Truyền thuyết kể rằng trước kia, rất lâu, ở dưới chân núi Giáp Sơn có một gã vong mạng tên là Đại Sơn sống bằng nghề chặt củi.
Mùa hè năm ấy, một hôm thời tiết vô cùng nồng nực, Đại Sơn chặt củi đã nửa ngày vừa mệt vừa khát, bỗng thấy tim nhói, đầu choáng, ngã lăn trên dốc núi. Sau đó mê mê mẩn mẩn và nghe ai đó nói: "Hoá ra đói quá ngất đi"! Anh ta cố mở mắt nhìn thì thấy mình đang nằm dựa trong vòng tay một cô gái mày thanh mắt sáng, cô gái đang dùng chiếc thìa múc nước cháo đổ vào miệng anh ta. Đại Sơn vội giãy giụa tránh ra. Cô gái cười với anh ta và bảo:
- Đừng lo, thiếp là a hoàn nhà Lý viên ngoại ở sau núi đi đưa cơm cho người làm, gặp đúng lúc chàng bị đói xỉu đi, chàng hãy ăn đi tí chút.
Nói rồi cô mở nắp làn đựng cơm, lấy trong làn ra một chồng bánh rán. Đại Sơn thấy cô gái hiền từ thuần hậu lòng dạ chân thành, bèn ăn hai cái bánh rồi luôn miệng cảm ơn cô gái:
- May mà gặp được nàng là người tốt bụng cứu được tính mạng tôi, nếu không tôi dám chết ở chốn này lắm!
Cô gái bảo:
- Thôi, chớ nói như vậy, làm gì có chuyện thấy chết mà không cứu!
Cô nhặt bát, thìa và bánh ăn còn thừa lại cất vào làn rồi bảo:
- Xem bộ dạng chàng thế này chắc là hạng trai độc thân, thôi thế này nhé, từ sau trở đi thiếp đưa cơm sẽ mang đi nhiều hơn một chút, chàng chẳng cần trở về nhà ăn cơm mà cũng khỏi cần mang lương khô, ăn những thứ nguội lạnh chẳng chút hơi ấm đối với thân thể không tốt đâu nhé!
Đại Sơn vội bảo:
- Như thế sao được? Sao tôi có thể ăn không cơm của nàng được!
Cô gái bảo:
- Chàng thật chẳng có bụng dạ nào cả, từ sau chàng chặt củi, gánh đến cho ông chủ nhà thiếp lại chẳng đủ trả tiền cơm ông ấy ư?
Nói rồi cô gái cười, đứng đậy. Đại Sơn cũng cười:
- Này, thế tôi biết tạ ơn nàng ra sao bây giờ?.
- Tạ ơn cái gì, chúng ta đều là người cùng khổ, nghèo giúp nghèo là lẽ đương nhiên!
Từ đó trở đi hàng ngày cô gái đem cơm cho Đại Sơn. Nửa tháng trôi qua, Đại Sơn chặt được gánh củi tốt bèn đưa ra mé sau núi để giao cho Lý viên ngoại. Đến sau núi ai cũng bảo ở đây chẳng có lý viên ngoại nào cả. Đại Sơn ngờ vực trong lòng: "Chà, thế cô gái kia từ đâu tới"?
Trưa hôm ấy, ăn cơm xong Đại Sơn bảo cô gái:
- Nàng hãy coi giùm củi cỏ cho ta một lát, ta phải sang mé Tây có chút việc, đi một lát về ngay.
Nói xong anh ta theo lối cô gái tới mà ra đi. Đi khoảng nửa dặm thấy có một khoảnh rừng, trong rừng có cây bách cổ thụ cao ngất trời, rừng vô cùng tĩnh mịch. Đại Sơn đi vào rừng thấy lạnh căm căm, một làn khí âm trùm lấy anh ta. Anh ta rùng mình vội quay trở lại, bỗng phát hiện trên tảng đá dưới cây bách lớn có một tấm áo da hồ ly mới tinh, bóng láng. Lúc ấy trong lòng Đại Sơn đã rõ cả: cô gái hàng ngày mang cơm cho anh vốn là một nàng cáo tu luyện lâu năm thành tinh! Anh ta gấp áo da cáo lại bỏ vào bọc chạy rút về nhà như một vệt khói, giấu da cáo vào bếp tro. Mặt trời sắp ngả về Tây, Đại Sơn trở lại núi thấy nàng cáo vẫn đợi mình. Không để Đại Sơn kịp nói gì, nàng cáo đã bảo:
- Trời muộn quá rồi, thiếp theo chàng về nhà thôi!
Đại Sơn ngượng ngùng bảo:
- Tôi là kẻ cùng khốn, chẳng nhà cửa, chẳng đất đai, lẽ nào bắt nàng chịu khổ chịu nhọc cùng tôi được!
Nàng cáo một mực bảo:
- Người cùng chí không cùng, cứ lo làm lụng tốt, những ngày sung sướng chăng phải còn ở phía sau ta ư?
Chớp mắt đã hai năm trôi qua. Nàng cáo cùng Đại Sơn lấy nhau sinh được một trai một gái. Đại Sơn làm lụng bên ngoài, vợ kéo sợi dệt cửi trong nhà, ngày tháng trôi qua cảng đủ đầy tốt đẹp.
Nhưng ngày vui chẳng dài, lão hồ tiên biết tin nàng cáo kết hôn với Đại Sơn sinh con đẻ cái thì điên tiết, thể bắt nàng về bằng được để trị cho nghiêm phép nhà. Nàng cáo cực chẳng đã đành đợi Đại Sơn trở về van xin chàng trả lại áo da cáo cho nàng lên núi trở về động. Đại Sơn bảo gì nàng cũng không nghe. Nàng khổ sở van xin:
- Tiên cáo xuống trần không được kéo dài quá hai năm. Vợ chồng ta ở với nhau đã ba năm rồi, đã phạm phép nhà, nếu không trở về chịu tội thì sẽ gây tại họa cho cả chàng lẫn con cái.
Đại Sơn hết cách, đành lấy cái xẻng moi trong đống tro bếp ra tấm áo da cáo, bóng loáng lông vẫn mới nguyên, dùng hai tay trao lại cho nàng cáo. Bỗng dưng cả hai vợ chồng đều thấy khó nói chia lìa, đau đớn ôm nhau khóc lóc một hồi. Khi sắp lên đường, nàng cáo đinh ninh dặn đi dặn lại Đại Sơn phải chăm lo con cái, còn bảo:
- Nếu chàng muốn tìm thiếp thì chờ đến ngày tết Thanh Minh đến cửa hang đầu núi Giáp Sơn đợi thiếp.
Nói xong nàng khoác da cáo vào, chỉ thấy một cơn gió xoáy nhẹ chẳng thấy người đâu nữa.
Từ khi nàng cáo đi rồi, Đại Sơn phải nuôi nấng hai đứa trẻ qua được ba mùa đông không phải dễ dàng. Các con đã bốn, năm tuổi cứ nhao lên đòi tìm mẹ.
Tết Thanh Minh năm ấy Đại Sơn dắt hai con đi tìm nàng cáo. Trèo lên tới hang núi Giáp Sơn chỉ thấy một lão hồ tiên già ngồi bên miệng hang, đôi mắt sáng quắc chẳng khác gì ngọc dạ minh châu. Không đợi Đại Sơn mở miệng, lão hồ tiên đã tức giận hầm hầm hỏi ngay:
- Ngươi là người ở đâu? Đến đây làm gì?
Đại Sơn đáp:
-Chúng tôi tới đây để con trẻ tìm mẹ của chúng nó.
Nói rồi chàng định đi về phía cửa hang, Lão hồ tiên chẹn cửa động lại bảo:
- Trong này là nơi cư ngụ của hồ tiên, không cho phép người trần vào!
Đại Sơn hai ba lần nài nỉ, lão hồ tiên bảo:
- Thôi thế này nhé, ta sẽ cho gọi hết các tiên cô trong động ra đây, chỉ cần các ngươi nhận ra được mẹ của lũ trẻ, ta sẽ cho cả nhà các ngươi đoàn tụ. Nếu tìm không ra thì các ngươi phải rời khỏi động này nga và từ nay trở đi không được bén mảng tới đây nữa!
Lão hồ tiên nói xong vẫy tay vào trong hang, chỉ trong nháy mắt mười mấy cô gái đi ra, lớn như nhau, ăn mặc như nhau, giọng nói chẳng khác nhau chút nào. Đại Sơn nhìn một lượt, lại nhìn lượt nữa làm sao mà nhận ra nổi?
Đang lúc vò đầu lo lắng, chợt Đại Sơn nghĩ ra một kế. Chợt thấy anh ta nghiến răng, đánh hai đứa con mấy bạt tai. Hai đứa trẻ bỗng khóc ré lên. Mẹ lũ trẻ làm sao nén nổi tấm lòng người mẹ yêu con, tự nhiên ứa nước mắt. Lúc đó Đại Sơn quan sát kỹ đôi mắt, sắc mặt của từng cô gái, áp lại gần túm lấy tay vợ mình. Lão hồ tiên thấy tình cảnh ấy thở dài, kéo tay nàng cáo lại bảo:
- Con ơi, mẹ già trông mong con sớm đến ngày thành chính quả, con thấy đấy hiện nay cũng là sự hoà hợp trời làm, con nên bỏ tiên về trần đoàn tụ với gia đình vậy!
Nói rồi lão dẫn cả bầy tiên cáo lui vào trong động.
Đại Sơn cùng nàng cáo hướng vào động làm đại lễ rồi dắt con xuống núi. Từ đó cả nhà họ sống hạnh phúc đầy đủ một đời.
@by txiuqw4