sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 02

Chương II: NGUỒN GỐC CỦA VÕ SĨ ĐẠO

Trước hết tôi xin bắt đầu với Phật giáo. Phật giáo trang bị cho võ sĩ đạo một thái độ yên lặng, phó thác mọi việc cho vận mệnh, đó là sự điềm nhiên có tính cách stoic[1] (khắc kỉ, ND) khi đối mặt với nguy hiểm hoặc tai ương, sự coi thường cái sống làm thân với cái chết, sự bình tĩnh phục tùng số mệnh không thể tránh được. Một kiếm khách lỗi lạc (Yagyu Tajima-no-kami, ND) khi biết môn đệ của mình (Tokugawa Iemitsu, tướng quân đời thứ 3 (1604-51, khi còn trẻ, ND)), đã đạt đến chỗ tinh thông nghệ thuật kiếm đạo, đã nói rằng “Ta không còn gì để dạy cho ngươi nữa, từ nay ngươi nên học ở thiền”. Thiền là chữ dịch từ tiếng Phạn Dhyâna, có nghĩa là “nỗ lực của con người qua trầm tư mặc tưởng, tự mình đạt đến lãnh vực tư tưởng vượt qua phạm vi có thể diễn tả bằng lời nói” (theo Lafcadio Hearn 1850-1904, Exotics and Retrospectives, p.84). Phương pháp của thiền là trầm tư mặc tưởng, và theo chỗ tôi hiểu, mục đích của thiền là xác nhận nguyên lý hiện hữu dưới đáy của tất cả mọi hiện tượng, và nếu có thể, tìm cái tuyệt đối và tự điều chỉnh mình cho hợp với cái tuyệt đối đó. Theo định nghĩa này, lời dạy của thiền không còn là giáo nghĩa riêng của một giáo phái nào nữa, bất cứ ai nếu nhận thức được những điều tuyệt đối thì có thể giải thoát mình ra khỏi những hiện tượng có tính phàm tục và tìm ra một thế giới mới cho mình.

Thần đạo phong phú lấp đầy những chỗ mà Phật giáo không cung cấp được cho võ sĩ đạo. Tỉ dụ như trung với chúa quân (vương hầu mà mình phụng sự, ND), tôn kính tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ, là những điều không có trong giáo lí của bất kì tôn giáo nào, nhưng được ghi trong giáo lí Thần đạo, dạy võ sĩ tính phục tùng, đồng thời kiềm chế tính kiêu ngạo của họ. Trong giáo lí của Thần đạo không có quan niệm “nguyên tội”[2] (của Cơ đốc giáo). Ngược lại, Thần đạo tin con người có tính tốt thiên bẩm, xem linh hồn của con người tinh khiết giống như thần thánh, và dạy phải sùng bái đình thờ thần, nơi nghe những lời thần báo. Người nào đến đình của Thần đạo sẽ thấy ở đó có rất ít đối tượng hoặc đồ vật để cúng bái, chỉ có một tấm gương đơn sơ, là trang trí chủ yếu treo ở trong phòng. Lí do vì sao có tấm gương có thể được giải thích một cách dễ dàng. Tấm gương tiêu biểu lòng người, khi hoàn toàn trầm lặng, trong sáng, lòng người sẽ phản chiếu hình dáng thật sự của thần linh. Vì thế, khi một người nào đó đứng lễ bái trước điện, người đó sẽ thấy được hình dáng của chính mình chiếu trong mặt lấp lánh của tấm gương. Hành vi lễ bái như thế đó có nghĩa là “hãy tự mình biết mình” giống với lời thần báo[3] trong điện Delphi cổ Hy Lạp. Trong tôn giáo Hy Lạp cũng như trong Thần đạo Nhật Bản, việc biết mình không ám chỉ tri thức về thân thể con người, cũng không phải là những việc có liên quan đến giải phẫu học hay tâm lí học mà tri thức ở đây là cái có liên quan đến đạo đức, có nghĩa là sự phản tỉnh có tính chất đạo đức của chúng ta. Mommsen (sử học gia người Đức 1817-90, ND) khi so sánh người Hy Lạp và người La Mã đã nói “khi khấn vái, người Hy Lạp đưa mắt nhìn trời vì lời cầu nguyện của họ là những suy tưởng, trong khi đó người La Mã gục đầu trầm tư vì lời cầu nguyện của họ là những lời phản tỉnh”. Quan niệm tôn giáo của người Nhật về bản chất giống người La Mã, nhưng sự phản tỉnh của chúng tôi nghiêng về ý thức quốc dân hơn là ý thức đạo đức cá nhân. Sự sùng bái thiên nhiên trong Thần đạo khiến chúng tôi yêu quí đất nước. Sự sùng bái tổ tiên, truy tìm dòng dõi của mình, đã đưa đến việc xem hoàng gia là nguồn gốc chung của toàn quốc dân. Đối với chúng tôi, đất Nhật không phải chỉ là một mảnh đất cho chúng tôi đào xới ra vàng bạc hay gặt hái lúa gạo, nhưng đây là mảnh đất thiêng liêng nơi đó có thần linh là linh hồn của tổ tiên chúng tôi cư ngụ. Đối với chúng tôi, thiên hoàng không đơn thuần chỉ là người đứng đầu cơ quan trị an của quốc gia pháp trị, hay chỉ là người bảo hộ một quốc gia văn hóa. Thiên hoàng là người đại diện bằng xương bằng thịt của thượng đế trên trái đất này, là người có trong mình cả lòng nhân ái lẫn quyền lực. Nếu điều mà ông Boutmy (khoa học gia về chính trị người Anh, 1835-1906, trong The English people, p.188) nói rằng hoàng gia Anh quốc “không chỉ là đại diện của quyền uy mà còn là hình ảnh tạo lập và là tượng trưng cho sự thống nhất quốc gia” là sự thật như tôi tin, thì điều đó cần phải được nhấn mạnh hai hoặc ba lần hơn, đối với hoàng gia Nhật Bản.

[1] Stoic: Chỉ thái độ xử thế có tính cách cấm dục, khắc kỉ. Môn phái triết học Stoa của Hy Lạp chủ trương về mặt đạo đức mọi người phải tuân thủ nghĩa vụ một cách nghiêm khắc (với thái độ khắc kỉ, cấm dục).

[2] Nguyên tội: Theo “Sáng thế ký” của “Cựu ước thánh kinh”, đây là tội do tổ tiên của nhân loại là Adam phạm phải vì không tuân theo lệnh của thượng đế là không được ăn trái cấm. Nhân loại tất cả đều là con cháu của Adam nên khi được sinh ra ai cũng mang “nguyên tội”, cái tội của tổ tông.

[3] Lời thần báo: Thời cổ Hy Lạp, thần điện Delphi được xem là trung tâm của vũ trụ. Ai muốn nghe lời thần báo, đến điện Delphi viết câu hỏi đưa cho nữ tu sĩ, thì sẽ được nữ tu sĩ cho biết lời thần báo.

Trong đời sống tình cảm của dân tộc chúng tôi, Thần đạo dạy chúng tôi hai đặc tính nổi bật. Đó là ái quốc và trung quân. Arthur May Knapp (nhà nghiên cứu tôn giáo người Mỹ 1841-1921, ND) nói một cách thành thật rằng “trong văn học Hebrew[4], thường khó biết tác giả đang nói về chuyện gì, chuyện về thượng đế hay là về quốc gia, chuyện về thiên đường hay là về Jerusalem, chuyện về đức cứu thế hay là về toàn thể quốc dân?” (trong Feudal and modern Japan, vol.i, p.183). Cách dùng chữ trong tôn giáo dân tộc của chúng tôi cũng có những lộn xộn tương tự. Tôi nói lộn xộn là vì những lời nói đó hết sức mơ hồ đối với một đầu óc luận lí. Thế nhưng, vì tín ngưỡng dân tộc này giới hạn trong bản năng quốc dân và tình cảm dân tộc, nên không bao giờ đòi hỏi một nền triết học có hệ thống hay một nền thần học có tính hợp lí. Tôn giáo này, nói đúng hơn, tình cảm dân tộc mà tôn giáo này biểu hiện, đã nhuộm màu võ sĩ đạo bằng quan niệm trung quân, ái quốc. Những quan niệm này có tác dụng như những kích thích về tình cảm hơn là như những giáo lí. Khác với nhà thờ Cơ đốc thời trung cổ, Thần đạo hầu như không có những qui định chặt chẽ về tín ngưỡng cho những người mộ đạo, mà chỉ có tiêu chuẩn về những hành vi có hình thức thẳng thắn đơn thuần.

[4] Hebrew: Danh từ Hebrew được dùng để chỉ dân tộc Israel.

Liên quan đến những giáo lí đạo đức có ý nghĩa nghiêm chỉnh thì giáo huấn của Khổng Tử (551-479 trước CN, ND) là nguồn phong phú nhất của võ sĩ đạo. Khổng tử giảng ngũ luân, tức là những quan hệ giữa quân thần, phụ tử, phu phụ, trưởng ấu và bằng hữu. Bản năng dân tộc cũng đã biết được những quan hệ này trước khi kinh điển được du nhập từ Trung Quốc. Giáo huấn của Khổng Tử như để xác nhận lại những điều này. Những lời dạy về đạo đức chính trị của Khổng Tử như trầm tĩnh, khoan dung, thêm vào đó sự khôn ngoan trong việc xử thế, rất thích hợp với giai cấp thống trị samurai. Những lời nói có tính cách tao nhã, bảo thủ của Khổng Tử thích ứng với những đòi hỏi của những chính trị gia võ sĩ này. Sau Khổng Tử, có Mạnh Tử (372-289 trước CN, ND), Mạnh Tử đã trở thành chỗ dựa lớn của võ sĩ đạo. Giáo huấn của Mạnh Tử đầy tính thuyết phục, nhiều chỗ có tính dân chủ cao, lay động được trái tim của võ sĩ, tạo ra nhiều cảm tình trong họ. Vì giáo huấn này bị coi như là những tư tưởng nguy hiểm gây xáo trộn có thể đưa đến lật đổ trật tự xã hội hiện hữu nên tác phẩm của Mạnh Tử đã bị cấm trong một thời gian dài. Nhưng lời chỉ bảo của hiền nhân này vĩnh viễn có chỗ ở trong lòng samurai.

Tác phẩm của Khổng - Mạnh là sách giáo khoa chính yếu của thanh thiếu niên và là quyền uy cao nhất trong những cuộc tranh luận của người lớn. Tuy nhiên, người chỉ hiểu biết những lời nói mẫu mực của hai thánh nhân này không được thiên hạ đánh giá cao. Có ngạn ngữ “ham học Luận ngữ mà lại dốt Luận ngữ” để chế nhạo những người chỉ có hiểu biết về Khổng Tử nặng về lý thuyết. Một samurai tiêu biểu (Saigo Takamori 1827-77, ND) gọi “kẻ tinh thông văn học là con mọt sách”, còn có một người khác nữa (Miura Baien 1727-89, ND) đã ví “học vấn như cọng rau hôi, cần phải nấu đi nấu lại mới ăn được. Người đọc sách ít thì ít hôi mùi ta đây là học giả, kẻ càng đọc nhiều thì càng hôi; cả hai đều là chuyện bực mình”. Điều này có nghĩa là tri thức chỉ có giá trị khi tri thức được đồng hóa trong lòng người học và hiện ra trong đặc tính của người đó. Người chỉ có tri thức bị coi như một cái máy chuyên môn. Trí lực được đặt ở dưới tình cảm đạo đức. Con người và vũ trụ được hiểu như có linh hồn và có đạo đức. Võ sĩ đạo không chấp nhận sự phán đoán của Huxley (nhà văn Anh 1825-95, ND) rằng “tiến trình của vũ trụ ở ngoài vòng đạo đức”.

Võ sĩ đạo xem thường những tri thức chỉ là tri thức. Tri thức không phải là mục đích cuối cùng mà là phương tiện để đạt được trí tuệ. Có nghĩa là kẻ không đạt được đến lãnh vực này sẽ bị coi như là một cái máy tiện lợi dùng để sản xuất ra những bài thơ hay những câu cách ngôn theo lời sai bảo của người khác. Vì thế tri thức phải được hiểu là phải đồng nhất với thực hành trong đời sống. Và người giải thích vĩ đại cho giáo lý có tính cách Socrates này là triết gia Trung Quốc, Vương Dương Minh (1472-1528, ND), người chẳng bao giờ mệt mỏi trong việc lặp đi lặp lại chủ trương “tri hành hợp nhất”.

Tôi xin được lạc đề một chút. Trong những võ sĩ có nhân cách cao quí, nhiều người đã bị những lời chỉ dạy của Vương Dương Minh cảm hóa sâu đậm. Những độc giả Tây phương sẽ dễ dàng tìm thấy trong sách của Vương Dương Minh có nhiều chỗ rất giống với “Tân Ước Thánh kinh”. Mặc dầu có sự khác biệt trong cách dùng chữ nhưng câu nói “trước hết hãy tìm đến xứ trời và chính đạo của ngài, và tất cả mọi vật sẽ được thêm vào cho ngươi” đã truyền đạt một tư tưởng có thể tìm thấy ở mọi nơi trong sách của Vương Dương Minh. Một người Nhật (Miwa Shissai 1669-1740, ND) tôn Vương Dương Minh là bậc thầy, đã nói “chúa tể của trời đất, của tất cả mọi sinh vật, cư ngụ trong tim người, sẽ trở thành tấm lòng của người đó; vì thế tấm lòng thành vật sống và sáng ngời mãi mãi”. Lại còn nói “Ánh sáng tinh thần của bản thể lúc nào cũng tinh khiết, không theo ý của con người. Ánh sáng này tự nhiên xuất hiện trong lòng người, nó chỉ bảo cho con người cái nào đúng, cái nào sai, nó được gọi là lương tri; chính nó là ánh sáng tỏa ra từ thiên thần vậy”. Lời nói này thật giống với câu nói của Isaac Pennington (người Anh, theo giáo phái Quaker 1616-79, ND) hay những triết gia khác theo chủ nghĩa thần bí.

Theo tôi, tâm tính của người Nhật hầu như được diễn tả bằng những giáo lí đơn giản của Thần đạo, rất thích hợp cho việc tiếp nhận lời dạy của Vương Dương Minh. Vương Dương Minh đã đưa thuyết “lương tâm vô mậu” (lương tâm không lầm lẫn) đến chủ nghĩa siêu việt cực đoan, chủ trương lương tâm không những phân biệt được chính tà, mà còn có năng lực nhận thức được tính chất của những hiện tượng vật lý và những sự việc thuộc tâm linh. Ông còn đi xa hơn, nếu không nói là đã vượt qua cả Berkeley[5] và Fichte[6], trong chủ nghĩa lí tưởng của ông, ông phủ định sự hiện hữu của sự vật vượt quá sự hiểu biết của con người. Dẫu hệ lí luận của ông bao gồm tất cả những luận lí của duy ngã luận bị phê phán là sai lầm, nhưng nó có sức mạnh nhờ ở niềm tin vững chắc và việc học thuyết này coi trọng đạo đức trong quá trình nuôi dưỡng cá tính và khí chất bình thản là điều không thể phản bác được.

[5] George Berkeley (1685-1753): Triết gia người Ai-len, phủ định sự tồn tại khách quan của vật chất. Ông chủ trương “tồn tại là biết được bằng tri giác”.

[6] Johann Gottlieb Fichte (1762-1814): Triết gia người Đức, có công trong việc hệ thống hóa “Quan niệm luận” dựa trên nền tảng luân lí.

Như vậy, dẫu nguồn gốc của nó là gì đi nữa, nguyên lí chủ yếu mà võ sĩ đạo đã hấp thụ và đồng hóa thì rất ít và rất đơn thuần. Dẫu ít và đơn thuần, những nguyên lí này cũng đủ để cung cấp những chỉ dạy vững vàng về cách xử thế ngay trong những ngày tháng bất an của thời đại bấp bênh nhất trong lịch sử Nhật Bản. Tính tình chất phát và lành mạnh của võ sĩ, tổ tiên của chúng tôi, đã lượm lặt những giáo huấn rời rạc, tầm thường từ những đường lớn và hẻm nhỏ của tư tưởng cổ đại, lấy đó làm món ăn phong phú cho tinh thần, và nương theo đòi hỏi của thời đại, đã tạo ra một đạo làm người mới mẻ, độc đáo từ những giáo huấn đó. Nhà bác học thông tuệ người Pháp, ông De la Mazeliere (trong “Nhật Bản sử luận”, ND) đã tóm tắt ấn tượng của ông về Nhật Bản ở thế kỷ mười sáu như sau.

“Cho đến giữa thế kỷ thứ mười sáu, chính trị, xã hội, tôn giáo ở Nhật Bản tất cả đều ở trong tình trạng hỗn loạn. Nội loạn xảy ra liên tục, cách thức sinh hoạt đã trở ngược lại trạng thái dã man, mọi người cần phải bảo vệ quyền lợi của mình - đã tạo ra ở Nhật những người có thể so sánh với những người Ý ở thế kỷ thứ 16 mà Taine (triết gia người Pháp 1828-93, ND) đã khen là “những người có sức sáng tạo dồi dào, có thói quen quyết định và khởi sự nhanh chóng, có năng lực to lớn trong thực hành và chịu đựng”. Ở Nhật cũng như ở Ý, “những tập quán sinh sống thô bạo của thời trung cổ” đã biến con người thành một con vật vĩ đại “hoàn toàn chiến đấu và phản kháng”. Và đây là lí do tại sao đặc tính chủ yếu của dân tộc Nhật, có sự đa dạng đáng chú ý về tinh thần và khí chất, đã được phát huy cao độ vào thế kỷ thứ 16. Ở Ấn Độ cũng như ở Trung Quốc, người ta được xem khác nhau chủ yếu về khí lực và trí lực, trong khi đó, ở Nhật Bản người ta còn phân biệt nhau bằng cá tính độc đáo của người đó. Cá tính là dấu hiệu của những dân tộc ưu tú và của những nền văn minh đã phát triển. Mượn lời của Nietzsche[7] thường nói là ở châu Á, nói về dân tộc là nói về đồng bằng, nhưng ở Nhật cũng như ở châu Âu, núi non là đại biểu tối thượng của những dân tộc đó.

Sau đây, tôi xin làm rõ đặc tính chung của dân tộc chúng tôi mà Mazeliere đã bình luận. Tôi xin bắt đầu với “Nghĩa”.

[7] Nietzsche (1844-1900): Triết gia người Đức, là người tiên phong của chủ nghĩa thực tồn, có nhiều tác phẩm phê bình (có tính cảnh cáo và ngược thuyết) tôn giáo, đạo đức, ảnh hưởng đến văn hóa, triết học và khoa học hiện đại.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx