sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 06

Chương VI: LỄ NGHĨA

Người ngoại quốc đi du lịch ở Nhật Bản, ai cũng để ý đến thái độ lễ phép, nhã nhặn của người Nhật và xem đó như là đặc tính của người Nhật. Nếu lễ nghĩa được thực hành chỉ vì sợ bị nghĩ là không sang trọng thì đó là đức tính nghèo nàn. Lễ nghĩa là biểu lộ bên ngoài của sự thông cảm với tình cảm của người khác. Lễ nghĩa cũng bao hàm lòng tôn trọng đối với việc đáng kính, vì thế nó còn có nghĩa là lòng tôn kính vô tư đối với địa vị xã hội. Địa vị xã hội được đề cập ở đây không dựa vào sự phân biệt giàu nghèo mà là những phân biệt dựa vào giá trị thực tế.

Hình thái tối cao của lễ nghĩa rất gần với yêu thương. Với tình cảm kính yêu, ta có thể nói: “Lễ là lòng khoan dung, tử tế đối với người khác; lễ không đố kị, không khoa trương, cũng không kiêu căng; không hành động sổ sàng, không tìm lợi cho mình, không dễ nổi giận, không nghĩ đến cái xấu của người khác”. Trong sáu yếu tố của nhân sinh mà giáo sư Dean đã đưa ra, không lạ gì khi giáo sư đã đặt lễ ở vị trí cao nhất và xem đó là kết quả thành thục nhất của xã giao.

Mặc dầu khen ngợi lễ nghĩa như thế này, nhưng tôi không có ý muốn đặt lễ nghĩa ở vị trí cao nhất trong đạo đức. Nếu phân tích chúng ta sẽ thấy lễ nghĩa có quan hệ tương hỗ với những đức tính ở vị trí cao hơn. Bất cứ đức tính nào, nếu cô lập thì sẽ không tồn tại được. Lễ được ca tụng như đức tính đặc hữu của võ sĩ, được xem trọng hơn giá trị đáng được tán dương, và vì được tôn trọng như thế nên đã có những thứ lễ nghĩa giả mạo được sinh ra. Khổng Tử đã nhiều lần giảng dạy rằng: “Lễ nghĩa nếu chỉ có bề ngoài thì không phải là lễ nghĩa thực sự, giống như chỉ tạo ra tiếng rền vang thì không phải là âm nhạc vậy”.

Khi lễ nghĩa được nâng cao lên thành điều kiện tất yếu trong xã giao, dĩ nhiên thông thường sẽ có một hệ thống phép tắc lịch sự phiền phức được qui định để huấn luyện người trẻ có hành vi xã giao đúng cách. Phải cúi đầu như thế nào khi gặp người khác, phải đi đứng và ăn ngồi ra sao, được dạy và học tập kĩ lưỡng. Phép lịch sự trong cách ăn uống phát triển thành môn học. Cách pha và uống trà được nâng cao thành nghi thức. Và người có học vấn, dĩ nhiên, được xem như thông suốt tất cả những phép lịch sự đó. Trong tác phẩm của mình, Veblen (nhà xã hội học người Mỹ, 1857-1929, trong tác phẩm “Theory of the leisure class”, N.Y., 1899, p.46) đã nói một cách thích đáng rằng: “Lễ nghĩa là sản phẩm và biểu trưng của giai cấp nhàn hạ”.

Tôi có nghe những chỉ trích của người Âu châu, có ý coi thường lễ nghĩa có tính khuôn phép phiền phức của chúng tôi, cho rằng thật là điên rồ khi chúng tôi đã dành quá nhiều thì giờ để suy nghĩ và tuân theo khuôn phép đó một cách nghiêm khắc. Tôi thừa biết trong nghi thức có những qui định tỉ mỉ không cần thiết. Thế nhưng, so với việc người Tây phương chạy theo thời trang luôn biến đổi thì không biết ai là kẻ điên hơn. Ngay như thời trang, tôi không nghĩ đó chỉ là những thay dạ đổi lòng theo hư vinh; ngược lại tôi xem đó là sự truy tìm không ngừng của con người đối với cái đẹp. Thế nên tôi không nghĩ những qui định lễ nghi tỉ mỉ, chỉ là những thứ hoàn toàn vô nghĩa; mà đó là phương pháp thích hợp nhất, đúc kết từ kinh nghiệm lâu dài để đạt được một kết quả nhất định. Để làm một việc, nhất định sẽ có một phương pháp tốt nhất để làm việc đó, vừa ít tốn kém nhất vừa thanh tao nhất. Spencer (nhà xã hội học người Anh, 1820-1903, ND) định nghĩa thanh tao là cách thức cử động ít tốn kém nhất. Nghi thức uống trà qui định phương thức dùng bát, dùng thìa, dùng khăn v.v. trong tiệc trà. Đối với người mới, phương thức này thật là vô vị, nhưng cuối cùng sẽ hiểu được đó là phương pháp tiết kiệm cả thời gian lẫn công sức, nói khác đó là cách ít dùng sức nhất, nghĩa là nếu theo định nghĩa của Spencer thì đó là cách thanh tao nhất.

Mượn tự vựng “Triết lý của y phục”[1] tôi có thể nói “Phép tắc và nghi thức chỉ là chiếc áo bên ngoài của qui luật tinh thần”, nhưng thực ra ý nghĩa tinh thần của phép xã giao lớn hơn nhiều so với vẻ bên ngoài của nó. Bắt chước Spencer tôi có thể ngược dòng lịch sử, đi tìm dấu tích của nguồn gốc và động cơ đạo đức hình thành phép tắc trong xã hội Nhật, nhưng đó không phải là mục đích của cuốn sách này. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là những tập huấn đạo đức có ở trong việc tuân thủ nghiêm khắc những phép tắc lễ nghi.

[1] “Y thường Triết học” (Sartor Resartus): Tác phẩm nổi tiếng của Thomas Carlyle (1895-1881), người Anh, luận về phong tục tập quán, chế độ chính trị v.v. qua y phục.

Như đã nói, phép tắc lễ nghi quy định tỉ mỉ mọi hành vi nên đã đẻ ra nhiều môn phái có cách thức khác nhau. Nhưng tất cả đều thống nhất với nhau về bản chất. Theo Ogasawara, người sáng lập môn phái Ogasawara trứ danh, thì “tất cả các phép tắc lễ nghi đều có mục đích là huấn luyện tinh thần. Ngồi thẳng đúng lễ, thì không có ai dám làm hại mình, dẫu là kẻ hung bạo nhất”. Nói cách khác, qua việc thường xuyên tập luyện đúng phép tắc lễ nghi, tất cả các bộ phận và cơ năng của thân thể sẽ được điều chỉnh hoàn hảo để điều hòa với chính mình và với môi trường xung quanh, nói lên sự chi phối của tinh thần đối với thể xác. Tiếng Pháp “bienséance” (ngữ nguyên có nghĩa là ngồi thẳng, được dùng với nghĩa là “lễ nghĩa”, ND) có ý nghĩa thật sinh động và sâu xa.

Nếu thanh tao đúng là phương pháp tiết kiệm sức lực thì kết quả luận lý của điều này là nếu thường xuyên thực hành cử chỉ thanh tao thì sẽ giữ và tích trữ được sức lực của mình. Vì thế, cử chỉ thanh lịch có nghĩa là sức lực trong trạng thái nghỉ ngơi. Có chuyện kể lại rằng, trong lúc đánh cướp La Mã, những người Gaul (người Gaulois, tổ tiên của người Pháp, ND) dã man đã tràn vào Viện Nguyên lão đang họp hội nghị, cả gan kéo râu những nguyên lão đáng kính. Nhưng điều đáng trách ở đây chắc hẳn là những nguyên lão đã thiếu uy nghiêm và sức mạnh của phép tắc lễ nghi. Trạng thái tinh thần cao thượng thật sự có thể đạt được từ phép tắc lễ nghi hay không? Tại sao không? Tất cả đường đi đều dẫn đến La Mã kia mà!

Tôi xin đưa ra một thí dụ, ngay như một việc đơn giản nhất cũng có thể biến thành một nghệ thuật và trở thành một cách tu dưỡng tinh thần. Đó là Cha-no-yu, tức là nghi thức uống trà. Uống trà là một nghệ thuật à? Không được sao? Trẻ nhỏ vẽ hình trên cát, hay người thời cổ sơ đã khắc hình trên đá. Nghệ thuật của Raphael[2] và Michael Angelo đã nẩy mầm từ đó. Thế thì trà, một loại nước uống bắt đầu với sự trầm tư mặc tưởng của một ẩn sĩ Bà la môn, có quyền phát triển đến chỗ đóng được vai trò phụ trợ cho tôn giáo và đạo đức cũng được chứ.

[2] Raphael (1483-1520): Một trong ba họa sĩ vĩ đại người Ý trong thời Phục hưng ở châu Âu (Leonardo da Vinci, Michael Angelo và Raffaello).

Tâm thần điềm tĩnh, tình cảm trong sáng, thái độ bình thản, yên lặng là những giá trị căn bản của Cha-no-yu, và đây là những yếu tố cần thiết nhất để có được tư duy và tình cảm đúng đắn. Căn phòng nhỏ sạch sẽ, chu đáo cách biệt với tiếng động và quang cảnh ồn ào, sẽ đưa tư duy của người ta thoát khỏi chuyện thế gian. Tranh treo của Nhật trên vách phòng gợi chú ý bằng sự thanh tao của bố cục hơn là bằng vẻ đẹp của màu sắc, không giống như những phòng khách ở Tây phương có vô số tranh ảnh hoặc đồ cổ ngoạn làm người ta say mê. Mục đích ở đây là tìm đến hương vị tinh tế nhất, tránh xa mọi phô trương và mọi sợ hãi tôn giáo.

Một ẩn sĩ thiền tông (Sen no Rikyu 1522-91, ND) đã nghiên cứu và tạo ra cách thức cho nghệ thuật uống trà trong thời mà chiến tranh và những lời đồn đại về chiến tranh luôn xảy ra không ngớt. Sự thật ấy đủ để chứng tỏ nghệ thuật này không phải chỉ để tiêu khiển. Trước khi bước vào không gian yên tĩnh quanh phòng uống trà, những người sẽ ngồi sắp hàng trong tiệc trà phải tháo bỏ qua bên những thanh kiếm họ mang theo, cùng với việc đó họ cũng sẽ dứt bỏ tính hung bạo trong chiến trường, trò hèn mọn trong chính trị, để tìm tình bằng hữu và hòa bình ở nơi uống trà này.

Cha-no-yu là một nghệ thuật hơn là một nghi thức, là thơ ca có âm điệu, là động tác nhịp nhàng, cha-no-yu chính là phương pháp thực hành việc tu dưỡng tinh thần. Giá trị lớn lao nhất của cha-no-yu nằm ở điểm sau cùng này. Thế nhưng trong đám người theo “trà đạo” có nhiều người chỉ chú tâm vào những chi tiết khác không quan trọng. Dẫu thế, điều này không có nghĩa là bản chất của “trà đạo” không có tính cách tinh thần.

Cho dầu lễ nghĩa chỉ tạo vẻ tao nhã cho động tác, nhưng học tập và ứng dụng được sẽ có ý nghĩa rất lớn và chức năng của nó không chỉ dừng lại ở đây. Động cơ của lễ nghĩa là nhân ái và khiêm nhường. Lễ nghĩa là biểu hiện tao nhã của sự cảm thông, có từ lòng tử tế thông hiểu tình cảm của người khác. Lễ nghĩa đòi hỏi phải buồn với người đang buồn và phải vui với người đang vui. Yêu cầu có tính cách giáo huấn này, khi được rút lại thành chi tiết nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, sẽ biểu hiện qua những hành vi nhỏ ít được ai chú ý, hoặc nếu bị chú ý thì đó cũng chỉ là hành vi “hết sức buồn cười” như một phụ nữ truyền đạo đã từng sống ở Nhật hai mươi năm nói với tôi. Tỉ dụ trong ngày nắng chang chang, chị đi ra đường mà quên đem dù che nắng; tình cờ có một người Nhật quen đi qua; khi chị chào người đó, người đó trước tiên sẽ giở mũ ra chào lại chị. Chuyện đến đây còn có vẻ tự nhiên; nhưng chuyện “hết sức buồn cười” là trong suốt thời gian người đó đứng nói chuyện với chị, người đó xếp dù lại và cũng đứng trong nắng chang chang cùng với chị. Sao lại ngớ ngẩn thế! Vâng, đúng là ngớ ngẩn. Dĩ nhiên hành động này thật ngớ ngẩn nếu không phải là: “Chị đứng trong nắng; tôi cảm thông với chị; tôi muốn che cho chị nếu cây dù của tôi đủ rộng, hay nếu chị là người thật quen thân của tôi; nhưng vì tôi không thể che được cho chị nên ít ra tôi cũng muốn được chia sẻ cái khổ của chị”. Những hành động nhỏ kiểu này, không, đôi lúc còn buồn cười hơn nữa kìa, không phải chỉ là cử chỉ hay thói quen mà đó cảm giác lo lắng đến sự an vui của người khác, được thể hiện qua hành động.

Tôi xin đưa thêm một trường hợp “hết sức buồn cười” của thói quen chiếu theo tiêu chuẩn lễ phép của chúng tôi. Nhiều người viết chỉ quan sát bề ngoài, đơn thuần cho rằng người Nhật có thói quen cái gì cũng nghĩ ngược ngạo. Người ngoại quốc nào khi tiếp cận với thói quen đó đều thú nhận rằng họ cảm thấy lúng túng không biết phải trả lời như thế nào cho hợp lẽ. Ở Mỹ khi anh biếu một vật gì, anh thường hết lòng ca ngợi vật đó trước mặt người nhận, nhưng ở Nhật chúng tôi sẽ nói vật mình biếu chỉ có giá trị thấp kém hay hèn mọn. Người Mỹ nghĩ như thế này: “Đây là món quà xinh đẹp: nếu nó không xinh đẹp thì tôi nào dám tặng anh; vì nếu tặng anh một vật không xinh đẹp thì hóa ra tôi đã khinh thường anh”. Ngược lại với điều đó, người Nhật nghĩ như thế này: “Anh là người thật tốt. Món quà nào dẫu có xinh đẹp đến mấy cũng không xứng đáng để được anh nhận. Xin anh nhận món quà này như là một biểu hiện của lòng chân thành của tôi chứ không phải là ở giá trị của nó. Món quà này dẫu có xinh đẹp đến mấy nhưng bảo rằng xứng đáng với anh thì hóa ra tôi đã xem thường anh”. So sánh hai ý tưởng này, chúng ta sẽ thấy cả hai ý tưởng cùng qui về một chỗ và cùng giống nhau. Không có bên nào là “hết sức buồn cười” cả. Người Mỹ nói về giá trị vật chất của vật biếu và người Nhật nói về tinh thần của mình trong khi biếu.

Ý thức lễ nghĩa của người Nhật hiện ra ở mỗi hành vi nhỏ nhặt nên nếu chỉ lấy ra chi tiết ít quan trọng nhất và xem đó như là hành vi điển hình để phê phán về bản chất của lễ nghĩa thì đúng đây là lí luận ngược đời. Ăn uống hay giữ đúng lễ ăn uống, việc nào quan trọng hơn. Thánh nhân Trung Quốc (Mạnh Tử) trả lời như sau: “Nếu so sánh người coi việc ăn uống là quan trọng, với một người coi thường lễ nghĩa, thì ta chỉ có thể nói là việc ăn uống là quan trọng hơn”. Nói rằng kim loại nặng hơn lông hồng, nhưng đây có phải là câu nói có được khi so sánh một mảnh nhỏ kim loại với một thùng đầy lông hồng hay không? Lấy một miếng gỗ to cỡ bàn chân đặt lên đỉnh tháp, chắc không có ai nói miếng gỗ cao hơn đỉnh tháp. “Việc nói thật và việc giữ gìn lễ nghĩa, việc nào quan trọng hơn?”. Nếu được hỏi thư thế, người ta cho rằng người Nhật sẽ có câu trả lời trái hẳn với người Mỹ. Tôi xin khất lời bình luận lại ở chương sau khi nói về lòng thành.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx