sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 12

Chương XII: CHẾ ĐỘ TỰ SÁT và CHẾ ĐỘ PHỤC THÙ

Hai chế độ này (được gọi là harakiri và katakiuchi) đã được nhiều văn nhân nước ngoài bàn khá đầy đủ.

Trước tiên tôi xin nói về vấn đề tự sát nhưng xin được hạn chế những quan sát của mình trong giới hạn seppuku hay là kappuku, thường được biết với chữ harakiri, có nghĩa là tự sát bằng cách mổ bụng mình. “Mổ bụng? Sao lại làm chuyện phi lý đến thế!” Chắc hẳn sẽ có người la lên như thế khi nghe tiếng này lần đầu. Với tai người ngoại quốc, thoạt đầu, đây có lẽ là chuyện hết sức kì quái. Nhưng, với những người đã đọc qua tác phẩm của Shakespeare, thì đây không phải là chuyện lạ. Shakespeare đã để cho Brutus nói rằng “Linh hồn của ngươi (Caesar) hiện ra, quay ngược mũi kiếm của ta đâm vào ruột ta”. Một thi sĩ cận đại người Anh, trong tác phẩm “Light of Asia” (Ánh sáng của Châu Á), đã có câu thơ tả lưỡi kiếm đâm vào bụng nữ hoàng, nhưng không có ai chê tiếng Anh của ông ta thô tục hoặc phạm thượng cả. Một thí dụ nữa, hãy nhìn bức tranh của Guercino trưng bày ở Palazzo Rossa, thành phố Genoa (thành phố ở Tây bắc nước Ý, ND), vẽ về cái chết của Cato[1]. Ai có đọc bài thơ Cato ngâm khi lâm chung do Addison (tùy bút gia người Anh, ND) viết, chắc chắn sẽ không chế giễu thanh gươm đã đâm quá nửa vào bụng ông ta. Trong thâm tâm người Nhật, chết bằng cách mổ bụng là câu chuyện của những hành vi cao quí nhất, câu chuyện của đau thương đầy cảm động, cho nên không có gì ghê tởm, không có gì đáng chế giễu, không có gì khiến người Nhật phải cảm thấy xấu xa. Sức mạnh biến sự việc thành đức tính, thành sự vĩ đại, thành tình thương thật là huyền diệu cho nên một cách chết khó coi đã thành một việc tuyệt vời, tượng trưng cho một sinh mạng mới. Nếu không thì cái dấu hiệu (thập tự giá, ND) mà Đại đế Constantine[2] đã thấy sẽ không thể nào chinh phục được thế giới!

[1] Cato (95TCN-46TCN): Cato Uticensis, triết gia phái Stoa (được sáng lập vào khoảng 400 trước CN, luận về luận lí, thiên nhiên, luân lí) thời La Mã, giữ chức quan “hộ dân” dưới thời Ceasar nhưng đã chống Ceasar và sau đó đã tự tử.

[2] Đại đế Constantine (280-337): Hoàng Đế La Mã đầu tiên theo đạo Cơ đốc. Ông có công lớn trong việc phát triển đạo Cơ đốc ở châu Âu.

Seppuku không khiến chúng tôi cảm thấy phi lí, không phải chỉ vì chúng tôi có những liên tưởng không có dính dáng gì đến chuyện đó. Việc chọn một chỗ đặc biệt trong cơ thể để cắt, căn cứ vào những gì người ta tin ở phép giải phẫu cổ đại, thì nơi đó là nơi trú ngụ của linh hồn và tình ái. Moses (trong “Cựu ước”, ND) đã viết “ruột của Joseph đau đớn xót xa vì em mình”, hoặc, David đã cầu nguyện Thượng đế đừng quên ruột mình, hoặc, Isaiah, Jeramiah, và những đồng bóng khác trong “Cựu ước” cũng nói “ruột kêu” hay “ruột đau”. Tất cả những điều này đã ủng hộ tín ngưỡng lưu hành trong người Nhật rằng ở bụng có linh hồn trú ngụ. Người Semites (những người có ngôn ngữ thuộc hệ Semite gồm người Ả rập, người Do thái, người Ethiopia v.v., ND) cho rằng sinh mệnh và tình cảm trú ngụ ở gan, thận và mỡ ở xung quanh. Chữ “hara” có ý nghĩa bao quát hơn chữ “phren” hoặc “thumos” trong tiếng Hy Lạp, và người Nhật cũng giống như người Hy Lạp, nghĩ rằng linh hồn của con người trú ngụ ở chỗ nào đó trong bụng. Ý tưởng đó không nhất thiết chỉ có ở những người cổ đại. Người Pháp có triết gia Descartes[3] nổi tiếng với thuyết linh hồn trú ngụ ở tùng quả tuyến, vẫn nhất định dùng từ “ventre” để diễn tả lòng dạ, một từ hết sức mập mờ trong giải phẫu học, nhưng có ý nghĩa trong sinh lý học. Giống như thế, từ “entrailles” (bộ lòng) được dùng để chỉ tình thương, lòng thương hại. Không phải vì mê tín mà tin như vậy, ngược lại việc này còn có vẻ khoa học hơn, nếu so sánh với quan niệm phổ thông cho rằng con tim là trung khu của tình cảm. Không cần phải hỏi thầy dòng, người Nhật biết rõ hơn cả Romeo (trong bi kịch “Romeo và Juliet” của Shakespeare, ND) nói rằng “ở chỗ vô cùng xấu xa của thây người chết có tên họ người ta”. Những học giả thần kinh học cận đại nói về não bộ của phần bụng hoặc phần xương chậu, cho rằng ở đó có trung khu của thần kinh giao cảm, chịu ảnh hưởng của những tác dụng tâm linh rất lớn. Khi đã thừa nhận thuyết sinh lí học thần kinh này, thì dễ dàng lập ra một tam đoạn luận về “seppuku”. “Tôi sẽ mở chỗ ngồi của linh hồn của tôi để cho anh xem nó ra sao. Hãy nhìn bằng chính mắt anh xem nó dơ hay sạch”.

[3] Descartes (1596-1650): Một trong những triết gia quan trọng nhất ở phương Tây. Ông cũng là nhà vật lí, sinh lí học và toán học nổi tiếng.

Tôi không muốn bị hiểu lầm rằng tôi thừa nhận việc tự sát, trên lập trường tôn giáo lẫn lập trường đạo đức. Nhưng việc việc tôn trọng danh dự được đánh giá cao đã là lí do đủ để cho nhiều võ sĩ phải tuyệt mệnh. Có không biết bao nhiêu người đã đồng thuận với tấm tình do Garth (thi sĩ người Anh, ND) diễn tả.

“Chết là cứu tinh khi danh dự bị mất

Là căn nhà bình yên để khỏi bị khổ nhục”

Đồng cảm với tình cảm này, nhiều người đã mỉm cười đưa linh hồn của mình vào cõi chết. Võ sĩ đạo chấp nhận cái chết liên quan đến danh dự như một lợi khí để giải quyết nhiều vấn đề phức tạp. Vì thế cho nên, với những võ sĩ trọng công danh, cái chết tự nhiên, ngược lại, bị xem như vô vị, không phải là cái chết mà nam nhi mong muốn. Tôi dám nói rằng chỉ cần thật sự thật thà thì chắc chắn nhiều người sùng đạo Cơ đốc sẽ thú nhận rằng họ cảm thấy say mê, nếu không phải là tán thưởng tích cực, sự điềm tĩnh tuyệt vời mà Cato, Brutus, Petronius[4] và nhiều vĩ nhân thời cổ đại đã có khi kết liễu mạng sống của mình. Có quá trơ tráo hay không khi nói bóng nói gió rằng cái chết của triết gia thủy tổ (Socrates, ND) có phần nào đó có thể nói là tự sát. Từ những câu chuyện do đệ tử kể lại cặn kẽ, chúng ta có thể biết được rằng thầy của họ sẵn sàng chấp nhận mệnh lệnh của quốc gia, mặc dầu ông ta biết rằng về mặt đạo đức, đó là lầm lỗi, và tuy ông ta có thể chạy trốn, nhưng ông ta đã tự tay mình cầm lấy chén thuốc độc, rưới vài giọt tế thần. Qua toàn thể hành động và thái độ của ông ta, chúng ta không thể nhận ra được rằng đây là hành vi tự sát hay sao? Không có cưỡng bách xác thịt ở đây như những trường hợp xử hình thông thường. Đúng, phán quyết của quan tòa có tính cách cưỡng chế. “Nhà ngươi phải chết, và chết bằng chính tay ngươi”. Nếu tự sát có nghĩa là chết bằng chính tay mình thì trường hợp của Socrates rõ ràng là tự sát. Nhưng không ai có thể buộc tội ông về chuyện đó; Platon, ghét việc tự sát, nên không muốn gọi thầy mình là kẻ tự sát.

[4] Petronius (27-66): Văn sĩ trào phúng La Mã. Tuy bị kết tội phải chết bằng cách tự tử nhưng trong qua trình tự tử Petronius đã điềm nhiên ăn uống và làm thơ.

Bây giờ độc giả chắc đã hiểu rằng seppuku không phải chỉ là một hành vi tự sát. Seppuku là một chế độ, có tính luật pháp và tính nghi lễ. Đây là một sáng kiến của thời trung cổ, một phương pháp để võ sĩ chuộc tội, nói lên lời xin lỗi, tránh khỏi nhục nhã, chuộc lại tình bạn, và chứng minh lòng thành của mình. Seppuku được thực thi với nghi thức trang trọng khi bị đem ra thi hành như một hình phạt theo luật pháp. Đây là sự điêu luyện của tự sát, không ai có thể mổ bụng mình nếu không trấn tĩnh được tình cảm hoặc không giữ được điềm tĩnh trong thái độ. Vì thế seppuku là hình thức hết sức phù hợp với võ sĩ.

Tôi cũng muốn miêu tả ở đây nghi thức đã bị bãi bỏ này chỉ vì lòng hiếu kì thích chuyện cổ của mình. Biết rằng có một tác giả ngày nay ít có người đọc, ưu tú hơn tôi nhiều, đã miêu tả việc này, tuy hơi dài nhưng tôi xin được trích dẫn ra đây. Trong trước tác “Những câu chuyện Nhật Bản xưa” (Tales of Old Japan), sau bài dịch một khái luận liên quan đến seppuku từ một quyển sách hiếm của Nhật Bản, Mitford đã miêu tả một cuộc xử hình thật sự do chính mắt mình thấy.

“Chúng tôi (bảy người đại diện ngoại quốc) được mời đi theo sau những người làm chứng vào “hondo”, gian phòng chánh trong chùa nơi thi hành nghi lễ. Quang cảnh thật trang nghiêm. Hondo có mái cao, cột trụ đen. Trần nhà treo lủng lẳng những đèn lồng phết vàng to lớn và những trang trí chỉ có ở chùa Phật. Trước bàn thờ Phật cao, trên sàn lót chiếu trắng đẹp, có một sạp được phủ bằng nỉ đỏ, cao chừng khoảng một tấc. Những cây nến cao sắp hàng đều đặn, tỏa ánh sáng lờ mờ thần bí, vừa đủ để cho thấy mọi việc xảy ra. Bảy người chứng Nhật Bản ngồi ở phía trái trên sàn cao, và bảy người ngoại quốc ngồi ở bên phải. Ngoài ra không có ai khác.

Sau vài phút chờ đợi lo lắng bất an, Taki Zenzaburo (1837-68), một người đàn ông cường tráng, ba mươi hai tuổi, với vẻ cao quí, trong lễ phục bằng chỉ gai đặc biệt, bước vào phòng. Một kaishaku và ba quan chức mặc jimbaori (áo khoác chiến trận) có luồn chỉ vàng cùng vào. Kaishaku ở đây cần nên biết là không có nghĩa là kẻ hành hình (executioner) như trong tiếng Anh. Đây là công việc của một người có địa vị chững chạc, trong nhiều trường hợp, nhiệm vụ này được giao cho người bà con thân tộc hay bạn bè của người bị án, và quan hệ giữa họ không phải là quan hệ của tử tù với người hành hình, mà là quan hệ của người giữ vai chính với người trợ giúp. Trong trường hợp này, người kaishaku là môn đệ của Taki Zenzaburo, một người rất giỏi kiếm thuật nên được số đông bạn bè lựa chọn.

Với người kaishaku ở bên trái, Taki Zenzaburo chậm rãi bước về phía những người chứng Nhật Bản. Cả hai cùng cúi đầu chào, sau đó họ tiến gần đến phía những người ngoại quốc, và giống như trước, họ càng tỏ ra tôn kính cúi đầu chào chúng tôi. Hai bên người chứng đều trịnh trọng đáp lễ. Cuối cùng Zenzaburo bước lên sạp seppuku, chậm rãi và trang nghiêm đến trước bàn thờ Phật lạy hai lạy, sau đó quì xuống xếp chân ngồi trên thảm nỉ, quay lưng sang bàn thờ Phật. Người kaishaku nép mình ở phía bên trái. Một trong ba quan chức phục dịch tiến ra phía trước, tay dâng khay cúng Phật, có để một “wakizashi” bao giấy trắng. Wakizashi là đoản kiếm của người Nhật, dài khoảng ba tấc, có mũi nhọn và lưỡi bén như dao cạo. Người phục dịch cúi đầu lạy đưa khay đến kẻ tử tù. Kẻ tử tù nhận khay, cung kính dùng hai tay nâng khay lên ngang đầu rồi để xuống trước mặt mình.

Sau một lần cúi đầu thật sâu, Taki Zenzaburo, với giọng nói biểu lộ tình cảm ngập ngừng, đầy xúc động của một người đang thú tội đau đớn, nhưng trên vẻ mặt và thái độ không có một dấu hiệu nào lộ ra.

“Tôi, một mình tôi, đã phạm lỗi không thể bào chữa, tôi đã ra lệnh bắn người ngoại quốc ở Kobe, và khi nhìn thấy họ chạy trốn, tôi lại ra lệnh bắn tiếp. Tôi sẽ mổ bụng vì đã phạm tội này. Cầu xin quí vị làm ơn chứng kiến cho tôi việc này”.

Nói xong, Zenzaburo cúi đầu chào thêm một lần nữa rồi lột áo mình xuống đến dây thắt lưng để lộ phần trên thân thể ra. Theo đúng với cách thức, Zenzaburo đã cẩn thận nhét hai cánh tay áo xuống dưới gối mình để thân khỏi bị ngã ngửa ra phía sau; vì người Nhật cho rằng, một võ sĩ có địa vị, khi chết, phải ngã về phía trước. Chậm rãi và với cánh tay vững vàng, Zenzaburo cầm lấy thanh đoản kiếm đặt ở trước mặt mình lên, nhìn vào đó như gởi gắm tấm lòng của mình, gần như là yêu thương, và trong giây khắc, hắn dường như đang tập trung mọi suy tư của mình cho giây phút cuối cùng này, bỗng hắn đâm lưỡi kiếm sâu vào dưới bụng trái, chầm chậm rạch lưỡi kiếm sang bên phải, lật lưỡi kiếm lại trong vết thương rồi kéo lưỡi kiếm lên trên một chút. Trong suốt thời gian làm động tác đau đớn kinh hoàng này, bắp thịt trên mặt hắn không có một cử động. Hắn rút đoản kiếm, rồi khom mình đưa cổ ra. Nỗi đau đớn lần đầu tiên hiện lên trên mặt hắn, nhưng không có một tiếng rên la. Người kaishaku đứng nép bên cạnh, chăm chăm nhìn từng hành động của hắn, đúng vào lúc đó đã bình tĩnh tiến lên, trong phút chốc đã vung một đường kiếm lên không. Một ánh sáng loé, một tiếng soạt nặng nề, ghê rợn, một tiếng rơi vỡ; trong khoảnh khắc cái đầu đã lìa khỏi cổ.

Trong bầu không khí yên lặng nghẹt thở, chỉ có tiếng máu phun từng đợt, rùng rợn từ đống thịt bất động trước mặt chúng tôi. Chỉ một phút trước đó, đống thịt này đã là một võ sĩ mạnh mẽ, dũng cảm. Thật là một quang cảnh khủng khiếp.

Sau khi gập mình cúi đầu, người kaishaku rút một tờ giấy trắng đã chuẩn bị sẵn ra lau lưỡi kiếm và xuống sạp seppuku. Đoản kiếm nhuộm máu, chứng cớ đẫm máu của vụ xử hình, đã được trịnh trọng mang đi.

Hai quan chức đại diện cho Mikado (Thiên hoàng, ND) sau đó đã rời chỗ ngồi đến trước mặt các nhân chứng ngoại quốc yêu cầu chúng tôi chứng thực án tử hình đối với Taki Zenzaburo đã được thi hành đúng đắn. Nghi thức chấm dứt ở đây, và chúng tôi đã rời khỏi ngôi chùa”.

Cảnh seppuku được ghi lại khá nhiều trong văn học hoặc trong những mẩu chuyện của những người có dịp chứng kiến, nhưng có lẽ chỉ cần đưa ra thêm một chuyện nữa cũng đã đủ.

Chuyện của hai anh em Sakon và Naiki. Người anh hai mươi bốn tuổi và người em mười bảy tuổi đã tìm cách giết Ie-yasu để trả thù cho cha mình, nhưng đã bị bắt giữ trước khi len lỏi được vào dinh trại. Ông tướng già khen hai anh em có lòng can đảm, dám mưu sát mình nên đã ra lệnh cho phép họ được chết trong danh dự. Tất cả đàn ông trong gia tộc bị tuyên án tử hình. Người em út, Hachimaro, một đứa trẻ mới tám tuổi cũng bị tội chết, và ba người đã được đưa đến một tịnh xá để thi hành án. Một y sĩ được dịp chứng kiến đã ghi lại trong nhật kí của mình cảnh tượng như sau.

“Khi ba anh em đến ngồi xếp hàng chờ giờ hành hình, Sakon quay sang hướng người em út nói: “Hachimaro, mày mổ bụng trước đi. Có gì tao sẽ giúp mày làm đúng cách”. Người em nhỏ trả lời rằng vì nó chưa bao giờ được thấy seppuku, nên nó muốn xem cách làm của người anh, và sau đó nó sẽ làm theo. Hai người anh mỉm cười trong nước mắt. “Giỏi. Mày thật là mạnh dạn, không hổ thẹn là con của cha”. Rồi hai người để Hachimaro ngồi ở giữa, Sakon đâm đoản kiếm vào bụng trái của mình rồi nói: “Hachimaro, nhìn kĩ đây. Thấy rồi chưa? Đừng rạch dao quá sâu, không thì sẽ bị ngã ngửa đấy. Ụp về phía trước, không được động đậy hai đầu gối”. Giống như thế, Naiki vừa rạch bụng mình, vừa nói với thằng bé. “Này, phải mở mắt, không được nhắm, không thì mặt mày sẽ giống như mặt đàn bà chết. Nếu lưỡi kiếm bị chậm lại, hay không còn sức nữa, thì hãy đem hết can đảm ra, cố rạch cho hết”. Thằng bé nhìn cách làm của hai anh, và khi cả hai tắt thở, nó lặng lẻ cởi áo, mổ bụng mình theo đúng những điều hai anh đã dạy”.

Xem việc được mổ bụng là điều danh dự làm nẩy sinh ra nhiều lạm dụng. Nhiều người trẻ thiếu suy nghĩ đã vội vàng tìm đến cái chết như con thiêu thân, chỉ vì những lí do không đáng chết hoặc vì những chuyện hoàn toàn không phù hợp với đạo lí. Số võ sĩ chết vì những động cơ không rõ ràng, khó hiểu nhiều hơn số phụ nữ đi tu. Sinh mạng rẻ mạt - rẻ mạt khi được đo bằng tiêu chuẩn danh dự của thế gian. Điều đáng buồn nhất là danh dự luôn luôn giữ được lãi trong việc đổi chác, nhưng thật ra danh dự ở đây không phải luôn luôn là một loại vàng ròng, mà là một thứ hợp kim với nhiều kim loại hèn mọn. Dante (nhà thơ vĩ đại người Ý, 1265-1321, ND) đã giam tất cả những người tự sát vào lao ngục thứ bảy trong phiên bản “địa ngục” của mình, nhưng chắc không ai có thể khoe rằng con số người đó nhiều hơn con số người Nhật đã tự sát.

Thế nhưng, đối với một võ sĩ chân chính, việc vội chết hoặc liều chết bị xem như đồng nghĩa với nhút nhát. Một võ sĩ tiêu biểu (Yamanaka Shikanosuke 1740?-78, ND), khi bị thất trận liên tục, bị truy kích từ đồng lên núi, từ rừng vô hang, cuối cùng bị đói lả, phải ẩn náu trong bộng cây, gươm cùn, cung gãy, tên cũng không còn mũi nào … trong hoàn cảnh giống như thế, chiến binh La Mã (Brutus, ND) cao quí nhất đã không phải tự vẫn bằng chính thanh gươm của mình ở Philippi hay sao? Nhưng, võ sĩ này đã nghĩ rằng nếu chết đi thì quả là nhút nhát nên đã ngâm câu thơ sau đây với tâm trạng chịu đựng gần với tinh thần của người Cơ đốc tuẫn đạo để an ủi mình.

“Đến đi! Cứ đến

Kinh hoàng, khổ nhục, buồn đau.

Nặng nề cứ chất

Thử xem sức mình còn được bao lâu”.

Đây là điều võ sĩ đạo dạy. Nhẫn nhục, đối đầu với khốn khổ và nghịch cảnh bằng tấm lòng trong sạch và sự nhẫn nại của mình; vì Mạnh Tử dạy rằng: “Khi Thượng đế muốn giao việc lớn cho người ta, trước hết Thượng đế sẽ làm khổ người đó cả linh hồn lẫn thể xác, đặt người đó trong hoàn cảnh đói khổ, làm đảo lộn mọi dự định của người đó”. Danh dự thật sự chỉ có được khi làm tròn nhiệm vụ Thượng đế giao cho, và chết vì nhiệm vụ đó, nhất định không phải là điều nhục nhã. Ngược lại chết để tránh những gì Thượng đế mong muốn, quả thật là việc khiếp nhược. Trong quyển sách kì quái “Religio Medici” (Tôn giáo của bác sĩ) của Thomas Brown (bác sĩ y khoa người Anh, 1605-82, ND), có một đoạn văn hoàn toàn giống với điều võ sĩ đạo chỉ dạy. Tôi xin trích dẫn ra đây. “Coi thường cái chết là điều can đảm. Nhưng nếu sống còn khủng khiếp hơn cả chết, dám sống mới thật là can đảm vậy”. Một danh tăng (Tenkai 1536-1643, ND) ở thế kỉ thứ 17 có nói: “Bình sinh dẫu có ăn nói không khéo thế nào đi nữa, kẻ sĩ chưa có chết lần nào, trong những lúc cần phải chết thường hay lách tránh. Kẻ sĩ đã một lần chết trong tim, thì thương của Sanada (danh tướng thời chiến quốc của Nhật Bản, ND) hay tên của Tametomo cũng không đâm thủng được.” Thật là gần với chỉ dạy của Chúa rằng: “Người bị mất mạng vì ta, sẽ tìm được sinh mạng”. Có người cố tìm cách giải thích về sự khác biệt giữa người theo đạo Cơ đốc với người khác đạo, nhưng thí dụ trên cho thấy nhân loại, về đạo đức, đều có điểm trùng hợp với nhau.

Chế độ tự sát của võ sĩ đạo thoạt nhìn có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên về sự lạm dụng của nó, thế nhưng nhất định đây không phải là một chế độ bất hợp lí, cũng không phải là dã man. Sau đây chúng ta thử xem chế độ anh em với seppuku, được gọi là “phục thù” có điểm nào tốt hay không. Hy vọng tôi có thể trình bày gọn ghẽ trong vài chữ, vì chế độ như thế này, hay hãy gọi là phong tục, có trong tất cả mọi dân tộc, và hiện nay cũng chưa được bãi bỏ hoàn toàn, được minh chứng bằng việc ngay bây giờ cũng vẫn còn tồn tại những trận quyết đấu hay những cuộc xử hình cá nhân. Tại sao một quân nhân người Mỹ đã đòi quyết đấu với Esterhazy (điệp viên, thủ phạm trong scandal Dreyfus, ND)? Vì muốn trả thù cho việc Esterhazy đã đổ tội oan cho Dreyfus phải không? Trong một bộ tộc lạc hậu không có chế độ hôn nhân, gian thông không phải là một cái tội, sự ghen tuông của người yêu đã bảo vệ phụ nữ khỏi bị lợi dụng, giống như vậy, trong thời đại không có toà án hình sự, sát nhân không phải là tội, việc người thân của kẻ bị hại trả thù, đã duy trì trật tự xã hội. (Trong thần thoại Ai Cập) Osiris[5] hỏi Horus: “Trên thế giới này, cái gì đẹp nhất?” Horus trả lời: “Đó là việc trả thù kẻ đã giết cha mẹ mình”. Đối với người Nhật thì chắc phải thêm vào “… và kẻ đã giết chúa quân mình… ”

Trong hành vi trả thù, có một điều gì đó làm cho lòng tôn trọng chính nghĩa được thoả mãn. Lí lẽ của người trả thù như thế này: “Cha tôi là người hiền lương, không có lí do nào để phải chết. Kẻ giết cha tôi đã làm một điều xấu xa gớm ghiếc. Cha tôi, nếu sống, nhất định sẽ không tha thứ cho những hành vi như thế đó. Trời cũng ghét những việc ác đức. Không cho kẻ ác làm điều xấu là ý chí của cha tôi và cũng là ý chí của trời. Hắn phải chết bằng bàn tay của tôi; vì hắn đã làm cho cha tôi đổ máu, tôi, là huyết nhục của cha tôi, tôi phải làm cho kẻ giết cha tôi đổ máu. Tôi không thể đội trời chung với hắn”. Lí lẽ này đơn thuần và ấu trĩ (mặc dầu chúng ta biết rằng Hamlet[6] cũng không có lí do nào sâu xa hơn). Dẫu thế, qua lí lẽ này, ta thấy bẩm sinh con người có cảm giác quân bình chính xác và cảm giác công lí như nhau. “Mắt đổi mắt, răng đền răng”. Cảm nghĩ của chúng tôi về phục thù chính xác như toán số, và khi hai vế của phương trình này chưa bằng nhau, thì chúng tôi vẫn còn có cảm giác như quên làm một điều gì đó.

[5] Osiris: Con của thần trời và thần đất, bị em là thần sa mạc Set giết. Con là Horus đã trả thù cho cha.

[6] Hamlet: Nhân vật trong bi kịch Hamlet của Shakespeare. Hoàng tử Hamlet xứ Đan Mạch thề trước vong linh của vua cha, nguyện phục thù người giết cha mình là chú và người mẹ đã kết hôn với chú khi cha vừa mới mất. Vì tính tình hay suy tư dằn vặt, Hamlet trách móc trọng thần Polinius, cha của người yêu Ophelia. Hamlet giết Polinius và bỏ Ophelia khiến Ophelia đau khổ, tự tử. Hamlet sau đó tuy trả được thù nhưng đã phải chết trong khổ đau.

Trong đạo Do Thái, nơi người ta đặt niềm tin ở Thượng đế ganh tị, hoặc trong thần thoại Hy Lạp nơi có thần Nemesis (nữ thần phục thù, ND), việc phục thù có thể nhường cho những sức mạnh siêu nhân. Thế nhưng, võ sĩ đạo đã lập một chế độ phục thù dựa vào thường thức, với tính cách như một tòa án về đạo đức để người ta xử những sự kiện không thể xử được bằng luật pháp thông thường. Chúa quân của bốn mươi bảy võ sĩ bị xử tội chết. Không có toà án để cho họ kháng cáo, nên họ đã sử dụng chế độ phục thù, một toà án tối cao duy nhất thời đó. Và như thế đến phiên họ, họ phải chịu hình phạt tử hình bằng luật thông thường, nhưng bản năng của dân chúng đã có phán quyết khác và nhờ vậy tên tuổi của họ luôn được ghi nhớ, mồ mả họ ở chùa Sengaku vẫn còn hương khói. Tuy nhiên, Lão Tử đã dạy báo oán bằng đức, và Khổng Tử đã nói rõ hơn là oán phải được đáp lại bằng chính nghĩa. Phục thù vì thế chỉ được xem là đúng khi đó là hành vi vì người trên hay vì người ơn. Đối với những tổn hại của mình hay của vợ con mình thì cần phải nhẫn nhịn và tha thứ. Vì thế võ sĩ hoàn toàn cảm thông với lời thề của Hannibal[7] (mãnh tướng của Carthago, ND) báo thù cho tổ quốc của mình, nhưng lại khinh miệt James Hamilton (nhân vật trong chiến tranh giữa England và Scotland vào thế kỉ thứ 16, ND) vì đã để trong thắt lưng của mình một nắm đất lấy từ mồ vợ để luôn thúc giục mình trả thù những việc ác của nhiếp chính Regent Murray.

[7] Hannibal (247 trước CN - 183 trước CN): Mãnh tướng Hannibal của Carthago (đô thị thuộc Tunisia nay) năm lên chín, đã cùng cha thề trước tế đàn, quyết hi sinh vì tổ quốc đánh đuổi quân La Mã. Vì lời thề này mà Hannibal đã phải chiến đấu với quân La Mã suốt đời.

Cả hai chế độ tự sát và phục thù đều không còn lí do để tồn tại trong bộ hình luật hiện đại. Chúng ta không còn dịp nghe được chuyện mạo hiểm lãng mạn của một cô gái trẻ đẹp giả trang đi tìm dấu kẻ giết cha mẹ mình. Kiếm khách Miyamoto (1584-1645) bây giờ đã thành “chuyện nay đã xưa”. Ngày nay, cảnh sát có tổ chức hẳn hoi sẽ điều tra, tìm bắt phạm nhân cho người bị hại và pháp luật sẽ thực thi chính nghĩa. Toàn thể quốc gia và xã hội sẽ sửa phạt những điều sai trái. Có chính nghĩa xã hội, việc phục thù sẽ trở thành không cần thiết. Nếu phục thù là sự đói khát của con tim chỉ muốn được thỏa mãn bằng máu sống của người để cúng như học giả thần học người New England đã diễn tả thì một vài điều trong luật hình đã không thể chấm dứt hoàn toàn việc phục thù được như thế này.

Tuy seppuku không còn được cho phép tồn tại trong pháp chế, thế nhưng thỉnh thoảng vẫn còn nghe có. Có lẽ khi kí ức của quá khứ vẫn còn tồn tại thì vẫn còn tiếp tục nghe thấy. Khi con số người muốn tự sát trên khắp thế giới gia tăng với tốc độ đáng sợ thì cách tự sát không mất nhiều thì giờ, không đau đớn lắm sẽ được hoan nghênh. Nhưng giáo sư Morselli (tác giả “Tự sát luận”, ND) đã đặc ân cho seppuku địa vị quí tộc trong các phương pháp tự sát. Giáo sư cũng đã chủ trương “trong một trăm trường hợp tự sát bằng phương pháp đau đớn nhất, hoặc cần nhiều thời gian, thì chín mươi chín trường hợp có thể coi như là hành vi của cuồng tín, hoặc phát điên, hoặc cuồng loạn tinh thần do những kích thích bệnh hoạn gây ra”. Nhưng, seppuku bình thường không có một dấu hiệu nào cho thấy có vẻ cuồng tín, phát điên hay mê loạn, và để làm được việc này việc cần nhất là phải có một thái độ trầm tĩnh cao độ. Tiến sĩ Strahan (trong “Suicide and Insanity” (Tự sát và hỗn loạn tinh thần), ND) chia tự sát ra thành hai loại “tự sát một cách hợp lí hay là tự sát một cách hoài nghi” và “tự sát một cách bất hợp lí hay là thật sự tự sát”. Seppuku là tỉ dụ tốt nhất cho loại hình đầu tiên.

Từ chế độ có mùi máu cũng như từ khuynh hướng tổng quát của võ sĩ đạo, ta có thể suy ra dễ dàng rằng thanh kiếm giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt và qui luật xã hội, đến nỗi đã có câu cách ngôn nói rằng “thanh kiếm là linh hồn của võ sĩ”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx