cộng và làm việc sát cánh với một nữ cán bộ VC cao cấp tên là ‘‘Bảy Thẹo’’. Mụ đàn bà nguy hiểm này mang một vết thẹo dài trên mặt, đội cái lôố đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An, được cộng sản cắt cử sang bên phần đất Cam Miên lập một căn cứ liên lạc, vừa đưa đón người của chúng qua lại trên sông Cửu Long, vừa thu thập tin tức, Nguyễn Ngọc Thơ lại giao du thân mật với Bác sĩ Lê Văn Hoạch, cựu Thủ Tướng Chính phủ ‘’Nam Kỳ Tự Trị’’ hồi 1945-1946, nổi tiếng về cái thành tích xúi dục đồng bào Miền Nam ngược đãi đồng bào Miền Bắc. Bác sĩ Hoạch lại là cậu ruột của tên Việt cộng đầu sỏ Huỳnh Tấn Phát, dĩ nhiên là Thơ với Phát không xa lạ gì.

Vì Nguyễn Ngọc Thơ có mối liên hệ với cộng sản như thế, nên ngay trong thời kỳ làm Thủ Tướng dưới thời Dương Văn Minh, ông ta chẳng hề sợ sệt, thường lui về Long Xuyên sống hàng tuần lễ mà vẫn bình yên vô sự. Thật là dễ hiểu khi Nguyễn Ngọc Thơ bắt xử tội Tướng Lê Quang Vinh là đã thi hành mật lệnh của bọn Giải Phóng, vì Tướng Vinh là một chiến sĩ chống cộng có thành tích. Và cũng thật dễ hiểu tại sao nhóm thiên tả Dương Văn Minh đã không đố kỵ Nguyễn Ngọc Thơ - một cựu Phó tổng Thống – mà còn đặt Thơ lên ghế Thủ Tướng, ngay sau khi chúng hạ sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Buổi đương thời, dư luận chưa hiểu biết, nên coi Thơ là kẻ lừa thầy phản bạn, vừa ở ngôi Phó Tổng Thống của Chính quyền cũ, đã lại trở nên Thủ Tướng của Chính quyền mới ngay tức khắc. Thực ra, Thơ nào có phản bội ai? Mà Thơ chỉ là hạng tay sai đắc lực của cả thực dân lẫn cộng sản đó thôi.

Thời kỳ ông Cố vấn Ngô Đình Nhu vào ra thăm viếng chiến khu Liên Minh, cá nhân tôi đã bao phen cảnh cáo ông về sự hiện diện của các cựu Đốc Phủ Sứ trong chính quyền. Cụ thể hơn, chính tay tôi đã thảo ra bài diễn văn cho Tướng Thế đọc trong buổi lễ hợp tác với Chính quyền ngàỵ 13/2/55, đòi hỏi Chính quyền phải thẳng tay đối phó với bọn quan lại, Đốc Phủ cũ (xem Chương XIV). Nhưng, như ông Nhu đã than thở: "Họ còn đông quá, họ có nhiều thế lực, chính quyền chưa dám ra tay, e nỗi bứt giây động rừng!" Do đó mà trong Nội Các Ngô Đình Diệm đầu tiên, người ta đã thấy có Nguyễn Ngọc Thơ ở ghế Nội Vụ, rồi Kinh Tế, rồi lại đóng vai "Sứ Giả lưu động", được phái sang Đông Kinh phụ trách công cuộc điểu đình với Chính phủ Nhật về vấn đề bồi thường chiến tranh, để cuối cùng lên tới chức Phó Tổng Thống. Người ta phải khâm phục cái tài của Nguyễn Ngọc Thơ, khéo léo mua chuộc đuợc lòng Cố Tổng Thống Diệm lẫn Cố Vấn Nhu đễ giữ vững ngôi sao, rồi cuối cùng diễn một màn phản bội trắng trợn. Cũng chính tên gian tặc này, hồi năm 1955, đã len lỏi lên Núi Bà, toan tái diễn cái trò lừa bịp thương thuyết, để bắt sống nhóm anh em Liên Minh gồm có Trương Lương Thiện, Nguyễn Văn Đờn, Nguyễn Văn Phương, bấy giờ đã rút ra khu sau khi Thế mất (xem Chương XIX). Hồi 1955, Nguyễn Ngọc Thơ thường lui tới thăm viếng anh em chúng tôi tại Tổng Hành Dinh ở đường Trương Minh Giảng. Bấy giờ là lúc Thơ đang bị thất sủng, sau khi ở Nhật về. Ông ta ngỏ lời than thở oán trách Thủ Tướng Diệm, và có ý gián tiếp nhờ chúng tôi chuyển lời lên Thủ Tướng. Sau này khi đứng ra phục vụ nhóm Dương Văn Minh, ông ta có mời tôi tới dinh Thủ Tướng ngoài bến Chương Dương để vừa dùng cơm vừa nghe ông khoe khoang các kế hoạch ‘‘vỉ đại’’ nhằm làm ung thối thêm tình hình Miền Nam cho bọn Việt cộng chóng cướp chính quyền.

Dư luận dường như xem thường vai trò của Nguyễn Ngọc Thơ mà ít đề cập tới ông ta. Chứ thực ra, Nguyễn Ngọc Thơ, một trong các hạng người nguy hiểm ‘‘nhất lé, nhì lùn’’ đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự sụp đổ Miền Nam.

Lịch sử Miền Nam luôn luôn có những sự rủi ro đáng tiếc. Nếu Trình Minh Thế không bị ám sát, và nếu Lê Quang Vinh không bị mưu hại, thì biết đâu tình hình Miền Nam ngày nay đã đổi khác. Đâu đến nỗi tan nát ngọn cờ, trăm họ ly tán?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx