sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 09

Chương IX: TRUNG NGHĨA

Đạo đức phong kiến có nhiều đức tính giống với những hệ thống đạo đức khác, với những giai cấp khác ngoài võ sĩ. Nhưng đức tính phục tùng và trung thành đối với người trên rõ ràng có đặc sắc. Tôi cũng biết rằng trung thành là đức tính có ở nhiều thứ người, trong nhiều hoàn cảnh. Tỉ dụ, đám móc túi cũng có bổn phận phải trung thành đối với thủ lãnh của mình; thế nhưng trong phạm vi liên quan đến danh dự của võ sĩ, trung thành là đức tính được coi trọng vào bật nhất.

Mặc dù Hegel[1] (trong “Philosophy of History (Triết học của lịch sử)”, bản dịch tiếng Anh của Sibree) đã phê bình rằng sự trung thành của bồi thần phong kiến là nghĩa vụ đối với một cá nhân, không phải là nghĩa vụ đối với quốc gia nên đó là qui phạm được xây dựng trên những nguyên lí hoàn toàn trái với công lí. Người đồng hương vĩ đại của ông, Bismarck lại hãnh diện bảo rằng lòng trung thành đối với cá nhân là đức tính của người Đức. Bismarck có đủ lí do để nói như vậy. Lòng trung thành mà Bismarck hãnh diện không phải là đức tính chỉ có ở tổ quốc của ông ta hoặc chỉ có ở một dân tộc hay một quốc gia nào đó, mà mĩ đức của kị sĩ đạo này đã tồn tại mãi đến sau này trong nhân dân của một quốc gia có chế độ phong kiến tồn tại lâu dài nhất. Ở Mỹ nơi mà “mọi người đều bình đẳng với nhau” và người Ireland còn thêm vào là “và cùng tốt hơn nhau”, quan niệm trung thành cao độ đối với quân chủ của người Nhật tuy có thể được xem như tuyệt hảo trong một giới hạn nào đó, nhưng việc khuyến khích có trong nhân dân chúng tôi có lẽ sẽ bị xem như phi lí. Xưa kia, Montesquieu đã than rằng lẽ phải ở bên này núi Pyrenees lại là điều trái ở phía bên kia núi, và vụ án Dreyfus[2] gần đây không những đã chứng minh rằng Montesquieu nói đúng mà còn cho thấy rặng Pyrenees (rặng núi ở biên giới giữa Pháp và Tây Ban Nha, ND) không phải là ranh giới duy nhất đối với lẽ phải của xứ Pháp. Giống như vậy, quan niệm về trung nghĩa có ở người Nhật có thể không được những người nước khác tán thưởng. Nhưng đây không phải vì quan niệm của chúng tôi sai, mà có lẽ, tôi sợ rằng, vì đã bị quên, hoặc là vì quan niệm mà chúng tôi có đã lên đến độ cao không nước nào khác đạt tới được. Griffis (người viết lời giới thiệu quyển sách này, trong “Religions of Japan”, ND) hoàn toàn đúng khi bảo rằng ở Trung Quốc Nho giáo xem hiếu hạnh là nghĩa vụ thứ nhất của con người. Ở Nhật, trung quân chiếm vị trí thứ nhất này. Tôi xin kể ra đây một chuyện có lẽ sẽ làm độc giả kinh hoàng hoặc cảm thấy ghê tởm, câu chuyện của một trung thần, như Shakespeare nói “Người đã chịu đựng gian khổ, phò chúa suy vong” và nhờ đó đã “để lại được tên mình trong câu chuyện”.

[1] Hegel (1770-1831): Triết gia duy tâm luận người Đức có nhiều tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng đến những văn nhân và triết gia đời sau trong đó có Mark, Nietzsche, Sartre v.v.

[2] Dreyfus: Đại úy pháo binh người Pháp gốc Do Thái, bị bắt vào tháng 10 năm 1884 do bị tình nghi đã bán tài liệu mật về quân sự cho tòa công sứ của Đức ở Paris. Tòa án quân sự kết án tước chức và đày Dreyfus sang Guinea. Sau đó mới biết đây là án oan vì thật ra thủ phạm là một thiếu tá lục quân khác. Nhưng do ảnh hưởng của tư tưởng bài Do Thái nên lục quân nhất định không công nhận Dreyfus vô tội. Dư luận của Pháp lúc đó chia làm hai một bên bênh vực lục quân, một bên chống đối, tranh cãi nhau dữ dội. Dư luận thế giới cũng lên tiếng phê phán lục quân Pháp. Cuối cùng (năm 1906) tòa án Pháp đã xử lại và công nhận Dreyfus vô tội.

Câu chuyện liên quan đến Michizane (845-903), một nhân vật trong lịch sử Nhật Bản. Bị địch thủ chính trị ghen ghét và vu cáo, Michizane bị tội đày phải rời kinh đô. Dẫu vậy, vẫn chưa được thỏa mãn, kẻ địch tàn nhẫn đã tìm cách tiêu diệt cả gia đình nên đã cho người đi khắp mọi nơi tìm đứa con còn thơ ấu của ông ta. Cuối cùng, địch đã phát hiện đứa trẻ đang được Genzo, một cựu thần của Michizane bí mật giấu trong một trường làng, nên đã ra lệnh cho Genzo phải dâng thủ cấp của đứa trẻ. Nhận được mệnh lệnh, Genzo đã nghĩ ngay đến việc đi tìm một đứa trẻ khác thay thế cho chủ mình. Genzo lật danh sách trẻ đến trường, nhìn kĩ từng đứa, nhưng bọn trẻ nhà quê không có đứa nào giống với ấu chúa. Ông ta đã thất vọng, nhưng, chỉ trong khoảnh khắc. Vừa lúc đó có một bà mẹ dáng người cao quí dẫn một đứa trẻ đến xin nhập học. Đứa trẻ mới đến có cùng dáng dấp và tuổi tác với ấu chúa.

Bà mẹ và chính đứa con đã biết rõ là mình giống hệt với ấu chúa. Cả hai đã đến trước bàn thờ gia đình cầu nguyện, và đã thầm kín quyết định. Đứa con sẽ dâng mạng mình và bà mẹ sẽ dâng lòng mình. Nhưng không có một dấu hiệu nào hiện lên trên sắc mặt của họ. Ông thầy đã đưa ra đề nghị mà không hề biết những chuyện gì đã xảy ra giữa họ.

Đúng là đã bắt được con vật hi sinh! Xin được kể vắn tắt phần còn lại. Đúng ngày đã định, một viên quan được phái đến khám nghiệm và nhận thủ cấp. Viên quan có bị lừa bằng một thủ cấp giả không? Genzo đáng thương đã đặt tay mình lên cán gươm, sẵn sàng tuốt gươm chém viên quan hoặc phải đâm vào thân mình nếu việc bị bại lộ. Quan khám nghiệm nâng thủ cấp ghê rợn ở trước mặt mình lên, tỉ mỉ quan sát từng đặc điểm, rồi thong thả, với một giọng nói hành chánh, tuyên bố là thủ cấp thật. Đêm đó, trong căn nhà xa ngoài thôn xóm, bà mẹ mà chúng ta thấy ở trường học đang ngồi chờ. Bà có biết vận mệnh của đứa con mình không? Bà ta chăm chăm nhìn cánh cửa, chờ cánh cửa mở, nhưng không phải vì đợi con mình về. Cha chồng của bà đã được Michizane ban ơn trong một thời gian dài, nhưng từ khi Michizane bị đày, hoàn cảnh đã bắt buộc chồng bà phải phò kẻ địch của ân nhân. Chồng bà không thể gây chuyện bất trung với chủ nhân tàn nhẫn của mình, nhưng con mình thì có thể phục vụ cho chúa quân của tổ tiên mình. Là người quen biết với gia đình của kẻ bị đày nên người chồng đã được tin tưởng giao cho công việc xác nhận thủ cấp. Và, khi đã hoàn thành công việc đau khổ trong ngày, không, trong đời mình, người chồng trở về nhà và khi vừa bước qua ngạch cửa, người chồng đã gọi vợ, nói rằng: “Mình ơi, vui lên đi nào. Con mình đã làm được việc có ích!”

“Chuyện sao mà tàn khốc quá!”. Tai tôi như nghe được tiếng độc giả kêu la. “Cha mẹ sao lại có thể bình thản hi sinh đứa con vô tội của mình để cứu sinh mạng của kẻ khác!” Nhưng chính đứa trẻ này biết rõ điều này và mong muốn được hi sinh. Đây là câu chuyện nói về việc chết thay, không khác gì với chuyện nói về việc Abraham[3] định đưa con mình, Isaac, ra hi sinh, nên cũng không có gì đáng ghét hơn. Cả hai trường hợp đều là hành vi tuân theo tiếng gọi của nghĩa vụ, chấp nhận mệnh lệnh của tiếng nói từ chỗ cao hơn. Tiếng nói của thiên sứ mắt thường thấy được hay không thấy được, hoặc là tiếng nói nghe được bằng lỗ tai của thể xác hay bằng lỗ tai ở trong lòng; nhưng tôi xin được miễn bàn tiếp về vấn đề này.

[3] Abraham: (Cựu ước Thánh kinh) Theo lệnh của Thượng đế, Abraham đã quyết đem con mình là Isaac ra làm vật tế thần. Abraham lên núi Moria, trói Isaac để trên giàn lửa và châm lửa. Thượng đế nhìn nhận lòng tín ngưỡng của Abraham là thật sự nên đã dập tắt lửa và ra lệnh dừng việc tế sống Isaac. Thay vào đó Thượng đế đã cho một con dê để làm vật tế thần.

Cá nhân chủ nghĩa của Tây phương thừa nhận lợi ích riêng biệt giữa cha con, chồng vợ cho nên nghĩa vụ đối với người khác tất nhiên sẽ nhẹ đi rất nhiều. Nhưng võ sĩ đạo xem lợi ích của gia tộc và thành viên là một, không thể chia riêng ra được. Lợi ích này gắn liền với tình thương yêu gia đình, vừa có tính tự nhiên, vừa có tính bản năng, không thể chống đối được. Từ đó, nếu chúng ta có thể chết cho người mà chúng ta yêu với tình yêu tự nhiên (ngay như thú vật cũng có tình yêu này), thì đó là gì? “Vì dẫu anh có yêu người yêu mình, có báo đáp nào dành cho anh không? Dẫu là quan thu thuế đi nữa, anh không làm y như mọi người hay sao?”.

Trong sách “Nhật Bản ngoại sử” đồ sộ của mình, bằng những lời nói cảm động, San-yo (1780-1832) đã kể lại nỗi thống khổ của Shigemori (1138-79) liên quan đến hành động phản nghịch của người cha. “Nếu trung quân ta sẽ thành bất hiếu, nếu hiếu hạnh ta sẽ trở nên bất trung”. Shigemori thật đáng tội nghiệp. Sau đó, Shigemori đã cầu nguyện thượng đế, được chết để thoát khỏi trần thế nơi sự thuần khiết và chính nghĩa không có chỗ ở.

Giống như Shigemori, từ xưa cũng đã có nhiều người bị xé nát con tim vì sự xung đột giữa nghĩa vụ và tình cảm. Thật ra, trong Kinh Cựu ước cũng như trong Shakespeare không có câu văn hay từ ngữ nào tương đương có thể dịch được tự vựng “hiếu thảo”, khái niệm về sự tôn kính của con cái đối với cha mẹ, và một khi sự xung đột như thế xảy ra, võ sĩ đạo nhất định sẽ không do dự mà chọn lấy “trung”. Phụ nữ cũng nghĩ như vậy, cũng xúi giục con cái mình hi sinh tất cả cho chủ tướng. Vợ của võ sĩ cũng quả quyết không kém gì góa phụ Windham[4] và người chồng nổi tiếng của bà, sẵn sàng hiến dâng con của mình để giữ tròn đạo trung.

[4] Windham: Bồi thần của vua Charles I (Anh quốc). Trong nội chiến 1642-1648 (giữa quân đội của nhà vua và quân đội của nghị viện) quân của nhà vua đã bị quân của nghị viện do Cromwel thống lãnh đánh bại, bồi thần Windham và ba người con trai đều tử trận. Tuy mất cả chồng và con, nhưng trước lời an ủi của mọi người, vợ của Windham vẫn nói là nếu còn có con thì bà sẽ sẵn sàng dâng con mình cho nhà vua.

Như Aristotle và một vài học giả xã hội học cận đại đã nói, võ sĩ đạo nghĩ rằng quốc gia có trước cá nhân, cá nhân được sinh ra như một phần, một bộ phận của quốc gia, nên cá nhân phải sống hoặc chết cho quốc gia hay cho người cầm quyền có quyền lực hợp pháp. Những độc giả của “Crito” chắc sẽ nhớ lại chuyện Socrates đã đóng vai luật pháp của thành Athena, tranh cãi với Crito[5] về vấn đề đào tẩu của mình. Ông đã để cho luật pháp nói: “Vì mày được sinh ra và nuôi nấng dưới tao (luật pháp hoặc quốc gia), mày hoặc tổ tiên mày có dám nói không phải là con cái hay không phải là tôi tớ của tao không?”. Chúng tôi hoàn toàn không cảm thấy có cái gì bất thường ở những dòng chữ này, vì võ sĩ đạo đã nói những việc giống như vậy từ lâu. Chỉ khác một chút là ở nước Nhật, luật pháp và quốc gia được tiêu biểu bằng một nhân cách. Trung nghĩa là đức tính được sinh ra từ lí luận chính trị như thế đó.

[5] Crito: người bạn giàu có của Socrates. Crito đã chuẩn bị tiền bạc định giúp Socrates trốn khỏi ngục, nhưng Socrates đã không đồng ý.

Không phải tôi không biết Spencer đã nói rằng sự phục tùng chính trị, ở đây là trung nghĩa, được dành riêng cho chức năng có tính quá độ (trong “Priciples of Ethics”, vol.I, pt. ii, ch. X). Có lẽ đúng như thế. Nhưng “đức của một ngày đủ cho ngày đó”. Chúng tôi thỏa mãn với ý nghĩa đó và sẽ lập lại bao nhiêu lần cũng được. Đối với chúng tôi, một ngày ở đây là một khoảng thời gian dài và quốc ca chúng tôi đã có câu hát cho rằng nó dài đến độ “đá cuội thành đá núi phủ đầy rêu“.

Liên quan đến vấn đề này, gần đây ông Boutmy, công dân của nước Anh, một nước có tiếng là dân chủ, đã nói: “Tình cảm trung thành của một cá nhân đối với một người và con cháu của người đó, là tình cảm mà tổ tiên của cá nhân đó, ở đây là dân tộc German, đã cảm thấy đối với những thủ lãnh của họ, tình cảm này ít nhiều được truyền nối và đã trở thành lòng trung thành sâu xa đối với dân tộc và dòng dõi của chúa quân, được biểu lộ qua sự ái mộ đặc biệt đối với hoàng tộc”.

Spencer lại còn tiên đoán rằng sự phục tùng về chính trị rồi sẽ nhường chỗ cho trung nghĩa do mệnh lệnh của lương tâm. Tỉ dụ như suy luận của Spencer có đúng đi nữa, liệu trung nghĩa và bản năng tôn kính có từ đó, có bị biến mất vĩnh viễn không? Chúng ta chuyển lòng trung thành đối với chúa quân mà chúng ta phục tùng đến một chúa quân khác, mà vẫn có thể giữ được lòng thành đối với cả hai: từ việc là thần dân của kẻ thống trị nắm quyền hành thế tục, chúng ta trở thành kẻ nô bộc của quân chủ ngồi trên ngôi vua trong thâm cung của trái tim. Cuộc tranh luận ngu si vài năm trước của các môn đồ lầm đường của Spencer, đã làm cho giới độc giả Nhật Bản hoang mang. Vì quá ủng hộ lòng trung thành bất khả phân đối với quân chủ, những môn đồ này đã phê phán những tín đồ Cơ đốc là kẻ có khuynh hướng phản nghịch vì đã thề trung thành với chúa. Những người này không có cơ trí của kẻ ngụy biện mà lại bày ra nghị luận như thể là người biết ngụy biện. Những người này thiếu sự tinh tế của học giả mà lại nói quanh co theo kiểu học giả. Bọn họ không biết rằng ở một ý nghĩa nào đó chúng ta có thể cùng một lúc “phục vụ cả hai chúa chứ không phải phụng sự cho chúa này mà coi thường chúa kia”. “Hãy trả cho Caesar những cái gì thuộc về Caesar, và cái gì của thượng đế thì hãy nạp lại cho thượng đế”. Socrates đã không nao núng khi từ chối trung thành với lương tâm của mình, nhưng đã bình thản phục tùng mệnh lệnh của quốc gia với lòng trung thực không kém. Sống, ông theo tiếng gọi của lương tâm; bằng cái chết, ông phụng sự quốc gia. Ngày nào mà quyền lực của quốc gia trở nên quá mạnh, đòi hỏi cả quyền được đưa ra mệnh lệnh của lương tâm đối với nhân dân thì ngày ấy, ôi thật đáng buồn.

Võ sĩ đạo không yêu cầu chúng tôi bắt lương tâm của mình phải làm nô lệ chúa quân. Thomas Mowbray (quí tộc Anh, 1366-99, ND) đúng là người phát ngôn của chúng tôi khi ông nói:

Dâng mình quì mọp dưới chân vương.

Tôi có nghĩa vụ vâng lệnh ngài dẫu hi sinh mạng sống.

Dẫu có chết, danh thơm vẫn sống lâu trên mộ.

Xin ngài đừng dùng tôi vào việc xấu hổ mất danh dự.

Võ sĩ đạo đánh giá rất thấp những người hi sinh lương tâm của mình cho những chúa quân có tính khí bất thường, hay những chúa quân ngông cuồng, không tưởng. Những người hay khúm núm, cái gì cũng nịnh bợ chúa quân, bị gọi là “nịnh thần”, hoặc đê hèn theo ý chúa quân để được chúa quân yêu thương, bị gọi là “sủng thần”, đều bị khinh khi. Đây là hai loại bồi thần đúng như “Iago”[6] đã diễn tả. Một, là loại người chẳng ra gì, ưa luồn cúi và dễ bảo, say sưa với tính nô lệ tâng bốc của mình, suốt đời cam phận làm thân lừa cho chủ. Hai, là loại người bên ngoài làm ra vẻ trung thành nhưng trong thâm tâm luôn nghĩ đến những việc có lợi cho thân mình. Trong trường hợp bồi thần có ý kiến khác với chúa quân, con đường trung nghĩa mà bồi thần cần phải theo là dùng tất cả mọi thủ đoạn để sửa cái sai của chúa quân giống như Kent[7] đối với vua Lear. Nếu thất bại trong việc này thì hãy xin chúa quân tùy ý đối xử với mình. Trong những trường hợp như thế này, con đường võ sĩ thường theo là dùng lời van nài tối hậu, nhắc nhở đến sự sáng suốt và lương tâm của chúa quân, lấy sự đổ máu của thân thể mình để chứng tỏ sự chân thật của lời nói.

Lấy sinh mạng làm thủ đoạn để phục vụ chúa quân, và lí tưởng được đặt ở danh dự. Mọi giáo dục và huấn luyện võ sĩ được đặt trên nền tảng này.

[6] Iago: Nhân vật trong bi kịch “Othello” của Sheakespeare. Tướng quân Othello của người Moor (chỉ những người Hồi giáo ở Tây Bắc châu Phi) mắc phải gian kế của Iago, nghi ngờ trinh tiết của vợ nên đã giết vợ mình là Desdemona. Khi biết được sự thật là vợ mình trinh bạch, Othello quá hối hận và đã tự tử.

[7] Kent: Bá tước Kent là cận thần của vua Lear trong bi kịch “Vua Lear” của Sheakespeare.

Vua Lear có ba người con gái. Người con gái út là Cordelia ngoan ngoãn không có tà tâm. Nhưng vì nghe lời gièm pha, vua Lear đã đuổi con gái út ra khỏi cung điện. Sau này, vua Lear đã bị trưởng nữ và thứ nữ ngược đãi, tuy được Cordelia cứu giúp nhưng rốt cuộc đã phải chết trong bi thảm. Bá tước Kent là người đã phản đối vua Lear trong việc ngược đãi Cordelia.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx