sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tuổi thơ trong chiến tranh - Chương 07

BA VÀ ÔNG VÀ... ĐIỀU KỲ LẠ!

Tết Nguyên đán Tân Hợi - 1971.

Ba tôi bảo với mẹ tôi mua sắm quần áo, nón mũ, giày dép mới cho anh em tôi xong xuôi đâu vào đấy từ lúc vừa cận tết. Còn ba tôi xuống tiệm may ở dưới chợ Tiên Bình may một bộ quần áo bà ba trắng, mua một đôi guốc mộc và một chiếc dù [41] đen cán gỗ có chạm khắc hoa văn khá đẹp. Đồng thời, ba tôi cũng mua thêm thước kẻ, bút viết, sách vở, cặp da cho thằng Cu Đen và thằng Cu Em. Bởi hai đứa hắn thường hay bỏ quên dụng cụ học tập ở hộc bàn khi tan học ra về, hoặc vô ý đánh rơi dọc đường. Tôi vẫn còn nhớ, tối giao thừa, ba tôi có những biểu hiện thật khác lạ mà mãi sau này, lớn lên, tôi mới hiểu ra. Ba bảo mẹ dọn bánh trái cho anh em tôi cùng ăn với nhau trước khi đi ngủ. Ông ngồi quấn thuốc rê hút và nhìn ngắm rất lâu gương mặt dáng hình từng đứa. Thỉnh thoảng ông lại khe khẽ thở dài. Mẹ tôi nói: “Từ khi về lại nơi chốn cũ vườn xưa, cuộc sống của gia đình mình cũng đã đỡ vất vả hơn nhiều so với hồi tản cư ở cạnh nhà bà Cả Chững trong ấp chiến lược. Răng [42] ông lại buồn?”. Ba tôi cười: “Buồn phiền chi mô! Tôi ngó sắp nhỏ và đoán định danh phận sau này của từng đứa xem sao...?”. Mẹ tôi cũng cười: “Lại tướng với tá! Mà ông đoán thế nào, nói cho tôi nghe thử?”. Ba tôi tảng lờ, lảng sang chuyện khác. Được ăn ngon, anh em tôi tập trung đánh chén, không hề đế ý đến cuộc trò chuyện của ba mẹ tôi. Khi vãn bữa, anh em tôi phụ giúp mẹ “thu dọn chiến trường”, rồi chơi đùa với nhau cho tới lúc hai mí mắt díp lại thì lăn ra ngủ...

Mặc dù leo lên bộ phản ngựa nằm chen giữa anh Bốn với thằng Cu Đen, nhưng tôi vẫn không sao ngủ được. Có lẽ, do tôi uống nước chè xanh sắc đặc. Và tôi lắng nghe ba mẹ tôi nói chuyện. Mẹ bảo: “Khi nãy, ông đoán danh phận của sắp nhỏ sau này thế nào? Tại sao ông cứ úp úp mở mở, không chịu nói với tôi?”. Ba bảo: “Thằng Hường [43] thông minh, cương trực. Nhưng chính vì thông minh, cương trực mà hắn được nhiều người nể trọng, song cũng có không ít người khó chịu, chẳng ưa. Suốt đời hắn chỉ là một anh viên chức quèn mà thôi! Thằng Chi thì ngược lại. Cũng thông minh, cương trực. Nhưng hắn là đứa biết người biết ta và không nhẹ dạ cả tin. Hắn có danh phận. Rất tiếc là hắn lại yểu mệnh. Thằng Lan, cũng giống thằng Hường. Nhưng thằng này có số đào hoa, ve gái giỏi không ai sánh bằng! Thằng Cúc Đẹt đam mê văn chương chữ nghĩa như tôi. Hắn khổ một đời bởi không ham phú quý, chẳng màng công danh! Thằng Cu Đen lận đận buổi đầu. Sau tuổi bốn mươi mới hanh thông được. Thằng Cu Em còn nhỏ quá, chư đoán định... Nhưng có lẽ, hắn là thằng an phận, chẳng thích bon chen!”. Mẹ bần thần lo lắng. Ba cười, trấn an: “Tôi đoán như vậy, chắc chi đã trúng, mà bà nghĩ ngợi đăm chiêu?”. Những điều ba tôi trao đổi với mẹ, không ngờ sau này lại đúng y chang đối với từng người! Nhất là đối với anh Ba tôi. Hai mươi ba tuổi anh làm Xã Đội phó du kích Phước Kỳ. Là một cán bộ có năng lực, anh được cấp trên tin tưởng, tín nhiệm. Nhưng anh yểu mệnh, qua đời khi tuổi mới ngoài ba mươi...

Tết Nguyên đán Tân Hợi - 1971.

Ba tôi không đi chơi đâu xa. Ông ở nhà tiếp khách là những người thân quen ở trong thôn Hữu Lâm. Họ đến chúc gia đình tôi năm mới an khang cát tường; đồng thời nhờ ba tôi góp ý về việc sửa sang nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi... Có người đi chùa xin xăm, thuộc nhập tâm câu quẻ chữ Hán, tới chơi nhà và nhờ ba tôi giảng giải hộ. Bởi ba tôi rất giỏi chữ Hán, rất rành chữ Nôm. Có người cùng ba tôi hàn huyên về thời cuộc, tiên đoán về vận nước. Cũng có người ở chơi với ba tôi cả ngày, vừa nhâm nhi ly rượu đế bé như hạt mít với thức nhắm là món nem chua lá liễu do mẹ tôi làm, vừa luận bàn về Truyện Kiều một cách say mê. Những hôm xế chiều, vắng khách, ba tôi mới dạo quanh xóm một lát rồi về! Mẹ tôi hỏi: “Răng Tết năm nay ông không đi mô?”. Ba tôi bảo: “Tôi cũng muốn đến thăm mấy người bạn ở Phước Thạnh, Phước Mỹ, Phước Hòa, Phước Tiên... nhưng lại sợ lỡ mình vắng nhà mà có ai ở xa tới thăm không gặp để chuyện trò, uổng công họ quá!”. Im lặng lúc lâu rồi ba tôi lại bảo: “Qua Tết Nguyên tiêu, tôi mới đi chơi cũng đâu có muộn...”. Sau rằm tháng Giêng, ba tôi bảo với mẹ: “Vườn tược nhà ta tôi với thằng Chi đã phát dọn kỹ càng từ hồi trong năm. Mấy sào khoai xiêm ở nổng Chùa cũng đã trồng xong. Giờ hết chuyện làm, tôi đi chơi ít ngày...”. Và ba tôi đi thăm bạn bè thân hữu gần xa đến hạ tuần tháng Giêng mới trở về nhà.

Ba tôi lại có những biểu hiện khác lạ. Những buổi chiều rảnh rỗi, ba tôi không đọc sách theo thói quen, mà gọi anh em tôi lại dặn dò đứa lớphải có trách nhiệm dạy bảo cho đứa nhỏ học hành và phải biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Dầu không tu hành, nhưng bỗng dưng ba tôi lại thích ăn chay...

Thời tiết thay đổi đột ngột. Trời bấc. Hoa trảu trắng nở đầy. Mưa bay lất phất. Và gió rét se se. Ba tôi bị cảm lạnh. Mẹ tôi hái lá nấu xông, song ba tôi vẫn không bình phục. Mẹ nói: “Sức khỏe ông dạo này giảm sút, phải thuốc thang vào mới đỡ. Để tôi bảo thằng Chi xuống ông thầy Sum cắt ít thang thuốc Bắc cho ông uống...”. Ba cười gượng: “Chẳng có việc gì đâu mà bà lo lắng! Chẳng qua ốm vặt ít hôm rồi khỏi thôi mà ! À, thằng Hường đang học Đệ nhất cấp dưới Tam Kỳ. Nếu tôi có bề chi thì bà cũng đừng nhắn tin hắn về! Để cho con nó học...”. Mẹ khóc. Ba lại cười gượng: “Ở đời, sống hay chết đều có số mệnh cả! Muốn chết sớm cũng không chết được. Mà muốn sống thêm cũng không sống được. Trời cho hưởng thọ bao nhiêu thì phải chấp nhận bấy nhiêu!”. Để mẹ vui, ba uống thuốc, nhưng bệnh tình không nhẹ bớt, cũng chẳng nặng thêm. Và từ khi bị cảm lạnh, ba không chịu ăn cơm canh hay cháo thịt bò, chỉ ăn cháo hoa nên trông người hơi gày yếu. Chiều hăm chín tháng giêng âm lịch, ba bảo mẹ nấu nước lá tắm và mặc bộ đồ bà ba trắng cho ba. Tối hôm đó, ba ra sân nhìn cảnh vật chung quanh và bị vấp chân té, may có anh Ba tôi theo sau đỡ kịp nên không việc gì. Ba cười bảo với mẹ: “Tối nay cả nhà ngủ say phải biết!”. Và đúng như thế thật. Nhất là anh Ba tôi. Mọi bữa, anh nằm bên ba và thỉnh thoảng thức dậy xem ba thế nào. Nhưng tối hôm đó, không hiểu sao anh ngủ mê mệt, ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Khoảng một giờ sáng ngày mùng Một tháng Hai âm lịch, anh tỉnh giấc và quờ tay sang ba thì phát hiện ba vừa lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng...

Tiếng khóc than của gia đình tôi trong đêm khuya vắng làm hàng xóm láng giềng tỉnh giấc. Không ai bảo ai, mọi người cùng lật đật kéo tới nhà tôi. Họ an ủi mẹ tôi, dỗ dành anh em tôi. Rồi những người già hội ý với anh Ba tôi cắt đặt công việc để lo hậu sự cho ba tôi.

Trời sáng bạch. Ông thầy Nhung được mời tới xem thế đất, chọn nơi mai táng ba tôi. Bấy giờ anh Ba tôi mới sực nhớ ra điều hệ trọng mà ba tôi đã dặn dò anh kỹ càng khi hai cha con cùng phát dọn vườn tược trong tháng Chạp. Anh Ba tôi bảo với mẹ tôi và mọi người: “Nơi mai táng, cũng như thời gian động quan, di quan và hạ huyệt, ba đã nói cụ thể với con cách đây hơn một tháng. Lúc đó, con cứ ngỡ ba nói đùa, nào ngờ ba nói thật! Về thời gian động quan, di quan và hạ huyệt, thầy Nhung coi trùng khớp với ngày giờ mà ba con đã đoán định. Nhưng địa điểm mai táng thì không đúng với địa điểm mà ba con đã đánh dấu sẵn. Mong thầy Nhung và các bác, các chú xem lại...”. Rồi anh Ba tôi dẫn mọi người đi xem chỗ ba tôi đã chọn làm nơi yên nghỉ giấc nghìn thu của cuộc đời mình. Đó là vạt đất bằng phẳng, hình tam giác, rộng chừng bảy chục mét vuông; một bên tiếp giáp với đám Lớn, một bên liền kề với đám Cát và một bên sát cạnh với đám Sủng. Ba tôi chặt cây chè làm cọc cắm bốn góc huyệt mộ đã định của mình. Tuy nhiên, vị trí ấy không được ông thầy Nhung tán thành! Tranh luận mãi, cuối cùng gia đình tôi miễn cưỡng làm trái ý nguyện của ba tôi, mai táng ở đám Sủng, cách vị trí ba tôi đã chọn cho mình lúc sinh thời khoảng hai chục mét.

Việc ba tôi biết trước ngày giờ từ giã cõi đời và đón nhận “cái chết đã được báo trước” một cách bình thản khiến anh em tôi không tin được dù đó là... sự thật! Bởi nó kỳ lạ và huyền bí quá! Nhưng mẹ tôi lại coi đấy là chuyện bình thường. Mẹ bảo: “Ông nội các con cũng vậy!”. Và mẹ kể... Mùa thu năm Canh Dần - 1950. Ông nội bảo rằng, ngày mùng Một tháng Chín âm lịch sẽ theo về với tổ tiên. Ông nội dẫn ba các con lên đám Nong ở phía sau vườn nhà, chỉ nơi đào huyệt mộ mình và cho khắc sẵn văn bia. Trung tuần tháng Tám, ông nội bảo ba các con đi cùng vị sư trụ trì chùa Tế Nam ra chùa Tuý Loan ở ngoài Hòa Vang mời hai vị sư là thầy Bân và thầy Sô vào thăm chơi, đồng thời tiếp quy cho ông. Không hề ốm đau. Cũng không hề lú lẫn vì tuổi tác cao. Ăn chay trường. Tu tại gia. Thể chất tuy hao gầy nhưng đầu óc vô cùng minh mẫn. Thầy Bân, thầy Sô vào chùa Tế Nam thường hay đến nhà để cùngống trà, ngắm hoa, đàm đạo về thuyết luân hồi, về lẽ tử sinh, về thiền... Mẹ vẫn còn nhớ như in cái ngày mùng Một tháng Chín m lịch năm Canh Dần ấy... Chiều hôm đó, ông nội bảo mẹ hái lá sả, lá bưởi nấu nước cho ông tắm; bảo ba các con lên ngồi bên cạnh để dặn dò chuyện đối nhân xử thế, chuyện gia đình dòng họ và lo đám tang ông sao cho đơn giản tiết kiệm. Tối hôm đó, ông nội chỉ uống một ly nước cam vắt, rồi ngồi lần tràng hạt. Khoảng tám giờ tối, ông nội bảo ba các con chuẩn bị kiệu và gọi những người giúp việc khiêng vào chùa Tế Nam để thầy Bân, thầy Sô và thầy trụ trì chùa tụng kinh gõ mõ tiếp quy cho ông. Và mười một giờ đêm hôm đó ông nội về với tổ tiên trong tư thế ngồi thiền trước bàn thờ Phật...

Rất nhiều người ở xóm Chùa cũng kể với tôi như thế. Ba và ông và điều kỳ lạ là biết trước ngày giờ ra đi về cõi vĩnh hằng với sự bình thản đến khó tin cứ ám ảnh tôi mãi. Và cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao lại có cái điều kỳ lạ nhuốm màu huyền bí ấy... Phải chăng, ba và ông tôi là những người am tường thiên văn địa lý, tinh thông kinh dịch nên đoán biết được số mệnh của mình ở cõi trần gian?

ANH HAI TÔI NHẢY NÚI, LÊN XANH...

Mùa hè nă

m 1972.

Sau khi thi xong bán phần Tú tài tại Hội đồng thi trường Trung học đệ nhất cấp Trần Cao Vân - Tam Kỳ, anh Hai tôi khăn gói về quê. Lúc bấy giờ tình hình chiến sự xảy ra khắp nơi. Và quân ngụy bị thiệt hại nặng nề. Những gia đình có chồng con bị bắt đi lính chết trận ngày một nhiều thêm. Những chiếc hòm kẽm to đùng, trên phủ lá cờ ba que khổ lớn được xe nhà binh chở từ đâu về5; thân nhân đến nhận đem chôn đã trở thành chuyện thường ngày ở thôn Hữu Lâm. Những cái chết oan khiên của bao người dân lương thiện bị Mỹ ngụy đẩy ra chiến trường làm bia đỡ đạn, khiến cho thanh niên trai tráng ngán ngẩm với việc đi quân dịch. Kẻ lỡ mặc đồ lính thì tìm mọi cách đào ngũ. Người ngấp nghé đến cái tuổi gọi là “có quyền công dân” thì ngày đêm trốn chui trốn nhủi nơi hầm bí mật, hoặc trên gác xép làm sát nóc nhà. Để có quân số bổ sung cho các đơn vị đang bị đánh tả tơi ở khắp các nơi, hằng ngày bọn quân cảnh lái xe Jeep chạy tới chạy lui trên đường cái quan lầm bụi. Thấy thanh niên choai choai mới lớn, coi bộ cầm súng được là bọn chúng bắt lại xét hỏi. Nếu không có giấy tờ tùy thân hợp lệ thì lập tức họ bị bọn chúng tống lên xe chở thẳng đến quân trường huấn luyện tân binh. Cuộc sống yên bình giả tạo ở vùng tạm chiếm do “chính phủ quốc gia” kiếm soát luôn bị xáo trộn bởi những cuộc rượt đuổi, bắt bớ lính đào ngũ và thanh niên trốn tránh quân dịch cứ diễn ra thường xuyên đến ngán!

Vừa chân ướt chân ráo về quê nghỉ hè, anh Hai tôi đã lọt vào tầm mắt của chính quyền tề ngụy địa phương. Gã ấp trưởng thôn Hữu Lâm thỉnh thoảng đi ngang qua ngõ, sực nhớ, lại tạt vào nhà tôi, cười bảo: “Thằng Hường tướng mạo đã ra dáng một chàng trai thực thụ. Chính phủ quốc gia sắp sửa có thêm một thanh niên cầm súng xông pha nơi sa trường...”. Đương nhiên, mẹ tôi lo sốt vó trước lời khen đểu cáng đó. Để cho anh Hai tôi được yên tâm làm “phó thường dân” trong ba tháng hè ngắn ngủi ở quê, mẹ tôi phải hạ mình xin xỏ gã ấp trưởng thương tình bỏ qua “cho em nó được tiếp tục học hành kiếm dăm ba chữ làm người”. Nhưng lão liên gia trưởng cứ dăm bữa nửa tháng lại đến nhà tôi hoạnh họe.

Lão bảo với mẹ tôi: “Hơn ba mươi năm qua gia đình bà chuyên “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản”. Nhưng tôi được biết thằng Thừa đã chết mất xác ở Phước Tiên. Chồng bà cũng đã về với đất. Coi như dòng họ nhà bà đã tiệt nòi Cộng sản. Tất cả đã thật sự mất gốc rồi! Thôi thì bây giờ bà nên theo chính phủ quốc gia... Thằng Hường và thằng Chi - cả hai đứa đều đã lớn khôn. Theo tôi, bà hãy chọn một cho đi lính. Muốn bay nhảy đi xa và có nhiều tiền thì cho chúng nó đăng lính cộng hòa, hoặc lính dù, biệt động quân... Còn muốn được ở gần nhà, nhưng mà tiền ít, thì cho chúng nó đăng lính nghĩa quân, hoặc địa phương quân... Bởi tôi biết rõ hai đứa chúng nó có tuổi khai sinh nhỏ hơn so với tuổi thực!”. Đó là tình trạng chung của con cái các gia đình sống trong vùng tạm chiếm, không riêng gì anh em tôi. Vì chiến tranh bom đạn triền miên, cho nên mỗi khi có điều kiện đến trường, anh em tôi lại được ba mẹ đút lót tiền nong cho bọn tề ngụy địa phương, làm giấy khai sinh mới, phù hợp với độ tuổi đi học để “hợp thức hóa” những thủ tục cần thiết!

“Quân lực Việt Nam Cộng hòa” ngày càng tiêu hao sinh lực ở khắp các nơi trên chiến trường. Việc đôn quân bắt lính, do vậy, cũng ngày càng gia tăng tới mức gắt sao. Không nói ra, nhưng lòng dạ mẹ tôi lúc nào cũng “như đi trên lửa, như ngồi trên than” khi thấy anh Hai và anh Ba tôi mỗi ngày một lớn thêm lên. Bởi hai anh tôi có thể bị bắt lính bất cứ lúc nào, nếu gã ấp trưởng và lão liên gia làm ngơ, không “bảo lãnh”. Anh Hai tôi nói với anh Ba: “Tình hình căng quá, chắc anh phải bỏ học, vào Kỳ Sanh nhờ chú Chín đưa ra vùng giải phóng”. Anh Ba tôi không đồng ý: “Anh đi bằng cách nào? Từ Tiên Phước đến Lý Tín đâu có gần! Chẵn năm mươi cây số! Và bọn quân cảnh đứng gác đầy đường. Lớ ngớ, bọn chúng bắt tống lên xe nhà binh chở thẳng vô quân trường ngay! Anh cứ ở nhà, chờ qua hết hè hẵng hay...”.

Lúc bấy giờ ở quê tôi Mỹ ngụy đang co cụm lại đề phòng quân giải phóng bất ngờ tiến công. Song việc chủ động đề phòng của chúng vẫn không chống đỡ được tình thế đã tiên liệu trước. Bước sang mùa thu 1972, cách mạng tiến công quận lỵ Tiên Phước. Tôi vẫn còn nhớ đêm hôm ấy, gia đình tôi cùng bao gia đình tản cư khác ở xóm Chùa bị dựng dậy bởi nhũng loạt đạn pháo 130 ly bắn cấp tập vào Đồi cao Phước Mỹ, Chi khi quân sự quận và nhiều sào huyệt khác của địch. Các đồn bót như Dương Ươi, Dương Hợi, Hố Tre, Gò Mè... cũng rền vang tiếng súng tiểu liên và tiếng nổ ùng oàng của thủ pháo. Mờ sáng hôm sau không gian mới yên ắng lại. Đám lính nghĩa quân trên đồn Gò Mè không thay phiên nhau ra về như thường lệ. Cách mạng cũng chẳng thấy đâu. Lâu lâu, những loạt đạn pháo từ dưới Tam Kỳ bắn vu vơ lên ngõ trung tâm quận lỵ...

Khi trời chạng vạng, nhìn sang đồng Cây Thị, tôi thấy nhiều người dắt díu nhau chạy về hướng Núi Sấu. Đó là đám vợ con lính. Mấy người ở xóm Chùa bảo thế. Và họ rủ gia đình tôi cùng họ ra đi. Mẹ tôi lắc đầu. Ông Lam, ông Điệp cũng vậy. Nhưng ngày hôm sau, bà Hai Bảo - vợ ông Điệp, hớt hải chạy đến nhà tôi và nói: “Mọi người ở khu dồn Phước Lộc và các xóm lân cận như Đồng Eo, Hố Đỉa, Hố Tre đã đi di tản sạch trơn rồi! Ở xóm Chùa bà con cũng rục rịch chuẩn bị đi theo! Mình gan lỳ không đi, sau này bọn tề ngụy quy kết này nọ thì nguy!”. Mẹ tôi không chịu. Thế là các gia đình tản cư quê ở Phước Hiệp có người thân tham gia kháng chiến, vì sợ lụy phiền nên vội vã gia nhập vào đoàn người di tản.

Chỉ có mỗi một gia đình tôi ở lại. Chiều hôm sau, có hai người đàn ông đội nón lá, mặc quần áo vải ni - phân màu xám tro tìm đến nhà tôi. Đó là bác Địch ở Đội công tác Phước Kỳ. Còn người thứ hai lạ hoắc, tôi không biết là ai? Mẹ tôi vừa mừng vừa run! Mừng vì lâu ngày mới gặp lại người quen phía “đằng mình”. Run vì bọn tề ngụy biết được sẽ kêu pháo dội thì không có hầm hào trú ẩn nào chịu đựng nổi. Bác Địch cười bảo với mẹ tôi: “Chị chớ có lo xa! Bọn chúng ở dưới Tam Kỳ làm sao nhìn thấy anh em tôi đến đây để mà bắn pháo?”. Bác Địch thắp hương bàn thờ ba tôi rồi an ủi động viên mẹ tôi trước nỗi đau mất mát người thân... Bác Địch bảo: “Ở Phước Hiệp, anh em tôi có nghe tin anh Hường qua đời vì lâm trọng bệnh. Biết, nhưng đành chịu! Mãi đến bây giờ mới có điều kiện về thăm gia đình chị và thắp cho anh Hường nén hương...”. Rồi bác Địch ngồi hàn huyên trò chuyện với mẹ tôi rất lâu. Không dám đi đâu vì sợ pháo bắn vu vơ bất ngờ nên tôi với thằng Cu Đen và thằng Cu Em quanh quẩn ở nhà.

Và nhờ thế mà tôi tình cờ nghe bác Địch với mẹ tôi bàn bạc điều hệ trọng: Cho anh Hai hoặc anh Ba tôi thoát ly đi kháng chiến! “Hiện nay, thằng Chi - tuy là em nhưng lại to con lớn xác hơn anh nó - thằng Hường. Để thằng Chi đi theo các anh thì tôi yên tâm, không phải lo lắng nhiều. Có điều, thằng Hường tuổi khai sinh cũng đã cận kề độ tuổi đi quân dịch, bọn địch lại dòm ngó hoài, tôi rất ngại!”. Mẹ tôi nói. “Theo tôi, chị nên cho thằng Hường đi thì hơn! Bởi thằng Chi ở nhà sẽ đỡ đần cho chị được nhiều việc. Vả lại, Đội công tác Phước Kỳ cũng cần thằng Chi ở lại trong vùng tạm chiếm...”. Bác Địch bảo với mẹ tôi. Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng mẹ tôi đồng ý cho anh Hai tôi nhảy núi lên xanh.

Ngó quanh, chẳng thấy hai anh tôi đâu cả, hỏi ra mẹ tôi mới biết hai anh tôi vô chùa Tế Nam trước khi bác Địch đến nhà. Mẹ sai anh Bốn tôi chạy vào gọi. Nhưng anh Bốn tôi chưa kịp đi thì anh Ba tôi đã về! Anh bảo: “Anh Hai đã đi bộ đội rồi! Ảnh gặp anh cán bộ Tỉnh Đội hôm qua và hẹn chiều nay đi thoát ly. Ảnh sợ mẹ buồn nên không dám nói trước. Khi đêm ảnh lặng lẽ chuẩn bị mọi thứ và đem vô chùa Tế Nam để sẵn. Ảnh nhờ con về xin lỗi mẹ vì đã ra đi đột ngột. Và ảnh cũng nói mẹ đừng quá lo lắng về ảnh. Khi nào hết chiến tranh, ảnh sẽ trở về và đi học tiếp để thi toàn phần Tú tài...”. Nghe anh Ba tôi bảo vậy, bác Địch cười: “Tôi định kéo hắn về Đội công tác Phước Kỳ thì hắn lại bắt mối đi bộ đội tỉnh cho oai! Cái thằng...! Mà thôi, như thế cũng tốt!”. Bác Địch và người đàn ông đi cùng chào gia đình tôi ra về khi trời chập choạng tối. “Chị yên tâm! Cái thời gian khổ ác liệt nhất, qua rồi! Giặc Mỹ đã cút! Và chắc chắn không còn bao lâu nữa thì ngụy cũng sẽ nhào! Thằng Hường đi thoát ly lúc này, cảnh đói cơm lạt muối như hồi sáu chín, bảy mươi, hắn sẽ không bao giờ được nếm mùi đâu! Chị hãy tin tôi...”. Để mẹ tôi khỏi lo, bác Địch bảo thế.

Tối hôm đó, mẹ tôi không ngủ, cứ nằm thao thức hoài. Mẹ trách anh Ba tôi “đồng lõa” với anh Hai, tự quyết “chuyện tày trời”! Rồi mẹ nói với anh Ba tôi: “Anh con không thoát ly đi bộ đội, ở nhà, không trước thì sau cũng bị bắt đi lính ngụy. Vì vậy, mẹ nào có cản ngăn! Giá như hai anh em con cho mẹ biết trước để mẹ giết thịt con gà, làm bữa cơm đạm bạc liên hoan đưa tiễn thì hay biết mấy! Đằng này... Anh Hai con đi, ngoài mấy bộ áo quần, chẳng có đồng bạc nào trong túi!”. Càng kể lể, mẹ tôi càng thêm tủi, cứ sụt sịt khóc... “Nhà có lọ dầu măng mà anh Hai con đi, mẹ không hay biết để đưa cho hắn phòng thân khi cảm lạnh...”. Anh Ba tôi biết lỗi, ngồi im lặng. Pháo tầm xa của địch từ Tam Kỳ bắn lên Tiên Phước, nổ ùng oàng đâu đó rất xa. Dầu vậy, cả nhà tôi cũng chui hết trong hầm trú ẩn. Rồi tôi ngồi tựa đầu vào vai anh Bốn tôi ngủ lúc nào không hay...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx