Nhưng mới thoát nạn một nửa.
Kiều Loan đinh ninh ra đường là có thể chuồn một mạch. Té ra bé bị vây bọc tứ bề. Bé ngồi băng sau, một bên là Sáu Hiền, kên kia là Chín Nạm, phía trước có xe, phía sau có xe, xe nào cũng đầy nhóc người. Mặt bé tái mét, bé nghĩ đến diện mạo của ba má khi trở về nhà, bấm chuông cả giờ đồng hồ không thấy bé ra, đành lục xắc lấy chìa khóa riêng mở cửa. Vào nhà, tìm hết phòng này đến phòng nọ cũng không thấy bé. Ba má sẽ giận dữ ghê gớm. Má sẽ gia giảm “tại ba nuông chiều nó nên nó hư, ngang nhiên bỏ nhà đi chơi”. Ba sẽ đáp “tại má nuông chiều, không phải tôi. Đột phiên má la lớn «khổ tôi rồi, ba ơi, không khéo nó lang thang ngoài đường, cặp mắt cận thị, tai hơi nghễnh ngãng, nó bị xe cán cũng nên... giờ khuya, xe cộ chạy như điên... khổ tôi rồi...» Chị Ngọc từng đi chơi đêm nhiều lần, và những đêm chị về muộn má cũng kỳ kèo ba và lo chị bị xe cán. Cho nên đêm nay bé Loan vắng nhà bất thình lình má sẽ nói như vậy...
- Em teo hả?
Sáu Hiền hỏi bé. Teo là cái chắc. Nếu Sáu Hiền thấu hiêu tâm trạng của bé thì còn teo gấp bội. Bé Loan gật đầu nhè nhẹ. Sáu Hiền nhún vai:
- Teo là phải. Trước giờ lâm sự anh là tay đuya còn teo, huống hồ con ghế như em. Nhưng chỉ được quyền teo hơi hơi, teo cho phải đạo thôi, teo nhiều không đặng.
Xe chở Kiều Loan đậu gần một bin-đinh cao lêu nghêu, đèn thắp sáng choang. Những chiếc xe đi sau tốp ở xa, mọi người ngồi luôn bên trong. Sáu Hiền chỉ chiếc xe đua mui trần sơn đỏ leo ngang lề:
- Xế hộp của thằng Năm Ngọt. Nó đến đã lâu. Nó sắp ra rồi đó. Ráng lên em Tư, cả băng trông cậy vào mình em. Em nhớ kế hoạch của anh chứ? Em núp trong tối, khi nó mở máy thì rúc vào cảng xe của nó và ngã lăn kềnh ra đất. Hồi em làm ăn trong băng thằng Lâm thổi-kèn em đã moi địa của hơn một chục thằng chủ xe nhà giầu bằng cách giả vờ bị cảng xe húc té. Phải không, em Tư Phú Thọ?
- Không, không...
- Lại teo rồi. Can đảm lên nào.
Chín Nạm nắm tay bé Loan kéo về phía tường. Tòa nhà đầy ánh đèn, phía bên này lại tranh tối, tranh sáng. Sau bức tường thì quá tối. Sáu Hiền bỗng reo lên:
- Kìa, thẳng Năm vừa ra...
Bé Loan run cầm cập, chân bé đứng không vững. Bé nói lâm râm một mình:
- Không, không... cho em về...
Hai tên du đãng không nghe tiếng than thở tuvệt vọng của bé. Chúng còn bận dán mắt vào gã đàn ông trung niên phục sức bảnh bao khoan thai từ tòa nhà sáng đèn bước ra. Tòa nhà là khách sạn thì phải vì ở cửa có người mặc áo quần đỏ nẹp vàng, đội mũ đính tua kim tuyến lòng thòng đứng gác. Năm Ngọt dừng lại, nhìn bốn phíа, người gác khom lưng chào, cung kính. Năm Ngọt có bộ râu mép gọt tỉa công phu và cái cà-vạt thắt thật tròn trịa, bé Loan mới nhìn thấy đã nẩy cảm tình.
Chín Nạm thì thầm:
- Nó trèo lên xe. Em Tư thấy rõ chưa?
Tiếng động cơ nổ ngon lành. Sáu Hiền xô bé Loan từ bóng tối ra giữa lề:
- Trổ tài đi.
Đèn pha của chiếc xe đua nhấp nhảy làm bé Loan chói mắt. Bị đẩy mạnh bé loạng choạng. Vừa vặn chiếc xe trờ tới, Sáu Hiền dặn bé nằm quay trên đất song bé lại ôm lấy cảng xe. Tài-xế thắng lại ngay và bé Loan ngã ngồi bên lề, nửa sợ sệt, nửa bần thần.
Năm Ngọt hốt hoảng mở cửa xe. Hắn đỡ bé Loan, giọng ngọt ngào (thật đúng với tên Ngọt):
- Cô bị thương không?
Bé Loan lắc đầu. Năm Ngọt tỏ vẻ bực bội:
- Em vô ý quá. Trước khi vượt qua đường phải nhìn hai bên cẩn thận. Vô ý như em thì mặc sơ-mi gỗ như không.
Bé Loan phản đối:
- Thưa ông, dầu em vô ý đến mấy em cũng không bao giờ mặc sơ-mi gỗ.
- Tại sao?
- Vi sơ mi phải may bằng vải.
Năm Ngọt cười. Lối nói ngây thơ của bé Loan thích hợp với bệnh ưa chanh cốm của hắn.
Người gác cửa xua xoe đến gần:
- Thua ông Năm, bọn gái thường giả bộ bị xe cán để vòi tiền. Ông thí cho vài tờ là xong.
Năm Ngọt nhăn mặt:
- Bậy nào, con nhà lành, không phải gái chùa. Anh dìu cô bé vào bin-đinh. Dường như cô ta hơi khập khiễng. Bề nào tôi cũng phải đợi cô ta khỏe hẳn mới đi được. Mau lên, kẻo bọn cớm và nhà báo túa đến thì mệt.
Khách sạn của Năm Ngọt thuộc loại sang. Phòng tiếp tân gồm toàn ghế lót nệm da đỏ êm ái, nền nhà bóng loáng, soi gương thấy rõ nếp răn. Người gác le te kiếm nước ngọt. Năm Ngọt kéo ghế ngồi gần bé, rồi nói, giọng dịu dàng:
- Em chỉ bị sây sát xoàng. Cớ sự xảy ra do lỗi của em, nhưng giờ này anh không muốn tìm trảch nhiệm phải quấy của ai, anh thấy em không bị hề hấn là được. Áo em bị vấy bùn, anh sẵn sàng bồi thường cho em. Đây, em cầm tạm. Một ngàn nhé?
Bé Loan lặng thinh. Áo chị Ngọc bị vấy bùn thì chết. Chị thương áo hơn em ruột của chị. Chị diện đồ soa-rê, bé chỉ đụng nhẹ ngón tay chị đã la rầm nhà “chớ, chớ, cái con quỷ kia, tay mày bẩn như vậy làm hỏng áo đẹp của tao”. Sáng mai thấy áo vấy bùn, chị Ngọc sẽ củng bươu đầu. Thật vậy, chị Ngọc có bàn tay tuyệt đẹp, kép của chị tưởng bàn tay ngọc ngà này chỉ biết dạo dương cầm, họ đâu biết nó còn biết làm một việc khác: việc củng đầu bé Loan.
- Một ngàn không chịu. Thế thì hai ngàn.
Bé Loan tiếp tục lặng thinh.
- Ba ngàn. Ba ngàn, em dư tiền may cái áo đầm mới.
Bé Loan ngước nhìn Năm Ngọt, thách thức:
- Cám ơn ông. Ba má em cấm em nhận tiền của người lạ.
Năm Ngọt lại cười. Trong đời trùm du đãng có lẽ hắn chưa hề gặp ai chê tiền kỳ quặc như bé Loan. Hắn hỏi bé:
- Em bao nhiêu tuổi?
Bé Loan nói dối:
- Trên 15. Tết này là 16.
- 15, 16 tuổi như em mới biết chê ba ngàn bạc giữa lúc người khôn của khó này. Em dễ thương lắm. Đừng kêu anh bằng ông, kêu bằng anh cho nó thân mật. Nè, em còn nhỏ mà ăn mặc như người lớn. Em lại vẽ mặt như đào bát. Thôi, em chê địa của anh, thì anh mời em cụng ly với anh. Được không?
Cái gì chứ cung ly thì được gấp, bé Loan vốn thèm uống quanh năm. Đây là lần đầu bé vào bar. Ba má cho hay bar là nơi bán rượu mạnh, giành riêng cho người lớn, con nít không được bén mảng tới đã đành, ngay cả đàn bà thiếu nữ lá ngọc cành vàng cũng phải tránh xa. Đêm nay, bé trốn ba má, ăn vụng xem sao...
Chú bồi bưng lại hai ly nước nâu vàng. Bé đang bối rối thì chú bồi đặt hai ly cà-rem va-ni cao ngất ngưởng cách bé một mét. Thơm ghê, ngon ghê. Chẳng biết của bé hay của ai, bé xà lại đớp lấy đớp để. Năm Ngọt uống rượu một mình rồi nói:
- Con nít chính hiệu chứ không phải là con nít giả vờ.
Ăn cà-rem xong, bé Loan ngồi đối diện Năm Ngọt. Cuộc tâm tình bắt đầu. Bé kể lại tại sao bé mặc áo của chị, dùng son phấn của chị, và dận giầy của chị. Chẳng qua bé hận người lớn. Bé sắp bước sang kể đến giai đoạn Sáu Hiền kêu điện thoại thì cái đồng hồ quả lắc tai hại boong boong ròn rã.
Thậm cấp chí nguy, 11 giờ. Ba má đã về. Bé tất tưởi xô ghế. Năm Ngọt giữ lại:
- Em đi đâu?
Giọng bé khản đặc:
- Ba má đánh chết.
- Yên tâm, anh sẽ lái đưa em về tận nhà và xin lỗi ba má cho em. Từ lâu anh hằng mong ước được cặp kè một cô em nhỏ bé, ngoan ngoãn để trò truyện tầm phào và khiêu vũ. Em biết nhảy chứ?
- Nhảy đầm à anh. Em cũng biết sơ sơ. Đi được bài cha-cha-cha và sì-lô.
- Vậy anh mời anh em đi nhảy.
Bình sinh bé Loan khoái nhót một cây. Chị Ngọc vẫn thèm đôi cẳng dài, giẻo như kẹo kéo của bé. Bé không học, chỉ nhìn thiên hạ khiêu vũ mà cũng biết. Giỏi nữa là khác. Ba thường thở dài «cái con Loan này học bài tối dạ nhất nước, học nhót lại là thần đồng mạt hạng con ơi...». Bé Loan ham vui, quên phứt ba má. Bé gật đầu hồn nhiên. Năm Ngọt hỏi:
- Anh quen nhiều tiệm nhảy, riêng đêm nay, anh muốn cho em quyền lựa chọn. Em là cô bé Lọ Lem của anh đấy. Nào, em muốn đi nhảy ở đâu?
- Nhà hàng Lọ Lem.
- Chưa hề nghe nói tới nhà hàng Lọ Lem. Em đến Lọ-Lem chưa?
- Chưa.
- Sao em biết?
- Chị em đọc báo. Tiệm nhảy mới khai trương.
- Càng tốt. Để anh hỏi bồi địa chỉ của tiệm Lọ Lem.
@by txiuqw4