sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ trong chiến tranh - Chương 04

XUÂN MẬU THÂN TOÀN DÂN XUỐNG ĐƯỜNG

Sáng mồng Một Tết Mậu Thân - 1968. Tôi thức dậy khi trời vừa tảng sáng. Sương mù giăng bãng lãng khắp nơi. Có tiếng lính nghĩa quân í ới gọi nhau trong xóm. Rồi chúng mang súng ống tất tả chạy về hướng cổng ấp chiến lược thôn Hữu Lâm. Bọn “Quần dài đen” cũng ngược xuôi ngoài đường cái quan, vẻ mặt đầy căng thẳng. Có chuyện gì xảy ra mà đám “chó săn” của “chính phủ Quốc gia” lại tỏ ra lo lắng ? Câu hỏi ấy, chẳng mấy chốc tôi tìm được lời giải đáp. Thì ra, bà con vùng giải phóng đã tập hợp thành đoàn biểu tình kéo vào đấu tranh ở cổng ấp chiến lược. Từ xa, tôi nhìn thấy họ đông lắm! Như một biển người trong khí thế xung trận...

Trước tình hình đó, bọn ngụy quân ngụy quyền xã Phước Kỳ vội huy động lực lượng đối phó. Khi mặt trời nhô lên khỏi dãy núi Sấu ở đằng đông, sương mù cũng dần tan loãng bởi ánh nắng ban mai chiếu rọi. Cùng với mọi người trong ấp chiến lược, tôi tò mò chạy đến nơi xem. Chẳng thấy gì cả vì thấp bé quá! Và rồi, trong cái khó, đầu óc tôi cũng đã ló được cái khôn: Men theo các bậc ngõ quanh co dốc ngược, leo lên sân nhà bà Luật trên nổng đất cao, cách không xa cổng ấp chiến lược là mấy, để coi! Đứng ở vị trí thuận lợi, tôi nhìn thấy cả một vùng rộng lớn. Đám lính nghĩa quân súng lăm lăm trong tay, dàn thành hàng ngang làm rào chắn sát cổng ấp chiến lược, cố ngăn cản không cho đoàn người biểu tình tràn vào bên trong. Bọn “Quần dài đen” đứng lố nhố phía sau dùng ống nhòm soi mói đám đông bên ngoài, cố truy tìm “bọn Cộng sản” trà trộn giữa biển người huyên náo, xem có ai là họ hàng thân thích với dân tản cư hay không? Còn mấy tên xã trưởng, xã phó an ninh, ấp trưởng, ấp phó an ninh và đám liên gia thì thay nhau cầm loa phóng thanh gàoạc giọng: “Đồng bào hãy mau mau giải tán! Đồng bào đừng nghe theo lời bọn “Cộng sản” xúi giục, tố chức đấu tranh sẽ bị thiệt thân! Chính phủ Quốc gia chỉ mở lòng nhân ái, vị tha với tất cả những ai không nghe theo lời “Cộng sản”. Ngược lại, Chính phủ Quốc gia nhất định sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn để trừng trị những kẻ nào ngoan cố làm càn! Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu đồng bào hãy mau mau giải tán! A lô! A lô!...”

Đám đông bên ngoài ấp chiến lược vô cùng phẫn nộ trước những lời lẽ mang dụng ý răng đe, dọa dẫm của những kẻ vỗ ngực xưng danh đại diện “Chính phủ Quốc gia”. Họ giương cao những tấm băng rôn khẩu hiệu màu đỏ thắm với những dòng chữ vàng, chữ trắng rõ to: “Đã đảo đế quốc Mỹ!”, “Đã đảo chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu!”, “Đã đảo quân cướp nước và quân bán nước!”, “USA go home!”, “Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm!”, “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”... Cùng giương cao với những tấm băng rôn khẩu hiệu là những lá cờ nửa đỏ nửa xanh, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Đám đông rùng rùng chuyển động tiến tới. Cả quãng đường cái quan từ cổng ấp chiến lược đến Trường Đình dài hơn trăm mét, chật ních những người là người! Và đằng sau đám đông ấy, thấp thoáng dưới những tán cây vẫn còn cơ man là người!

Tôi không rõ họ từ đâu tới mà nhiều đến thế! Họ không hề run sợ trước những lời đe dọa của đám ngụy quyền; không hề chùn bước trước những họng súng lăm lăm trong tay sẵn sàng nhả đạn của đám ngụy quân đứng làm rào chắn. Họ cứ dấn tới và hô vang những câu khẩu hiệu mà họ đề trên biểu ngữ. Họ đòi “Chính phủ Quốc gia” thả hết những người dân vô tội trở về quê hương bản quán làm ăn sinh sống, không được giam cầm trong nhà tù trá hình là các khu định cư, các ấp chiến lược. Họ kêu gọi những anh em binh sĩ ngụy có lương tri hãy giã từ vũ khí quay về với nhân dân. Đoàn người biểu tình vẫn cứ dấn tới, dấn tới từng tý một, khiến đám ngụy quân ngquyền hoảng hốt, giơ súng bắn chỉ thiên loạn xạ...

Thời gian chậm chạp trôi qua. Và đám đông đang cố tìm cách phá cổng ấp chiến lược để tràn vào bên trong. Có ai đó trong số họ giẫm phải mìn ríp [17], vướng phải lựu đạn. Những tiếng nổ ùng oàng vang lên. Nhiều người ngã quỵ xuống. Đám lính nghĩa quân dàn hàng ngang đứng làm rào chắn ở sát cổng ấp chiến lược sợ “ăn” mảnh lựu đạn, vội vàng chạy dạt ra xa... Lúc bấy giờ, bọn “cảnh sát dã chiến” [18] ở trên quận Tiên Phước được xe nhà binh chở tới rất đông. “Lão hộ pháp rậm râu” cũng có mặt. Lũ trẻ con bọn tôi đặt cho lão ta cái biệt danh ấy. Và bây giờ nêu rõ họ tên lão ta cũng chẳng hay ho gì nên tôi gọi bằng cái biệt danh ấy cho tiện! Lão ta là “cảnh sát áo trắng” [19], dáng người to cao lực lưỡng, khuôn mặt bèn bẹt và nung núc những thịt là thịt. Rậm rịt những chân râu bâu quanh hai bên má, bâu quanh cả cái mồm cá vạp và cái cằm bạnh đã làm cho khuôn mặt lão ta thêm dữ dằn như Ông Ác canh gác ở các cổng chùa. Lũ trẻ con bọn tôi không biết lão ta nắm giữ chức vụ quan trọng gì, chỉ biết lão ta là người có quyền uy đầy mình, “thét ra khói, ói ra lửa”. Bọn ngụy quân, ngụy quyền ở thôn Hữu Lâm nói riêng, xã Phước Kỳ nói chung, đều khiếp sợ lão ta. Những kẻ tự vỗ ngực xưng danh là đại diện “Chính phủ Quốc gia” thấy có “cảnh sát dã chiến” kéo đến tiếp viện liền lên mặt quát nạt đám lính nghĩa quân và bọn “Quần dài đen” áp tới sát cổng ấp chiến lược. Rồi bọn chúng xúm lại nhỏ to thì thầm với “Lão Hộ pháp rậm râu”. Lão ta gật gật đầu ra chiều đắc ý. Rồi lão ta vẫy tay gọi tên chỉ huy “cảnh sát dã chiến” đến bên trao đổi điều gì đó chỉ có trời mới biết!

Đoàn biểu tình khiêng những người chết và bị thương vì mìn ríp, lựu đạn, cứ tiếp tục tiến lên phía trước và lớn tiếòi “Chính phủ Quốc gia” bồi thường nhân mạng. Họ phẫn nộ, hô vang những lời phản đổi chế độ tay sai bù nhìn. Viên chỉ huy “cảnh sát dã chiến’’ giật chiếc loa phóng thanh từ tay gã xã phó an ninh đưa lên mồm nói liến thoắng. Y ra lệnh cho đám thuộc hạ sẵn sàng đàn áp đoàn người biếu tình bằng biện pháp cứng rắn. Đồng thời y cũng lớn tiếng yêu cầu đám đông giải tán ngay không điều kiện. Tất nhiên là đám đông đang trong cơn phẫn nộ cao độ đã la ó, phản đối dữ dội.

Và rồi, tiếng súng vang lên. Thoạt tiên, bọn “cảnh sát dã chiến” bắn gằm dưới đất, sát chân đám đông. Sau đó, chúng nâng cao súng lên và bắn thẳng vào họ. Hàng loạt người ở phía trước gục ngã. Và ngay lập tức, hàng loạt người ở phía sau xông lên dẫn đầu cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Họ cùng nhau bế bồng những người bị bọn “cảnh sát dã chiến” xả súng sát hại, xông tới với tất cả nỗi hờn căm được thể hiện bằng hành động, bằng tiếng thét vang trời uất hận. Thoáng chút chần chừ do dự vì bối rối, rồi sau đó theo lệnh của “Lão Hộ pháp rậm râu”, chúng xả súng bắn như điên như dại, bắn như vãi đạn vào đám đông không có một tấc sắt trong tay đang náo loạn. Những người tản cư ở trong ấp chiến lược tò mò đến xem, hoảng sợ tháo lui. Còn tôi cũng vội co cẳng chạy men theo bờ vườn ông Tư Thành, rồi quành ra giếng đồng, giông lên ngõ bà Khách, cắm đầu cắm cổ lao một mạch về nhà.

Quá trưa. Tiếng người huyên náo ở nơi cống ấp chiến lược không còn nữa. Tiếng súng cũng im bặt từ lâu. Ngoài đường cái quan, bọn “cảnh sát dã chiến” bắt rất nhiều người tham gia biểu tình trói quặt hai tay sau lưng, đẩy lên xe nhà binh chở về Chi cảnh sát quận Tiên Phước. Tất cả họ đều bị đánh đập thâm tím cả mặt mày. Ba tôi nhìn thấy vậy, cứ thở dài mãi. Còn mẹ tôi thì ẵm thằng Cu Em trong lòng, ngồi thẫn thờ bất động như người mất hồn. Các anh tôi cũng lặng thinh không nói. Mồng Một Tết, nhưng gia đình tôi thiếu vắng nụ cười, bởi ai nấy đều có khuôn mặt đăm chiêu tư lự. Buồn tình, tôi leo lên giường ngủ với cái ụng lép kẹp. Và trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy “Lão Hộ pháp rậm râu” bỗng dưng biến thành con Quỷ ba đầu sáu tay say sưa hút máu bao dân lành bị bọn “cảnh sát dã chiến” dùng súng liên thanh bắn ngã gục ở bên ngoài cổng ấp chiến lược... Máu người tanh tưởi nhưng lão ta lại tỏ ra khoái khẩu, thích thú! “Ôi, lão ta đích thị là con Quỷ dữ đội lốt người!”. Tôi nghĩ thầm trong bụng, nhưng chẳng hiểu sao lão ta lại biết được, vội ngước bộ mặt gớm ghiếc nhìn tôi trừng trừng! Tôi hoảng quá la ầm lên và giật mình tỉnh giấc mới hay rằng nằm mơ, một giấc mơ hãi hùng khủng khiếp...!

Cái Tết năm ấy, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Bởi đó là cái Tết mà chế độ tay sai bù nhìn do Mỹ dựng lên ở miền Nam đã bộc lộ bản chất hung tàn bạo ngược với tội ác “trời không dung, đất không tha”: Dùng súng liên thanh bắn xối xả vào đoàn biểu tình là những người dân lành không một tấc sắt trong tay... Và tôi vẫn còn nhớ, đấy là mùa xuân Mậu Thân toàn dân xuống đường đấu tranh trực diện với Mỹ ngụy, khiến bọn chúng thất điên bát đảo, vội vàng tháo gỡ cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa để phơi bày hết bản chất hung bạo tay sai... Người dân tản cư cũng như người dân sở tại, ai ai cũng nhìn bọn chúng, cụ thể là đám “cảnh sát dã chiến” bằng ánh mắt chất chứa bao nỗi hờn căm...

CẢ KHU DỒN XÔN XAO VÌ... ĐÓI!

Cuộc sống của người dân tản cư ở trong ấp chiến lược thôn Hữu Lâm ngày càng khó khăn, thiếu thổn trăm bề! Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc là chuyện... thường tình! Và vấn đề trở nên bức bối hơn khi có hai “điềm gở” xảy ra vào đầu năm 1969: Vụ đông xuân, lúa đang thì con gái bỗng dưng trổ vòi [20] trắng xa cả đồng cạn lẫn đồng sâu! Rồi bước sang hè, không rõ hạt ươi bay [21] từ đầu ngõ hướng Cửa Rừng ở xã Phước Hòa, Phước Thạnh [22] theo gió nồm nam làm cuộc viễn du vào tận các khu định cư, các ấp chiến lược...

Ông già Lũy được mọi người suy tôn là lão làng vì tuổi tác cao, một hôm tới nhà chơi và bảo với ba tôi: “Lúa trổ vòi thì chỉ có nước đem voi chở... rạ! Và hạt ươi bay quý hiếm mà trời đất lại cho không, biếu không thế này, chẳng phải là phúc mà là... họa lớn! Tôi đồ rằng, sắp tới đây dân làng ta chắc sẽ phải đối mặt với nạn đói to...”. Ba tôi tỏ ra lo lắng. Vụ đông xuân mùa màng thất bát nặng. Dân sở tại chẳng có ai thuê mướn dân tản cư dọn vườn cuốc cỏ, hoặc cày bừa, gieo cấy vụ hè thu. Họ tự làm lấy công việc đồng áng nhọc nhằn. Dân tản cư thành ra thất nghiệp, vô công rồi nghề. Bọn trẻ cùng trang lứa với anh em tôi tự ý bỏ học hàng loạt mà không hề bị mẹ cha la mắng. Bởi họ lo cái ăn cái mặc đến mướt mồ hôi, song cũng không đắp đổi được qua ngày nên chẳng còn hơi sức đâu mà để ý đến chuyện học hành của bọn trẻ. Vả lại, không ít người trong số họ có quan niệm rằng, đói mới chết chớ dốt đâu có chết!? Gia đình tôi cũng đã khánh kiệt sau gần bốn năm “sống nhờ ở đậu” nơi đất vườn nhà bà Cả Chững trong ấp chiến lược. Trước đây, tuy khó khăn nhưng gia đình tôi vẫn duy trì đều đặn mỗi ngày ba bữa cơm rau đạm bạc. Bây giờ chỉ có thằng Cu Em, thằng Cu Đen và tôi nhỏ hơn nên được cả nhà “ưu tiên” cho ăn uống với chế độ như cũ. Còn anh Hai, anh Ba, anh Bốn và ba mẹ tôi đều phải cắt giảm bớt khẩu phần, chỉ ăn mỗi ngày một bữa cháo hoa và một bữa cơm độn.

Nhưng rồi, trong cơn nguy khốn vì đói kém tràn lan khắp làng khắp xã, gia đình tôi cũng mau chóng rơi vào tình cảnh lao đao. Ba anh em tôi phịn ăn bữa sáng. Năm thành viên còn lại của gia đình chỉ được ăn một bữa duy nhất trong ngày vào lúc giữa trưa. Cái đói không còn rình rập, thập thò ngoài cửa, mà đã xộc vào bếp lửa đầy tàn tro nguội lạnh của mỗi gia đình. Nó hành hạ, tra tấn mọi người bằng cái dạ dày lúc nào cũng kêu ong óc vì chứa toàn nước lã! “Ba ơi, con đói...!”. “Mẹ ơi, con đói...!”. Đó là tiếng khóc nhè đòi ăn của rất nhiều đứa trẻ là con cái các gia đình tản cư. Anh em tôi không dám kêu ca (vì sợ ba mẹ buồn!) mặc dù cái đói làm cho xây xẩm mặt mày, chân tay run rẩy, đụng đâu ngồi đấy, ủ rũ như con gà rù [23]. Nhiều hôm đi học dưới trường tiểu học Bình An, cách xa nhà gần ba cây số, trưa về, tôi bị lủi [24] đi không nổi, phải ngồi nghỉ dọc đường không biết bao nhiêu lần mà kể. Thế nhưng, tôi không hề hé răng nói với ba mẹ. Bởi lẽ, tôi sợ song thân sẽ rút bớt khẩu phần ăn vốn đã quá ít ỏi của mình và của các anh để san sẻ thêm cho ba đứa tôi. Và bởi lẽ, so với những đứa trẻ khác cùng trang lứa là con em các gia đình tản cư, tôi vẫn thuộc diện may mắn hơn gấp bội! Dẫu đói dẫu no, tôi vẫn có mỗi ngày hai bữa cháo, cơm. Thằng Thi, bạn học cùng lớp với tôi, lắm khi chỉ được ăn mớ rau dớn [25] luộc chấm muối, song hắn vẫn đi học chuyên cần chăm chỉ. Tội nghiệp nhất là con bé Út. Nó mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ nó khuyên nó bỏ học vì nhà chẳng có gì để ăn, nhưng nó vẫn gắng gượng tới trường đều đặn với cái bụng lép xẹp dính sát vào lưng!

Nạn đói vẫn không ngừng tác oai tác quái! Đặc biệt là khi kho tàng của các “đại bài gạo” [26] ở dưới chợ Tiên Bình đều cạn kiệt vì máy bay không vận chuyển lương thực từ Tam Kỳ lên Tiên Phước thường xuyên như trước nữa! Giá gạo tăng vọt. Một ngày thay đổi giá bán đ̍n năm, bảy lần. Do lương thực cực kỳ khan hiếm nên dân tản cư không có người thân trong gia đình đi lính nghĩa quân hoặc tham gia chính quyền thôn xã thì có tiền cũng chưa chắc mua được gạo ở các “đại bài” vì “không thuộc diện ưu tiên”! Ba mẹ tôi đứng ngồi không yên trước nạn đói hoành hành dữ dội. Bởi gia đình tôi tiền chẳng có, mà vàng cũng không! Mọi của chìm của nổi do ông bà nội để lại, mẹ tôi đều lần lượt cho chúng “đội nón ra đi” để trang trải cuộc sống trong mấy năm qua, thành ra bây giờ chỉ còn... tay trắng! “Biết mần răng [27] chừ, ông? Không lẽ bỏ đàn con chết đói?”. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng, hỏi ba tôi. Không trả lời, ba tôi cứ ngồi lặng lẽ quấn thuốc rê [28] hút hết điếu này đến điếu khác. Khuôn mặt ông vốn đã hốc hác, khắc khổ, giờ lại hằn sâu thêm những nét ưu tư. Ông ngồi như thế rất lâu.

Mãi sau ông mới khẽ khàng bảo với mẹ tôi: “Thôi thì đành phải đi vay mượn tạm mấy người quen ở dưới chợ Tiên Bình một ít tiền mua sắn khoai chống chọi với nạn đói...”. “Nhưng liệu họ thấy gia cảnh mình khốn khó có sẵn lòng giúp đỡ hay không? Bởi nhà ta đã là bần cố nông thật rồi!”. Mẹ tôi băn khoăn. Ba tôi vội trấn an: “Bà cứ yên tâm! Chuyện đó để tôi lo...”. “Ông lo thì lo cho sớm! Nhà chỉ còn chưa tới vài ang gạo, ăn nhín [29] kiểu chi thì cũng chưa tới mười ngày là... hết!”. Mẹ tôi nói.

Không ngờ cuộc bàn bạc, trao đổi giữa song thân đã đem lại cho gia đình tôi nguồn sinh khí mới. Cùng với bữa ăn chính, cả nhà còn có thêm những bữa ăn phụ, chế biến từ chuối cây, đu đủ cây và khoai sắn. Tôi vẫn còn nhớ như in cách thức làm các “món ăn” ấy... Mẹ tôi lặn lội qua xóm nhà ông Đáng, ông Hai Thỉnh ở bên kia Đồng Máng, xin chuối cây con, loại to hoặc nhỏ hơn bắp vế một chút, đem về lột bỏ lóp bẹ bên ngoài, rồi ngồi cặm cụi xắt thật mỏng. Xong, mẹ tôi cho vào thau nước đã hòa ít muối và dùng hai tay nhồi kỹ nhằm xả bót chất nhựa chuối màu tím đen. Làm hai, ba lần như vậy. Khi nào thấy lát chuối cây trắng mềm, mẹ tôi mới vắt ráo nước, bỏ vào cái soong to. Cho một ít muối hầm, mì chính, hạt đậu phụng rang giã nhỏ và bóp trộn đều là có được “món gỏi chuối cây” ăn với bánh tráng khoai xiêm chống đói. “Món nộm đu đủ cây” cách làm cũng tương tự như vậy. Chỉ khác là, đu đủ cây lựa lấy phần thân gần sát ngọn, gọt vỏ, thái nhỏ, đem luộc chín rồi mới tiến hành chế biến như “món gỏi chuối cây”. Nói chung, “gỏi” và “nộm” là hai “món ăn” không thường xuyên vì nguồn nguyên liệu khó... tìm! Cho nên, các “món ăn” chế biến từ khoai sắn vẫn giữ vai trò chủ lực trong những tháng ngày cơ cực ấy... Từ loại củ giàu chất bột này, mẹ tôi làm ra đủ các món: Bánh ú, bánh tét, bún hấp... Chế biến lắm kiểu nhưng nguồn nguyên liệu làm ra vẫn là sắn khoai nên ăn rất... ngán! Nhất là khi phải ăn hoài ăn mãi, hết ngày này qua ngày khác, ròng rã mấy tháng trời, quả không sao chịu nổi! Đến độ, anh em tôi chỉ ngửi thấy mùi các loại “bánh trái” kia là đã ớn tới tận cùng nơi đội nón!

Nạn đói gây xôn xao, náo động suốt một thời gian dài ở các khu định cư, các ấp chiến lược Phước Kỳ. Và không ai có thể lường trước được những hậu quả đau lòng có thể xảy ra, nếu như vụ hè thu lại tiếp tục mất mùa! Qua cơn hoạn nạn, đa phần dân tản cư (và cả dân nghèo sở tại) mới thở phào nhẹ nhõm vì đã thoát khỏi bàn tay của... Tử thần! Riêng tôi có một nỗi buồn khó nói cùng ai! Ấy là cái chết của con bé Út. Nó đói quá hóa đau! Rồi chẳng bao lâu sau, nó lâm trọng bệnh và lặng lẽ từ giã cõi đời! Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi cái buổi chiều hôm đó, khi tôi với thằng Thi rủ nhau đi thăm nó. Chao ơi, nó nằm trên giường, thân thể chỉ toàn da bọc lấy xương! Thấy bọn tôi đến, nó mừng, mắt rưng rưng ngấn lệ. “Hai... đằng ấy vẫn thường xuyên đi học, phải không? Còn tớ... tớ đau nặng lắm, chắc không sống nổi!”. Nó cười nói với giọng đầy chua chát. “Tớ nghỉ học rồi! Cũng mới đây thôi!”. Thằng Thi bảo. “Còn đằng ấy thấy trong người thế nào? Có đỡ bớt không?”. Con bé Út lắc đầu. Sau đó, nó nhìn tôi, hỏi: “Rứa còn Cúc Đẹt?”. “Tớ vẫn còn đi học! Thằng Thi nghỉ, tớ cặp kè đi với thằng Tèo, cháu ông Xã Hai...”. “Tớ chắc không sống nổi...”. “Thôi đừng nói gở...”. Tôi an ủi nó. Ở chơi với con bé Út một lúc rồi tôi với thằng Thi ra về. Cứ tưởng nó sẽ hết đau, khỏe mạnh trở lại, ai ngờ đêm hôm đó nó... chết! Vì bệnh tật hay vì đói khát? Tôi không rõ! Nhưng có lẽ là do cả hai...

Bạn bè tôi rất ít, lại rơi rụng dần bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đứa theo cha mẹ là lính tráng quốc gia bị điều chuyển đến những nơi xa. Đứa vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn phải đi ở đợ, chăn trâu cắt cỏ cho nhà người ta! Thế nên, con bé Út mất, tôi với thằng Thi rất buồn. Mỗi lần đi học ngang qua nhà nó, hai đứa tôi lại nghe như có tiếng gọi thân thương quen thuộc của con bé Út: “Hai... đằng ấy đi học chi sớm rứa? Chờ một chút để tớ cùng đi với cho vui!”. Hai đứa tôi, tuy không nói ra, nhưng đều nhớ về con bé Út và khe khẽ thở dài...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx