sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13 - Con Đường Hợp Tác Với Chính Phủ Ngô Đình Diệm

Từ ngày có Tướng Nguyễn Thành Phuơng đứng làm "bình phong" nơi Thánh Địa, chúng tôi mạnh bạo ra vào nơi ấy mà không sợ bắt bớ. Đồng bào nhận ra bóng dáng chúng tôi thì rỉ tai nhau là "Các ông trong rừng", và tỏ rõ cử chỉ thân thiện, yêu mến. Thỉnh thoảng chúng tôi có ghé chợ Long Hoa mua vật dụng cần dùng, bao giờ cũng được dành cho giá bán "ủng hộ" đặc biệt hơn ai cả.

Tướng Thế là người mưu trí, luôn luôn dè dặt phòng vệ bản thân. Tuy nhiên, ông thấy Nguyễn Thành Phương có lòng thành thật với mình, thì cũng dẹp bỏ hết mọi điều nghi kỵ, bèn tạm xa lánh Núi Heo, ra thiết lập một căn cứ mới, mà tôi có thể gọi là "Bộ Tư Lệnh tiền phương của ‘‘Liên Minh" tại một khu vườn chuối ở giữa khu vực Cầu Kỹ Nghệ, và con đường Bình Dương Đạo nối dài. Chỗ này, tuy không hẳn là chiến khu, nhưng cũng là một vị trí chiến lược. Chung quanh có một con suối chia làm nhiều nhánh, chảy quanh co vào giữa khu vườn. Chỗ ở riêng của Tướng Thế nấp trong một bụi rậm, không hơn một túp lều tranh của kẻ ăn mày, hai mặt đều có suối, và phía sau là một khoảng rừng nho nhỏ che lấp chiếc lều kia. Khách lạ đi qua, vô tình không biết đó là nơi trú ngụ của nhà Tướng lãnh du kích họ Trình. Thoạt đầu, thỉnh thoảng Tướng Thế mới ra nơi ấy ở tạm đôi ngày, rồi lại trở về Núi Heo. Nhưng càng ngày những cuộc tiếp xúc càng tăng gia, khách phương xa tấp nập tìm tới, khiến Tướng Thế phải dứt khoát ra ở hẳn Vườn Chuối, tránh cho khách khỏi mất một ngày đường leo lên tận đỉnh núi.

Lúc này, Chính phủ Ngô Đinh Diệm đã ra đời tại Saigon. Cao Đài và Hòa Hảo đã tham chính. Mặc dù có sự hỗ trộ của hai đoàn thể này, Nội Các Ngô Đình Diệm vẫn bấp bênh. Bình Xuyên ra mặt chống đối. Khi Thủ Tướng "chỉ định" Ngô Đình Diệm về tới Saigon, sân bay Tân Sơn Nhất buồn tênh, sự tiếp đón của chính quyền xử lý Bửu Lộc vô cùng lạnh nhạt, nếu không nói là đầy thù hận. Trong một tháng trời ngồi lại ghế Thủ Tướng để "xử lý thường vụ" Bửu Lộc đã thật sự gian manh "xử" hết mọi khoản tiền còn lại trong ngân khố, một là để thỏa mãn cái lòng tham vơ vét, hai là để trói tay người kế vị mà Bảo Đại bất đắc dĩ phải chọn để cầm đầu tân Chính phủ. Trong

một tình thế cô đơn, dĩ nhiên là nhà chí sĩ họ Ngô phải gấp rút đi tìm đồng minh, dù là đồng minh giai đoạn. Việc mời Cao Đài, Hòa Hảo tham gia nội các đầu tiên hồi tháng 7 năm 1954 là bước đầu của kế hoạch ấy. Riêng với Trình Minh Thế, theo chỗ tôi biết, Thủ Tướng Diệm chẳng những không dám có bụng khinh nhờn cá nhân ông và lực lưỡng võ trang của ông, mà còn nuôi sẵn một tấm lòng kính yêu trọng vọng ngoài sức tuởng tượng. Dường như trước khi về nước, Thủ Tướng Diệm đã nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình Miền Nam, hiểu rõ về Trình Minh Thế, và đã có chủ trương riêng đối với Thế. Cho nên, chỉ đầu hôm sớm mai, người ta đã thấy có một cuộc vận động hợp tác ngấm ngầm về phía chính phủ, đôi mắt của Thủ Tướng Diệm hướng mạnh về phía Núi Bà.

Quả nhiên, danh tiếng của Tướng Thế đã đến tai người ngoại quốc. Người ta đang cần tới ông. Người ta không dám chủ trương tiêu diệt ông như một phần tử ly khai, phiến loạn, mà nguời ta mong nắm tay ông để củng cố tình hình. Núi Bà bắt đầu trông thấy bóng dáng người Mỹ. Được Tướng Thế cho phép, thoạt tiên có một phái đoàn dân sự Mỹ, có lẽ thuộc cơ quan USOM (bấy giờ chưa lấy tên USAID), kéo vào thăm Núi Bà Đen. Cuộc viếng thăm cố làm ra vẻ "du lịch" nhiều hơn, vì không có cuộc tiếp đón chính thức, và cũng không có tiếp xúc bàn bạc gì giữa đôi bên. Tiếp đó lại thêm một phái đoàn báo chí Tây phương kéo vào Vườn Chuối, được cá nhân tôi hướng dẫn lên thăm Núi Bà, thăm Đài Phát Thanh, thăm cơ xưởng đúc vũ khí, ngoại trừ Hành Dinh trên Núi Heo là họ không được bước tới. Phái đoàn này không chậm trễ viết ngay ra nhũng bản tin về Trình Minh Thế, về lực lượng kháng chiến Liên Minh, với luận điệu đầy thiện cảm, với cái chiều hướng muốn giới thiệu với dư luận quốc tế một thực lực du kích đấu tranh chống cộng, chống Pháp tại Miền Nam. Tôi mệnh danh giai đoạn này là giai đoạn '‘ve vãn", "lòng trong như đã, mặt ngoài còn e" là thế đó. Thói thường, các nhà báo Tây phương chỉ thích loan tin giật gân để câu độc giả. Tại bất cứ quốc gia nào, họ cũng tìm cách tiếp xúc với các tổ chức chống chính quyền, nếu có, vậy mà qua bao nhiêu năm trời hành nghề tại Việt Nam, họ vẫn chưa viết được giòng nào chính thức về phong trào kháng chiến Trình Minh Thế, chẳng qua vì Pháp triệt để cấm đoán… thẳng tay kiểm duyệt từng giòng, từng chữ trong các bản tin. Tối nay, họ được vào thăm Núi Bà, được viết lách tự do về con người đang tung hoành ngang dọc trên một phần đất của Miền Nam, chứng tỏ thế lực Pháp đã hoàn toàn sụp đổ, và một thế lực mới đang bắt đầu được xây dựng trên đất nước Việt.

Việc gì phải đến, đã đến. Đại Tá Mỹ Edward Lansdale bất thình lình xuất hiện. Tôi nói "bất thình lình", vì Liên Minh chưa hề quen biết ông, chưa hề chờ đợi được gặp ông. Khác với năm xưa, đêm đêm người lính Liên Minh ngửng mặt nhìn trời, mong đợi những bao gạo cứu tử không bao giờ trông thấy.

Đại Tá Lansdale nguyên là một sĩ quan danh tiếng trong ngành tình báo Mỹ tại vùng Thái Bình Dương. Trước khi lĩnh trách nhiệm sang Việt Nam, ông đã hoàn tất một sứ mạng phi thường tại Phi Luật Tân. Chính tay ông đã đào tạo ra con người hùng Macsaysay. Từ địa vị một nông dân không tên tuổi, Macsaysay đã được Lansdaie nâng đỡ, đưa lên chức Tổng Trưởng Quốc Phòng chính phủ Phi, rồi lại leo lên ngôi Tổng Thống của quốc gia hải đảo. Sau này quen biết nhau, Lansdale đã hãnh diện khoe với anh em chúng tôi về cái lịch trình nâng giắt Macsaysay như thế nào, để rồi kết luận: '‘Tôi là người đào tạo Tổng Thống" (I am a President maker). Ông lại còn nói thêm rằng sở dĩ ông còn mang lon Đại Tá là vì theo qui chế bắt buộc, chỉ với cấp bực ấy ông mới còn được phái sang Việt Nam để thi hành một sứ mạng mới. Chứ lẽ ra, ông đáng được phong cấp Tướng, mà rồi phải về nước. Trước khi Đệ Nhất Cộng Hòa chấm dứt, ông lên chức Tướng, về phục vụ tại Ngũ Giác Đài. Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ông lại trở sang Việt Nam một lần nữa. Lần này, ngoài các nhiệm vụ chính thức của riêng ông, ông bỏ thì giờ thăm viếng tiếp xúc với bạn cũ Việt Nam, và làm một việc riêng tây rất đáng ghi nhớ. Ông đứng ra làm chủ hôn, lo hẳn việc cưới vợ cho anh Trình Minh Nhựt, trưởng nam cuả Cố Trung Tướng Trình Minh Thế. Ông tổ chức một buổi tiếp tân thật trọng thể tại đường Công Lý, mời cả các nhân vật cao cấp chính quyền Việt Nam tham dự. Tôi coi đó là một hình thức biểu lộ lòng tiếc thương cuối cùng của ông đối với Tướng Thế. Được ít lâu, ông lại trở về nước, lên tới cấp Trung Tướng rồi về hưu, sống tại Tiểu bang Virginia. Tôi gặp lại ông mùa đông năm 1982 tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, tính ra vừa đúng 29 năm kể từ ngày quen biết nhau. Lúc bấy giờ, ông đã 75 tuổi, nhưng hãy còn tráng kiện.

Đại Tá Edward Lansdale chính thức vào thăm chiến khu Núi Bà Đen khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1954, do Lê Văn Đồng hướng dẫn. Tướng Thế tổ chức đón tiếp thật trọng thể trên đỉnh Núi Heo. Phái đoàn của ông Lansdale ở lại một đêm, dự một "dạ tiệc" độc đáo của Liên Minh, mà người "đầu bếp" chính lại là ông Y sỹ vui tính Nguyễn Văn Sỹ nhà ta! Tiếp theo là một màn "dạ vũ" có một không hai trong lịch sử kẻ ở rừng. Đây là lần đầu tiên, vấn đề hợp tác chính thức được đặt ra. ông Lansdale nhân danh chính quyền Mỹ, đóng vai trung gian, mở đường cho chính phủ Diệm đặt mối giây liên lạc với Trình Minh Thế. Tôi xét thấy trong công cuộc vận động này, về phía Mỹ quả thực đã có một đường lối khiêm cung, một thái độ kính cẩn, khi bước lại gần Tướng Thế. Họ cố giữ cho mọi việc được tiến hành có thứ lóp, có trật tự, để khỏi chạm lòng tự ái của người chiến sĩ họ Trình.

Vì vậy, sau Edward Lansdale, rồi mới đến lượt ông Ngô Đình Nhu được phép vào khu mở cuộc hội đàm trực tiếp với Tướng Thế. Cùng đi theo ông Nhu, có Lê Văn Đồng, và Huỳnh Hữu Nghĩa. Cả Lê Văn Đồng và Huỳnh Hữu Nghĩa lúc ấy đều chưa có chức vụ gì trong chính phủ. Đồng vốn xa lạ, chỉ có Nghĩa là người may mắn quen biết Tướng Thế từ những ngày Nhật chiếm đóng Đông Dương. Nhờ vậy, Nghĩa đã đóng vai trung gian đắc lực, và mới được Nhu kén chọn mang theo ngay buổi đầu.

Khác với Lansdale, Cố Vấn Ngô Đinh Nhu được tiếp đón tại Vườn Chuối, chứ không ở trên đỉnh Núi Heo. Đêm hôm ấy, dưới một túp lều tranh, và bên một ngọn đèn dầu leo lét, đôi bên mở cuộc đàm đạo trong cái không khí dè dặt, thăm dò lẫn nhau. Nhu nhìn thẳng vào mặt Tướng Thế, rồi nói bằng một giọng nhỏ nhẻ, khiêm tốn: - Anh Diệm tôi vốn có lòng mến mộ anh, hết sức ca tụng sự nghiệp đấu tranh cách mạng của anh ngay từ khi ông còn ở nước ngoài. Ngày nay ông về nước cầm quyền, dĩ nhiên là ông không thể không nhờ cậy tới bàn tay của một nguời hiếm có như anh. Vì vậy, anh Diệm tôi sai tôi lên đây, thành thật mời anh vui lòng rời bỏ cuộc đời sương gió hiện nay, về tiếp tay với anh tôi trong một công cuộc hết sức khó khăn, giữa cái tình thế đặc biệt của đất nước ngày nay.

Tôi nghe thấy giọng nói ông Nhu đầy xúc động. Tôi lại đặc biệt lưu tâm tới câu nói: "Thành thật mời anh về tiếp tay với anh tôi ", chứ không phải với "tôi" hoặc "chúng tôi". Tôi thầm khen ông Nhu khôn khéo biết lựa lời, và cũng thầm phục cái nền nếp gia phong của gia đình họ Ngô được tiếng xưa nay là đầy lễ giáo, anh em trên dưới đâu vào đó. Thấy Tướng Thế im lặng, ông Nhu bèn hắng dặng rồi hỏi: - Anh nghĩ thế nào về điều đó? Lần này bị chất vấn trực tiếp, Tướng Thế cũng hắng dặng, định lên tiếng trả lời. Thì dưới bóng tối của mặt bàn xa lông, tôi khẽ đưa mũi giày hất nhẹ vào chân Tướng Thế, nhằm gián tiếp khuyên ông hãy nên dè dặt thận trọng, chớ vội trả lời câu hỏi kia. Nhờ tôi ngồi phía tay phải của Tướng Thế, còn ông Nhu thì ngồi bên trái, nên ông Nhu không nhận thấy cử chỉ đó. Tướng Thế nhanh trí hiểu ngay ý tôi, nên ông ngập ngừng đáp hàng hai: - Thưa Cụ Cố vấn (Tướng Thế trước sau vẫn gọi Nhu bằng Cụ), việc này hết sức trọng hệ. Tôi xin thay mặt anh em thành thật cám ơn Cụ Thủ Tướng đã có lòng chiếu cố đến chúng tôi, mà sai phái Cụ Cố Vấn lên đây gặp gỡ. Nhưng tôi xin phép được suy nghĩ một thời gian, rồi sẽ xin phúc đáp. Mong Cụ Cố Vấn hiểu cho như vậy.

Tôi liếc thấy ông Nhu hơi bối rối. Ông đốt một điếu thuốc lá Mélia vàng, rồi cùng chúng tôi nhấm nháp cà phê. Tôi cần nói rõ, sở dĩ tôi kín đáo khuyên lơn Tướng Thế như trên, không phải vì tôi không có lòng tin tưởng nơi lời nói của ông Nhu, cũng không phải tôi không muốn cho Tướng Thế nhận lời mời hợp tác với chính quyền. Mà chính là vì tôi khá lo sợ khi nghĩ riêng tới vấn đề nội bộ đoàn thể. Đây mới là then chốt. Đã đành là Tướng Thế, với địa vị lãnh đạo tối cao của đoàn thể, có toàn quyền định đoạt hợp tác hay không hợp tác, có toàn quyền trả lời ông Nhu dứt khoát ngay trong đêm đó. Nhưng tôi e, khi ông đã trót nhận lời rồi, mà nhỡ anh em chiến sĩ Liên Minh lại không khứng chịu con đường hợp tác ấy, thì còn biết ăn nói làm sao đây? Việc này có thể xảy ra lắm, mà nếu đã xảy ra rồi, thì Tướng Thế sẽ không làm gì được. Ông không thể cưỡng bách tất cả mọi người, cũng không thể giết bỏ cả một lượt để chỉ còn lại một mình ông. Rút cục là tan rã. Tôi lo sợ không phải không có lý. Vì ngày xưa kéo nhau ra bưng biền, Tướng Thế có hẹn là chỉ trở về khi thành công trong mục tiêu diệt cộng, chống Pháp. Nay nước nhà vừa bị chia đôi, cộng sản vẫn còn nằm đó. Pháp cũng chưa đi, sao gọi là thành công được? Lời nói của vị lãnh tụ không thể một sớm một chiều mà thay đổi. Nếu anh em cứ vịn vào đấy mà phản đối công cuộc hợp tác, thì còn tai hại nào hơn nữa? Phải nói trắng ra rằng, anh em chiến sĩ Liên Minh rất hãnh diện về con đường họ đang đi, công cuộc họ đang theo đuổi. Dù muốn dù không, nhà lãnh đạo phải kính nể họ. Tôi chắc Tướng Thế cũng đã thấu hiểu điều đó hơn ai hết. Tôi thành thực thú nhận là khi ngăn chặn câu trả lời của Tướng Thế, tôi không khỏi hổ thẹn với lương tâm mình. Là vì, như tôi đã trình bày trong một đoạn trước, tình cảnh Liên Minh đang hết sức nguy khốn. Sau Hiệp Định Genève, cả cộng

sản lẫn Pháp đều rảnh tay, chúng sẽ cùng quay lại bao vây chúng tôi để tiêu diệt một cách dễ dàng. Chúng tôi đang lo sợ, đang tìm nẻo thoát gọng kìm thực cộng. Vậy nay nhất đán được chính phủ Ngô Đình Diệm mời về hợp tác, thì có khác nào đang "buồn ngủ gặp chiếu manh", sao lại từ chối? Phải chăng tôi đã phản lại ý mình mong muốn? Vâng, tôi đã tự nguyện phản lại ý muốn ấy trong giây phút kịp suy nghĩ về mối hậu họa tày trời, nó còn đau đớn tang thương hơn cái hoàn cảnh lưỡng đầu thọ địch.

Tóm lại, cuộc hội đàm sơ bộ giữa phái đoàn của ông Ngô Đình Nhu với chúng tôi đã diễn ra thật ngắn ngủi, nếu chỉ kể về phần nội dung. Câu chuyện kể như chưa ngã ngũ ra sao cả. Đêm ấy, ông Nhu ngủ lại Vườn Chuối. Dù sang cả tới đâu, ông cũng không tìm đâu ra được giường nệm chiếu êm. Ông đành phải nằm cạnh tôi trên một chiếc sạp bằng cây cau trải đệm lót. Nhưng ông Nhu không vội ngủ. Ông tỏ ra kích thích trước cảnh sống rừng bụi. Ông diễn tả hoàn cảnh lao đao của chính quyền hiện tại, rồi bảo tôi: - Các anh em sống ở đây sung sướng quá, đầu đội trời chân đạp đất, thênh thang một mình một cõi. Chả bù với chúng tôi ở Saigon, đêm đêm cứ phải đi ngủ nhờ chỗ lạ, lo ngại bất trắc từng phút từng giờ. Tôi hơi lấy làm lạ, hỏi lý do, thì ông cho biết đại để là Bình Xuyên đang nắm trọn quyền công an, cảnh sát, làm khó dễ chính phủ đủ điều. Còn nhóm Nguyễn Văn Hinh thì làm chủ được Đài Phát Thanh Quân Đội, ngày đêm chửi rủa chính quyền thậm tệ. Nguyễn Văn Hinh bấy giờ là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia, lại là "con đẻ" của Pháp, nên tha hồ làm mưa làm gió. Bộ hạ Hinh dùng làn sóng điện, mô tả Thủ Tướng Ngô Đình Diệm là "Một ông Thầy Giòng cô độc, về tới Saigon chỉ có một chiếc va li quần áo trên tay!" Nhóm Hinh lại đe dọa bắt cóc hoặc ám sát người trong Chính phủ. Nên bản thân ông Nhu - theo lời ông thuật lại với tôi - cứ phải ngày thì làm việc trong Dinh Gia Long (hồi mới về chấp chính, Thủ Tướng Diệm và ông Nhu đều ở tại Dinh Gia Long. Mãi gần cuối năm 1954. Cao Uỷ cuối cùng của Pháp là Tướng Ely mới chịu trao trả Dinh Độc Lập trong một buổi lễ đặc biệt, và với một bài diễn văn bất hủ, bài diễn văn mang nặng những lời xỏ xiên thống mạ chưa từng thấy trong lịch sử bang giao quốc tế), đêm thì lén ra ngủ nhờ nhà một người bà con tại đường Nguyễn văn Tráng, gần ga xe lửa.

Bị kích thích bởi câu chuyện khá lạ lùng của ông Nhu, tôi bỗng ngồi dậy hỏi ông:

‘‘Tại sao Cụ Thủ Tướng lại không cách chức ông Bộ Trưởng Thông tin đi cho rồi? Ông ta ngồi đó làm gì mà để cho nhóm Nguyễn Văn Hinh tung hoành như thế?’’ Ông Nhu cũng ngồi lên theo, và nói: - Mình nên thông cảm cho ông ấy. Thật khó mà làm gì được bọn tay chân ấy của Pháp! Tôi hơi bốc đồng, chợt đưa ra ý kiến táo bạo: - Nếu thế, tôi đề nghị đưa cả Chính Phủ lên đây. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ! (Tình cờ, tôi còn giữ được cuốn sổ tay kỷ niệm 30 năm cũ, bên trong tôi có ghi lại cuộc gặp gỡ và câu nói này) ông Nhu cười: - Rồi Chính phủ làm sao làm việc hàng ngày? Ông Nhu lại vui miệng kể tiếp về hành động của cựu Thủ Tướng Bửu Lộc trong thời gian 30 ngày xử lý thường vụ. "Bửu Lộc vét sạch hết ngân khố - lời ông Nhu nói - bày ra lắm chuyện buồn cười và phi pháp, để tiêu xài cho hết của công, chẳng để lại cho chính phủ mới một ngân khoản nào cả. Thật rõ ràng là cái lối vơ vét chợ chiều!". Ông Cố vấn còn than thở về cái nông nỗi Đại Sứ Việt Nam tại Bangkok tự tiện bán cả xe hơi lẫn dụng cụ văn phòng của Tòa Đại Sứ, lấy tiền bỏ túi. Và còn dám ngang nhiên '‘làm tình" với phụ nữ trong chỗ làm việc! Giọng ông Nhu cứ đều đều, nhỏ nhẻ hơi khó nghe, nhưng ông không dấu nổi sự ghê tởm của ông đối với các sự việc vừa kể trên. Chợt ông quay ra hỏi tôi một câu: - Anh có biết tố khổ là gì không? Tôi thú thực tôi chưa từng nghe tiếng ấy bao giờ. Ông Nhu bèn giải thích về cái chính sách đấu tố cường hào địa chủ của bọn Trường Chinh ngoài Bắc. Thời gian ấy, chúng tôi đang ở trong rừng, ít được biết tin tức bên ngoài. Thành thử chính ông Nhu là người đầu tiên đã đặt vào tai tôi hai tiếng '‘Tố khổ’’. Chúng tôi thức nói chuyện thầm thì với nhau mãi gần tới sáng.

Phái đoàn ông cố Vấn Ngô Đình Nhu được thiết đãi điểm tâm bằng cà phê sữa với "giò cháo quảy". Ông Nhu không hề kiểu cách. Riêng lòng tôi thấy ông thật bình dân và dễ mến. Ông ăn nói rất điềm đạm, và khi đề cập tới chuyện gì quan trọng, thì ông hết sức lựa lời và phát biểu chậm rãi, không có vẻ gì là người đang nắm một vai trò then chốt trong chính quyền cả. Với mái tóc hơi cao, với điếu thuốc Mélia vàng cắm trong cái tẩu ngắn bằng xương, tôi thấy ông mường tượng một nhà giáo hơn là một nhà chính trị.

Sau chuyến viếng thăm có tính cách lịch sử ấy, ông Ngô Đình Nhu còn trở lại nhiều lần, và bao giờ cũng có Huỳnh Hữu Nghĩa hoặc Lê Văn Đồng đi theo. Dĩ nhiên sự đi lại của ông Nhu không ngoài mục đích dẫn giắt cuộc vận động tới chỗ cụ thể hóa vấn đề hợp tác. Trong khi ấy, thì về phía Liên Minh, bầu không khí trở nên ứ động. Từ sau cái đêm tiếp xúc lần đầu với phái đoàn Ngô Đình Nhu, tôi thấy Tướng Thế trở nên thâm trầm, kín đáo hơn. Dường như ông có vẻ thẹn thuồng về một điều gì, và luôn luôn cố tránh nhắc nhở tới câu chuyện hợp tác. Tôi ngầm hiểu là ông vẫn còn suy nghĩ về cái "hất chân" của tôi trong đêm nọ. Vô tình giữa ông với tôi như có sự dò xét lẫn nhau, mà chẳng bên nào nói thẳng ra. Sống gần nhau, tôi hiểu tính ông, lòng tự ái của nhà tướng lĩnh hẳn đã hơn một lần bị thương tổn. Càng tiếp xúc với các nhân vật chính quyền bao nhiêu, ông càng đâm lo ngại anh em, kể cả tôi, xem ông như đã chán chường cuộc đời vào sinh ra tử, như đã ham mê những quyến rũ vật chất bên ngoài, mà sửa soạn lìa bỏ Núi Bà, lìa bỏ Bù Lu! Kết nghĩa với nhau bao nhiêu năm, tới lúc này chúng tôi mới thật sự trải qua những giây phút căng thẳng.

Dù muốn dù không, anh em Liên Minh cũng đã biết chuyện, và bàn tán xôn xao về cái mà họ gọi là "Liên Minh sắp về thành!" Trung Tá Nguyễn Trung Thừa là người đầu tiên chạy về Bộ Tư Lệnh hỏi tôi xem có phải sự thật như thế không? Tôi thấy mặt ông đầy vẻ lo ngại, không biết ông phản ứng cách nào, nên cũng không dám nói cả sự thật. Tôi càng thêm lo ngại là nếu mai sau có làm sao, anh em sẽ đổ tội cho tôi biết chuyện mà cố tình dấu diếm họ. Hoàn cảnh tôi lúc ấy thật hết sức khó xử. Cũng chẳng dám đem vấn đề ra bàn bạc với mấy người anh em thân tín nhất hàng ngày như Thiếu Tá Hồ Đức Trung, Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn. Thường nhật, chúng tôi rất cởi mở với nhau, thân nhau cho đến nỗi Đờn yêu cầu tôi gọi ông bằng "Chú", và cả hai người đều luôn luôn dành cho tôi cái biệt hiệu "ông Râu!" Ấy thế mà ngày nay đúng trước câu chuyện cố tính cách tử sinh, thì ai nấy lại đâm ra dè dặt, úp mở. Chưa bao giờ bầu không khí nội bộ Liên Minh lại khó thở như thế. Nên biết là trong một đoàn thể cách mạng võ trang, sự sơ ý vụng về sẽ dễ đưa tới thiệt hại bản thân, sẽ khiến cho kẻ bị hiểu lầm rơi vào một hoàn cảnh hết sức nguy hiểm. Tôi biết rõ điều đó hơn ai hết, nên cố dành hết thì giờ vào các công việc thường lệ.

Từ ngày rút Bộ Tư Lệnh về Vườn Chuối, Tướng Thế tự nhiên truất quyền Đổng Lý Văn Phòng của Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn, và giao hẳn cho tôi quyền điều động đoàn quân Bản Bộ, quyền trông nom Văn Phòng, và cả quyền nắm giữ tài chính. Thiếu Tá Đờn không được theo về Vườn Chuối mà phải ở lại Núi Bà Đen. Với bao nhiêu thắc mắc trong lòng, tôi kín đáo tìm hiểu lý do của sự thay đổi lạ lùng này. Nên biết rằng Nguyễn Văn Đờn và Hồ Đức Trung xưa nay vốn là những tay thân tín nhất của Tướng Thế, vì vậy mà họ được giao cho nắm giữ những vai trò then chốt ngay từ buổi đầu thành lập chiến khu. Vậy tại sao Đờn bị thất sủng? Phải có lý do chính đáng.

Thì ra, xuyên qua vài ba câu úp mở của Tướng Thế, tôi được biết Đờn đã phạm hai điều lầm lỗi mà Tướng Thế không muốn tha thứ. Một là Đờn tỏ ra thiếu minh bạch trong việc tiền nong của đoàn thể. Trong giai đoạn cuối cùng ở chiến khu, Đờn hơi tung hoành trong công cuộc thu góp tiền bạc ủng hộ của dân chúng bên ngoài. Tướng Thế được báo cáo, ông giả bộ bảo Đờn trích ra một ngân khoản cho ông thi hành một kế hoạch. Nhưng Đờn từ chối, khiến Tướng Thế để bụng. Điều thứ hai là Đờn vô tình phạm tội hủ hóa và hình thức quá đáng. Trên Núi Bà Đen sẵn có những loại gỗ quý mà đồng bào được phép khai thác. Đờn bèn xử dụng kho tàng ấy, dựng lên một Văn Phòng rất quy mô, cả sàn nhà và bốn mặt vách đều bằng những tấm ván dên dên, mà theo vật giá ngoài thành thì có tới hàng vạn bạc! Cái nếp sống phô trương chưa phải lúc ấy quả đã không hợp lòng Tướng Thế, một con người nổi tiếng bình dân, khiêm tốn và chịu đựng. Điều này chứng tỏ Tướng Thế tuy tin người, nhưng sẵn sàng trị tội người một cách nghiêm khắc.

Sự thay đổi nhiệm vụ giữa Đờn với tôi càng đưa tôi vào một tình thế rất nguy hiểm. Tôi khá buồn lòng nhưng vẫn phải nhận. Trong số các nhiệm vụ mới đặt trên vai, tôi kiêm cả việc chủ tọa những buổi lễ quân cách thăng cấp bực cho anh em, nhân danh Tổng Tư Lệnh Liên Minh tự tay ban thưởng một số sĩ quan có thành tích. Tôi cần nói rõ là trong một đoàn thể cách mạng võ trang, kẻ nắm quyền lãnh đạo tối cao không có tiền bạc, không có chức chưởng, không có quyền lợi gì hấp dẫn để ban phát cho anh em chiến sĩ. Chỉ có chút thăng thưởng cấp bực để làm họ vui lòng và hãnh diện với đồng đội mà thôi. Mà sự thăng thưởng kia cũng không phải dễ kiếm, ít nhất cũng phải đổi ba năm mới có một lần qua những tiêu chuẩn rất gay gắt. Trong suốt 5 năm trời vào sinh ra tử, chỉ một mình Trung Tá Văn Thành Cao được thăng cấp Đại Tá trong một trường hợp rất đặc biệt, còn bao nhiêu ông khác đều giữ nguyên cấp bực cũ cho tới khi về thành. Do đó mà sự thăng thưởng rất có giá trị, rất có ý nghĩa.

Theo truyền thống nội bộ, khi Bộ Tư Lệnh muốn thăng thưởng ai, thì Bộ Tư Lệnh phải tổ chức một buổi lễ long trọng theo quân cách, phải sắm trước cấp hiệu, mũ áo để ban cho người ấy. Chứ họ không phải tự mình sắm sửa lấy rồi đeo lên vai một cách âm thầm. Tôi nói ra điều này nhầm đính chính những lời đồn đãi sai lầm trong dư luận, cho rằng các lực lượng chiến đấu ngoài bưng biền thường phong chức tước bừa bãi cho nhau, ai muốn đeo cấp bực gì cũng được. Liên Minh không hề làm như vậy. Bởi lẽ Liên Minh không có ý định phô trương với ai khác, mà chỉ muốn chứng tỏ cho anh em trong đoàn thể thấy rằng những người được chỉ định trực tiếp chỉ huy họ trong công cuộc chiến đấu quả thật xứng đáng với trách vụ.

Tóm lại, trong giai đoạn Vườn Chuối, nội bộ liên Minh đã có thay đổi lớn. Thiếu Tá Hồ Đức Trung không còn trực tiếp điều khiển Đài Phát Thanh trên Chùa Hang nữa, mà bị rút về Vườn Chuối phụ trách việc liên lạc với chính quyền, với đoàn thể Cao Đài. Công Binh xưởng Liên Minh mở mang thành một nhà máy tối tân tọa lạc gần cầu Kỹ Nghệ, trang bị nhiều bộ phận đắt giá nhằm sản xuất vũ khí hàng loạt.

Trong thời gian chờ đợi cuộc tiếp xúc giữa Chính quyền và Liên Minh đi tới kết quả, một sự việc "bên lề" đã xảy ra, vô tình giúp cho mối liên lạc giữa đôi bên thêm khắn khít. Số là hồi ấy đang có phong trào di dân vĩ đại từ Bắc vào Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm yêu cầu các đoàn thể tham chính như Cao Đài, Hòa Hảo, tiếp tay trong việc tiếp đón và định cư một số lớn các gia đình mới từ Bắc chạy vào Nam. Liên Minh tuy không liên hệ gì tới Chính quyền, song cũng được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm yêu cầu nhận giúp cho một số nào đó. Chúng tôi thấy vấn đề mang nặng tính cách xã hội cấp bách, lại nằm trong đường lối chống cộng gom dân, nên vội họp bàn với nhau, duyệt xét qua các điều kiện sở đắc chủ quan, rồi quyết định đón tiếp riêng cho phần mình 10.000 đồng bào di cư. Chính phủ Diệm rất vui mừng, bèn sai Tổng Uỷ Phủ Di cư chiếu theo các luật lệ hiện hành, các tiêu chuẩn đang được áp dụng, cấp cho chúng tôi một ngân khoản 5 triệu bạc. Số tiền này được dùng để xây cất nhà cửa, đào giếng nước, lập Nhà Thờ, mở trường học, mở phòng phát thuốc cho bệnh nhân, và khai phá sẵn một số diện tích rừng rú để làm vườn ruộng cho các gia đình di cư.

Bỗng nhiên mà anh em Liên Minh lại đâm ra bận rộn vất vả. Chúng tôi không nhờ vả tới ai, mà tự mình đảm đang các công việc kể trên. Phần tôi lại phải chịu trách nhiệm trực tiếp về món tiền 5 triệu bạc. Trong Văn phòng không có chỗ nào an toàn hơn một chiếc bàn viết với cái ngăn kéo nhỏ. Tôi nhận tiền rồi cho cả vào đấy. Lại phải nhờ tới một số sĩ quan đáng tin cậy đếm hộ tiền trước khi đem phân phát cho các đơn vị đã được giao phó công tác.

Thành thật mà nói, anh em chiến sĩ "Liên Minh đã lấy công làm lãi”, trừ mọi khoản chi phí, cũng còn thừa chút đỉnh cho mọi người mua sắm thực phẩm, mắm muối. Đó là lần đầu tiên, chúng tôi gián tiếp "ăn tiền'' chính phủ.

Cuộc đời cứ cởi mở dần ra, cái may liên tiếp đến. Cũng trong thời gian này, Tướng Nguyễn Thành Phương lại cho mượn một chiếc xe Jeep để làm phương tiện.Tuy vậy, Tướng Thế với anh em chúng tôi cũng chả dám đi đâu xa, chỉ loanh quanh trong vùng Thánh Địa. Lúc mát mặt, chẳng dám quên buổi cơ hàn. Còn nhớ cái đêm chúng tôi theo Tướng Thế lén lút về thăm gia đinh ông. Cả bọn chen nhau trên một chiếc ‘‘xe lôi’’, chiếc xe kiểu quê mùa mộc mạc có hai ghế ngồi đối diện nhau, móc vào một chiếc xe đạp do người phu xe điều khiển. Xe chạy lọc cọc trên con đường đất đỏ. Vậy mà chúng tôi cảm thấy cuộc đời ‘‘trưởng giả" làm sao. Người anh em ngồi bên cạnh tôi nghiêng tai nói nhỏ: "Ngộp quá", ý nói xe chạy " quá nhanh”, anh ta thấy chóng mặt! Lại một lần khác, chúng tôi hành quân ban đêm xuyên qua con đường quốc lộ Sàigòn - Tây Ninh. Từ chỗ đầm lầy vừa đặt chân lên tới mặt đường, anh Nguyễn Văn Phưong bỗng ngồi bệt xuống, đưa hai tay sờ soạn như tìm kiếm vật gì. Tôi lấy làm lạ hỏi, thì anh xuýt xoa đáp khẽ: "Chao ôi! Mặt đường sao mà phẳng phiu mát mẻ quá thế này! Xin cho tôi ngồi lại đây một tí, kẻo mấy khi mà gặp lại nó!" Lời nói của anh quả thật thấm thía. Một người từng sống giữa đất Hà Thành hoa lệ, nay gặp con đường giải nhựa, không đành dạ bỏ đi! Lại một người từng đủng đỉnh ngựa xe, nay ngồi trên chiếc "xe lôi" cọc cạch, lại cảm thấy chóng mặt.

Nhắc tới Nguyễn Văn Phương, tôi không thể bỏ qua một chuyện khôi hài khác về con người này. Cũng trong cuộc hành quân vừa kể, chúng tôi gặp mùa nước lũ. Cả cánh đồng biến thành giòng sông mênh mông, ở một vài nơi, nước ngập quá rốn. Nguyễn Văn Phương sợ ướt quần, bèn cởi phăng ra vắt lên cổ, rồi đi trước mọi người như ông Adam, chẳng sợ ai chê cười gì cả. Nhưng bỗng nhiên tôi thấy anh một mình quay ngược trở lại con đường cũ, hai chân như dò kiếm vật gì dưới nước. Thì ra, anh đánh rơi mất cái gắp đạn của khẩu súng Thompson. Anh sợ bị trừng phạt, nên mặt mày hớt hải, quyết tìm cho bằng được. Bất ngờ, ngay lúc ấy, một toán nữ binh vừa đi tới.

Phương chợt nhớ tới tấm thân lõa lồ của mình, thì càng hoảng vía hơn lên. Rủi cho anh, tại quãng đường ấy, nước lại chỉ ngập tới nửa ống chân mà thôi, khiến anh không biết làm sao hơn, bèn ngồi thụp xuống vũng bùn, mặt quay về hướng khác. Toán nữ binh kêu la oai oái, chúng tôi cười một bữa no bụng. Khi đoàn nữ binh qua rồi, Phương mới đứng lên, và nhe răng ra cười, bảo: ‘‘ Rủi mà hóa ra may. Tôi vừa tìm thấy cái gắp đạn ngay ở chỗ tôi ngồi! Nếu để mất nó, Ngài Thiếu Tướng sẽ …làm thịt tôi ngay tức khắc!”. Anh chàng này, ngoài cái ‘‘đức’’ hy sinh dám ăn thịt thằn lằn đen trên Núi Bà, lại còn có cái nết lười biếng và ở bẩn số một. Tôi thấy anh một hôm đi công tác về, quần áo ướt đẫm và dính đầy bùn. Anh thay nó xa, vất ngay trên đầu giường ngủ. Mấy hôm sau, anh lại bị ướt nước mưa. Anh nhìn quanh quất một ồi không thấy cái gì khác để thay đổi, bèn nhặt bộ quần áo dơ bẩn cũ kia lên, ngửi thử một chút, rồi mặc vào mình một cách rất ư là … thoải mái.Tuy ở bẩn như thế, nhưng lại rất can đảm chịu cực chịu khó, chơi cờ rất có thủ đoạn. Có hôm, anh ta ‘‘gà’’ hộ cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Đờn thắng ông Tham Mưu Trưởng Trương Lương Thiện luôn ba bàn một lượt. Thắng xong, Đờn đột ngột tuyên bố chấm dứt, bất kể lời yêu cầu của đối phương đòi chơi thêm cho ông ta gỡ. Đờn vụt đứng lên, bỏ chạy ra ngoài rừng. Ông Trung Tá Trương Lương Thiện vừa đuổi theo, vừa quát: ‘‘Mày mà không vào đánh tiếp cho tao gỡ …thì mày … chết! Mày có vào không, hả Đờn?’’ Đờn vẫn cứ cắm đầu chạy, hai người đuổi bắt nhau ào ào trong rừng, chúng tôi lại được một trận cười chảy cả nước mắt. Cái lối chơi cờ của người Liên Minh cũng thật hiếm có trên đời. Thường thì kẻ chủ cuộc thắng chẳng bao giờ đi được một nước nào của riêng mình cả. Vì thiên hạ xúm nhau vào, đứng chật cả đôi bên.Kẻ đề nghị đi nước này, người lại bảo nên đi nước khác. Kẻ này đòi tiến lên, người kia lại cứ đòi rút xuống, la hét như giặc chôm. Đêm khuya thanh vắng giữa chốn rừng già, chợt nghe tiếng hò hét vang lên, tưởng đâu căn cứ bị địch tấn công.

Trở lại câu chuyện hợp tác với chính quyền Ngô Đình Diệm. Dù rằng giữa tôi với Tướng Thế có sự âm thầm dò xét lẫn nhau, nhưng trên thực tế, chúng tôi mặc nhiên coi như đã đồng ý với nhau rồi. Một hôm, tôi lái xe Jeep, có Tướng Thế ngồi bên cạnh, cùng "đi xóm" với nhau trong vùng Tòa Thánh Tây Ninh (hai tiếng "đi xóm" dùng ám chỉ công tác bí mật quân sự). Chúng tôi chợt trông thấy cờ xí biểu ngữ treo trên đường. Hỏi ra mới biết là Tòa Thánh sắp đón tiếp một nhân vật cao cấp chính quyền là Bác Sĩ Phạm Hữu Chương, Bộ Trưởng Xã Hội. Tướng Thế chợt lộ vẻ đăm chiêu một lát, rồi bỗng đưa ra ý kiến "bắt giữ" ông Bộ Trưởng kia. Tại sao lại có sự lạ lùng như thế? Số là, cách đó ít lâu, Bác sĩ Phạm Hữu Chương, người đang đứng địa vị chính quyền, lại bí mật cho người liên lạc với Tướng Thế, đề nghị với Tướng Thế nên chọn con đường thân Pháp thì hơn. Nghĩa là nên phá hủy kế hoạch hợp tác với chính quyền Ngô Đình Diệm hiện hữu, để quay ra bắt tay với Pháp, xây dựng một lá bài khác! Tướng Thế giận lắm, nhưng vẫn cứ làm mặt ưng thuận, để xem người liên

lạc của Bác sĩ Chương còn tiết lộ thêm âm mưu nào khác nữa. Không ngờ hôm nay Bác sĩ Chương lại nhân danh chính quyền, lén thăm Thánh Địa.

Tướng Thế hỏi tôi: "Anh nghĩ thế nào? Anh đồng ý bắt giữ chứ?" Tôi không ngần ngại gật đầu ngay tức khắc, vì tôi không thế nào tha thứ một ông Bộ Trưởng phản nghịch "ăn cháo đái bát" như thế được. Thế là chúng tôi liền bỏ dở công việc "đi xóm", gấp rút trở về Bộ Tư Lệnh, phân công tác cho nhau. Phần Tướng Thế thì hạ lệnh cho kẻ thân tín - Trung Uý Tạ Thành Long - lo bố trí cách bắt giữ con mồi, đồng thời lo chuẩn bị đặt máy thu băng dưới mặt bàn xa lông, nơi Bác sĩ Chương sẽ được tiếp kiến. Còn tôi thì vội vàng lập bản "Cáo trạng" lên án Bác sĩ Chương, sai in cấp tốc cho kịp rải khắp Tòa Thánh nội buổi chiều hôm ấy.

Theo kế hoạch dự trù, Trung Uý Tạ Thành Long được phái ra Thánh Địa, xin phép ban tổ chức cuộc đón tiếp Bác sĩ Phạm Hữu Chương để được "truyền khẩu" một việc riêng của "Ngài Thiếu Tướng Trình Minh Thế’’ với ông Bộ Trưởng. Quý vị trong ban tổ chức nghe nhắc tới tên Tướng Thế, thì không dám làm khó dễ điều gì cả. Long bèn nghiêng tai nói nhỏ vài câu, khiến Bác sĩ Chương gật đầu lia lịa ra vẻ hết sức vui mừng, rồi ông này bất chấp cả lễ nghi, đứng dậy cáo lỗi cùng quý vị Chức Sắc Cao Đài, nói là đi có chút việc cần trong chốc lát. Mọi người ngơ ngác, nhưng ông Bộ Trưởng cứ thản nhiên như không, nhanh nhẹn theo Long, nhảy lên xe Jeep.

Vào tới Vườn Chuối, Bác sĩ Phạm Hữu Chương được chúng tôi đón tiếp "thân mật" tại căn lều riêng của Tướng Thế. Chỉ một vài câu xã giao thường lệ, là Tướng Thế đi ngay vào câu chuyện, yêu cầu Bác Sĩ Phạm Hữu Chương đích thân lặp lại đề nghị "thân Pháp" của ông với đầy đủ chi tiết. Nói là có như thế thì mới "đủ yếu tố" tin cậy nhau để hoạt động sau này, chứ lời nói của người trung gian chưa đủ cân lượng đối với một vấn đề trọng đại và bí mật.

Bác sĩ Chường vô tình nào có biết ông đang bị "gài bẫy bắt quả tang", nên ông cứ thao thao bất tuyệt, trút hết can tràng về cái âm mưu của ông nhằm dùng bàn tay Pháp phá hoại và lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông mắc cái tật nói ngọng nên rất khó nghe. Tuy úp mở mặc dầu, người ta cũng biết ông có xu hướng bảo hoàng, đứng về phe Bảo Đại, và cũng đã từng có mối liên lạc chặt chẽ với cánh Bình Xuyên của Tướng Lê Văn Viễn. Chúng tôi thực không biết ông hy vọng nắm giữ chức vụ gì trong chính quyền Bảo Đại tương lai, mà xem ông có vẻ hăng say lắm, trong khi ông đương là Bộ Trưởng Xã Hội trong nội các Ngô Đình Diệm, một địa vị chẳng phải tầm thường. Nói là kế hoạch, song thực ra, ông Phạm Hữu Chương cũng chả có kế hoạch gì cụ thể cả. Trước sau chỉ là cái ý kiến tầm thường "đừng chơi với ông Diệm nữa" để ông ấy yếu thế mà đầu hàng trước áp lực của Pháp qua bàn tay Bình Xuyên. Chắc là ông Bộ Trưởng quá bận nghĩ tới quyền lợi cá nhân mình, mà quên không thèm đề cập nhắc nhở gì tới Tướng Thế, không cho biết Tướng Thế sẽ làm cái "nghề ngỗng" gì, sau khi bỏ Thủ Tướng Diệm để chạy theo Pháp. Tuy nhiên, Tướng Thế cũng chả bận lòng về chuyện ấy, và cứ cười nói thân mật để nghe Bác sĩ Chương ca cho hết "bài ca thân Pháp" của ông.

Với giọng nói ngọng nghịu buồn cười, Bác sĩ Chương bảo Tướng Thế một câu cuối cùng: - Cúng côi thẻ hết khúc ủng kộ Khiếu Tướng. (Chúng tôi sẽ hết sức ủng hộ Thiếu Tướng). Rồi ông toan đứng lên từ biệt, để còn trở ra bàn bạc chuyện chính quyền với Tòa Thánh. Tới lúc ấy, Tướng Thế vẫn hãy còn ngọt nhạt: - Xin mời ông Bộ Trưởng ở lại chơi đã. Bác sĩ Chương xem đồng hồ, rồi nói: -Xin gỗi, côi phải đi kẻo trễ lắm gồi. (Xin lỗi, tôi phải đi kẻo trễ lắm rồi). Bấy giờ Tướng Thế mới nghiêm nét mặt, nói như ra lệnh: - Rất tiếc, ông Bộ Trưởng không thể đi được. Chúng tôi quyết định bắt giữ ông, về cái tội ông đã đích thân vào đây xúi giục anh em chúng tôi làm tay sai cho Pháp. Tôi tưởng chưa bao giờ ông Bác sĩ Chương hoảng sợ bằng lúc đó. Mặt ông chợt tái xanh như tàu lá chuối, ông ấp úng không ra lời, và miệng ông cứ há hốc ra:

- Khiếu Tướng định bắt gữ côi? (Thiếu Tướng định bắt giữ tôi?) Tướng Thế gật, với nét mặt lạnh như tiền - Vâng, thưa ông, chúng tôi không thể để ông về được, và chắc là ông còn phải ở lại đây một thời gian vô hạn định. Nói xong, Tướng Thế gọi người chuyên viên vào phòng khách, tháo cái máy thu băng được gài một cách khéo léo dưới mặt bàn ra, rồi mở máy cho Bác sĩ Chương nghe lại từ đầu tới cuối những gì ông đã nói. Tới lúc này thì Bác Sĩ Chương thật sự không còn hồn vía nào nữa. Ông ngồi ôm mặt khóc như một đưá trẻ. Bao nhiêu mộng đẹp của ông tiêu tan theo mây khói. Chắc ông đang nghĩ tới cái ghế Bộ Trưởng của mình mà hối tiếc, nhưng đã quá muộn. Tang chứng còn rành rành ra đó, còn chối cải vào đâu được nữa. Thú thật, chính chúng tôi cũng thấy tội nghiệp cho ông, không tưởng tượng nổi sự khờ dại và sự nông nổi quá mức đã đưa ông một bước tới tan tành sự nghiệp chính trị. Riêng tôi thiết nghỉ, đây cũng là bằng chứng về thái độ kiêu căng của một số chính khách Việt Nam buổi đương thời. Họ kiêu căng tự phụ cho đến nỗi họ coi khinh một người như Trình Minh Thế, cứ tưởng Thế là hạng vô bằng cấp, võ biền, nào có gì đáng sợ? Chính cái tấm lòng khinh khi cố hữu ấy đã khiến ông Bác sĩ Phạm Hữu Chương dám trắng trợn thuyết phục một nhà cách mạng lừng danh vứt bỏ cả sự nghiệp hiển hách của họ để trở lại cúi đầu làm một thứ tay sai hèn mạt cho kẻ thù cướp nước. Thật là một bài học đáng giá.

Sau đó, Bác sĩ Phạm Hữu Chương liền được đưa đi giam giữ mãi trên đỉnh Núi Heo để chịu sự thẩm vấn của chính tôi. Hàng đêm, dưới tiếng sương rơi lộp độp ngoài rừng, ông được đánh thức dậy để làm bản tự thuật hết trang giấy này tới trang giấy khác. Cả cuộc đời chính trị của ông đã hiện ra nguyên vẹn dưới ngòi bút ông viết, một cuộc đời đầy dẫy những hành động chẳng tốt đẹp gì đối với quê hương xứ sở. Con đường thân Pháp của ông bắt đầu từ khi ông còn ở đất Bắc, nhưng ông khéo léo bao bọc cách nào mà cả Thủ Tướng Diệm lẫn ông Cố vấn Nhu đều bị lừa bịp, mời ông tham chính, cho ông hưởng một địa vị sang cả. Khi đọc bản tự thuật dày cộm của ông, tôi đã sửng sốt ngồi nhìn ông, lắc đầu chán ngán trước con người đáng lẽ đã được tôi kính trọng ở cái trình độ học vấn và ở địa vị xã hội hiện hữu. Nếu không nhờ cái màn "gài bẫy’' kia để biết sự thật, thì biết đâu ông Bác sĩ Chương lại chả tiếp tục đóng vai chính khách, hô hào nọ kia để lừa gạt dư luận? Trong ba tháng trời cầm chân ông trên đỉnh Núi Heo, chúng tôi vẫn không hề đối xử tệ bạc với ông, không dùng hình phạt tra tấn, mà chỉ thân mật kêu gọi ông hãy cố gắng tự mình nói rõ về cuộc đời mình. Chúng tôi vẫn chia sớt đồng đều với ông các điều kiện khá đắt của cuộc đời thiếu thốn nơi rừng núi. Nói nôm na là chúng tôi ăn uống như thế nào, thì ông cũng ăn uống như thế ấy. Ông bị chứng sốt rét nặng như tất cả mọi người khác.

Nhắc lại là khi Tòa Thánh đợi mãi không thấy ông Bộ Trưởng Xã Hội trở ra, thì liền đánh bạo sai người liên lạc vào Vườn Chuối hỏi thăm tin tức. Tới khi được biết ông Bộ Trưởng bị Liên Minh bắt cầm tù, thì cả vùng Tòa Thánh như lên cơn sốt. Các vị Chức Sắc cao cấp cố sức vận động để giải thoát Bác sĩ Chương, nhưng vô hiệu, bèn trình lên Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc xin nhờ Ngài can thiệp. Nhưng lúc bấy giờ nghe nói Đức Hộ Pháp đang công du bên Pháp, thành thử vấn đề bị bế tắc. Nội nhật hôm ấy, tin đã về tới tai Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Thủ Tướng chưa hiểu sự việc ra sao, bèn sai Lê Văn Đồng lên Vườn Chuối gặp Tướng Thế, rồi khi đã nghe rõ nội dung cuộc đàm đạo của Bác sĩ Chương trong cuốn băng nhựa, Thủ Tướng cũng nổi giận bỏ rơi luôn ông Bác sĩ Chương, cứ để mặc Tướng Thế muốn làm sao thì làm. Gia đình Bác sĩ Chương cũng hết sức hoảng kinh, tìm lên Tòa Thánh bắt đền. Tòa Thánh đứng giữa một cơn khủng hoảng ngoại giao trầm trọng. Tới khi Đức Hộ Pháp hồi hương, Ngài cũng không giữ được bình tĩnh, liền tức khắc cử người có uy tín thay mặt Ngài vào điều đình với Tướng Thế, yêu cầu Tướng Thế hãy tha mạng cho tội nhân, để Tòa Thánh khỏi bị mang tiếng đồng lõa trước dư luận. Cuộc thẩm vấn Bác sĩ Chương trên đỉnh Núi Heo bấy giờ cũng đã xong, chúng tôi xét thấy ván bài của ông đã bị đánh hỏng hoàn toàn, nên không nỡ thiết lập Tòa án Quân Sự để kết tội công khai như trường hợp của Tướng Trần Quang Vinh trước đây. Chúng tôi không cần giữ ông lại, ông bèn được phóng thích qua tay Tòa Thánh, rồi trở về SaiGon, và mất hẳn chức Bộ Trưởng Xã Hội.

Chẳng nói ai cũng biết Thủ Tướng Ngô Đình Diệm rất vui mừng nhấn lấy món quà ‘‘lật tẩy’’ Bác sĩ Phạm Hữu Chương, món quà ra mắt của Tướng Thế ngay khi Tướng Thế hãy còn ở trong rừng, và cuộc vận động hợp tác cũng chưa đến đâu hết. Thủ Tướng Diệm không khỏi giật mình vì đã nuôi một con ong lớn trong tay áo. Lòng kính phục của Thủ Tướng đối với Trình Minh Thế càng tăng gia hơn trước.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx