sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 10 - 11

Chương X: GIÁO DỤC VÀ HUẤN LUYỆN VÕ SĨ

Giáo dục võ sĩ đặt việc rèn luyện phẩm chất lên hàng đầu, và việc đào tạo ra những khả năng trí óc như suy tư, kiến thức hay biện luận đứng hàng thứ hai. Đào tạo những tài năng mỹ thuật cũng giữ một vai trò quan trọng trong giáo dục võ sĩ. Những điều cần thiết phải có đối với một người trí thức, sẽ chỉ là những điều phụ thuộc, không phải là thiết yếu trong giáo dục võ sĩ. Tài năng học vấn dĩ nhiên được tôn trọng, nhưng chữ “trí” thường được dùng với nghĩa là trí tuệ và tri thức chỉ có một vai trò khiêm nhường. Trí, nhân và dũng được xem là ba chân giúp võ sĩ đạo đứng vững. Võ sĩ, căn bản là con người của hành động. Học thức không nằm trong phạm vi hành động này. Võ sĩ chỉ lợi dụng khi học thức có liên quan đến chức phận của mình. Tôn giáo và thần học được giao cho tăng lữ và võ sĩ chỉ học khi tôn giáo và thần học tỏ ra có ích trong việc bồi dưỡng dũng khí. Giống như một thi sĩ người Anh, samurai tin rằng “không phải là tín điều đã cứu người mà là người đã biện minh tín điều”.

Triết học và văn học chiếm địa vị chủ yếu trong giáo dục trí tuệ cho võ sĩ, nhưng mục tiêu không nhằm vào bất cứ một chân lý khách quan nào. Văn học được xem như để tiêu khiển thời gian, và triết học giúp lí giải những vấn đề chính trị hay quân sự hoặc để rèn luyện phẩm hạnh của mình.

Cho nên chẳng có gì lạ khi thấy chương trình giáo dục võ sĩ gồm có những môn như kiếm thuật, cung thuật, nhu thuật, mã thuật, thương thuật, binh pháp, thư đạo, đạo đức, văn học, lịch sử v.v. Trong những môn này chắc có lẽ phải giải thích đôi chút về lí do tại sao phải học nhu thuật và thư đạo. Võ sĩ trọng những người “chữ tốt” có lẽ vì “văn - tự - biểu - hiện” của chúng tôi mang tính chất hội họa, có giá trị về mĩ thuật nên bút tích được nhìn nhận là biểu hiện của cá tính. Nhu thuật có thể được định nghĩa ngắn gọn như một ứng dụng những hiểu biết về giải phẫu học vào những đòn tấn công và phòng ngự. Khác với đô vật, nhu thuật không lệ thuộc vào sức mạnh cơ bắp. Và cũng khác với những cách tấn công bằng cách dùng vũ khí, đặc sắc của nhu thuật là chộp hoặc đánh một nơi nào đó trong cơ thể làm cho kẻ địch bị tê liệt, không thể chống cự được nữa. Mục đích của nhu thuật không đặt ở chỗ giết kẻ địch mà chỉ nhằm làm kẻ địch không dùng được sức mình trong một khoảng thời gian nào đó.

Một môn học hết sức cần thiết trong giáo dục quân sự nhưng lại không có trong giáo dục võ sĩ, là toán học, vì chiến tranh trong thời đại phong kiến không cần sự chính xác của khoa học. Vả lại, giáo dục võ sĩ cũng không thích hợp cho việc bồi dưỡng quan niệm về toán học.

Ventidius (nhân vật trong kịch “Antony và Cleopatra” của Shakespeare, ND) đã nói: “Đức tính biết trọng danh dự của kị sĩ sẽ chọn lấy thua lỗ hơn là kiếm lời từ việc xấu hổ”. Võ sĩ dốt về kinh tế, nhưng kiêu hãnh về sự nghèo khó. Don Quixote[1] kiêu hãnh với cây thương rỉ và con ngựa gầy yếu của mình hơn là với đất đai tiền bạc mình có. Một samurai của Nhật Bản chắc hẳn sẽ đồng tình sâu xa với người kị sĩ La Mancha đầy ảo giác này. Võ sĩ khinh miệt đồng tiền, xem việc làm ra tiền và tích lũy đồng tiền là hạ tiện. Đối với võ sĩ, đúng đây là những lợi lộc bẩn thỉu. Có câu nói thường được dùng để diễn tả sự suy đồi của thế gian là “văn thần yêu tiền, võ thần yêu mạng”. Người coi trọng đồng tiền hoặc mạng sống bị khinh rẻ và kẻ coi thường, được tán tụng. Tục ngữ có câu: “Không nên ham tiền; giàu sang có hại cho trí tuệ”. Vì thế, con cái của võ sĩ được dạy dỗ hoàn toàn không để ý đến kinh tế. Nói chuyện về kinh tế sẽ bị xem là người có sở thích không tốt, không biết giá trị của đồng tiền là dấu hiệu của việc đã được giáo dục tốt. Mặc dầu kiến thức về toán số rất cần trong việc tập hợp quân đội hoặc phân chia bổng lộc, đất đai, nhưng việc tính toán tiền bạc thường được giao cho quan chức cấp thấp. Tài chính công cộng của lãnh địa hầu hết được võ sĩ cấp thấp hoặc tăng lữ quản lý. Võ sĩ có suy nghĩ đều biết đồng tiền tạo ra sức mạnh chiến tranh, nhưng không võ sĩ nào nghĩ đến việc nâng việc tôn trọng đồng tiền lên hàng đức tính. Võ sĩ đạo dạy phải tiết kiệm, đó là sự thật, nhưng không phải vì lí do kinh tế, mà chỉ nhằm mục đích huấn luyện đức tính khắc kỉ. Xa xỉ bị coi là đe dọa lớn nhất đối với con người, võ sĩ phải luôn luôn sống thanh bần. Luật cấm xa xỉ đã nhiều lần được ban hành ở nhiều lãnh địa.

[1] Don Quixote: Tác phẩm của Miguel de Cervantes Saavedra, người Spain. Don Quixote quê quán ở La Mancha, vốn yêu thích chuyện kị sĩ thời trung cổ nên đã tự hoá thân thành kị sĩ lang thang đi tu nghiệp khắp nơi. Don Quixote đã tạo ra những cuộc mạo hiểm ngớ ngẩn, buồn cười.

Chúng ta đọc lịch sử và biết rằng trong thời cổ đại La Mã, quốc gia nhìn nhận sự quan trọng của đồng tiền và công việc của các quan sứ thu thuế và nhân viên tài chính nên đã dần dần nâng đỡ họ lên giai cấp kị sĩ. Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng được rằng việc tiêu xài phung phí và lòng tham lam không đáy của người La Mã có liên hệ hết sức mật thiết với việc này. Trái lại, võ sĩ đạo đã nhất quán xem sự nghiệp tài chính như một cái gì thấp kém, thấp kém so với những nghề nghiệp có tính cách trí óc và đạo đức.

Nhờ coi nhẹ đồng tiền, ghét việc chắt bóp nên võ sĩ đạo đã tránh được nhiều tệ hại do đồng tiền gây ra. Lí do này đủ giúp quan chức của chúng tôi lâu nay xa lánh được những chuyện mua chuộc, hối lộ. Nhưng, than ôi! Ở thời đại và thế hệ của chúng ta, tư tưởng dựa vào sức mạnh của đồng tiền sao lại bành trướng nhanh chóng như thế này.

Ngày nay, học tập toán số được dùng vào việc luyện tập trí óc, nhưng ngày xưa, giải thích văn học và thảo luận về nghĩa vụ đạo đức được dùng vào việc này. Vì thế ít có những vấn đề trừu tượng khiến cho thiếu niên phải cực lòng suy nghĩ. Như tôi đã trình bày, mục đích lớn nhất trong giáo dục võ sĩ là tạo phẩm hạnh. Người chỉ học rộng biết nhiều không được mọi người kính trọng. Bacon (triết gia người Anh thời Phục hưng, 1561-1626, ND) đã chỉ ra ba công dụng của học vấn là đem lại lạc thú, trang sức cho mình và làm cho mình có năng lực. Võ sĩ đạo coi năng lực là điều tối ưu tiên. Vì năng lực cần trong việc phán đoán và xoay sở công việc. Dầu để xoay sở công việc hay luyện tập tính khắc kỉ đi nữa, võ sĩ đã đặt mục đích giáo dục ở năng lực thực tế này. Khổng Tử đã nói: “Học mà không suy nghĩ thì không thấm nhuần, suy nghĩ mà không học thì đó là điều nguy hiểm”.

Nghề nhà giáo mang màu sắc thiêng liêng khi nhà giáo chọn phẩm hạnh hoặc tinh thần làm đối tượng để huấn luyện, mở mang chứ không phải tri thức hay lí trí. “Cha mẹ sinh ra tôi, nhưng thầy giáo đã dạy tôi nên người”. Võ sĩ có quan niệm như thế nên trò luôn hết mực tôn kính và tin yêu thầy. Thầy được trò tôn kính và tin cậy như vậy phải là nhân vật vừa có nhân cách cao cả, vừa có học thức. Người thầy như vậy sẽ như là người cha của những kẻ mất cha, và là người khuyên bảo của những kẻ lầm lỡ. Cách ngôn của chúng tôi có câu: “Cha mẹ như trời đất, chủ thầy như mặt trời, mặt trăng”.

Ngày nay mọi công việc đều được trả bằng tiền, chế độ này đã không thịnh hành trong đám môn đồ võ sĩ đạo. Võ sĩ đạo tin rằng có những việc làm không cần phải nghĩ đến giá cả và cũng không cần phải trả tiền. Công việc về tinh thần, dẫu là việc của người thầy hay là việc của tăng lữ, không phải là những công việc không có giá trị mà vì giá trị quá cao không thể đánh giá được nên không thể trả bằng tiền. Ở điểm này, bản năng hoặc danh dự không có tính cách toán số của võ sĩ đã cho ta một bài học chân chính hơn cả kinh tế chính trị học hiện đại. Bởi vì chỉ có những công việc có kết quả rõ ràng minh bạch, có thể đo lường cụ thể thì mới có thể trả được bằng tiền công và tiền lương. Trong khi công việc tốt nhất trong giáo dục là mở mang trí tuệ của con người (kể cả công việc của tăng lữ) thì lại không rõ ràng minh bạch, và không thể đo lường được. Vì không thể đo lường được nên không thích hợp trong việc dùng tiền, để đo giá trị ngoài mặt được. Phong tục đưa tiền hoặc phẩm vật đến thầy vào những mùa nhất định trong năm, được công nhận. Nhưng đây không phải là để trả tiền cho thầy mà là biếu đồ vật cho thầy. Cho nên những người thầy với tính hạnh nghiêm khắc, tự hào về sự thanh bần, đầy uy nghiêm trong lao động, có lòng tự trọng cao trong việc cầu xin, những người thầy đó đều đã vui lòng đón nhận những phẩm vật học trò đem tặng. Những ông thầy này là những nhân cách uy nghiêm, có tinh thần cao cả không chùn chân trước nghịch cảnh, họ là hiện thân cho những điều được xem như mục đích của học vấn, là mẫu mực sống động của tinh thần khắc kỉ, một huấn luyện nghiêm khắc không thể thiếu trong võ sĩ đạo.

Chương XI: KHẮC KỈ (TỰ KIỀM CHẾ)

Rèn luyện nhẫn nại nhồi nhét vào đầu ta tinh thần chịu đựng không than vãn, mặt khác, giáo dục lễ nghĩa dạy Ita không được lộ vẻ buồn rầu và đau khổ, khiến người khác mất vui, mất yên ổn. Tổng hợp của hai việc này tạo ra tâm tính khắc kỉ, cuối cùng hình thành một đặc tính của dân tộc, chủ nghĩa khắc kỉ ngoài mặt. Tôi gọi đó là chủ nghĩa khắc kỉ ngoài mặt vì tôi tin rằng chủ nghĩa khắc kỉ không thể trở thành dân tộc tính được và vì rằng một vài thói quen hoặc cử chỉ của người Nhật có thể bị xem là tàn khốc dưới mắt của người nước ngoài. Nhưng thật ra, chúng tôi cũng rất đa cảm, giống như tất cả mọi dân tộc trên thế giới này.

Tôi còn nghĩ rằng ở một ý nghĩa nào đó người Nhật chúng tôi có thể còn dễ xúc động hơn những dân tộc khác nữa kìa, vì cố gắng kìm hãm những tình cảm tự nhiên chỉ gây ra khổ đau mà thôi. Thử nghĩ trẻ em, nam cũng như nữ, từ thời thơ ấu, đã được dạy dỗ rằng không được khóc, không được than thở để vơi nỗi lòng. Có lẽ đây là vấn đề của sinh lí học để xác định những nỗ lực như thế này có thể làm thần kinh trở thành sắt đá hay không, hay chỉ làm cho thần kinh trở nên mẫn cảm hơn.

Trong thế giới samurai việc để lộ tình cảm lên mặt bị xem như ra vẻ “không phải nam nhi”. “Vui buồn không hiện ra mặt” được dùng để chỉ một tính cách mạnh mẽ. Tình cảm tự nhiên nhất cũng cần phải kìm hãm. Tỉ dụ, cha ôm con sẽ làm tổn thương uy nghiêm của cha; chồng không được hôn vợ, ở trước mặt người khác thì không được, nhưng ở phòng riêng thì được chứ! Có một người trẻ nói kiểu cách, nhưng đôi phần phản ánh được sự thật, rằng “Người Mỹ hôn vợ trước mặt thiên hạ và đánh vợ trong phòng riêng. Người Nhật ngược lại đánh vợ trước mặt thiên hạ nhưng hôn vợ trong phòng riêng”.

Có bình tĩnh ở tinh thần, trầm tĩnh trong hành động sẽ không bị bất cứ tình cảm nào chi phối. Tôi còn nhớ trong thời gian chiến tranh với nhà Mãn Thanh (1894-1895), trước nhà ga ở một phố nọ, có một đám người tụ hợp để tiễn đưa người chỉ huy và bộ đội của một trung đoàn rời phố. Có một người Mỹ sống ở đó đã đến ga để xem, nghĩ rằng khi từ giã chắc sẽ có những tiếng la hét bùng nổ tình cảm, vì cả nước đang phấn khởi cao độ và vì trong đám đông có cha, có mẹ, có vợ, có người yêu của những người lính được tiễn đưa. Nhưng người Mỹ đó đã cảm thấy kì dị và thất vọng vì khi tiếng còi thổi và tàu bắt đầu chuyển bánh, hàng ngàn người đã yên lặng lột mũ, cúi đầu tôn kính tiễn chào; không một vẫy khăn, không một tiếng la, chú ý lắm mới nghe được có tiếng khóc thầm trong yên lặng. Đời sống gia đình cũng như thế. Tôi biết chuyện một người cha đã đứng suốt đêm sau cửa kéo nghe tiếng thở của con mình đang nằm trên giường bệnh, nhất định không cho con thấy sự yếu lòng của kẻ làm cha. Chuyện một người mẹ đến lúc lâm chung cũng nhất định không gọi đứa con đang đi học ở xa về vì sợ rằng sẽ khuấy nhiễu việc học hành của con. Lịch sử và đời sống hằng ngày của chúng tôi đầy rẫy những câu chuyện về những phụ nữ anh hùng không kém gì phụ nữ trong những trang sách cảm động nhất của Plutarch (sử gia, tùy bút gia Hy Lạp, 46-127, ND). Chắc chắn Ian Maclaren sẽ tìm ra được nhiều Market Howe trong đám nông dân của chúng tôi.

Nhà thờ Cơ đốc giáo ở Nhật Bản ít có những buổi truyền giáo sôi nổi, có thể được lí giải vì tính tự chế này. Nam cũng như nữ, khi thấy linh hồn mình cảm kích, bản năng trước tiên là yên lặng kiềm chế không cho nó lộ ra bên ngoài. Nhiệt tình và lòng thành có thể làm họ cảm động, không ngăn được tình cảm, trong trường hợp đó họ có thể nói những điều mình nghĩ, nhưng đây là chuyện hiếm có. Kể lại kinh nghiệm tâm linh không chừng mực, sẽ phạm điều cấm thứ ba trong thập giới (không được nói chuyện không chừng mực trước thượng đế, ND). Tai của người Nhật sẽ cảm thấy khó chịu khi phải nghe những lời nói thần thánh nhất, những kinh nghiệm thầm kín nhất ở trong lòng, xổ ra trước đám đông hỗn tạp. Một samurai trẻ đã viết trong nhật kí: “Mày không cảm thấy những ý nghĩ thầm kín chuyển mình nhè nhẹ trong mảnh đất linh hồn của mày sao? Đây là lúc hạt giống bắt đầu đâm chồi. Không được nói gì cả, nói ra chỉ quấy rầy thôi. Hãy để nó nẩy mầm thầm lặng”.

Dùng miệng lưỡi phát biểu những tư tưởng sâu kín và những tình cảm - đặc biệt về tôn giáo - đối với chúng tôi đó là dấu hiệu rõ ràng của việc thiếu suy nghĩ sâu xa hoặc thiếu thành thật. Tục ngữ có câu “hắn chỉ như trái lựu” để chỉ những người lanh miệng, nhiều lời “mở miệng to để lộ tâm tình của mình”.

Khi xúc động, chúng tôi cố câm miệng để che giấu xúc động, nhưng đây nhất định không phải vì lòng dạ người Á Đông bướng bỉnh ngược ngạo. Nói năng đối với chúng tôi, đúng như một người Pháp đã nói, là “kĩ thuật giữ kín tư tưởng”.

Hãy thử đến thăm một người bạn Nhật khi người đó có việc đau buồn nhất đời. Chắc chắn người bạn với cặp mắt đỏ ké hay với đôi má ướt lệ, sẽ mỉm cười đón anh. Thoạt đầu anh sẽ nghĩ chắc người đó bị loạn trí. Ép người bạn giải thích lí do, chắc chắn anh sẽ có được vài câu trả lời hết sức vô vị, tỉ dụ như “Cuộc đời này đầy khổ ải”; “Gặp nhau rồi sẽ phải chia tay nhau”; “Sinh ra sẽ phải chết”; “Tính tuổi của đứa con đã mất là việc ngu si, thế nhưng đàn bà dễ bị lôi kéo vào chuyện ngu si này” v.v và v.v. Nhà quí tộc Hohenzollern có câu nói cao quí là: “Hãy học cách im miệng chịu đựng”. Nhiều tư tưởng đối ứng câu nói này đã có ở nước Nhật trước đó khá lâu.

Thật ra, khi sự yếu đuối của nhân tính bị đặt trước những thử thách cam go, người Nhật dễ phì cười. Tôi nghĩ rằng thói quen cười trước thử thách của người Nhật có nhiều lí do chính đáng hơn Democritus[1]. Khi gặp nghịch cảnh, lòng bị hỗn loạn buồn phiền, người Nhật thường cười vì không muốn cho người khác thấy mình đang cố gắng giữ bình tĩnh trong lòng. Cười là cách lấy lại thăng bằng đối với việc đau khổ hay giận dữ.

Vì luôn bị đòi hỏi phải che giấu tình cảm, nên mọi người đã tìm van an toàn cho tình cảm của mình ở những câu thơ ngắn gọn. Một thi sĩ ở thế kỉ thứ 10 nói rằng “Ở Nhật cũng như ở Trung Quốc, khi bị xúc động vì ưu phiền người ta thường bộc lộ những đau buồn đắng cay của mình qua lời thơ. Đau buồn khi nhớ đến đứa con đã mất, bà mẹ đã tưởng tượng cảnh con đang đi bắt chuồn chuồn như lúc còn sống, để an ủi nỗi đau khổ vô bờ bến của mình.

[1] Democritus (460 trước CN - 370 trước CN): Democritus được mọi người biết như là triết gia cười của cổ đại Hi Lạp vì trong chủ thuyết của ông, ông đề cao giá trị của sự vui tươi. Ngoài ra ông còn được biết là một trong hai người đã dựng lên lí thuyết nguyên tử cũ.

“Bắt chuồn chuồn, hôm nay đi đâu xa quá vậy con”.

Tôi xin dừng ở đây không thêm thí dụ nữa, vì tôi nghĩ tôi không đủ sức để dịch ra tiếng ngoại quốc những châu báu của văn học chúng tôi, những suy tư được vắt ra từng giọt từ những trái tim rớm máu để đan thành những lời thơ tuyệt hảo. Thật ra tôi chỉ muốn trình bày những điều thật sự chúng tôi nghĩ ở trong lòng, vì dân tộc tính của chúng tôi thường bị xem hoặc như có vẻ chai cứng, lãnh đạm, hoặc như là một hỗn hợp loạn trí giữa tươi cười và thất vọng, đôi khi bị nghi như có đầu óc không bình thường.

Lại có thuyết cho rằng vì thần kinh của người Nhật kém nhạy cảm nên họ chịu đựng được đau đớn và không sợ chết. Nghe như có lý trong phạm vi vừa nói. Câu hỏi sau đó là tại sao thần kinh của người Nhật lại kém nhạy cảm? Có thể vì khí hậu của Nhật Bản không có tính kích thích như khí hậu của Mỹ. Có thể vì thể chế quân chủ của chúng tôi không làm cho chúng tôi hứng khởi cuồng nhiệt như thể chế Cộng hòa của Pháp. Hoặc có thể vì người dân chúng tôi đã không sốt sắng đọc Sartor Resartus (Y thường Triết học, ND) như người Anh. Cá nhân tôi, tôi cho rằng vì chúng tôi quá nhạy cảm, tình cảm của chúng tôi quá mãnh liệt, chúng tôi cần phải biết và không ngừng kiềm hãm mình; nhưng lí giải thế nào đi nữa cũng sẽ không chính xác nếu không xem xét việc tu dưỡng tính khắc kỉ từ xưa của người Nhật.

Tu dưỡng khắc kỉ dễ đi đến chỗ trở nên quá độ. Khắc kỉ quá độ có thể ngăn chặn dòng chảy lành mạnh của tâm hồn, có thể làm cho người ta trở thành hẹp hòi, kỳ quái, có thể sinh ra tính cuồng tín, ngụy thiện, thiếu ái tình. Một đức tính dầu cao thượng đến mức nào đi nữa, cũng có mặt trái, có giả dối. Chúng ta phải biết chỗ ưu tú tích cực của mỗi đức tính và theo đuổi lí tưởng tích cực đó. Lí tưởng của khắc kỉ, trong cách nói của người Nhật, là giữ cho lòng mình được bình tĩnh, mượn cách nói của Hy Lạp, là đạt đến trạng thái euthymia, theo Democritus, đó là trạng thái tốt lành tối cao.

Khắc kỉ đạt đến cực điểm, hiện ra rõ nhất trong chế độ tự sát, chế độ đầu tiên trong hai chế độ mà tôi sẽ trình bày ở phần sau, được gọi là tự sát và phục thù.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx