sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11 - Toàn Gia Kháng Chiến

Cho tới nay, nếu dư luận biết nhiều về sự nghiệp đấu tranh của Trình Minh Thế, thì ngược lại, dư luận đã quên hẳn một ông già nghĩa khí vô song, một thành phần cột trụ của giồng giống họ Trình thuộc tỉnh Tây Ninh. Đó là Cụ Trình Thành Quới, thân phụ của Tướng Thế

Khi Tướng Thế rút quân ra khu, Cụ Trình Thành Quới hãy còn lo việc cấy cày như thường lệ. Nhưng một thời gian sau, thấy nội bộ Cao Đài lủng củng, thấy Tướng Nguyễn Văn Thành nỡ lòng đem quân đi đánh dẹp con mình, thì Cụ nổi cơn bất bình, tự động võ trang cho một số con em thân thuộc, rồi cũng rút thẳng vào rừng Bù Lu, mở riêng ra một "chiến khu nho nhỏ". Có điều lạ lùng là Cụ không chịu đứng chung với Tướng Thế, cứ nhất mực từ chối mọi sự giúp của Thế. Sự lạ lùng nầy tôi sẽ nói sau. Tướng Thế không biết làm sao hơn, đành ngấm ngầm chỉ định Thiếu Tá Tô Bính Cầm, em rể của ông đem một Tiểu Đoàn về đóng chung quanh "chiến khu độc lập" của Cụ Trình Thành Quới. vì biết ông Cụ tuy cứng cỏi hiên ngang, nhưng với chút lực lượng cỏn con, thì làm sao chống nổi với cộng sản, với Pháp? Cụ Quới - mà chúng tôi quen gọi là Bác Năm - khi thấy bóng Tô Bính Cầm thì mắng chửi ầm ầm, nhưng Cầm vẫn cứ phải giả ngơ giả điếc, chăm chỉ lo phận sự bảo vệ an ninh cho ông già vợ của mình.

Tôi nghĩ dường như ông Cụ sinh ra Tướng Thế đã mang sẵn giòng máu quân sự trong mình, nên mặc dù cả đời chưa bao giờ cầm quân giết giặc, mà Cụ Quới xem chừng cũng khá thông thạo về việc bài binh bố trận như ai vậy. Cụ đóng quân nơi bìa rừng, sai đào hào lũy chung quanh, giao cho người con trai út của Cụ là anh Trình Minh Đức, mới 17 tuổi, phụ trách khẩu súng máy. Mỗi lần tôi tới thăm Cụ, được Cụ dẫn đi quan sát khắp mọi nơi, tỏ sự tin tưởng nơi tài sắp đặt của mình. Tôi khá lo ngại, song chẳng dám đưa ý kiến gì. Để nuôi dưỡng toán quân nho nhỏ, Cụ Quới hy sinh cả cơ nghiệp sẵn có. Ngoài điền sản nơi Bến Cầu, Cụ vốn có một lò gạch và một nhà máy xay gạo thiết lập trên bờ sông Vàm cỏ Đông, ở gần Bến Kéo. Cụ sai quân thủ túc lâu lâu lén về chở gạo vào ăn, và Cụ cũng biết bỏ tiền mua thêm vũ khí để võ trang dần hồi cho các thanh niên có lòng mến Cụ mà theo. Không biết Cụ vận động cách nào mà có cả các thứ địa lôi, súng máy. Tôi đoán chừng con rể cụ là Thiếu Tá Tô Bính Cầm đã khéo léo cung cấp cho Cụ các vật ấy mà Cụ không biết. Lần hồi, Cụ nắm quyền chỉ huy được chừng một Trung đội.

Tướng Thế bị cha ruột chống báng kịch liệt, thì rất lấy làm khổ tâm. Cái nguyên do là Tướng Thế có tính cương cường. Từ thuở xa xưa, khi còn ở trong Quân Đội Cao Đài, Tướng Thế đã không chịu nghe theo một số các lời khuyên nhủ của Cụ, nên sự xích mích mỗi ngày một lớn dần lên, mặc dù Tướng Thế vẫn giữ tròn bổn phận làm con. Hễ bị mắng chửi, dù là mắng chửi không có lý do chính đáng, ông cũng lánh xa ngay, để mặc ông Cụ nổi trận lôi đình. Hơn một lần, có tôi chứng kiến, Cụ Quới nhất mực không cho Tướng Thế vào căn cứ thăm mình. Túng cùng, Tướng Thế đành phải nhờ tôi đứng ra can thiệp. Tôi tìm lời an ủi Cụ Quới, ca tụng tấm lòng hiếu thảo của con Cụ, và cho biết, nếu Cụ cứ nằng nặc hất hủi Tướng Thế, không để ông bảo vệ an ninh cho Cụ, thì e có ngày sẽ nguy mất! Nhưng Cụ Quới vẫn cứng cỏi: - Cái thằng Thế là một thằng vô dụng. Tôi không cần tới nó! Tôi phải chau mày trước câu nói quá nặng nề ấy. Tuy nhiên, ngay sau đó, Cụ tỏ ý đã muốn nghe theo lời khuyên nhủ của tôi. Cụ nguôi giận (chẳng biết giận cái gì!) và im lặng để Tướng Thế bước vào căn cứ thăm Cụ. Rồi Cụ sai bày cơm nước thiết đãi ân cần. Riêng với tôi, Cụ rất có lòng thương mến. Thường nói chuyện với tôi nhiều hơn là với con trai của Cụ. Chẳng những lâu lâu Cụ sai người mang biếu tôi một vò rượu đế hoặc một vài bao thuốc lá, mà Cụ còn biết nghĩ tới tôi cho đến nỗi, một hôm trước Tết, tôi theo Tướng Thế về vấn an, được Cụ kín đáo nhét vào tay tôi 10 tấm giấy bạc một trăm đồng. Tôi xiết bao kinh ngạc trước sự chiếu cố quá tưởng tượng ấy. Nên nhớ là từ bao năm, chúng tôi không hề biết mặt mũi đồng tiền đồng bạc. Dăm thì mười họa, may mắn được ai tưởng tình biếu cho một chai nước tương Tàu Vị Yểu đã coi là chuyện hy hữu. Huống chi phút chốc lại cầm trong tay một ngàn đồng bạc, tôi cứ tưởng mình nằm mơ. Cụ Quới thấy

tôi tần ngần chưa dám nhận món quà to tát, thì nhỏ nhẻ nói: "Qua thương em quá thiếu thốn khổ cực trong rừng bấy lâu nay, nên nhân dịp cuối năm, qua tặng em chút đỉnh để sắm Tết. Em hãy nhận lấy. Qua còn tiền đây, em đừng ngại!" Lời nói của Cụ như rót vào tai tôi. Cụ lại hạ mình kết nghĩa đệ huynh với tôi, càng làm tôi thêm lúng túng. Tôi đành phải nhận.

Số tiền kia tôi không muốn hưởng thụ một mình khi còn bao nhiêu anh em khác đói khổ. Nên khi trở về Núi Bà, tôi tập họp một số anh em trong Ban Văn Nghệ Đài

Phát Thanh, mời ngồi nơi bãi cỏ, rồi tôi phát cho mỗi người một tấm giấy bạc một trăm đồng. Lại đến lượt các anh em đáng yêu kia mở to đôi mắt ra nhìn tôi, sửng sốt không biết tôi có "phép tiên" nào mà chế ra được mấy tấm giấy bạc ấy. Tôi đành phải dấu sự thật, và cũng bắt chước Bác Năm, tôi bảo anh em hãy dùng nó mua sắm chút đỉnh ăn Tết. Năm ấy, chúng tôi ăn một cái Tết "linh đình", có trứng vịt, có nước tương, có bắp su, và khô tra nữa, nhờ một nghĩa cử hiếm có trên đời của Bác Năm.

Sự lo nghĩ của Tướng Thế về tính mệnh của bực thân sinh nào ngờ đã biến thành sự thật. Trước Tết năm Quý Tỵ (1953), ông với tôi cùng về Bù Lu thăm viếng anh em chiến sĩ và vấn an Cụ Trình Thành Quới. Lần này, tôi không biết linh tính gì đã khiến Cụ Quới hết lòng niềm nở đối với Tướng Thế. Phụ tử chẳng những không hục hặc nhau như ngày nào, mà cụ già hiên ngang lại một hai gọi Thế bằng "con" ngọt ngào, như chưa bao giờ có sự giận hờn xích mích vậy. Trước sự thay đổi ấy, Tướng Thế cũng hơi ngạc nhiên, im lặng đưa mắt nháy tôi. Ông bèn đi quan sát chung quanh một vòng, dặn dò người em út Trình Minh Đức về việc canh gác, đồng thời hạ lệnh cho Thiếu Tá Tô Bính Cầm hãy lo thay đổi việc đóng quân, nên ở gần cha vợ nhiều hơn để bảo vệ cho ông. Theo chương trình, chúng tôi dự định ngủ lại căn cứ của Cụ Quới đêm hôm ấy. Nhưng bỗng nhiên, sau bữa cơm chiều, Tướng Thế chợt thay đổi ý kiến, rủ tôi cùng lìa bỏ gấp rút rừng Bù Lu khi trời vừa tối. Chúng tôi kéo quân sang sông, đi thật nhanh về Núi Bà. Tôi khá ngạc nhiên trước thái độ bất thường củaTướng Thế. Nào hay vừa về tới nơi, đã nhận được tin của Thiếu Tá Cầm cho hay một biến cố thảm khốc. Cộng sản đã huy động một toán quân hùng hậu, tấn công căn cứ của Cụ Trình Thành Quới, ngay sau khi chúng tôi vừa rút khỏi nơi ấy. Thì ra, cộng sản dò biết Tướng Thế về Bù Lu, lại dự định ngủ đêm tại một nơi kém phòng thủ, nên chúng bố trí đánh úp, nhầm giết Tướng Thế.

Khi đã đột nhập vào trong, cộng sản mới hay Tướng Thế không còn ở đó nữa. Chúng bèn ra tay bắn giết toán quân nhỏ nhoi của Cụ Trình Thành Quới, hạ sát 9 người. Anh Trình Minh Đức phụ trách khẩu súng máy đã liều mình bắn trả kịch liệt, nhưng rồi anh thất thế, bị địch quân bắt được, đè sấp anh xuống vũng bùn cho tới khi tắt thở. Còn Cụ Trình Thành Quới, một cụ già ốm yếu hom hem, cũng không thoát khỏi tử nạn. Kẻ thù chém nát thây Cụ, rồi lại tàn nhẫn ném cái thây ấy vào giữa đám cháy, khiến thịt nát xương tan, trông thảm thương không biết chừng nào! Tổng cộng là 11 người bị thiệt mạng trong trận ấy. Toàn thể căn cứ đều bị giặc thiêu hủy. Chẳng nói ai cũng biết, Tướng Thế đau lòng biết là bao! Trong giây phút, ông đã mất cả cha già lẫn em ruột về tay cộng sản. Mối thù ngút tận trời xanh.

Chúng tôi nhận được hung tin thì lập tức trở qua Bù Lu. Các tử thi hãy còn đắp chăn chiếu sắp thành một hàng dài trên mảnh đất còn in rõ dấu chân quân thù. Khi lật chăn lên, tôi không nhận được mặt Cụ Trình Thành Quới nữa. Cụ đã trở thành một mớ "thịt quay" vàng hệch, ốc tủy nhày nhụa chung quanh. Còn anh Trình Minh Đức thì mang vết tím nơi cuống họng, chứng tỏ anh đã bị địch quân xiết cổ. Tất cả mọi người bật lên tiếng khóc. Tướng Thế uất hận, quay ra hỏi người em rể Tô Bính Cầm: ‘ ‘‘Tại sao Thiếu Tá không đem quân tiếp cứu?" Cầm run sợ đáp:

"Thưa Ngài, chiều hôm qua, Ngài đi rồi, Cụ cũng ra lệnh bảo em phải về đi. Em không dám trái ý. Vừa về tới nơi, nghe tiếng súng nổ, em vội quay trở lại nhưng không kịp. Bọn giặc tấn công chóp nhoáng rồi rút chạy vào rừng, tiến về mạn biên giới!"

Tướng Thế dẫm chân tức tối, không nỡ trừng trị em rể. Ông ân hận không phải vì mình không biết tiên liệu sự rủi ro, mà chính vì buổi sinh tiền, thân phụ ông đã quá cứng rắn, quá tự tin, không chịu để ông che chở.

Mãi tới chiều hôm ấy, quan tài mới được đưa vào. Chín chiến sĩ tử trận được chôn ngay tại chỗ. Còn linh cữu Cụ Trình Thành Quới và anh Trình Minh Đức thì được đưa về Tòa Thánh Tây Ninh làm lễ tống táng theo nghi thức tôn giáo Cao Đài. Tới đây, Tướng Thế bèn chính thức ngỏ lời yêu cầu tôi thay mặt ông, đứng chủ tang cho Thân phụ ông. Nhờ ở chỗ tôi ít quen mặt nơi Thánh địa, nên chỉ cần cải trang chút đỉnh với bộ quần áo trắng của một đạo hữu, tôi đã thủ vai trò một cách nghiêm cẩn đến nơi đến chốn. Đám táng khá linh đình. Đồng bào đạo hữu dự lễ rất đông, vì lòng xót thương người quá cố, và cũng vì lòng kính phục cá nhân Tướng Thế nưã. Cụ Trình Thành Quới được mai táng tại nghiã trang Thánh tử Đạo.

Kiểm điểm lại, cả một gia đình gồm cha con, vợ chồng, anh em, đều đồng lòng xả thân cho đại nghĩa. Một Trình Thành Quới hiên ngang nhận chịu gió mưa lúc tuổi già, không cần ai biết tới tên tuổi. Một Trình Minh Thế anh hùng, nửa đời bỏ dở sự nghiệp cách mạng. Một Trình Minh Đức vui lòng bán tuổi xanh cho đất nước. Một Nguyễn Thị Kim luôn luôn hy sinh và cô quạnh khi còn chồng cũng như khi đã mất chồng. Và cuối cùng, một Tô Bính Cầm vẹn niềm trung tín với cha, anh, để cuối cuộc đời bước vào quên lãng...

Tôi nghĩ, Cụ Trình Thành Quới đáng được ghi danh vào lịch sử. Sở dĩ tới ngày nay dư luận vẫn chưa biết tới Cụ, lỗi ấy do chúng tôi, những người trong cuộc, đã giữ kín câu chuyện trên 30 năm, tới bây giờ mới đưa ra ánh sáng. Tôi thiết tưởng đồng bào đạo hữu Cao Đài, nếu đã hãnh diện có một "người con trai" xứng đáng trong nền Đạo như Trình Minh Thế, thì cũng phải dành cho Cụ Trình Thành Quới một chỗ ngồi vinh hiển trong tâm hồn họ. Cụ quả là một kiệt nhân, một bực lão thành cách mạng hơn đời ở chỗ không chống giặc bằng miệng lưỡi, mà bằng vũ khí trên tay, bằng cái tinh thần độc lập cứng cỏi không thèm nhờ vả ngay chính con mình.

Cái chết của Cụ Trình Thành Quới tuy đau thương nhưng thật anh dũng. Riêng tôi, tôi đã được cái vinh dự đặc biệt đứng chủ tang cho Cụ, vừa vẹn nghiã đệ huynh với Trình Minh Thế, lại vừa giãi tỏ được tấm lòng biết ơn, kính quý, đối với Cụ buổi sinh tiền.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx