sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 03 - 04

Chương III: NGHĨA HAY CHÍNH NGHĨA

Nghĩa, đây là giáo huấn nghiêm khắc nhất trong võ sĩ đạo. Đối với võ sĩ, không có việc gì đáng ghét bằng những hành vi bất chính và những việc làm ám muội. Quan niệm về nghĩa có thể có chỗ sai lầm, hoặc có thể có chỗ hẹp hòi. Một võ sĩ trứ danh (Hayashi Shihei 1738-93, ND) định nghĩa đó là năng lực quyết đoán, “ “Nghĩa” là năng lực phán đoán dũng cảm, không một chút do dự, quyết làm những việc hợp với đạo lí. Khi cần phải chết thì phải chết, khi cần phải đánh thì phải đánh”. Một người khác (Maki Izumi 1813-64, ND) đã nói về “nghĩa” như sau: ““Nghĩa” giống như bộ xương trong thân thể con người. Không có xương, cái đầu không thể ngồi trên đỉnh xương sống được, tay không cử động được, chân không thể đi đứng được. Nghĩa là nếu không có “nghĩa”, con người dẫu có tài năng, dẫu có học thức cũng thành người vô dụng. Có “nghĩa” thì dẫu có thô kệch, vô lễ thì vẫn được coi là “võ sĩ”. Mạnh Tử gọi “nhân” là lòng của con người và “nghĩa” là đạo của con người. Ông than rằng: “Thật là đáng thương cho kẻ thờ ơ, không theo đuổi cái đạo, để mất tâm hồn và không biết tìm lại với đạo. Khi người ta mất chó mất gà, người ta có thể tìm lại được chúng, nhưng khi người ta mất tâm hồn, người ta không thể tìm lại được”. Sau Mạnh Tử ba trăm năm, ở một nước khác, một người thầy vĩ đại (Jesus, ND) đã nói “không thấy nó lờ mờ như chiếu trong gương hay sao?” ẩn dụ rằng ta là con đường của nghĩa mà người đánh mất có thể tìm lại được. Nhưng có lẽ tôi hơi lạc đề. “Nghĩa”, theo Mạnh Tử, đó là con đường thẳng và hẹp mà người ta phải đi để lấy lại thiên đường đã mất.

Trong những ngày cuối của thời đại phong kiến, thái bình kéo dài nên võ sĩ được rảnh rỗi trong cuộc sống, nhờ thế mà mọi thứ ăn chơi và nhiều nghệ thuật điêu luyện đã phát sinh. Ngay cả trong thời đại đó, danh từ “nghĩa sĩ” vẫn được coi ở trên tất cả mọi danh từ mà người ta dùng để chỉ những người tinh thông nghệ thuật và học vấn. Truyện bốn mươi bảy trung thần (sự kiện vào năm 1702, ND), tục gọi là bốn mươi bảy nghĩa sĩ[1], được kể nhiều trong giáo dục quốc dân.

[1] Bốn mươi bảy nghĩa sĩ: Truyện của bốn mươi bảy samurai có chúa tướng bị kẻ gian hãm hại (khiến chúa tướng mắc phải tội tử hình). Bốn mươi bảy người này đã phải sống nhẫn nhục để tìm cách trả thù cho chúa tướng và cuối cùng đã được mãn nguyện. Sau khi trả được thù cho chúa tướng, bốn mươi sáu người đã bị phán tội chết, phải mổ bụng chỉ có người trẻ tuổi nhất được tha mạng suốt đời cúng dường những người đã mất.

Trong thời đại mà mưu mẹo gian xảo được xem như chiến thuật, sự dối trá triệt để được dùng cho chiến lược, đức hạnh của những người đàn ông thật thà chất phác (được gọi là nghĩa sĩ, ND) này lấp lánh sáng chói như viên ngọc và được mọi người ca ngợi không tiếc lời. “Nghĩa” là anh em sinh đôi của “Dũng”, một đức tính khác của võ sĩ. Trước khi nói về “Dũng”, hãy cho tôi một chút thời giờ nói về “giri (nghĩa lý)”, đây là chữ phái sinh của “nghĩa”, đức tính này ban đầu có ý nghĩa chỉ khác với “nghĩa” một chút, sau đó dần dần có khoảng cách, cuối cùng trong dân gian, ý nghĩa của nó đã bị hiểu sai. “Giri” ban đầu được dùng theo nghĩa “đạo lý của chính nghĩa”, nhưng qua nhiều thời đại, nó mang nghĩa của một quan niệm mơ hồ về nghĩa vụ mà thế gian mong muốn người hưởng lợi phải làm. Đầu tiên, ý nghĩa thuần túy, nguyên lai của “giri” rất đơn giản và rõ ràng, đó là nghĩa vụ. Từ đó, người ta nói có “giri” đối với cha mẹ, đối với người trên, đối với kẻ dưới, đối với quần chúng trong xã hội, và v.v. Trong những thí dụ này, “giri” là nghĩa vụ. Nghĩa vụ ở đây không có gì khác hơn là điều mà “đạo lý của chính nghĩa” yêu cầu và ra lệnh cho chúng ta làm. “Đạo lý của chính nghĩa” không phải là những mệnh lệnh tuyệt đối đối với chúng ta hay sao?

Như đã nói ở phần trên, ban đầu “giri” chỉ có nghĩa là nghĩa vụ, ngoài ra không có nghĩa nào khác và tôi dám nói là “giri” phát nguyên từ sự thật trong hành vi của chúng tôi. Tỉ dụ đối với việc phụng dưỡng cha mẹ, tình thương phải là động cơ duy nhất, nếu thiếu tình thương thì cần phải có một quyền uy khác nào đó bắt người ta phải hiếu hạnh; và quyền uy đó được công thức hóa thành “giri”. Việc công thức hóa này là chính đáng vì trong trường hợp tình thương không thúc giục được hành vi đức hạnh, thì chỉ còn có cách nhờ vào trí năng, và lúc đó lí trí sẽ lập tức hành động để thuyết phục về sự cần thiết của một hành vi đúng đắn. Cũng có thể nói giống như thế đối với những nghĩa vụ đạo đức khác. Nếu có người cảm thấy nghĩa vụ là gánh nặng không thích làm thì “giri” sẽ lập tức can thiệp để phòng ngừa người đó trốn tránh nghĩa vụ.

“Giri” được hiểu như thế đó, sẽ giống như một ông giáo nghiêm khắc, tay cầm roi đánh những người lười biếng, bắt phải làm tròn bổn phận của mình. Vì thế nên “giri” chỉ là sức mạnh đứng hàng thứ hai, là một động cơ khi so sánh với giáo lý tình thương trong đạo Cơ đốc, ở đó tình thương là luật pháp, thì nó kém hơn nhiều. Tôi cho rằng “giri” là một sản phẩm do nhiều điều kiện của một xã hội con người tạo ra. Một xã hội trong đó sự phân biệt giai cấp được thiết lập trên những đặc ân không đáng có và trên việc được sinh ra một cách ngẫu nhiên, một xã hội trong đó gia đình là đơn vị, người lớn tuổi được coi trọng dẫu không có tài năng, và tình yêu thương tự nhiên thường bị áp đảo bởi những tập quán tùy tiện do người ta tạo ra. Vì tính chất rất nhân tạo này, “giri” đã thoái hoá thành một cảm giác mơ hồ, thích nghi trong việc biện minh điều này, thừa nhận điều kia, tỉ dụ như trong việc phải giải thích lí do tại sao nếu cần thì người mẹ phải hi sinh tất cả những con nhỏ của mình để cứu trưởng nam; hoặc tại sao đứa con gái phải bán trinh tiết của mình, kiếm ra tiền của để trả nợ cho sự lãng phí của người cha, và những chuyện tương tự như vậy. Theo tôi, “giri” bắt đầu từ “đạo lí của chính nghĩa, nhưng nay thường phải khuất phục trước quyết nghi luận (quyết định hành vi cá nhân là tốt hay xấu dựa trên nguyên lý tổng quát của luân lí, đạo đức, ND) dựa trên quan niệm về nghĩa vụ có tính cách giai cấp. “Giri” lại còn thoái hóa thành một loại lo lắng sợ bị chỉ trích. Scott (nhà văn, thi sĩ người Anh 1771-1832, ND) đã viết về lòng ái quốc như sau: “ Đó là tình cảm cao đẹp nhất, nhưng đồng thời, đó cũng là tình cảm đáng nghi nhất vì đôi lúc nó trở thành cái mặt nạ của những tình cảm khác”. Có thể nói y như thế đối với “đạo lí của chính nghĩa”, “giri” khi bị dùng sai, xa rời đạo lí, sẽ trở thành một cái tên giả quái dị cất giấu trong đó đủ loại ngụy biện và ngụy thiện. Nó dễ dàng biến thành chỗ ẩn náu của những kẻ nhút nhát nếu võ sĩ đạo không có cảm giác đúng đắn và sắc bén về dũng khí, về tinh thần gan dạ và kiên nhẫn.

Chương IV: DŨNG KHÍ, TINH THẦN GAN DẠ VÀ NHẪN NẠI

“Dũng khí” không có giá trị là bao, để được kể như một đức tính nếu nó không được thực hành vì “nghĩa”. Trong “Luận ngữ”, với cách lí luận tiêu cực như mọi khi, Khổng Tử đã định nghĩa “dũng khí” như sau: “Biết điều đúng mà không làm, đó là thiếu dũng khí”. Có thể nói lại câu nói này theo cách tích cực như sau: “Dũng khí là làm điều đúng”. Người ta thường xem “dũng khí” đồng nhất với những hành vi bất chấp mọi nguy hiểm, liều mạng đối mặt với tử thần. Những hành vi thiếu suy nghĩ mà Shakespeare[1] gọi là “con hoang của dũng khí” này của những kẻ cầm võ khí chuyên nghiệp, đã được ca ngợi không đúng. Nhưng “dũng khí” trong võ sĩ đạo không phải như thế. Chết vì những điều không đáng chết bị gọi là “cái chết của con chó” (Inujini). Platon[2] định nghĩa dũng khí là “sự biết rõ những việc phải sợ và những việc không cần phải sợ”. Lãnh chúa xứ Mito (Mito Komon 1628-1700, ND), người chưa từng nghe tên Platon bao giờ, nói như sau: “Xông pha nơi trận mạc và bị giết ở đó, đó không phải là việc khó, người lỗ mãng nào cũng có thể làm được. Nhưng biết sống lúc cần phải sống, biết chết lúc cần phải chết, mới đúng là “dũng khí” vậy”. Ở Tây phương, người ta phân biệt dũng khí về thân thể và dũng khí về đạo đức. Chúng tôi cũng biết được sự khác biệt này từ lâu. Những thiếu niên được sinh ra trong gia đình võ sĩ có ai không biết sự khác nhau giữa “đại dũng” và “cái dũng của kẻ thất phu” đâu.

[1] William Shakespear (1564-1616): Thi sĩ, kịch tác gia vĩ đại của Anh quốc. Ông có bốn đại bi kịch nổi tiếng là “Hamlet”, “Othello”, “Vua Lear” và “Macbeth”. Ngoài ra ông cũng có những bi kịch, hài kịch nổi tiếng khác như “Romeo và Juliet”, “Người lái buôn thành Venice” v.v.

[2] Platon (427 trước CN-347 trước CN): Triết gia Hi Lạp, đệ tử của Socrates và là thầy của Aristotle. Platon và Aristotle được xem là sư tổ của triết học phương Tây.

Cương nghị, nhẫn nại, can đảm, gan lì, dũng khí là những phẩm chất tinh thần dễ gây chú ý trong lòng những võ sĩ trẻ tuổi, và những người trẻ đã được huấn luyện để có được những đức tính này qua thực hành và qua những thí dụ mẫu mực. Đây cũng là những đức tính được ưa thích nhất, được tranh đua trong giới trẻ từ lúc còn thơ. Những truyện quân kí được kể đi kể lại từ lúc còn ở trong lòng mẹ cho đến khi dứt sữa. Đứa trẻ nào khóc la khi gặp đau đớn chắc chắn sẽ bị mẹ rầy. “Chỉ đau đớn một chút mà cũng la khóc lên à. Sao mà nhút nhát như thế! Ra ngoài chiến trường nếu bị chặt đứt tay thì làm sao hả? Nếu bị ra lệnh phải mổ bụng thì làm sao hả?”. Chúng tôi ai cũng biết câu chuyện cương nghị cảm động của một samurai trẻ (tên Chimatsu, ND) trong vở kịch Kabuki “Sendai hagi”, khi gặp đói đã nói với tiểu đồng như thế này: “Ngươi hãy xem những con chim con trong tổ, cái mỏ vàng của chúng mở thật là rộng. Mẹ chúng mang sâu bọ đến cho chúng ăn kìa. Bọn chim con thật là sung sướng, thật là tham ăn. Nhưng với samurai, khi bụng mình rỗng không mà cảm thấy đói thì thật là nhục nhã”. Ngoài ra còn có nhiều chuyện nhi đồng nói về tinh thần chịu đựng và dũng cảm, tuy đây không phải là phương pháp duy nhất được dùng để nuôi dưỡng tính can đảm và gan lì khi còn nhỏ. Cha mẹ nghiêm khắc đối xử với con, nhiều lúc gần như tàn khốc theo kiểu “sư tử hất con xuống vực sâu” để luyện tập cho con tính can đảm. Con của samurai bị bỏ xuống vực thẳm của khổ sở và khó khăn, bị khuyến khích làm những việc khó nhọc kiểu Sisyphus[3]. Đẩy ra ngoài trời lạnh, hoặc bỏ đói thường được xem như những cách huấn luyện rất hiệu quả trong việc tập cho trẻ tính nhẫn nại. Sai trẻ đi việc đến những chỗ xa chưa từng biết, hoặc đánh thức trẻ dậy sớm trước rạng đông, tập đọc trước bữa cơm sáng, hoặc bắt trẻ đi chân không đến nhà thầy dạy trong những ngày đông giá lạnh. Trong ngày lễ cúng “thần học vấn”, hoặc một tháng một hai lần, bọn trẻ thường tập hợp lại thành những nhóm nhỏ thay phiên nhau ê a tập đọc suốt đêm. Trò chơi được bọn trẻ ưa thích là đi xem những chỗ buồn bã rùng rợn, tỉ dụ như chỗ hành hình tội phạm, bãi tha ma, hoặc nhà có ma quỉ. Trong những ngày mà tội phạm còn bị chặt đầu công khai trước quần chúng, bọn trẻ không những bị đưa đi xem cảnh rùng rợn này mà đôi lúc chúng còn bị ra lệnh đi đến chỗ đó một mình vào ban đêm, để dấu của mình lại trên đầu lâu.

[3] Sisyphus: (trong thần thoại Hy Lạp) Sisyphus biết chuyện xấu của thần tối cao Zeus và đem nói cho cha mình biết nên bị thần Zeus ghét. Sau khi chết Sisyphus bị đưa đến Tartarus phục dịch việc khiêng đá lên núi. Khi Sisyphus khiêng đá lên đến đỉnh, thì thần Zeus lại hất cho đá rơi xuống núi. Vì vậy nên Sisyphus phải vĩnh viễn lên xuống khiêng đá lên núi.

Cách huấn luyện kiểu siêu - Sparta[4] này, “luyện tập cho dạn dĩ”, làm nhà giáo thời nay phải kinh hoàng, tạo ra trong lòng họ nỗi sợ hãi và nghi ngờ - nghi ngờ rằng cách dạy này sẽ chỉ làm cho trẻ trở nên hung bạo, và chỉ làm mất tính đa cảm của con tim khi còn trong trứng nước, phải không? Sau đây chúng tôi xin khảo sát những khái niệm khác về “dũng khí” trong võ sĩ đạo.

[4] Sparta (8 thế kỉ trước CN - 3 thế kỉ trước CN): Quốc gia đô thị cổ Hi Lạp, có chế độ giáo dục thiếu nhi hết sức nghiêm khắc. Giáo dục Sparta nhắm mục đích đào tạo con người có tinh thần và thân thể cường tráng, có lợi cho quân sự.

Ngoài mặt tinh thần của “dũng khí” được biểu lộ bằng sự trầm tĩnh, tức sự tỉnh táo của con tim. Bình tâm là trạng thái yên tĩnh của “dũng khí”. Bình tâm là biểu hiện tĩnh, và hành vi gan dạ là biểu hiện động của “dũng khí”. Người dũng cảm thật sự là người lúc nào cũng trầm tĩnh, không bao giờ hốt hoảng; không có việc gì có thể làm tinh thần của người đó dao động. Tỉnh táo trong lúc chiến đấu ác liệt, không kinh hoàng hấp tấp khi gặp thiên tai. Không run sợ trước động đất, coi thường giông tố bão bùng. Chúng tôi khâm phục người dũng cảm thật sự, đó là người lúc nào cũng vững lòng, có thể làm thơ trong lúc nguy hiểm cận kề, có thể ngâm thơ trong lúc trực diện với tử thần. Giọng ngâm và bút tích lúc đó vẫn như lúc bình sinh, không có gì thay đổi. Đó là bằng chứng của một bản tính thơ thới. Chúng tôi gọi đó là tinh thần thơ thới (tiếng Nhật gọi là “yoyu”, ND), một tinh thần không vội vàng, không lo lắng, lúc nào cũng có chỗ trống cho một vài vật nữa vào.

Một câu chuyện được truyền tụng như sự thật lịch sử, kể rằng Ota Dokan (1432-86), người kiến thiết thành Edo (Tokyo ngày nay, ND) đã bị thích khách dùng giáo đâm vào mình. Thích khách biết ông ta thích thơ ca nên trong khi đâm đã ngâm một câu thơ như sau.

“Ôi, những lúc này, lòng mình mới tiếc mạng”.

Nghe câu này, người anh hùng sắp tắt thở, không để ý gì đến vết thương chí mạng ở bên hông, đã ngâm thêm câu thơ.

“Đã nhiều lần, biết mạng mình tợ như lông”.

Trong “dũng khí” cũng có yếu tố vui tính. Chuyện nghiêm trọng đối với người thường, nhiều khi chỉ là một trò chơi đối với người dũng cảm. Trong những trận chiến ngày xưa không hiếm gì chuyện những kẻ chiến đấu làm thơ đối đáp hoặc tranh nhau chơi chữ. Chiến đấu không phải chỉ là vấn đề bạo lực mà đó cũng là vấn đề tranh đua trí tuệ với nhau.

Cuối thế kỷ mười một, trong trận đánh với đoàn quân từ miền đông đến ở bên bờ sông Koromo, đại tướng Abe Sadato (1019-62) đã thua chạy. Đại tướng của đoàn quân miền đông là Minamoto Yoshi-ie đuổi theo sát nút, lớn tiếng gọi với theo “samurai mà đưa lưng cho địch xem thì thật là nhục nhã”. Sadato gò cương ngựa lại nên Yoshi-ie liền hứng khẩu ngâm.

“Koromo[5] (áo xống, ND) bị tuốt thành vải vụn”.

Còn đang ngâm chưa dứt, bại tướng Sadato không một chút nao núng, đã ngâm tiếp để hoàn thành bài thơ.

“Xài lâu nên chỉ bị ăn mòn”.

Cây cung của Yoshi-ie (1039-1106) đang cong mình chờ lúc nhả tên, nhưng bất ngờ Sadato chạy mất. Bộ hạ nhìn thấy hành vi kì lạ của chủ tướng, hỏi lí do tại sao. Yoshi-ie đã trả lời rằng “bị địch đuổi ráo riết mà lòng vẫn bình thản, làm sao ta có thể làm nhục một người kiên cường như thế được”.

Antony và Octavius cảm thấy bi ai trước cái chết của Brutus[6], đó là cảm giác thường có ở những dũng sĩ. Kenshin (1531-78) chiến đấu với Shingen (1520-73) mười bốn năm trời, đã khóc hu hu khi nghe Shingen bị bệnh mất, vì đã bị mất đi một kì phùng địch thủ. Kenshin là người lúc nào cũng đối xử hết sức cao thượng đối với Shingen. Lãnh địa của Shingen là vùng đất núi cách xa biển, nên phải nhờ dòng họ Hojo vùng Tokaido cung cấp muối ăn. Tuy không ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng để làm cho Shigen yếu đi, dòng Hojo đã cắt đứt mọi đường mậu dịch cung cấp nhu yếu phẩm cho Shingen. Kenshin nghe được tình trạng khó xử của địch, biết muối là vật có thể tự cung cấp từ bãi biển thuộc lãnh địa của mình, nên đã viết thơ cho Shingen trách dòng Hojo đã dùng thủ đoạn hèn hạ và nói rằng tuy đang giao chiến nhưng sẽ ra lệnh cho dân của mình cung cấp đầy đủ muối cho Shingen và thêm rằng: “Ta chiến đấu với các hạ bằng gươm giáo, chứ không phải bằng muối gạo”. Lời nói này đủ sức đối chiếu với lời nói của Camillus (tướng lãnh La Mã 446 trước CN – 365 trước CN, ND) rằng “Chúng ta, người La Mã chiến đấu bằng sắt chớ không phải bằng vàng”. Nietzsche nói đúng tâm tình của samurai khi viết rằng: “Ngươi hãy hãnh diện vì địch thủ của ngươi; và như vậy thì sự thành công của địch thủ sẽ là sự thành công của ngươi”. Thật vậy, dũng khí và danh dự là những giá trị đòi hỏi ở kẻ địch trong thời chiến, đồng thời cũng là giá trị cần có để xứng đáng là bạn bè trong thời bình. Khi dũng khí đạt đến mức cao như thế, ý nghĩa sẽ gần với chữ “nhân”.

[5] Koromo: Là tên của con sông, lại có nghĩa là áo xống. Yoshi-ie đã chơi chữ ở đây.

[6] Brutus (85TCN-42TCN): Nghị viên Nguyên lão viện La Mã, giữ vai trò chỉ đạo trong việc mưu sát Ceasar. Sau khi ám sát Ceasar, Brutus đã cùng với Cassius chạy qua Hi Lạp, nhưng đã bị Antony và Octavius đuổi theo đánh bại nên đã tự tử (năm 42 trước CN).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx