sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 07 - 08

Chương VII: CHÂN THẬT VÀ THÀNH THẬT

Thiếu chân thật và thành thật, lễ nghĩa sẽ là diễn kịch và là trò hề. Masamune (lãnh chúa xứ Sendai, ND) nói: “Lễ nghĩa quá mức sẽ thành tâng bốc”. Một nhà thơ xưa (Sugawara Michizane, ND) đã vượt qua cả Polonius[1] khi khuyên rằng: “Nếu lòng ngươi chân thật, không cần cầu nguyện, thần thánh cũng bảo hộ cho ngươi”. Sùng bái lòng thành thật, coi đó như một sức mạnh siêu việt sánh ngang với thượng đế, Khổng Tử đã diễn tả trong sách “Trung dung” rằng: “Mọi vật trong thế gian đều bắt đầu từ thành thật và chấm dứt ở thành thật; Thành thật là căn nguyên của mọi vật, không có thành thật, sẽ không có gì cả”. Với tài hùng biện, Khổng Tử luận giải thành thật có tính chất lâu dài và phạm vi to lớn, có sức mạnh có thể gây biến đổi mà không cần hành động, và cho rằng chỉ cần thành thật thì sẽ đạt được mục đích mà không cần phải cố gắng. Chữ “thành” (thật thà) trong Hán tự, là kết hợp của chữ “ngôn” (lời nói) với chữ “thành” (xong việc) có chỗ giống với chữ Logos (hoạt động của lí trí được thực thể hóa qua lời nói, ND) mà phái Tân Platon chủ trương. Khổng Tử đã bay cao như thế đó trong chuyến bay tinh thần có tính phi phàm của mình.

[1] Polonius: Nhân vật trong bi kịch Hamlet của Shakespeare. Polonius là cha của Ophelia, người yêu của Hamlet. Một trong những câu nói nổi tiếng của Polonius là “To thine own self be true” có nghĩa là “Hãy thành thật với chính mình”.

Nói dối hoặc nói tránh được xem như đồng nghĩa với hèn nhát. Võ sĩ giữ địa vị cao trong xã hội, bị đòi hỏi phải có một tiêu chuẩn về thành thật cao hơn thương nhân và nông dân. Bushi no ichigon - “một lời nói của võ sĩ”, đúng là đồng nghĩa với từ Ritterwort trong tiếng Đức - là câu nói bảo đảm đầy đủ tính chân thật về nội dung. Lời nói của võ sĩ nặng như núi, những lời hứa chắc chắn được thực hiện nên không cần phải có giấy chứng. Viết giấy chứng là hành vi làm tổn thương tính uy nghiêm của võ sĩ. “Ni-gon” (hai lời, ND) có nghĩa nói dối. Có nhiều giai thoại cảm động kể chuyện những võ sĩ đã lấy cái chết để chuộc lỗi “ni-gon” của mình.

Chân thật được coi trọng như thế cho nên khác với phần đông tín đồ Cơ đốc đã không ngớt vi phạm lời chỉ bảo rõ ràng của Chúa rằng không được thề thốt, một samurai chính hiệu xem việc thề thốt là việc làm tổn thương danh dự của mình. Tôi thừa biết có võ sĩ đã thề trước thần linh hoặc trước thanh gươm của mình nhưng không bao giờ họ có những lời thề có vẻ đùa giỡn hoặc bất kính. Để cho lời thề có ý nghĩa nặng hơn, đôi lúc họ đã dùng máu để viết. Thế nhưng để giải thích chuyện này, tôi mong độc giả tham khảo chuyện Faust[2] của Goethe[3].

Gần đây, nhà văn Mỹ (Dr. Peery, ND) đã viết trong sách “The Gist of Japan” (“Chân tướng của Nhật Bản”, p.86) của mình. “Nếu hỏi một người Nhật tầm thường điều nào tốt hơn, nói dối hay vô lễ, chắc chắn người đó sẽ không do dự trả lời rằng nói dối”. Điều này có phần đúng và cũng có phần không đúng. Đúng vì không phải chỉ có người Nhật tầm thường mà cả samurai chắc cũng trả lời như thế. Nhưng không đúng ở chỗ Dr. Peery đã dùng chữ falsehood (giả dối) để dịch chữ “uso”, chữ này không có ý nghĩa mạnh như thế. Trong tiếng Nhật, “uso” là tiếng được dùng để chỉ một việc không phải là “makoto” (chân thật), hay không phải là “honto” (sự thật). Lowell[4] nói rằng Wordsworth[5] đã không thể phân biệt chân thật với sự thật. Người Nhật tầm thường giống với Wordsworth ở điểm này. Nếu hỏi một người Nhật hoặc một người Mỹ có chút ít học vấn rằng “Anh có ghét tôi không?” hoặc “Anh có đau bụng không?”. Chắc chắn người đó sẽ không do dự trả lời dối rằng “Tôi thích anh lắm” hoặc “Không sao cả, cám ơn anh”. Nếu vì lễ nghĩa mà phải hi sinh sự chân thật thì đúng đây chỉ là “hư lễ” (lễ nghĩa hình thức, ND) và lừa dối bằng những lời ngọt ngào.

[2] Faust: Faust thất vọng về sự hữu hạn của con người nên đã bán linh hồn cho ác quỷ Mephis. Ác quỷ Mephis kí khế ước với Faust hứa sẽ làm mọi chuyện để Faust thỏa mãn, ngược lại khi đã về cõi chết thì Faust phải làm y những điều mà Mephis đã làm cho Faust. Vì muốn biết và có kinh nghiệm tất cả mọi chuyện nên Faust đã đồng ý. Chuyện Faust đại biểu cho việc thề thốt (có tính cách nhẹ dạ và sôi nổi).

[3] Goethe (1749-1832): Nhà thơ, kịch tác gia, tiểu thuyết gia, khoa học gia… vĩ đại người Đức. Kịch Faust của ông được xem là đỉnh của văn học thế giới.

[4] Lowell (1855-1916): Nhà văn, nhà toán học, thiên văn học người Mỹ, có nhiều sách viết về tôn giáo, tâm lí, cách hành xử của người Nhật.

[5] Wordsworth (1770-1850): Thi sĩ phái lãng mạn người Anh.

Tôi thừa biết là mình đang nói về quan niệm chân thật trong võ sĩ đạo, nhưng có lẽ không sao khi tôi có một vài lời về đạo đức của giới thương nghiệp Nhật Bản. Nhiều sách vở và báo chí ngoại quốc đã than phiền về đạo đức thương nghiệp của người Nhật. Đúng, đạo đức thương nghiệp lỏng lẻo là vết nhơ tồi tệ làm mất thể diện quốc gia. Nhưng trước khi nguyền rủa hoặc vội vã lên án toàn thể người Nhật, hãy bình tĩnh suy xét và nhờ đó chắc chắn sẽ có được sự an ủi trong tương lai.

Trong những nghề nghiệp lớn trên thế gian, không có khoảng cách nào lớn hơn khoảng cách giữa võ sĩ và thương nhân. Thương nhân bị định vị thấp nhất trong phân chia giai cấp sĩ nông công thương. Võ sĩ có thu nhập từ đất đai và có thể say sưa tự mình làm nông nghiệp nghiệp dư, nếu muốn. Nhưng chuyện gẩy bàn tính làm buôn bán thì lại ghét. Chúng ta lãnh hội được sự khôn ngoan trong việc sắp đặt trật tự xã hội này. Montesquieu (tư tưởng gia người Pháp, 1689-1755, ND) đã nói rõ rằng việc cấm quí tộc làm thương nghiệp là chính sách xã hội rất tốt nhằm ngăn ngừa việc tập trung tài sản vào trong tay những người có quyền lực. Tách rời quyền lực với giàu sang giúp cho việc phân phối tài sản được đồng đều hơn. Giáo sư Dill, tác giả quyển “Xã hội La Mã trong thế kỉ sau cùng của đế quốc phía Tây”, cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho đế quốc La Mã suy vong là đã cho phép quí tộc làm thương nghiệp gây hậu quả tập trung tài sản và quyền lực vào tay thiểu số nguyên lão và gia đình của họ.

Thương nghiệp của Nhật trong thời phong kiến đã không phát triển cao đến mức độ có thể đạt được nếu được tự do hơn. Nghề này bị mọi người khinh rẻ nên rốt cuộc chỉ tập hợp được những người ít để ý đến những lời gièm pha của thiên hạ. Ở phương Tây có câu nói rằng “Gọi người đó là ăn trộm thì người đó sẽ ăn trộm”. Có định kiến không tốt trong cách gọi tên một nghề nào đó thì người theo nghề đó sẽ lần lần có những hành vi tương xứng với định kiến không tốt đó vì như Hugh Black (nhà thần học người Mỹ gốc Scotland, 1868-1953, ND) đã nói: “Lương tâm thông thường lên cao đến độ cao được đòi hỏi và dễ dàng rơi xuống đến giới hạn của tiêu chuẩn được mong mỏi, và đó là việc đương nhiên”. Không cần phải thêm rằng bất cứ công việc nào, thương nghiệp hay nghề nào khác sẽ không làm được nếu không có qui phạm đạo đức. Thương nhân Nhật Bản trong thời đại phong kiến cũng có qui phạm đạo đức trong cách xử sự với nhau, tuy vẫn còn ở trong trạng thái phôi thai, nếu không thì những chế độ căn bản như tổ chức đoàn thể cùng nghề, ngân hàng, sở giao dịch, bảo hiểm, ngân phiếu, hối đoái chẳng bao giờ phát triển được. Thế nhưng trong liên hệ đối với những người khác nghề, thương nhân có cách cư xử không tốt đúng như đã bị chỉ trích.

Trong tình trạng đó, khi quốc gia mở cửa buôn bán với ngoại quốc, chỉ có những thương nhân mạo hiểm hoặc thiếu thận trọng mới đua nhau ra cảng, trong khi đó những thương gia được tin cậy từ xưa đã từ chối mở chi nhánh buôn bán, mặc dầu đã được giới thẩm quyền yêu cầu nhiều lần. Vậy thì võ sĩ đạo đã bất lực trong việc ngăn chặn dòng chảy thương nghiệp thiếu danh dự này sao? Thử nhìn xem.

Những người hiểu rõ lịch sử Nhật Bản sẽ lưu ý rằng chế độ phong kiến đã bị bãi bỏ chỉ vài năm sau khi Nhật Bản mở cửa mậu dịch. Cùng lúc đó, samurai cũng bị mất bổng lộc (trong khoảng 1873-1876, ND), thay vào họ được cho quốc trái và được tự do dùng quốc trái đầu tư trong thương nghiệp. Bạn có thể hỏi rằng: “Tại sao những samurai này không đem sự thành thật mà họ hãnh diện vào trong những liên hệ sự nghiệp mới và quét sạch thói xấu từ trước đến nay trong thương nghiệp”. Phần lớn họ là những võ sĩ thanh cao và thẳng thắn. Trong lãnh vực công thương nghiệp mới không quen, họ đã không có đủ tài trí đương đầu với bọn thương nhân khôn ngoan trong việc thương lượng, cạnh tranh nên đã gây ra nhiều thất bại to lớn không hồi phục được. Vận mệnh của họ, kẻ có mắt nhìn, khóc mấy cũng không đủ, kẻ có lòng cảm động, có đồng tình đến mấy cũng không đủ. Một quốc gia công nghiệp như Mỹ, cũng có đến tám mươi phần trăm người làm kinh doanh bị thất bại nên chẳng có gì lạ khi chỉ có một trong một trăm samurai làm thương nghiệp thành công trong cái nghề mới này. Tóm lại, việc thử ứng dụng võ sĩ đạo vào trong công việc thương mại đã làm mất mát nhiều tài sản, và cần một khoảng thời gian dài mới có thể biết rõ được là bao nhiêu, nhưng người có óc quan sát sẽ hiểu ngay là con đường làm giàu không phải là con đường danh dự. Vậy họ khác nhau ở chỗ nào?

Lecky (sử gia người Ireland, 1838-1903, ND) liệt kê ba yếu tố thúc đẩy người ta phải thành thực là: Yếu tố kinh tế, yếu tố chính trị và yếu tố triết học. Yếu tố thứ nhất hoàn toàn không có trong võ sĩ đạo. Yếu tố thứ hai đã không phát triển được trong xã hội chính trị dưới chế độ phong kiến. Chân thật đã có được địa vị cao trong danh mục đạo đức quốc dân là nhờ ở tính triết học của nó, và như Lecky nói, và nhờ ở biểu hiện tối cao của nó. Với tất cả lòng thành kính đối với đạo đức thương nghiệp cao của dân tộc Anglo-Saxon, tôi đã hỏi lí do và được trả lời rằng: “Chân thật là chính sách tốt nhất”. Nghĩa là “chân thật sẽ được đền bù xứng đáng”. Vậy, đức tính này chính nó là thù lao phải không? Nếu đức tính “chân thật” đem đến nhiều tiền bạc hơn giả dối thì tôi sợ rằng võ sĩ đạo có lẽ đã chìm đắm trong giả dối!

Nếu võ sĩ đạo không chấp nhận nguyên lý “vật trả vật” thì những thương nhân khôn lanh sẽ nhanh nhẹn thừa nhận nguyên lý này. Lecky rất đúng khi nói rằng đức tính thành thật trở thành phổ biến nhờ thương công nghiệp. Nietzsche cho rằng chân thật là đức tính non trẻ nhất, nói cách khác, chân thật là con nuôi của kĩ nghệ hiện đại. Không có mẹ nuôi, chân thật như là trẻ mồ côi cao quí chỉ có thể được nuôi dưỡng trong lòng của những người được giáo dục huấn luyện đầy đủ nhất. Lòng chân thật rất phổ thông trong samurai. Nhưng vì thiếu người mẹ nuôi là kĩ nghệ cận đại có tính bình dân và thực dụng cho nên đứa trẻ ngây thơ không quen việc đời này không trưởng thành được. Khi kĩ nghệ phát đạt, thành thật sẽ là đức tính vừa dễ, hay nói đúng hơn là đức tính có lợi khi thực hành. Hãy nghĩ đến việc - vào tháng 11 năm 1880, thủ tướng nước Đức, Bismarck đã phát huấn lệnh truyền tay đến các vị lãnh sự của đế quốc, cảnh cáo rằng “Thật đáng tiếc khi hàng hóa chất trong tàu Đức không có đủ độ tin cậy rõ ràng cả về chất lượng lẫn số lượng”. Nhưng nay, chúng ta tương đối ít có dịp nghe về sự bất cẩn hoặc sự thiếu thành thật của thương nhân Đức. Hai mươi năm qua, cuối cùng thương nhân Đức đã học được rằng thành thực đã được đền bù xứng đáng. Thương nhân Nhật cũng đã hiểu được điều này. Liên quan đến điều này, tôi xin giới thiệu với độc giả hai tác giả với hai quyển sách vừa xuất bản (Knapp với quyển “Feudal and Modern Japan” và Ransome với quyển “Japan in Transition”, ND) để có được nhận xét xác đáng. Đặc biệt về việc nói rằng thương nhân khi làm giấy mượn tiền đã ghi là sẽ xem trọng danh dự và thành thực, và đó là cách bảo đảm chắc chắn nhất. Trên giấy thường ghi là “Nếu chểnh mảng trong việc trả nợ, tôi sẽ không phản đối việc bị chế nhạo trước quần chúng”, hoặc là “Nếu tôi không trả lại được, hãy chửi tôi là đồ trâu bò”.

Đôi lúc tôi nghi ngờ không biết thành thật có động cơ nào cao hơn dũng khí hay không? Vì không có lời cảnh cáo tích cực nào đối với việc lập bằng chứng giả mạo nên nói dối không bị phạt như là một cái tội mà chỉ bị bài bác coi đó là sự yếu đuối, như một việc đáng xấu hổ. Đúng là khái niệm thành thật có liên quan mật thiết đến danh dự, và trong tiếng La tinh và tiếng Đức hai từ này có cùng ngữ nguyên với nhau. Đã đến lúc tôi cần phải khảo sát về “Danh dự” trong võ sĩ đạo.

Chương VIII: DANH DỰ

Ý thức danh dự bao gồm tự giác rõ rệt về giá trị và sự tôn nghiêm của nhân cách, phải là đặc tính của võ sĩ, được giáo dục phải xem trọng nghĩa vụ và đặc quyền gắn liền với chức nghiệp của mình. “Danh dự”, được dùng để dịch chữ “honour”, không phải là tiếng thông dụng. Khái niệm của nó được diễn tả bằng những từ ngữ như “na” (tên tuổi), “menmoku” (thể diện), “gaibun” (tiếng tăm). Những danh từ này khiến chúng ta liên tưởng đến chữ “name” (tên) được dùng trong Kinh thánh, chữ “personality” (nhân cách) tiến hóa từ chữ "mặt nạ” của Hy Lạp, và chữ “fame” (danh tiếng). Tiếng tốt - danh tiếng của một người, là “phần bất diệt của người đó, mất phần này, người ta tựa như loài cầm thú”. Đương nhiên, mọi xúc phạm đối với lòng ngay thẳng đều gây ra cảm giác xấu hổ, và cảm giác xấu hổ (Renchishin) được nuôi dưỡng sớm nhất trong giáo dục thiếu nhi. “Thiên hạ cười mày đấy”, “Nhục thật”, “Mày không biết xấu hổ à” là những câu trách mắng sau cùng, nhằm khuyên trẻ sửa sai hành động của mình. Khơi dậy lòng biết trọng danh dự của trẻ như thế này đã chạm vào chỗ nhạy cảm nhất trong lòng trẻ, như thể trẻ đã được nuôi dưỡng trong danh dự từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ. Cảm giác danh dự là cảm ứng từ lúc còn là thai nhi, gắn bó mạnh mẽ với ý thức gia đình. Balzac (nhà văn người Pháp, 1799-1850, ND) nói rằng: “Sự mất liên đới trong gia đình đã làm cho xã hội mất đi sức mạnh cơ bản mà Montesquieu gọi là danh dự”. Thật vậy, ý thức xấu hổ, theo tôi, là dấu hiệu sớm nhất trong ý thức đạo đức của nhân loại. Nhân loại đã ăn trái cấm và bị phạt, nhưng theo tôi, hình phạt đầu tiên và tồi nhất không phải là đau đớn trong việc sinh nở, cũng không phải là đau đớn do chông gai gây ra, mà là việc ý thức được cảm giác xấu hổ. Ít có chuyện nào trong lịch sử cảm động hơn chuyện bà mẹ đầu tiên của nhân loại (Eve) tay cầm kim thô, run rẩy vá từng lá sung mà người chồng đau buồn đã bẻ cho bà. Kết quả của việc bất phục tùng đầu tiên này ngoan cố bám chặt chúng ta hơn bất cứ vật nào. Tất cả kỹ thuật may vá của nhân loại cũng không thể nào thành công trong việc may được một tạp dề che dấu có hiệu quả cảm giác xấu hổ của chúng ta. Arai Hakuseki (1657-1725) đúng, khi từ chối hạ mình nhượng bộ trước một việc xấu hổ nho nhỏ khi còn trẻ, vì theo ông, “Xấu hổ giống như vết thương trên thân cây, thời gian không làm nó mất mà chỉ làm cho nó lớn rộng ra thôi”. Carlyle nói rằng: “Xấu hổ là mảnh đất của mọi đức tính, của hành vi tốt đẹp và phẩm hạnh tốt đẹp”. Trước đó khoảng hai ngàn năm, Mạnh Tử cũng có một câu nói tương tự như thế.

Tuy không có tài hùng biện bằng Shakespeare qua cái miệng của nhân vật Norfolk (nhân vật trong vở kịch “Vua John”, ND), nhưng văn học Nhật Bản đã treo nhục nhã lên trên đầu võ sĩ như cây kiếm Damocles[1] vì võ sĩ quá sợ nhục nhã và lòng lo sợ này thường đượm tính chất bệnh hoạn. Lấy tiếng là vì danh dự, võ sĩ có nhiều hành vi vi phạm những điều không thể biện minh được theo qui tắc của võ sĩ đạo. Chỉ vì bị nhục, dầu hết sức nhỏ, nói đúng ra, nhiều khi chỉ bị nhục do tưởng tượng, người nóng nảy, phách lối có thể sẽ nổi giận, rút kiếm gây ra những cãi cọ vô ích và nhiều khi giết mất cả những người vô tội. Chuyện một thường dân tốt bụng, đã chỉ cho một samurai biết có con rận đang bung mình trên lưng anh ta, người thường dân liền bị chém đứt làm đôi, chỉ vì lí do đơn giản và kì quái là rận là giống kí sinh sống trên mình thú vật nên nói có rận có nghĩa là xem võ sĩ cao quí đồng hạng với thú vật, và đó là điều sỉ nhục không thể tha thứ được. Làm sao tin được câu chuyện quá nông nổi như thế này. Việc lưu hành một câu chuyện như thế này có ba ẩn ý. Thứ nhất, chuyện được bày ra để làm cho thường dân run sợ. Thứ hai là nói rằng võ sĩ đã thực sự lạm dụng chức nghiệp danh dự của mình. Thứ ba, cảm giác xấu hổ đã trở nên quá lớn mạnh trong thế giới võ sĩ. Nêu một tỉ dụ bất thường rồi phê phán võ sĩ đạo, điều đó rõ ràng không công bình. Giống như lấy việc sát hại kẻ dị đoan (tòa án tôn giáo của nhà thờ Cơ đốc, ND) và hành vi ngụy thiện, sản phẩm của sự cuồng tín và lòng tin thái quá ra để phê phán những lời dạy thật sự của Christ. Thế nhưng, dù cho là cuồng tín tôn giáo đi nữa, khi so sánh với trạng thái mê sảng của kẻ say rượu, có một điều gì đó cao quí, cảm động. Giống như thế, trong cảm giác cực đoan của võ sĩ đối với danh dự của bản thân, chúng ta không nhận ra cơ sở của một đức tính chân thật hay sao?

[1] Damocles: Nhân vật trong chuyện thần thoại Hi Lạp. Damocles nghĩ vua Dionysius sống giàu sang và hạnh phúc nên đã ước mong được như nhà vua. Nhà vua đã đồng ý để cho Damocles thay mình ngồi ở ngai vàng trong một ngày. Tối có tiệc, khi tiệc sắp hết, Damocles nhìn lên trên thì thấy trên đầu mình có một thanh gươm được treo lững lờ bằng một sợi chỉ có thể bị đứt vào bất cứ lúc nào (ám chỉ tình cảnh lúc nào cũng phải lo sợ). Damocles kinh hoàng, vội vã xin được rời khỏi ngai vàng và không còn muốn được giàu sang, hạnh phúc như vua Dionysius nữa.

Qui phạm kĩ càng và gắt gao về danh dự dễ rơi vào trạng thái quá độ có tính bệnh hoạn. Nhằm ngăn chặn điều đó, võ sĩ được khuyên răn phải có lòng khoan dung và tính nhẫn nại. Chỉ vì bị khiêu khích đôi chút mà đã nổi giận sẽ bị cười là “có tính nóng nảy”. Có câu cách ngôn rằng “Chịu nhịn những điều không thể nhịn được mới đúng là chịu nhịn”. Người võ sĩ vĩ đại, Ieyasu (Tokugawa Ieyasu 1542-1616, ND) đã để lại cho hậu thế nhiều câu cách ngôn trong đó có câu: “Đời người giống như đi trên đường xa, vai mang gánh nặng. Không nên hấp tấp… nhẫn nại là gốc của vô sự trường cửu… đừng trách người mà hãy trách ta”. Suốt đời mình, ông đã chứng minh những điều mình đã khuyên bảo. Một nhà thơ hài hước đã để cho miệng của ba samurai trứ danh trong lịch sử châm biếm tính tình của mình. Với Nobunaga, nhà thơ cho Nobugana (1534-82) nói: “Ta sẽ giết nếu chim cúc cu đến giờ gáy mà không gáy”. Với Hideyoshi (1536-98): “Nếu chim cúc cu không gáy, ta sẽ bắt nó gáy”. Với Ieyasu: “Nếu chim cúc cu không gáy, ta sẽ đợi cho đến lúc nó gáy”.

Mạnh Tử khuyến khích mạnh mẽ tính nhẫn nại và chịu đựng. Có chỗ ông viết về việc này: “Dẫu anh có tự lột trần truồng để lăng mạ tôi, nhưng anh là anh, tôi là tôi. Sự lăng mạ của anh không thể làm nhơ nhớp tâm hồn tôi”. Ông còn dạy rằng: “Bậc quân tử không nên giận những chuyện nhỏ. Giận vì việc lớn mới là cái giận chính đáng”.

Từ những câu nói của nhiều võ sĩ, ta có thể thấy võ sĩ đạo đã cố tìm cách đạt đến mức nhu hoà cao độ, không chiến đấu, không chống đối. Tỉ dụ như lời nói của Ogawa (1649-96): “Người khác có nói xấu ngươi bao nhiêu đi nữa, đừng dùng lời nói xấu trả lại mà tốt hơn là nên tự kiểm lại mình, xem mình đã hết lòng trung thực trong việc thi hành nhiệm vụ hay chưa”. Một người khác, ông Kumazawa (1619-91) đã nói rằng: “Người khác có trách ngươi, đừng trách lại họ; người khác có giận ngươi, cũng đừng giận lại họ. Dứt bỏ dục vọng và giận hờn thì lòng mình mới luôn được vui tươi”. Thêm một tỉ dụ nữa, đó là di huấn của Saigo (1827-77), người có cái trán cao đến độ bị nói là “Xấu hổ cũng thấy xấu hổ không muốn ngồi lên trên”: “Đạo là đạo của thiên địa tự nhiên; con người hành đạo cho nên phải đặt mục đích của đời mình là tôn kính thượng đế. Vì thượng đế thương ta và thương người như nhau; nên ta cũng phải thương người khác như thương mình. Không phải là con người mà chính thượng đế là đối tượng mà ta phải hết lòng hết dạ. Đừng bao giờ phiền trách ai; phải luôn luôn tự hối rằng mình chưa đủ lòng thành”. Những câu nói này khiến chúng ta liên tưởng đến giáo huấn của đạo Cơ đốc, và điều này cho chúng ta thấy về mặt đạo đức thực tiễn, tôn giáo thiên nhiên có thể tiếp cận với tôn giáo thiên khải (Reveled religion). Những lời nói trên không phải chỉ là những lời nói suông, mà là những lời nói được cụ thể hoá trong hành động thực tế.

Phải nhìn nhận rằng rất ít người có những đức tính như khoan dung, nhẫn nại và tha thứ ở mức độ cao siêu. Và đáng buồn thay không có cái gì rõ ràng và tổng quát được diễn tả như là cái cấu thành danh dự của võ sĩ. Chỉ có một số ít người có trí đức cao siêu biết rằng danh dự không phải là “thứ do hoàn cảnh tạo ra” mà là thứ có được khi mỗi cá nhân làm tốt phận sự của mình. Vì đối với thanh niên bận rộn với công việc, không có việc gì dễ hơn việc quên những điều mà mình đã học được từ Mạnh Tử trong thời thơ ấu êm đềm. Mạnh Tử đã nói: “Ai cũng có lòng yêu danh dự. nhưng ít ai nghĩ rằng danh dự thật sự nằm ở trong lòng mình, không ở đâu khác. Danh dự mà người khác ban cho không phải là danh dự thật sự. Người được Triệu Mạnh phong tước cao quí, có thể sẽ bị Triệu Mạnh làm cho trở thành hèn hạ”. Trong nhiều trường hợp, lăng mạ sẽ bị phản ứng ngay bằng phẫn nộ và bị báo thù bằng cái chết, như sẽ thấy ở phần sau. Ngược lại, danh dự đôi khi chỉ là hư vinh hoặc một vài lời bình phẩm tốt của người đời, nhưng thường được quí trọng, xem đó như là việc tốt nhất trong cuộc đời. Mục tiêu mà đa số thiếu niên nhắm tới, không phải là sự giàu có, cũng không phải là trí thức, mà là danh dự. Thiếu niên lập chí, bỏ nhà ra đi thường thề rằng nếu không thành danh, dẫu chết cũng sẽ không trở về nhà; và nhiều bà mẹ háo danh nhất định không chịu gặp con trừ phi con “mặc áo gấm về nhà”. Để tránh xấu hổ hay để có được danh phận, những samurai trẻ tuổi có thể chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, sẵn sàng chịu đựng mọi khổ đau về tinh thần và thể xác. Họ biết rằng danh dự có được trong thời niên thiếu sẽ trưởng thành cùng với tuổi tác. Trong trận công hãm thành Osaka (Osaka fuyu no jin: trận đánh vào mùa đông ở Osaka, ND), một người con trai còn trẻ của Ieyasu (Tokugawa Yorinobu, ND) đã hết lòng van nài xin được nhập đội tiên phong, nhưng đã bị đưa vào đội hậu vệ. Khi thành địch bị đánh vỡ, chàng trai trẻ hết sức buồn bã và đã khóc cay khóc đắng nên một lão gia thần đã cố an ủi và khích lệ chàng ta: “Xin ngài an lòng. Tương lai còn dài. Những năm sắp đến, còn có nhiều cơ hội để lập danh”. Cậu bé quắc mắt nhìn lão gia thần rồi nói: “Sao ông lại nói chuyện ngu si như vậy! Tuổi 14 của tôi có quay lại được không nào?”. Dẫu có mất mạng cũng không tiếc nếu có được danh dự và tiếng tăm. Vì thế cho nên khi có một lí do nào đó được xem như là quan trọng hơn tính mạng, võ sĩ sẽ hết sức bình thản, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình.

Trong những lí do dẫu có hi sinh tính mạng cũng không tiếc, có nhiệm vụ trung thành đối với chúa quân. Trung nghĩa là nền móng tạo ra phong cách cân đối cho đạo đức phong kiến.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx