sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 05

Chương V: NHÂN, TẤM LÒNG TRẮC ẨN

Yêu thương, khoan dung, đồng tình và thương hại được xem như những đức tính tối thượng, thuộc tính cao cả nhất của linh hồn con người. Nhân có thể được xem là đạo đức của bậc đế vương trong hai nghĩa: Trước hết nó chiếm vị trí đế vương trong những đức tính cần phải có của một tâm hồn cao thượng; thứ đến đặc biệt nó là cái đức cao cả hơn hết, thích hợp với chức vụ của kẻ làm vua. Để diễn tả bằng lời nói chắc chúng ta cần phải nhờ đến Shakespeare, rằng “Lòng từ bi thích hợp với đế vương hơn vương miện, lòng từ bi có ảnh hưởng mạnh hơn sự cai trị bằng quyền lực”. Nhưng để cảm nhận bằng con tim, chúng ta cũng như mọi người trên thế giới không nhất thiết phải cần đến Shakespeare. Khổng Tử cũng như Mạnh Tử đã nhiều lần lập lại rằng đòi hỏi cao nhất ở người cai trị là “nhân”. Khổng Tử nói “Quân tử trước hết phải rèn luyện đức tính, có đức sẽ có người, có người sẽ có đất, có đất sẽ có tài sản, có tài sản sẽ có chỗ dùng. Đức là gốc, tài sản là ngọn”. Lại còn nói: “Không có thần dân nào không ưa thích việc nghĩa dưới một đế vương có lòng nhân”. Mạnh Tử nói rõ hơn về việc này: “Có chuyện kẻ bất nhân lấy được một nước, nhưng không có chuyện cả thiên hạ bị rơi vào tay của một kẻ thiếu đức”. Lại còn nói: “Không làm cho dân tâm phục thì không thể thành vua”. Khổng Tử và Mạnh Tử đều nói rằng điều kiện không thể thiếu của người cai trị là “nhân” - nhân tạo ra người”.

Dưới chế độ phong kiến, chính trị dễ thoái hoá thành chế độ quân phiệt. Trong trường hợp đó, chỉ có “nhân” là có thể giải phóng chúng ta từ chế độ chuyên chính tồi tệ nhất này. Khi nhân dân hoàn toàn giao sinh mạng và thân thể của mình cho chúa quân mà chúa quân lại cai trị một cách tùy tiện, thì kết quả tất nhiên của việc này là sự phát triển của chủ nghĩa tuyệt đối, thường được gọi với cái tên là “chính trị chuyên chế Á đông” tuồng như trong lịch sử Tây phương không có ai là bạo chúa cả!

Tôi nhất định không ủng hộ bất cứ chế độ chuyên chế nào; nhưng sẽ là sai lầm khi xem chế độ chuyên chế và chế độ phong kiến là một. Đại vương Frederic[1] nói: “Vua là đầy tớ hạng nhất của quốc gia”. Lời bình luận của những học giả luật pháp là đúng khi cho rằng lời nói này cho biết một thời đại mới đã đến trong sự phát triển của chủ nghĩa tự do. Ngẫu nhiên gần như cùng một lúc, trong vùng Tây Bắc xa xôi hẻo lánh của Nhật Bản, lãnh chúa Yozan (1752-1822) của Yonezawa đã có một câu tuyên bố giống y như vậy. Điều này chứng tỏ chế độ phong kiến không phải hoàn toàn là chế độ chuyên chế, áp bức. Chúa quân thời phong kiến tuy không ý thức được nghĩa vụ tương hỗ của mình đối với thần dân, nhưng đã cảm thấy mình có trách nhiệm lớn lao đối với tổ tiên và thượng đế. Vua là cha của thần dân, trời tin vua và giao phó thần dân cho vua. “Thư kinh”, cổ điển của Trung Quốc có nói: “Dân đã tấu với thượng đế khi nhà Ân làm mất lòng dân”. Trong sách “Đại học”, Khổng Tử dạy rằng: “Hãy thích điều dân thích, ghét điều dân ghét, người như vậy mới đúng là bậc cha mẹ dân”. Như thế, dư luận của quần chúng và tư tưởng của quân chủ, hay nói cách khác chủ nghĩa dân chủ và chủ nghĩa tuyệt đối đã hoà hợp lẫn nhau. Võ sĩ đạo cũng có chỗ giống như vậy. Trong một cách hiểu khác với ý nghĩa thông thường mà từ ngữ này biểu hiện, võ sĩ đạo đã thừa nhận và củng cố chế độ phụ quyền - phong cách của người cha như đối chọi với chế độ thúc quyền không mấy được quan tâm (chính trị của Uncle Sam!). Chế độ chuyên chế và chế độ phụ quyền khác nhau ở chỗ trong chế độ chuyên chế, người dân phục tùng một cách miễn cưỡng, ngược lại trong chế độ phụ quyền, người dân “hãnh diện trong quy thuận, có phẩm cách trong vâng lời, và tuy là thần hạ phải phục tùng, nhưng phục tùng trong tinh thần tự do cao”. (câu nói của Burke, sử gia người Anh, trong tác phẩm “Cách mạng Pháp”, ND). Có câu tục ngữ xưa không hoàn toàn sai khi gọi vua Anh là vua của ác ma vì thần hạ thường nổi loạn và bắt vua phải thoái vị, gọi vua Pháp là vua của những con lừa vì bắt dân đóng góp nặng nề và đánh thuế dân vô giới hạn, gọi vua Tây Ban Nha là vua của con người vì nhân dân vui lòng vâng lời vua.

[1] Đại vương Frederic (1712-1786): Minh quân xứ Prussia, có công lớn trong chiến tranh thống nhất nước Đức.

Nhưng tôi xin dừng lại ở đây.

Đối với những người Anglo - Saxon, có lẽ đạo đức và quyền lực tuyệt đối là hai thứ không thể dung hòa với nhau. Pobyedonostseff (chính trị gia người Nga, ND) đã nói rõ sự tương phản về nền tảng giữa xã hội Anh và những xã hội Âu châu khác. “Xã hội của những quốc gia Âu châu ở đại lục đặt nền tảng trên lợi ích chung của toàn dân, trong khi đó, đặc sắc của xã hội Anh quốc là coi trọng nhân cách độc lập được phát triển cao độ.” Ông còn nói. “Trong những quốc gia ở đại lục châu Âu, đặc biệt trong những dân tộc hệ Slaves[2], nhân cách cá nhân thường phụ thuộc vào quan hệ xã hội, và cuối cùng là phụ thuộc vào quốc gia”. Điều này hết sức đúng đối với người Nhật. Ở Nhật, Thiên hoàng được tự do sử dụng quyền lực, không phải để ý đến áp lực nặng nề nào như ở châu Âu. Thế nhưng, Thiên hoàng lấy tình cảm của cha đối với con để đối đãi với thần dân. Bismarck (thủ tướng Phổ, 1815-98, có công lớn trong sự nghiệp thống nhất nước Đức, ND) nói “đòi hỏi quan trọng nhất của chế độ chuyên chế là người thống trị phải vô tư, chính trực, coi trọng nghĩa vụ, có nghị lực và biết khiêm nhường”. Xin được phép có thêm một trích dẫn nữa về vấn đề này. Một câu trong bài diễn thuyết của hoàng đế nước Đức ở Coblenz: “Vương vị là địa vị được thượng đế ban cho với những nhiệm vụ nặng nề và những trách nhiệm to lớn đối riêng với thượng đế mà không có một người nào, không một đại thần nào, không có một nghị viện nào có thể giải phóng quốc vương ra khỏi những nhiệm vụ và trách nhiệm này”.

[2] Hệ Slaves: Gồm những nước như Serbia, Bungaria, Nga v.v.

“Nhân” là đức tính hiền dịu ôn hòa, giống như mẫu tính. Nếu đạo nghĩa có tính thẳng thắn, chính nghĩa có tính khắc nghiệt được xem như nam tính, thì nhân ái có tính hiền hòa được xem như nữ tính, là điều có đủ sức thuyết phục. Chúng ta được khuyên không nên chìm đắm trong nhân ái mù quáng không đặt căn bản trên đức nghĩa và chính nghĩa. Masamune (lãnh chúa xứ Sendai 1567-1636, ND) thường trích dẫn câu cách ngôn diễn tả đúng điều này. “Nghĩa quá độ sẽ thành cứng nhắc. Nhân quá độ sẽ chìm trong yếu đuối”.

May thay, lòng nhân đẹp nhưng không hiếm hoi bởi có câu nói: “Kẻ gan dạ nhất là kẻ hiền hòa nhất, người nhân ái nhất là người dũng cảm nhất”. Đó là chân lý phổ biến xưa nay. “Bushi no nasake” - lòng trắc ẩn của võ sĩ - là từ diễn tả tình cảm cao quí của võ sĩ, tạo ra trong lòng chúng tôi ấn tượng đẹp. Lòng nhân ái của võ sĩ, về chủng loại, không khác gì với lòng nhân ái của người khác. Nhưng trong trường hợp của võ sĩ, đó không phải là tình cảm mù mờ, mà đó là lòng nhân ái không quên chính nghĩa, không phải là biểu hiện của xúc động, đó là lòng nhân ái mà ở sau nó, có quyền sinh sát đối với kẻ địch. Các nhà kinh tế thường nói về nhu cầu nào có hiệu quả hay nhu cầu nào không có hiệu quả, tương tự như vậy, ta có thể nói tình thương của võ sĩ là tình thương có hiệu quả vì nó có năng lực tạo ra hành động có thể đem lại lợi ích hoặc gây tổn hại cho đối phương.

Võ sĩ hãnh diện về việc có sức mạnh võ lực và có đặc quyền sử dụng sức mạnh đó. Đồng thời võ sĩ cũng thừa nhận sức mạnh của tình thương mà Mạnh Tử đã dạy: “Nhân nhất định sẽ thắng bất nhân, giống như nước thắng lửa. Làm việc nhân đức giống như việc dùng một ly nước để dập tắt ngọn lửa của một xe củi đang cháy, không ai ngờ rằng sức mạnh của nước có thể làm tắt lửa”. Lại còn nói: “Lòng trắc ẩn là gốc rễ của lòng nhân”. Cho nên người có lòng nhân lúc nào cũng lưu ý đến những người đau khổ, buồn phiền. Xa xưa, Mạnh Tử đã giảng dạy như thế đó, trước khi Adam Smith (thủy tổ của kinh tế học cổ điển, đồng thời cũng là triết gia luân lí, người Scotland 1723-90, ND) xây dựng nền tảng triết học đạo đức của mình trên lòng thương hại.

Quy định về danh dự của võ sĩ ở một nước sao lại có chỗ giống với qui định ở nước khác đến mức bất ngờ. Nói cách khác, trong những quan niệm đạo đức của Á Đông bị nhiều người phê phán, có nhiều chỗ trùng hợp với cách ngôn cao quí nhất trong văn học Tây phương. Thi nhân La Mã có những câu thơ nổi tiếng như sau:

“Để yên kẻ bại.

Đập tan kẻ chống

Thiếp lập hòa bình.

Sự nghiệp của ngươi”.

Một thân sĩ người Nhật khi xem bài thơ này chắc hẳn sẽ nghĩ thi nhân đã đạo văn từ văn học của nước mình.

Lòng nhân ái đối với kẻ yếu, kẻ kém, kẻ thua là đức tính của samurai được đặc biệt tán thưởng. Ai yêu thích mỹ thuật Nhật Bản chắc đã có lần nhìn thấy một bức tranh vẽ một ông sư quay lưng ngồi trên lưng bò. Chính ông sư này là một võ sĩ dũng mãnh ngày xưa, mọi người khi nghe tên (Kumagai Jiro Naozane, ND) đều phải run sợ. Trong trận đánh khủng khiếp ở Sumanoura vào năm 1184 (giữa dòng Minamoto và dòng Taira, ND), trận đánh có tính quyết định trong lịch sử Nhật Bản, mãnh tướng Kumagai đuổi theo địch, và chỉ cần đánh qua loa, ông đã bắt và siết chặt được địch vào trong cánh tay to tướng, lực lưỡng của mình. Phép cư xử ở chiến trường chỉ rằng trong trường hợp như thế này, chỉ được giết đối phương nếu đối phương là võ tướng có thứ bậc hoặc đối phương cũng có sức mạnh không thua mình. Kumagai tự xưng danh và hỏi danh tánh của đối phương. Đối phương đã từ chối không cho biết nên Kumagai đã hất mũ chiến của đối phương lên nhìn. Khi biết đối phương chỉ là một thiếu niên mặt còn non choẹt, tuấn tú, không râu, ông ta kinh ngạc lỏng tay buông đối phương xuống chân mình rồi nói với giọng của một người cha. “Được rồi, tao tha mạng cho mày, chạy về chỗ mẹ mày đi!. Lưỡi gươm của Kumagai này không muốn nhuộm máu của một thằng bé như mày. Nhanh lên! Địch còn chưa thấy mày. Trốn nhanh lên”. Nhưng samurai trẻ đã từ chối và xin Kumagai vì danh dự của cả hai, hãy chặt đầu mình ở nơi đó. Lưỡi gươm lạnh đã nhiều lần lấy đầu kẻ địch, lóe sáng trên vầng tóc hoa râm của Kumagai, nhưng hình ảnh của đứa con trai của ông, thằng Kojiro ngày hôm nay lần đầu tiên theo tiếng kèn ra trận, đã hiện ra trước mắt ông khiến ông mềm lòng, tay run rẩy; một lần nữa ông đã khuyên kẻ địch chạy trốn. Thấy lời van nài của mình không có kết quả, lại biết binh lính phía mình sắp đến, ông đã hét to lên, “Nếu như thế này, thà ta xuống tay còn hơn là để một kẻ vô danh tiểu tốt giết ngươi. Chuyện cúng dường! Ta sẽ lo. Nhất niệm di đà phật, tức diệt vô lượng tội”. Lưỡi gươm lóe sáng trên không, chợt vung xuống nhuộm đỏ máu người võ sĩ trẻ. Trận chiến chấm dứt, Kumagai trở về trong chiến thắng. Nhưng ông đã không còn nghĩ gì đến huân chương, danh vọng. Ông đã từ bỏ nghề võ, cạo đầu, mặc áo cà sa, suốt đời hành hương, niệm Tây phương tịnh độ, cầu sự cứu rỗi và thề không bao giờ quay lưng về hướng Tây.

Những nhà phê phán có thể chỉ trích nhiều khuyết điểm có tính ngụy biện trong câu chuyện này. Dẫu sao, câu chuyện này đã lấy lòng khoan dung, thương hại, và tình thương làm đặc trưng tô điểm cho những chiến công tàn bạo nhất của võ sĩ. Một câu cách ngôn cũ nói rằng, “người đánh bẫy cũng không nỡ giết chim trốn chui vào ngực mình”. Câu cách ngôn này nói lên lí do tại sao phong trào Hồng thập tự, vốn được xem như có tính cách Cơ đốc giáo, đã bám rễ được ở cái nước Nhật này. Qua tiểu thuyết của Bakin (Takizawa Bakin 1767-1848, ND), tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của đất nước chúng tôi, chúng tôi đã quen với việc chăm sóc y tế đối với kẻ địch bị thương, mấy mươi năm trước khi hiệp ước Hồng thập tự được ký kết ở Genève. Satsuma (ở nam Kyushu, ND), lãnh địa nổi tiếng về tinh thần thượng võ và giáo dục võ sĩ, có tập quán khuyến khích thanh thiếu niên tập luyện âm nhạc. Âm nhạc ở đây không phải là tiếng kèn, cũng không phải là tiếng trống hành quân, những thứ “tiếng ồn ã báo trước việc đổ máu và chết chóc” (lời của Shakespeare, ND), thúc đẩy chúng ta có hành động dữ dằn như hùm beo. Âm nhạc ở đây là những khúc nhạc tì bà ai oán, hiền hòa làm dịu bớt tinh thần hung hăng, đưa suy tư ra xa mùi máu và những cảnh chém giết lẫn nhau. Theo lời truyền của Polybius (sử gia Hi Lạp, 203 trước CN – 120 trước CN, ND) thì trong hiến pháp của Arcadia (vùng đất của Hi Lạp xưa, ND) có qui định bắt buộc thanh niên dưới ba mươi tuổi luyện tập âm nhạc với mục đích làm dịu bớt tính tình khắt khe của dân chúng sống trong vùng núi có phong thổ khắc nghiệt Arcadia. Polybius cho rằng dân chúng vùng này không có tính tàn nhẫn là do ảnh hưởng của âm nhạc.

Ở Nhật Bản, Satsuma không phải là nơi duy nhất ở đó giai cấp võ sĩ có tập quán tao nhã này. Trong tùy bút, lãnh chúa xứ Shirakawa (1758-1829) ghi lại những điều chợt hiện ra trong lòng mình như sau: “Mùi hương của hoa đêm, tiếng chuông chùa xa xa, tiếng côn trùng trong đêm sương dẫu chúng có lén đến bên cạnh giường trong đêm thâu, đừng đuổi chúng đi, hãy nhìn chúng với con mắt thương yêu”. Lại còn nói: “Dẫu có phật lòng nhưng hãy tha thứ những thứ như gió rung hoa, mây che trăng, và người tìm cách gây gổ với ngươi”.

Thi ca được khuyến khích để diễn tả cái đẹp nhưng thực tế là để nuôi dưỡng những cảm xúc trang nhã ở nội tâm. Vì lẽ ấy nên bi tráng và tao nhã đã thành hai dòng chảy mạnh mẽ dưới đáy thi ca của đất nước chúng tôi. Một câu chuyện nổi tiếng nói về một samurai nhà quê (Otaka Gengo 1672-1703, ND) biểu hiện rõ quan điểm này. Có một samurai nhà quê được đi học “haikai”(thơ ca, ND), lần đầu tiên hắn đã làm thử một bài “haiku” (bài thơ ngắn có 3 câu, 17 chữ (5 chữ, 7 chữ, 5 chữ), ND) lấy tựa là “Tiếng chim sơn ca”. Vì tính dũng mãnh dấy lên trong lòng nên hắn đã nhảy đến dâng thầy bài thơ vụng về như sau:

“Anh samurai dũng cảm

Để riêng tai nghe

Tiếng sơn ca mới hót ”.

Ông thầy không lấy làm lạ gì với tình cảm thô lỗ này, vẫn tiếp tục khuyến khích anh ta. Đến một ngày nọ, âm nhạc trong lòng thức giấc, anh ta đã nghe được tiếng thánh thót của chim sơn ca và viết lại như sau:

“Chợt nghe tiếng sơn ca

Líu lo trong rừng đước

Chàng samurai dừng bước ”.

Chúng tôi yêu thích và ngưỡng mộ sự kiện anh hùng trong cuộc đời ngắn ngủi của Korner, khi bị thương ngã xuống trên chiến trường, vẫn cố gắng nguệch ngoạc ghi lại bài thơ nổi tiếng "Từ giã cuộc đời" cho hậu thế. Những chuyện giống như thế cũng thường có trong chiến tranh xưa nay ở nước Nhật. Hình thái đơn giản nhưng súc tích của thi ca chúng tôi rất thích hợp trong việc diễn tả liền ngay những cảm xúc chân thật của mình. Chỉ cần có giáo dục một chút, ai cũng yêu thích thi ca. Trên đường ra chiến trường, samurai dừng ngựa lại, rút bút lông từ bao tên của mình ra làm thơ - và những bài thơ như thế được phát hiện không ít khi người ta lột mũ chiến hay áo giáp ra khỏi thân người chết. Ở châu Âu, giáo lí đạo Cơ đốc làm được việc khơi dậy lòng trắc ẩn ngay trong lúc đang giao chiến rùng rợn. Ở Nhật, lòng yêu thích thi ca và âm nhạc giữ nhiệm vụ đó. Cảm xúc tao nhã được trau dồi sẽ sinh ra lòng trắc ẩn nghĩ đến nỗi đau khổ của người khác. Khiêm nhượng và ân cần sinh ra từ lòng tôn kính tình cảm của người khác, là nguồn gốc của lễ nghĩa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx