sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 12 - Công Cuộc Vận Động Thêm Bạn Bớt Thù

Sau cái chết của Cụ Trình Thành Quới, TướngThế ngẩn ngơ mất một thời gian. Thể xác ông gầy mòn héo hắt, nhưng tôi biết tâm hồn ông trở nên cứng rắn hơn bao giờ hết. Có thể nói, ông đã trở thành một thỏi sắt nguội. Một hôm, chúng tôi ngồi đàm đạo với nhau về các vấn đề thời sự, bỗng nhiên ông hỏi tôi có nhớ gì về một câu nói của tôi trước đây đối với cộng sản hay không? Tôi thú thật tôi không nhớ đã nói gì. Ông bèn nhắc lại: - Hồi mới gặp nhau, anh có nói, đối với cộng sản ta phải dứt khoát. Chúng súng, ta súng, chúng dao, ta dao, chúng giết một, ta trả hai. Không bao giờ có sự thỏa hiệp với bọn ấy. Hồi bấy giờ, tôi cho rằng anh quá khích với cái chủ trương tuyệt đối của anh. Bây giờ tôi nhìn nhận anh có lý.

Tôi không ngờ Tướng Thế để bụng câu nói ấy. Và việc ông tự ý nhắc lại nó chứng tỏ ông đã có một sự thay đổi lớn trong tâm hồn. Chẳng bao lâu, chúng tôi bắt được hai tên cảm tử cộng sản trá hình làm thường dân, len lỏi vào vùng Núi Bà với mục đích ám sát Tướng Thế cho bằng được. Hai tên ấy liền bị khai thác triệt để, và bị lên án tử hình. Pháp trường được thiết lập cạnh chân núi. Một tên trong bọn, trước khi thọ hình, được phép nói câu cuối cùng. Hắn còn lẻm mép: "Xin cho em được về với vợ em!" Tôi mỉm cười, đáp: '’Tới giờ này, anh còn mong về với vợ anh, sao anh lại chẳng muốn kẻ khác sống sót để về với vợ con họ?" Tiếp đó, cộng sản phá quấy khắp nơi. Tại khu Bời Lời, chúng hoạt động ráo riết, Trung Tá Nguyễn Trung Thừa không chút nao núng, ông bố trí bắt trọn một toán cán bộ cộng sản và trừ khử ngay. Quanh Núi Bà, chúng tôi cũng bắt được một nữ cán bộ thuộc loại tri vận. Tên này là một nữ sinh, có nhan sắc. Hắn định dùng mỹ nhân kế để lung lạc. Nhân dịp Tướng Lê Quang Vinh vào thăm chiến khu, ông có được mời chứng kiến cuộc thẩm vấn nó, và ông đã phá lên cười khi nghe nó mồm năm miệng mười chối phăng hết những điều mà chúng tôi đã biết rõ. Thời gian này, Hội Nghị Genève đang tiếp diễn bên Thụy Sĩ. Chắc cộng sản tin tưởng chúng sắp thắng Pháp tại Điện Biên Phủ đến nơi, nên trong Nam chúng tăng cường hoạt động hơn những năm trước.

Cùng lúc này, nội bộ Cao Đài có sự thay đổi quan trọng. Tướng Nguyễn Văn Thành bị Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cất chức Tổng Tư Lệnh, vì nhiều lỗi lầm, kể cả lỗi lầm đã công khai theo Pháp đàn áp Liên Minh. Chúng tôi lấy làm mừng, vì bớt đi được một đối thủ. Tôi muốn nói thêm là trong thời gian Thành còn tại chức, có một đêm Tướng Thế liều lĩnh về gặp Thành với mục đích thuyết phục Thành tưởng tình anh em mà bớt đi công cuộc khủng bố Liên Minh. Tướng Thế không quên mang theo một toán quân phục kích bên ngoài, phòng bất trắc. Tướng Thành tiếp kiến, cười cười nói nói, luôn mồm gọi Tướng Thế bằng "Chú". Nhưng ngờ đâu Thành đã bí mật hạ lệnh đặt phục quân trên con đường Thế vừa đi tới. Kỳ phùng địch thủ, tương kế tựu kế, Tướng Thế đã đoán biết điều đó, nên khi ra về, ông dùng lối khác, nên mới thoát thân. Thành đã có lúc táng tận lương tâm, dứt tình đoạn nghiã như thế đó. Nghĩ thật đau lòng.

Thành bị cách chức, người được thay thế đáng lẽ là Tướng Nguyễn Thành Phương. Nhưng dường như Đức Hộ Pháp lại không thích Phương, định cử một kẻ thuộc đàn em Phương lên nắm địa vị then chốt của Quân Đội Cao Đài. Nhưng liền ngay sau đó, lại được tin Đức Hộ Pháp thay đổi ý kiến, và muốn tái dụng cựu Tổng Tư Lệnh Trần Quang Vinh, người đã một thời tham gia Chính Phủ Trần Văn Hữu. Tướng Nguyễn Thành Phương hoảng hốt, vội bắt liên lạc với Tướng Thế, nhờ Thế tìm biện pháp phá hỏng ý định kia của Đức Hộ Pháp. Giữa Phương với Thế vốn có tình anh em mật thiết lâu đời, Phương hoàn toàn không dính líu gì tới kế hoạch đàn áp Liên Minh của Nguyễn Văn Thành, nên được Thế kính nể và coi như một đồng minh hữu ích sau này, vì vậy, Tướng Thế không ngần ngại giúp đỡ Phương ngay. Tuy giúp đỡ Phương, nhưng cũng là tự giúp đỡ mình. Vì nếu không có Phương mà lại gặp phải một nhân vật khác lên cầm đầu Quân Đội Cao Đài với lập trường bất thân thiện, thì càng nguy cho Liên Minh hơn.

Tướng Thế bèn quyết định ra tay thực hiện một kế hoạch táo bạo. Nửa đêm, ông dẫn người về Tòa Thánh, bao vây tư gia của ông Trần Quang Vinh, bắt cóc ông này đưa ngay vào núi. Ông nhờ tôi đặc trách cuộc điều tra, rồi quyết định mở Tòa án Quân Sự đặc biệt xử tội Tướng Vinh về những lỗi lầm trong quá khứ. Khổ cho tôi, Tướng Trần Quang Vinh hoàn toàn xa lạ đối với tôi, nên cuộc sưu tầm tài liệu để lên án thật hết sức nặng nề khó khăn. Tướng Vinh được đưa lên giam giữ trên đỉnh Núi Heo. Tôi phải thân hành lên đó làm cho xong công việc cũng phải mất tới mấy tháng.

Tướng Thế ký Nghị Định thiết lập Tòa án Quân Sự Đặc Biệt. Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiện được cử làm Chánh án. Tôi giữ ghế Công Tố Viên. Còn Luật sư

Thái Vĩnh Thịnh và Nguyễn Văn Phương (một cựu sinh viên Luật) thì được chỉ định đóng vai biện hộ cho bị cáo.

Tôi muốn dừng lại đây để viết vài giòng về Luật sư Thái Vĩnh Thịnh, ông quê quán đất Bắc, vào Nam sống tại vùng Tòa Thánh Cao Đài. Ông tình nguyện gia nhập Liên Minh khoảng năm 1953, khi chúng tôi đã về Núi Bà. Hàng ngày, ông tiếp tay với Đài Phát Thanh, viết bài bình luận. Một bữa nọ, Trung Tá Trạng đóng gần bên Núi Heo, có mở một bữa tiệc "gà sống tây", gọi điện thoại mời chúng tôi tới dự. Luật sư Thịnh cũng có mặt. Tiệc xong, chúng tôi ra về, riêng ông Luật sư nhà ta thì còn nấn ná ở lại chơi, mãi sáng hôm sau mới lò dò về chỗ ở trên tận Chùa Hang. Bất đồ giọc đường, ông bắt gặp một con nai, thấy ông nó hoảng sợ chạy băng vào rừng, đụng phải mìn nổ tung. Nai chết, mà Luật sư Thịnh cũng giữa đường mang họa, bị một mảnh mìn đâm thủng một lỗ tròn bằng đầu ngón tay ngay trên trán. Thương tích thập tử nhất sinh. Anh em hoảng sợ, vội đưa ông về chữa trị. May sao vết thương lại lành, da trán kéo liền lại như cũ, ông được sống sót. Sau này, ông trở lại hành nghề Luật sư tại Tòa án Nha Trang, không biết ngày nay sống thác lẽ nào. Anh em vẫn thường đùa ông về cái tội "ăn thịt gà tây". Mỗi lần nhìn tới cái khoanh tròn màu thịt non trên trán ông, thì ai nấy lại cuời ngặt nghẽo. Từ đó, ai mời đi dự tiệc, ông cứ hỏi "có gà sống tây không?" Và nhất định không đi một mình nữa. Tính ông thật dễ mến bao giờ cũng tươi cười niềm nở với anh em. Hồi mới vào khu, mỗi lần leo giốc, ông bò cả bốn chân tay trông rất tội nghiệp. Chỉ mới một tháng trời nếm thử "mùi chiến khu" mà cái thắt lưng của ông đã tụt xuống tới...3 lỗ.

Luật sư Thịnh được chỉ định biện hộ cho bị cáo, thì quả thật là xứng người xứng của. Phiên Tòa xử tội Tướng Trần Quang Vinh được mở ra một cách long trọng dưới chân núi, cạnh căn cứ của Trung Tá Trạng. Đồng bào ngoài thành nghe tin, xin phép vào tham dự khá đông, chiếm cả một khu đất rộng. Có cả một người con gái của Tướng Vinh nữa. Người này, sau xin tình nguyện ở lại luôn trong núi, được sung vào ban Quân Y.

Giữ ghế Công Tố Viên, tôi đã phải tra cứu thật tường tận bộ Pháp Chánh Truyền của tôn giáo Cao Đài, một tài liệu quan trọng được coi như bộ Hình Luật của riêng Tòa Thánh. Căn cứ vào bộ luật đó, rồi lại đối chiếu với những tội trạng của Tướng Trần Quang Vinh, tôi không thể không nhìn nhận rằng ông phạm trọng tội. Sự trình bày khúc chiết của tôi trước Tòa được đồng bào hoan nghênh nhiệt liệt, ngay cả người ái nữ của bị can cũng nồng nàn tán thưởng, ấy mới lạ! Thú thật, lòng tôi cũng chả vui gì khi buộc tội một người không quen biết, một người mà thâm tâm tôi vẫn kính nể do cái địa vị của ông trong Tòa Thánh. Nhưng vì quyền lợi sống còn của đoàn thể, tôi phải làm cho tròn sứ mạng.

Luật sư Thái Vĩnh Thịnh và Nguyễn Văn Phương cũng hùng hồn không kém. Rất chân thành và vô tư, Luật sư Thịnh đã đem tất cả tài nghệ sở trường, tìm tòi mọi lý do, mọi kẽ hở, để bào chữa cho bị cáo. Nguyễn Văn Phương cũng lại phải căn cứ vào bộ Pháp Chánh Truyền để buộc tội bị cáo. Phiên Tòa hết sức sôi nổi, đồng bào chăm chú theo dõi từng chi tiết một, vì Tướng Trần Quang Vinh là người rất có tên tuổi Tướng Trần Quang Vinh tỏ ra ăn năn trước những tội trạng mà ông không chối cãi. Cuối cùng, Tòa tuyên án tử hình, nhưng cho tội nhân được hưởng án treo 10 năm.

Cần nói ngay là chính bản thân Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cũng lấy làm hoảng sợ khi nghe tin Tướng Trần Quang Vinh bị bắt và xử tội. Ngài dùng uy tín của vị lãnh đạo tinh thần tối cao, yêu cầu Tướng Thế nới tay, kẻo nội bộ Cao Đài hết sức rúng động. Vì thế mới có cái án "tử hình treo", một hình thức xử phạt chưa từng thấy trong lịch sử Tòa án. Nó biểu lộ một sự dung hòa nhượng bộ về phần Tướng Thế, vừa đủ để làm mất đi uy thế của Tướng Trần Quang Vinh, và làm Đức Hộ Pháp phải bỏ đi ý định đưa Tướng Vinh trở lại ghế Tổng Tư Lệnh. Điều an ủi tôi hơn hết là gia đình Tướng Vinh không hề oán trách tôi khi tôi buộc tội thân nhân họ, mà trái lại, họ tỏ vẻ hài lòng khi bản án được công bố. Bởi thế, cô ái nữ kia của Tướng Vinh đã vui vẻ xin ở lại Núi Bà để làm một nữ cứu thương.

Chẳng nói ai cũng biết, người thỏa dạ hơn hết trong vụ này là Tướng Nguyễn Thành Phương. Nhờ mưu kế thần diệu của Tướng Thế, Tướng Phương nắm chắc sự thành công trong tay. Thực vậy, Đức Hộ Pháp thấy lá bài Trần Quang Vinh bị xé nát ngay trong trứng nước, thì cũng sinh ra dè dặt, không thể không chú trọng tới ảnh hưởng ngấm ngầm của Tướng Thế. Ngài bèn quyết định thăng Nguyễn Thành Phương lên cấp Trung Tướng và tấn phong cho Phương giữ ngôi Tổng Tư Lệnh Quân Đội Cao Đài.

Tướng Phương như rồng gặp mây, con đường công danh lên vùn vụt. Ông nhậm chức xong ít lâu, thì xảy ra việc chia đôi đất nước, nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm từ ngoại quốc về lập Chính phủ. Ông được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm mời vào Nội Các đầu tiên, giữ chức Quốc Vụ Khanh - ngang hàng với Tướng Trần Văn Soái của Quân Đội Hòa Hảo - và là một thành viên trong Hội đồng Quốc phòng - của Thủ Tướng Diệm. (Hội đồng này chỉ gồm có 3 nhân vật: Ngô Đình Diệm, Nguyễn Thành Phương, Trần Văn Soái). Để đền ơn Tướng Thế, Nguyễn Thành Phương tuy ngoài mặt vẫn phải tuân theo đường lối dè dặt của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đối với Liên Minh, nhưng bên trong, ông ngấm ngầm giúp đở Liên Minh cách này hay cách khác. Việc trước tiên là ông dẹp bỏ ngay các biện pháp khủng bố Liên Minh, mở đường cho Liên Minh được tự do ra vào nơi Thánh địa, được mua sắm thực phẩm tiếp tế đều đặn. Đời sống trong rừng trở nên dể thở hơn. Ông lại còn chia sớt cho Liên Minh một số vũ khí, nhầm giúp Liên Minh tăng cường hòa lực để đối phó với cộng sản khi chúng rảnh tay với Pháp sau Hiệp Định Genève.

Tái lập được tình huynh đệ bình thường với lực lượng Cao Đài, Tướng Thế rảnh rang mở rộng bang giao với các đoàn thể bạn tại Miền Nam. Do đó mà cuộc liên minh giữa ông với Tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt, ở Miền Tây càng ngày càng tốt đẹp. Đôi bên liên lạc rất chặt chẽ, trao đổi với nhau các tin tức hữu ích về mặt quân sự.

Nhưng dù sao, Tướng Thế vẫn còn thấy một trở ngại lớn trên con đường ông đi. Trở ngại này liên quan tới sự sống còn thiết thực của kẻ ở rừng. Đó là thái độ không mấy rõ rệt của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Ngay sau khi Tướng Thế rút vào rừng, nghe nói Đức Thầy đã nhiều lần công khai tuyên bố trước mặt các vị Chức sắc cao cấp, rằng Ngài rất hãnh diện có được "một đứa con nghĩa khí của nền Đạo" như Trình Minh Thế. Nhưng trước sau, lời tuyên bố ấy vẫn chỉ tới đó mà thôi, ngoài ra không có gì khác nữa. Trên thực tế, dường như Ngài không tán thành việc Thế chống Pháp và chống chính quyền Bảo Đại. Việc này rất dễ hiểu, vì Đức Thầy cũng như Tòa Thánh vốn có chủ trương bảo hoàng xưa nay. Tòa Thánh Tây Ninh nhiệt liệt ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, nên đã có xu huớng thân Nhật khi Nhật chiếm đóng Đông Dương hồi 1940.

Nay lá bài Kỳ Ngoại Hầu không còn hy vọng gì nữa, lẽ đương nhiên Tòa Thánh có cảm tình với Cựu Hoàng Bảo Đại và cả với chính phủ của ông này. Vậy Tướng Thế chống bù nhìn, tức là đã đi ngược lại con đường hiện hữu của Tòa Thánh. Chắc hẳn vì vậy mà Đức Hộ Pháp không minh bạch thái độ. Khen Thế thì kẹt cho Ngài, mà chê Thế thì không tiện nói ra được, vì Thế đã được dư luận toàn dân ủng hộ.

Ai cũng biết Liên Minh sở dĩ sống được là nhờ sự giúp đỡ của đồng bào đạo hữu. Họ vừa đầy lòng từ tâm lại vừa là chiến sĩ chống cộng ngay trong huyết quản. Nhưng họ vẫn không dám tự tiện ủng hộ Liên Minh, mà phải tùy theo lệnh trên từ Tòa Thánh ban xuống qua các vị Lễ Sanh, Đầu Tộc Đạo. Bao nhiêu lần gặp khó khăn một cách khó hiểu trong vấn đề vận động quân lương, Tướng Thế đâm suy nghĩ. Chả nhẽ Đức Thầy lại ban lệnh cấm đoán chăng? Hay là các vị Chức sắc địa phương tự động làm khó dễ? Phải tìm cho ra sự thật bên trong cái tình trạng mập mờ này. Cho nên, hơn một lần, Tướng Thế hướng dẫn một số anh em thuần thành tín hữu Cao Đài, liều mình về Tòa Thánh giữa ban đêm, xin ra mắt Đức Hộ Pháp tại Trí Huệ Cung. Đức Thầy niềm nở đón tiếp. Trước mặt Đức Thầy, Tướng Thế quỳ lạy, bẩm thưa những lời hết sức cung kính chân thành của một đệ tử, và van cầu Ngài hay đoái thương anh em Liên Minh, hãy ban lệnh cho khắp nơi triệt để giúp đỡ anh em sống sót mà thi hành bổn phận cứu dân cứu nước. Đức Thầy ứa nước mắt, đích thân đỡ Tướng Thế dậy, rồi nói: - Thầy vẫn hết lòng thương yêu các con, dù ở ngoài hay ở trong rừng. Riêng với Thế đây, Thầy coi con là đứa con nghĩa khí anh hùng, là "hột gạo cội" của nền Đạo. Thầy cũng đã dặn dò các nơi, nếu thấy có thể giúp đỡ gì được cho các con, thì cứ tùy tiện mà làm, chớ tuyệt nhiên Thầy không hề cấm đoán. Nếu có ai tự ý làm khó dễ các con, để rồi Thầy sẽ bảo."

Tất cả mọi người đi theo Tướng Thế đều nghe rõ lời phán bảo đó. Tướng Thế mừng rỡ lạy tạ ra về, tưởng rằng tình hình rồi sẽ sáng sủa hơn. Nhưng lạ thay, những ngày tiếp theo đó, sự khó khăn trong việc vận động quân lương chẳng những không giảm bớt mà còn tăng lên. Ban quân lương chạy về Bộ Tư Lệnh báo cáo tự sự, thuật lại nhiều trường họp khó tin. TướngThế bèn rủ tôi và một vài anh em bí mật về nhà riêng của Trung Tá Trạng, cũng ở gần Tòa Thánh Tây Ninh. Rồi nhờ thân nhân Trung Tá Trạng đón mời một số các vị Chức sắc tới gặp nhau để bàn chuyện. Ai nấy tỏ vẻ lễ độ cung kính. Nhưng khi hỏi tới vấn đề quân lương, thì người nào cũng trả lời là không hề nhận đuợc lệnh mới nào của Đức Hộ Pháp cả.

Chúng tôi bật ngửa. Thế này nghĩa là sao? Từ dạo ấy, Liên Minh đành phải tìm phương tự túc, và bà Nguyễn Thị Kim lại phải bán thêm một mớ tư trang để mua gạo

tiếp tế anh em. Cái điều bí mật kể trên, Tướng Thế vẫn cố giữ mãi trong lòng, không thể nào tiết lộ ra được, vì nếu tiết lộ, thì chắc chắn chỉ một mình Liên Minh bị thiệt hại đủ mọi mặt. Hỏi còn ai dám nói ra những chuyện "thâm cung bí sử" vốn là cái đầu mối của những đổi thay ghê gớm trong một quốc gia hay đoàn thể, mà các sử gia bên ngoài không bao giờ biết được. Phần tôi, tôi cũng chỉ trình bày tới đây, và coi như đủ rồi.

Tướng Nguyễn Thành Phương biết chuyện, cũng đành câm như hến. Dường như ông có vay hộ cho bà Nguyễn Thị Kim một số tiền để bà lo liệu việc vận chuyển quân lương. Dù sao chúng tôi vẫn đặt niềm tin nơi các thửa vườn sắn chung quanh Núi Bà. Lần này, chúng tôi không dám hưởng của bố thí như trước, mà đồng bào cũng vui lòng bán lại lợi tức cho Liên Minh với một giá anh em.

Tình hình Đông Dương biến chuyển mạnh ở bên ngoài. Điện Biên Phủ đang là bãi chiến trường đẫm máu. Hội nghị Genève sắp kết thúc. Một khi cộng sản với Pháp đã thỏa hiệp với nhau, thì cả bên này lẫn bên kia đều rảnh tay, chúng tôi trở thành mục tiêu chính yếu của họ. Chúng tôi lo ngại vô cùng. Tướng Nguyễn Thành Phương thấy cái thế cá nhân đã vững, bèn chính thức mời Tướng Thế và tôi ra thăm ông tại tư thất ở trong chu vi Tòa Thánh. Dịp này, ông cống hiến cho chúng tôi nhiều dử kiện khá quan trọng về những biến chuyển quốc gia sắp tới. Và cũng nhân dịp này, ông bắt buộc một "tội nhân" phải ra trình diện Tướng Thế. Nguời ấy là Trung Tá Nguyễn Văn Cát, nguyên là Trưởng Phòng Nhì của Quân Đội Cao Đài, dưới thời Nguyễn Văn Thành. Trung Tá Cát hoạt động quá đắc lực đối với Thành, nên đã mắc phải không biết bao nhiêu tội lỗi với anh em Liên Minh trong mấy năm trời đằng đẵng. Nay Thành đã mất chức, Cát còn ở lại trong Quân đội để theo Phương.

Tướng Nguyễn Thành Phương nói đôi lời an ủi chúng tôi, rồi bảo Trung Tá Cát quỳ xuống trước mặt Tướng Thế mà tạ tội. Tôi tưởng ông nói xã giao cho đẹp lòng Tướng Thế, nào ngờ Trung Tá Cát quỳ thật, quỳ ngay dưới chân Tướng Thế mà chẳng dám ngửng mặt lên. Ông nói câu gì rất nhỏ tôi không nghe kịp, nhưng chắc là không ngoài sự ăn năn hối lỗi về những hành động quá khứ táng tận lương tâm đối với anh em Liên Minh cùng xuất thân trong hàng ngũ Cao Đài mà ra.

Tướng Thế nghiêm nét mặt, trừng trừng nhìn Cát như muốn bắn chết ngay tức khắc, nếu ông không gặp Cát trong trường hợp này. Cát vẫn không dám đứng dậy, mãi cho tới khi Tướng Thế lạnh lùng bảo ông: "Thôi, mời Trung Tá!", ông mới đứng thẳng lên, chào theo lối quân sự, rồi lẩn ngay vào trong. Cái quang cảnh ấy, tôi cho là hy hữu. Một người đáng tội tử hình, đáng nhận một cái chết đặc biệt, thì lại đưa ngay ra trước mặt ông "Chánh án" để xin trắng án! Tôi thấy tình nghĩa giữa người Cao Đài thật lạ lùng và đáng quý. Phương vẫn coi Thế là em. Thế vẫn coi Cát là em, là đứa em dại, nên nể người anh đang ngồi trước mặt, Thế chẳng nỡ thẳng tay với đứa em dại đó. Nhờ vậy mà Cát thoát chết. Tướng Phương thật khôn khéo, biết lợi dụng một trường hợp bất thường để chạy tội cho đàn em. Tướng Thế không thể đối xử cách nào khác hơn được.

Khi Cao Đài tham gia Chính phủ Ngô Đình Diệm, với Tướng Nguyễn Thành Phương ở ngôi Quốc Vụ Khanh, thì Phương cũng lại đem Nguyễn Văn Cát vào chức vụ Thứ trưởng Nội Vụ, và Phạm Xuân Thái làm Tổng Trưởng Thông Tin. Về sau, Cát về ở tại hẻm đường Phát Diệm Saigon rồi chết bất thình lình vào năm 1964. Tôi có đi đưa đám Cát. Tôi hơi lấy làm lạ, Cát vẻ người hiền lành, khiêm tốn, mà sao lại có lúc dữ hơn cọp rừng sâu, hành hạ anh em Liên Minh quá sức tưởng tượng. Chính tôi cũng đã là nạn nhân của Cát, xuyên qua "bát cơm Phiếu Mẫu" nồng nực mùi phân trâu.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx