sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 19: Tướng Cướp Đổi Mạng - Đôi Mắt Quan Tòa II

Cơn bão lớn chưa tới, bà Cực chờ đợi trong sự phập phồng khổ sở. Cũng như ngày hôm qua, bà ngồi bất động trong cái xe lăn phế nhân quen thuộc nhìn xuống đường phố náo nhiệt.

Ngôi nhà của bà là một biệt thự bề thế, nằm chĩnh chện giữa khoảnh đất ngàn mét vuông, trên một con đường đông đúc ở Chợ Lớn. Chung quanh toàn là nhà nhỏ. Biệt thự của bà được xây cất từ trước thế chiến, sau này được tân trang, cơi thêm lầu, sân thượng bê-tông, nhiều bao lơn khoảng khoát, cửa sổ gắn kiếng trong suốt và tiện nghi điện khí, vệ sinh tân tiến. Phòng bà Cực ở góc, ban-công vòng quanh, sáng và chiều đều có nắng. Buổi sáng, bà tắm nắng ở hướng đông. Xế chiều là nắng tây.

Sáng hôm ấy, bà Cực bỗng nóng ruột khác thường. Bà máy mắt liên hồi. Bà nhìn xuống cái sân rộng tráng xi-măng và trồng cỏ non. Không thấy xe hơi của Thế Nhân. Bà lại nhìn cái đồng hồ quả lắc treo trong tầm mắt của bà. Cây kim lớn chỉ con số 10. Đã đến giờ y tá ra bao lơn, kéo xe lăn vào phòng vì ánh nắng sắp gay gắt. Trên mặt đồng hồ còn có ô vuông ghi ngày. Thế Nhân thửa riêng chiếc đồng hồ chỉ ngày âm lịch này để bà Cực khỏi quên 4 ngày ăn chay trong tháng: mồng một, ngày rằm, 30 và 14. Nơi ô vuông nổi bật con số 30 bằng sơn đỏ.

Bà Cực bặm môi, lo lắng. Tại sao lo lắng, bà không hiểu. Theo thường lệ, mỗi tối 14 và 30 âm lịch, Thế Nhân ăn cơm chung với mẹ. Mộng Hiền không phải là Phật tử chính cống, song từ ngày về với chồng đến nay nàng luôn luôn tôn trọng sở thích của mẹ chồng. Nàng ăn chay mặc dầu nàng không ưa. Nàng ăn chung với mẹ và chồng mặc dầu nàng không ưa cả hai.

Sau lưng có tiếng động. Người điều dưỡng hiện ra ở ngưỡng cửa. Bà Cực được 2 nam y tá trông nom thường trực, người ban ngày, người ban đêm. Họ đều đứng tuổi, thạo nghề và tận tụy. Bà Cực không biết tên họ là gì. Dẫu biết cũng bằng không. Vì bà không thể trò chuyện với họ. Thế Nhân đặt tên họ là ông Ngày và ông Đêm, căn cứ vào phiên trực của mỗi người.

Nghe tiếng đằng hắng bà Cực biết là ông Ngày. Sợ bà giựt mình, họ thường đằng hắng trước khi làm việc, ông Ngày từ tốn đắp lại mền len mỏng lên đùi bà, sửa lại gọng kiếng trắng trên mắt bà cho ngay ngắn, đoạn đun xe vào nhà. Bà chớp mắt nhiều cái liên tiếp tỏ dấu cảm ơn khi ông Ngày bế bà ra khỏi xe lăn, đặt nằm trên giường.

Tắm nắng xong, bà nghỉ ngơi một lát rồi dùng bữa trưa. Ông Ngày sẽ bưng nước và thuốc lại cho bà uống, ông đổ từng muỗng nhỏ vào miệng bà. Nhưng hôm nay ông Ngày lại nhăn nhó, ra vẻ mệt mỏi. Mộng Hiền đứng sẵn bên giường. Ông Ngày nói với nàng:

- Nhờ bà trông cụ giùm lôi một lát. Tôi chỉ uống mỗi một tách cà-phê mà ruột đau quặn như muốn đứt. Có lẽ tôi bị trúng gió. Tôi về chích thuốc rồi quay lại ngay. Chậm lắm là 12 giờ trưa...

Mộng Hiền đáp, giọng nàng khả ái đến nỗi bà Cực phải kinh ngạc:

- Chẳng sao đâu. Nếu khỏe thì ông quay lại. Mệt thì thôi. Suốt ngày nay tôi ở nhà. Vả lại, là ngày ăn chay của cụ tôi. Tôi hầu cụ một mình cũng được.

Gớm, con đâu ngoan quá, con dâu thảo quá! Nếu không cấm khẩu bà Cực đã thét một tiếng dè bỉu. Вà đọc thấu gan ruột con dâu. Nó muốn bà chết đứ đừ thì có. Ngoan gì, thảo gì cái hạng đàn bà mọc lông mép và lộ sỉ...

Bỗng dưng bà Cực có ấn tượng thần Chết lởn vởn trong phòng. Bà cần ông Ngày ở lại với bà. Bà cần bất cứ với một sự hiện diện nào, ngoại trừ sự hiện diện của Mộng Hiền. Thế Nhân con ơi, con đi đâu chưa chịu về với mẹ?

Mộng Hiền cười thật tươi:

- Mẹ chờ con một phút. Có chuông điện thoại...

Reng, reng... Tiếng reng reng này thường làm lòng bà Cực ấm lại. Đang ngồi cửng đơ trong ghế, tâm thần trống trải được nghe tiếng chuông điện thoại reng reng bà cảm thấy gần gũi cuộc sống, gần gũi Thế Nhân thêm lên. Thế Nhân ham chơi, song không quên mẹ. Chàng thường kêu điện thoại về nhà, hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Hai người điều dưỡng trò chuyện bằng điện thoại với chàng luôn.

Máy điện thoại được đặt trên bàn giấy ở phòng bên. Mộng Hiền nhấc ống nghe, alô một tiếng rồi hạ xuống, chạy lại khép cửa, cánh cửa ăn thông với phòng mẹ chồng. Bà Cực nằm trên giường, tấm thân của bà bị đống gối mền che lấp, bà không thể theo dõi bằng mắt những gì xảy ra trong phòng điện thoại. Mộng Hiền xoay mặt bà vào tường, bà chỉ nhìn được một phía. Phía tường. Bức tường sơn xám, buồn tẻ và hiu quạnh.

Mắt bà không nhìn thấy nhưng tai bà đã «nhìn thấy». Bà nghe tiếng trả lời ngắn hấp tấp của con dâu. Bà nghe tiếng giày hấp tấp của con dâu. Bà nghe tiếng con dâu đóng cửa. Rồi tiếng trò truyện quá nhỏ, như thầm thì. Cánh cửa bằng ván ép bọc cao su hãm thanh chỉ để lọt ra ngoài những tiếng gió thoảng. Bà Cực nín thở. Thì ra người trong điện thoại không phải là Thế Nhân.

Mộng Hiền:

- Đến đi. Đến ngay đi, em chờ.

Im lặng.

Rồi Mộng Hiền:

- Thằng cha y tá uống cà-phê pha thuốc xố bị Tào Tháo đuổi đã cút rồi. Xừ-lủy cũng đi vắng. Sợ xừ-lủy về hả? Chưa đâu, ít ra xẩm tối mới về, hôm nay có nhiều độ ngựa giựt gân, xừ-lủy mê cá ngựa lắm.

Lại im lặng.

Vẫn Mộng Hiền với giọng nói chua lòm:

- Bọn đầy tớ hả? Làm gì có đầy tờ. Có thằng tài-xế trung thành nhất của xừ-lủy em đã kiếm cớ cho nghỉ việc từ hai tuần trước. Mụ bếp già thì chẳng sao, anh đến nhá!

Mộng Hiền gác điện thoại rồi huýt sáo miệng. Chỉ nghe nhịp điệu rần rật của tiếng huýt sáo đủ biết nàng sướng đến độ có thể nhẩy cà tâng. Mộng Hiền không phải là người dễ vui. Mặt nàng nặng chịch như đeo quả tạ những khi nàng vào phòng mẹ chồng hỏi thăm sức khỏe. Những ngày mới về làm vợ Thế Nhân nàng còn mang nụ cười trên miệng. Đành rằng miệng cười lộ sỉ, biểu lộ sự dâm đãng không kềm chế, nhưng ít ra nàng còn cười, còn vui. Một thời gian sau nàng mím miệng. Từ sáng đến tối không hề cười. Chứ đừng nói là huýt sáo miệng nữa.

Tại sao nghe điện thoại xong nàng lại vui như chim sơn ca? Bà Cực nhắm nghiền mắt. Phần bà nhắm mắt để cố tìm giấc ngủ trước bữa ăn trưa, Phần bà nhắm mắt để giả vờ ngủ...

Mộng Hiền đến bên giường:

- Mẹ, mẹ ngủ rồi hả?

Bà Cực không đáp, Mộng Hiền chép miệng:

- Chỉ làm phiền con, phiền cái... À, bà cụ ngủ say mà tốt... miễn đừng ngủ thẳng một giấc thiên thu là được.

Mộng Hiền lê giép sền sệt ra hành lang. Tiếng động nhỏ dần, chắc nàng đang xuống nhà dưới. Bà Cực cảm thấy đáy miệng mặn chát. Một giọt lệ vừa từ khóe mắt răn reo của bà rớt xuống miệng. Bà chỉ còn nước mắt làm nguồn an ủi trong khi con trai say mê đen đỏ ở trường đua đầy nắng và bụi bặm. Mộng Hiền quên cho bà uống nước. Bác sĩ đã dặn kỹ: bệnh nhân phải được ăn uống đúng giờ, Uống thuốc càng cần đúng giờ hơn nữa.

Bà Cực nghe tiếng xe hơi dưới vườn. Bà đã quá quen tiếng xe hơi của con trai. Thế Nhân hay rú ròn rã trước khi tắt máy. Nhiều người khác cũng rú máy như Thế Nhân, song qua nhĩ tai gạn lọc tinh vi của bà mỗi người có một lối riêng, ông bác sĩ mỗi tuần lái xe đến thăm một lần thường ầm ỹ, vội vã, thằng tài-xế trung thành của gia đình thì có vẻ êm ái, rụt rè hơn. Tiếng rú động cơ của con dâu Mộng Hiền luôn luôn hòa trộn âm thanh gay gắt, dường như điêu toa. Khi Mộng Hiền đi đâu về bà Cực phải bịt tai để khỏi nghe tiếng máy ngoa ngoắt, hỗn xược của nàng.

Tiếng xe hơi vừa nổi lên dưới vườn cũng ngược ngạo như tiếng xe hơi của Mộng Hiền. Ai vậy? Dĩ nhiên, bè bạn của Thế Nhân không đến vào giờ này. Vả lại, từ lâu Thế Nhân không còn tiếp khách nữa. Dẫu là khách rất thân. Chỉ có thể là người đàn ông lạ ấy...

Lạ mà không lạ. Vì không phải lần đầu hắn gọi dây nói cho Mộng Hiền. Hầu như hắn liên lạc bằng điện thoại với nàng hàng tuần. Những lần trước, nghe xong điện thoại, nàng tất tưởi xách xe đi, bỏ luôn giờ cơm, gần tối mời về. Nàng khôn ngoan về trước chồng nửa giờ. Giá nàng về muộn, tình hình vẫn chẳng thay đổi bao nhiêu. Cách đây mấy hôm, bỗng dưng nàng nói với bà:

- Anh con gọi điện thoại, con phải đi gấp. Mẹ ở nhà với chú у tá nhé.

Thế Nhân từng tâm sự với mẹ về gia cảnh của vợ. Nàng bồ côi cha từ tấm bé. Bà mẹ còn trẻ và đẹp đã vứt con cho bên nội để tái giá. Anh em nàng chẳng còn ai. Tứ cố vô thân. Vậy mà đột ngột «anh » nàng xuất hiện?

Giọng suy tư của bà Cực bị ngáng chặn vì tiếng đế giầy nện trên thảm cầu thang. Mộng Hiền lên lầu. Cùng với người đàn ông lạ.

Mộng Hiền dẫn người đàn ông lạ vào tất cả căn phòng trên lầu. Kể cả hai phòng tắm, cửa phòng tắm ở cạnh phòng bà Cực, và ăn thông với phòng bà được gắn một loại bản lề đặc biệt, mở ra thì nó tự động xập vào. Vì thế tiếng mở cửa nó khá độc đáo. Người đàn ông lạ vào phòng tắm của bà làm gì?

Bước chân của hắn nặng chình chịch, tuy chưa nhìn thấy hắn bà Cực đã biết lớn to gấp hai Thế Nhân. Loại đàn ông vạm vỡ vai u thịt bắp này thích hợp với loại đàn bà gầy nhẳng, sặc sụa dâm tính như Mộng Hiền. Chẳng bù với Thế Nhân, da thịt bèo nhèo, xương ròn như xương gà. Bà Cực đâm ra giận mình và giận Trời. Nếu bà không bị bại liệt thì đâu đến nỗi con trai bà rơi vào cạm bẫy hồ ly tinh. Nếu Trời không quá bất công...

Người đàn ông lạ đã vào phòng đặt máy điện thoại. Hai người đang thì thầm bỗng Mộng Hiền cười ré:

- Việc gì phải đóng cửa?

Tiếng người lạ:

- Sợ nghe.

- Nghe thì càng tốt.

- Bậy nào... Đâu, cái ấy em cất đâu?

Máu nóng bừng bừng trên má bà Cực. Bà thu hết nghị lực quay cổ về phía hành lang. Vô ích. Vô ích... Thần kinh cổ của bà đã nghỉ việc từ lâu. Bà không thể quay phải, quay trái, dừng nói tới xây lưng 180 độ nữa. Nước mắt lại rớt vào miệng. Mộng Hiền đã ngang nhiên mang tình nhân vào nhà. Về ngay trước mũi mẹ chồng. Trò chuyện vênh vang. Không khéo chúng nó còn giở trò bẩn thỉu trong phòng con trai bà nữa... Hừ... phòng này kê cái giừờng đôi gắn nệm mút dầy, trải khăn mầu hường. Tấm nệm xứt rụng nhiều chỗ được bà lưu giữ vì là món đồ kỷ niệm, tự bà chọn mua, tự bà đóng giường, tự bà đôn đốc gia nhân khiêng sát góc phòng, gần cửa sổ hướng nam, đêm đêm gió mát rười rượi. Vợ chồng bà nằm trên giường ấy. Bà để lại cho con trai. Hừ... đứa con dâu khốn nạn...

Tiếng giấy sột soạt. Một cái gói nhẹ được đặt trên bàn, Mộng Hiền đang mở.

- Chà... gói gì kỹ thế này.

Gã đàn ông hơi sốt ruột thì phải. Vì hắn bước lui bước tới trong phòng. Thái độ băn khoăn của hắn cho thấy cái gói giấy chứa đựng một vật hệ trọng. Hắn dừng lại, hỏi:

- Em chớp ý kiến này ở đâu?

Bà Cực phải moi óc một phút mới tìm ra nghĩa tiếng «chớp». Chớp là lấy, là đánh cắp. Bà nhớ năm ngoái Mộng Hiền sẵng tiếng với Thế Nhân, nàng tuôn ra những danh từ lạ hoắc, trong đó có tiếng «chớp» được lặp lại nhiều lần, rồi Thế Nhân thở dài, đau khổ «thiếu gì tiếng lịch sự, em dùng tiếng chớp, nói là đánh cắp có đúng đắn hơn không»... Con vua thì lại làm vua, Mộng Hiền xuất thân từ nơi cầu sương điếm cỏ tất ngôn ngữ của nó phải là ngôn ngữ cầu sương điếm cỏ...

Mộng Hiền đáp:

- Trong đống tiểu thuyết anh đưa em đọc. Anh quên rồi sao?

- Ừ nhỉ, anh thật đãng trí.

- Anh đãng trí với ai thì được, còn nếu đãng trí cả với em thì ốm đòn.

- Đâu dám, cưng của anh. Nè em cưng, em mua của ai?

- Trong tiệm lạc-soong.

- Tiệm bán đồ cũ?

- Phải. Lạc-soong nghĩa là bán đồ cũ. Một cửa hàng nhỏ xíu, nằm khuất trong một hẻm nhỏ xíu, tận cùng tận kiệt Chợ Lớn. Chủ tiệm là bà lão Tầu lãng tai, mắt kèm nhèm, nói tiếng Việt câu đươc, câu chăng. Bà lão ra giá, em mua liền, không mặc cả một tiếng. Từ lúc vào đến lúc ra, vẻn vẹn mấy phút đồng hồ. Không ai gặp em.

- Bà lão Tầu?

- Mắt bà ta kèm nhèm đến nỗi tờ bạc một ngàn ngó lầm ra tờ bạc 5 choạc. Anh yên tâm. Bà ta không nhận diện được em. Em lại đeo cặp kiếng híp-py xanh lè, to tổ bố. Ví phỏng bà ta có đôi mắt sáng quắc và trí quan sát phi thường bà ta cũng sẽ ngậm miệng trăm phần trăm. Người Trung Hoa mà anh... Điều em lo không phải là bị nhớ mặt, mà là liệu nó có tốt không, nó có ngon không, nó bị trục trặc thì... bỏ mẹ.

- Nơm bờ oăn.

Tiếng giấy sột soạt đúng một phút. Rồi ngừng bặt. Sau đó là một phút im lặng. Chắc Mộng Hiền và gã đàn ông lạ đang nhìn cái vật được mở ra, tênh hênh trên bàn.

Mộng Hiền phê bình:

- Trông nó méo mó, xấu xí quá, anh ơi!

Gã đàn ông cười rúc rích:

- Có cái méo mó, xấu xí hơn nhiều, em vẫn thích.

- Đồ nỡm.

Có tiếng chùn chụt. Rồi giọng nói cùa gã đàn ông trở nên nghiêm trang:

- Méo mó, xấu xí chẳng hại gì, miễn hồ nó tốt là được. Vả lại, anh chắc nó tốt. Trông nó còn mới toanh. À này... tại sao em mua những một cặp?

- Một cho bà cụ.

- Ừ, em khôn đấy. Làm luôn cả hai thì hơi mệt.

- Còn kẹt nữa là khác, anh ơi. Em đã nghĩ kỹ, cuốn tiểu thuyết của anh cũng tả một truyện tương tự. Anh biết không, bà cụ là cứu tinh của chúng mình đó.

- Cứu tinh?

- Là vì nhờ bà cụ chúng mình mới có thể sống phây phây. Nếu bà ta không bị gì hết, người ta sẽ tưởng là tai nạn. Tai nạn kiểu này xảy ra luôn, mấy tháng lại có một vụ đăng chềnh ềnh trên báo. Nhà chỉ có 3 mống nếu 2 mống bị sụm, riêng em còn sống, dẫu ngây thơ đến đâu người ta cũng ngờ vực.

- Đúng. Anh đinh ninh em kém thông minh, không dè em cừ khôi hơn anh một bực. Mới đầu anh là xếp sòng. Giờ đây, xếp sòng là em. Em điều khiển tất cả...

- Nhưng em chưa biết cách dùng.

- Dễ ợt. Để anh truyền nghề cho em.

Lại có tiếng động. Dường như đàn ông đứng sát người Mộng Hiền rồi có cử chỉ táy máy gì đó khiến nàng mắng yêu «đồ nỡm». Tuy nhiên nàng đang nói thì giọng nàng bỗng yếu hẳn và xa hẳn, bà Cực có cảm tưởng con dâu bà chui đầu vào một cái túi ni-lông.

Lục cục vài tiếng rồi gã đàn ông reo lên:

- Được, em biết cách đeo rồi đấy!

Đeo, Mộng Hiên đang đeo cái gì? Bà Cực cố moi trí não, tìm sự liên hệ giữa tiếng “đeo” và những dụng cụ thường nhật.

Mộng Hiền thở phào:

- Ngạt thở muốn chết, anh ơi!

Gã đàn ông chép miệng:

- Chẳng sao cả. Đeo một vài phút là quen. Nó có bình dưỡng khí riêng mà...

Bà Cực bắt đầu hiểu. Song bà chỉ hiểu lờ mờ. Bà chỉ mới đoán được Mộng Hiền vừa đeo lên một một vật gì làm ngạt thở, nếu không muốn ngạt thở thì phải dùng bình dưỡng khí riêng. Khi ấy cặp trai gái đứng giữa phòng, nếu bà Cực quay được lưng bà có thể nhìn thấy phần nào qua khe cửa mở. Dầu bà không biết rõ vật này là gì, bà cũng phải thốt lên một tiếng kinh ngạc. Vì nó là cái mặt nạ hình thù gớm ghiếc. Mặt nạ màu đen. Đen sì. Bằng cao su với hai lỗ tròn kiếng thay cho mắt, và cái ống dài thòng.

Mặt nạ này là mặt nạ phòng hơi độc. Loại mặt nạ được cảnh sát dã chiến dùng mỗi khi nổ lựu đạn cay mắt để giải tán những sự tụ tập đông đảo bất hợp pháp.

Gã đàn ông hỏi, giọng hơi băn khoăn:

- Em thành thạo chưa?

Mộng Hiền đáp, õng ẹo:

- Rất.

- Vậy anh nhắc lại lặn chót. Em cần bình tĩnh, khi đeo cho bà cụ cần kiểm soát lại xem nó khít không. Chúng mình sẽ bị dính nếu em luýnh quýnh, làm mặt nạ rớt ra ngoài, bà cụ đi tầu suốt luôn với xừ-lủy. Em không nên hấp tấp. Đeo trước khi hành sự chẳng may xừ-lủy tỉnh giấc nhìn thấy thì phiền. Chịu khó chờ một lát hãy đeo.

- Nghĩa là em phải thở cái đó?

- Thở vài ba phút không ngủm đâu mà sợ. Nhưng nó không phải là nước hoa Côty để em thở cho nhiều. Xừ-lủy về chầu ông bà xong xuôi là em rút hết những nùi giẻ bít kín khe cửa ra, nhồi tọng thành một gói, buộc chặt đàng hoàng. Nhất là đừng quên hai cái mặt nạ. Mặt nạ đem cột chung với gói giẻ, em xuống ga-ra, nhét vào cốp xe hơi...

- Còn việc gọi điện thoại?

- Số 17 là số điện thoại của Sở Cứu hỏa. Nhân viên Sở này túc trực suốt đêm, em quay số, đầu dây họ lên tiếng thì em ho sặc sụa rồi vừa ho vừa cho họ biết số điện thoại của em.

- Sau đó em ngã lăn xuống đất...

- Ngã lăn và buông điện thoại tòng teng. Chịu khó thở dốc vài ba tiếng để họ tưởng là em hấp hối. Chớ thở hổn hển nghe.

- Đồ nỡm.

- Anh nói thật đấy, không đùa bỡn đâu.

- Em cũng là tài tử xi-nê có hạng. Anh yên tâm.

- Giỏi. Nhân viên trực sẽ bảo động tức thời cho đội lính cứu hỏa. Họ mất khoảng một phút để coi trong niên giám số điện thoại của em ở đường nào, và khoảng 7 phút từ trụ sở trung ương đến nhà em. Họ lên lầu, phá được cửa để vào phòng thì xừ-lủy đã biến thành cục đá.

- Hừ... em nghe nói sở Cứu hỏa có mấy cái máy dưỡng khí xách tay tiện lợi, nạn nhân bị điện giựt cứng đơ, hoặc bị chìm dưới sông thân thể phồng nước họ chỉ cho thở dưỡng khí và hô hấp nhân tạo một lát là tỉnh. Xừ-lủy được họ cứu sống thì ô-hô... đến phiên chúng mình ngạt thở.

- Anh đã tính đâu vào đấy. Dầu sở Cứu hỏa có cả tấn dưỡng khí với cả chục ông bác sĩ rành hô hấp nhân tạo họ cũng phải khoanh tay.

- Làm cách nào em biết được là xừ-lủy...

- Nhìn mặt xừ-lủy. Khuôn mặt sẽ xanh lè hoặc tím than... Thế nào, em Mộng Hiền, em có chắc xừ-lủy thương yêu em và không viết sẵn chúc thư cất ở nhà một ông chưởng khế ác ôn nào đó tặng hết của chìm của nổi cho viện mồ côi?

- Chắc. Em là vợ chính thức có cưới, có hôn thú đàng hoàng...

- Hôn thú theo chế độ cộng đồng tài sản?

- Cộng đồng. Lại còn tiền bảo hiểm nhân thọ.

- Bảo hiểm ở ngoại quốc.

- Vâng, em làm đúng theo kế hoạch thần sầu của anh. Bảo hiểm ở ngoại quốc mới có nhiều tiền, chứ ở trong nước thì nghèo mạt rệp. Bảo hiểm ở 3 hãng cả thảy, mỗi hãng xêm xêm 200 ngàn đô-la Mỹ. Riêng tiền bảo hiểm nhân thọ của xừ-lủy chúng mình đã đớp gọn hơn nửa triệu mỹ kim. Chưa kể hàng chục món tiền và vàng bạc lỉnh kỉnh khác. Chúng mình sắp sửa giàu sụ.

- Hừm... khi nào xừ-lủy nằm yên dưới đất, tiền bạc rủng rẻng trong túi anh mới dám chắc.

- Anh thì rát như cáy… Chuẩn bị cho thiệt khỏe để... để hưởng tuần trăng mật với em. Chà... chúng mình sẽ được yêu nhau tự do, yêu nhau líp-ba-ga, khỏi phải trốn chui, trốn nhủi. Anh sẽ có xe hơi đua đờ-luých nè, anh sẽ có nhà mát ở Vũng Tàu nè, anh sẽ...

- Thôi, xin can người đẹp. Bà cụ của xừ-lủy ngủ rồi hả?

- Chưa. Chưa ăn cơm trưa thì ngủ sao được.

- Đang ở trong phòng?

- Ừ.

- Chết cha. Phòng bà cụ ở xế cửa phòng chúng mình nói chuyện.

- Có gì mà anh kêu chết cha chết mẹ.

- Bà cụ nghe hết rồi còn gì.

Mộng Hiền cười khẹt khẹt. Lối cười thật ngạo nghễ, thật xấc xược. Nàng thường cười khẹt khẹt những khi bị Thế Nhân kỳ kèo. Nàng bỏ đi chơi lung lung. Thế Nhân đâm ghen. Ghen thoáng nhưng cũng là ghen. Trước sự mè nheo ôn tồn hầu như quá yếu ớt của chồng nàng bật tiếng cười khẹt khẹt.

Nếu là người đàn ông khác thì Thế Nhân đã tát nàng ngậm miệng. Nhưng Thế Nhân là Thế Nhân. Thế Nhân chẳng là gì hết.

Cười khẹt khẹt xọng, Mộng Hiền nói:

- Bà сụ nghe hết từ đầu đến cuối thì đã sao chưa, anh Quang Vinh rát như cáy của em?

Gã đàn ông có tên Quang Vinh tần ngần một phút như để tìm hiểu ý nghĩa câu nói của Mộng Hiền rồi cười theo:

- Anh quên, anh quên... bà cụ nghe được, cũng vô ích, bà cụ nói không được, viết không được, thậm chí làm dấu bằng tay chân không được nữa...

Cả hai cùng cười khoái trá. Tiếng cười của họ như mũi dao nhọn đâm giữa tim bà Cực. Chưa đủ, họ còn ôm nhau hôn một cách ngang nhiên và ồn ào. Quang Vinh nện đế giầy trên cầu thang. Khi đến, hắn bước rụt rè, dường như sợ sệt. Khi về, hắn lộ vẻ bất cần.

Dầu muốn dầu không bà Cực chỉ có một mình. Một mình đương đầu với âm mưu thâm độc và tàn bạo của đôi gian phu dâm phụ nhằm giết con trai bà. Bà bâng khuâng nghĩ đến Thế Nhân.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx