sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 13

Chương XIII: THANH KIẾM, LINH HỒN CỦA VÕ SĨ

Trong võ sĩ đạo, thanh kiếm là tượng trưng cho sức mạnh và dũng khí. Khi Mahomet (khoảng 571-632, khai tổ của đạo Hồi (Islam), ND) đã tuyên bố rằng “thanh kiếm là chìa khóa của thiên đàng và địa ngục”, ông ấy chỉ phản ánh tình cảm của người Nhật. Cậu bé samurai học múa kiếm từ lúc còn ấu thơ. Đến năm tuổi, cậu bé được cho phép mang ở thắt lưng một cây kiếm thật thay cho cây kiếm ngắn mà cậu từng dùng làm đồ chơi, được mặc lễ phục của võ sĩ, được đứng trên bàn cờ vây và từ đó cậu bé sẽ được nhìn nhận là có tư cách võ sĩ. Sau nghi thức đầu tiên nhập môn võ sĩ, cậu bé sẽ không bao giờ ra khỏi cổng nhà mình mà không mang theo thanh kiếm như một phần của thân thể mình, mặc dầu trong sinh hoạt hằng ngày, thường thì cậu sẽ mang một thanh kiếm bằng cây sơn bạc thay thế cho kiếm thật. Vài năm sau, đứa trẻ đó sẽ được mang kiếm thật ở thắt lưng, dẫu là kiếm lụt, nhưng với lòng hân hoan nhận được kiếm mới, đứa trẻ thường ra khỏi nhà, dùng kiếm mới chặt thử cây, đá. Khi đến tuổi thành niên, khoảng mười lăm tuổi, đứa trẻ được tự do hành động, đứa trẻ bây giờ sẽ hãnh diện vì được sở hữu thanh kiếm đủ bén nhọn cho mọi công việc. Việc sở hữu một dụng cụ nguy hiểm đã khiến đứa trẻ có cảm giác và dáng điệu tự trọng, có trách nhiệm. “Thanh kiếm không để cho kẻ kiêu ngạo mang”. Cái mà đứa trẻ mang theo mình là biểu tượng của những gì mà người mang nó cảm thấy và nghĩ đến, … đó là trung nghĩa và danh dự. Võ sĩ mang hai thanh kiếm, một dài và một ngắn, … được gọi là “daito” và “shoto” hoặc “katana” và “wakizashi”, và hai thanh kiếm này không bao giờ rời khỏi mình võ sĩ. Khi ở nhà, võ sĩ thường đặt kiếm ở chỗ dễ thấy nhất trong phòng sách, ban đêm, đặt ở gần gối nơi lúc nào cũng có thể với tay đến. Thanh kiếm là bạn đời, được yêu thương, được đặt tên, được tôn trọng gần như sùng bái. Ông tổ của lịch sử (Herodotos, người Hy Lạp, ND) có ghi lại chuyện lạ là người Scythia cúng vật hi sinh cho mã tấu lưỡi liềm sắt. Ở Nhật, đình và gia đình có nhiều nơi giữ kín thanh kiếm để làm đối tượng lễ bái. Ngay như một thanh đoản kiếm tầm thường cũng đáng được tôn kính. Khinh rẻ thanh kiếm của ai tức là lăng nhục người chủ của nó. Thật không may cho ai đó vô ý bước chân ngang qua thanh kiếm để ở sàn nhà.

Thanh kiếm là vật quí giá như thế nên nó đã trở thành điểm nhắm của sự quan tâm và sự khéo tay của các nghệ nhân, hoặc sự phù hoa của kẻ sở hữu, đặc biệt trong thời bình, khi mà nó chỉ được xem như pháp trượng của vị giám mục, hay quyền trượng của một vị vua. Cán kiếm được bọc bằng da cá mập, có chỉ lụa buộc chặt, chắn kiếm được cẩn vàng và bạc, bao kiếm được sơn mài với nhiều màu sắc, làm giảm phần nào sự ghê rợn của một vũ khí chết người. Nhưng tất cả những trang trí này chỉ là đồ chơi so với lưỡi kiếm.

Thợ rèn kiếm không chỉ là thợ thủ công mà là một nghệ nhân cảm được sự linh thiêng và nơi làm việc của ông ta là nơi tôn nghiêm. Nghiêm ngặt với kiêng cữ, mỗi ngày khi bắt đầu công việc, ông đều tắm rửa sạch sẽ và khấn vái thần Phật, hoặc có thể nói là “đem hết tâm hồn của mình vào trong việc trui rèn thanh thép”. Mỗi nhát búa, mỗi động tác nhúng nước, mỗi động tác mài dũa, tất cả đều là những hành vi nghiêm túc, mang tính chất tôn giáo. Kiếm Nhật được cho là như có linh hồn, có lẽ là do tâm hồn của nghệ nhân hay khí thiêng của thần phật nhập vào. Ngoài việc là một sản phẩm mĩ thuật hoàn hảo không thua gì danh kiếm Toledo (cố đô của Spain, ND) và Damascus (thủ đô của Syria, ND), kiếm Nhật còn có một điều gì đó hơn là một sản phẩm mỹ thuật. Khi rút ra khỏi vỏ, hơi nước bỗng chốc tích tụ trên mặt kiếm lạnh như băng, lấp lánh xanh loè không một gợn mây. Lịch sử và tương lai ẩn mình trong lưỡi kiếm sắc bén vô song. Đường cong của lưng kiếm là kết hợp của sức mạnh cùng với vẻ đẹp siêu đẳng. Tất cả tạo cho chúng ta cảm giác hỗn hợp giữa sức mạnh và vẻ đẹp, giữa tôn kính và sợ sệt. Nếu thanh kiếm chỉ là dụng cụ của vẻ đẹp và sự vui tươi thì đó đúng là vật hoàn toàn vô hại. Thế nhưng khi thanh kiếm còn để ở chỗ mà tay có thể chạm đến thì việc lạm dụng nó không phải là ít. Đôi khi vì muốn thử độ bén của kiếm mới mà nhiều sinh vật vô hại đã bị mất đầu.

Nhưng vấn đề chúng ta quan tâm là liệu võ sĩ đạo có thừa nhận việc sử dụng đao kiếm bừa bãi như thế đó không? Câu trả lời rõ ràng là, không. Võ sĩ đạo xem trọng việc sử dụng thích đáng đao kiếm, nhưng phản đối và thù ghét việc lạm dụng nó. Vung kiếm không phải lúc là hành vi của kẻ hèn nhát hoặc của kẻ kiêu ngạo. Một samurai làm chủ được mình biết được lúc nào nên dùng kiếm và những lúc như vậy rất hiếm. Hãy lắng nghe lời nói của bá tước Katsu Kaishu (1823-99), nhân vật sống qua thời đại hỗn loạn nhất trong lịch sử Nhật Bản, khi mà những sự kiện đẫm máu như ám sát hoặc tự sát xảy ra hằng ngày. Có thời kì, ông là người có quyền quyết định nhiều chính sách, vì thế đã nhiều lần ông đã trở thành mục tiêu của ám sát. Thế nhưng chưa có lần nào ông để cho thanh kiếm mình nhuộm máu. Có lần cũng với giọng nói bình dân đặc biệt, ông đã kể câu chuyện thời ấy cho bạn mình nghe.

“Tôi rất ghét chuyện giết người cho nên tôi chưa có giết ai bao giờ cả. Tôi đã thả ngay cả những người đáng bị chặt đầu. Có lần một người bạn của tôi (Kawakami Gensai, người ám sát Sakuma Zozan, ND) đã nói. “Anh không chịu giết ai cả. Thế là không được. Chắc anh ăn bí rợ hay cà dái dê rồi chớ gì? (bản Nhật ngữ ghi lại nguyên văn lời nói của Katsu là: “chắc anh thờ cúng bí rợ hay cà dái dê rồi chớ gì?” Bọn nó là những thứ như thế đó”, ND). Ừ, anh ta tệ thật. Nhưng anh bạn đó rồi cũng bị giết. Tôi không bị giết chắc cũng là do tôi ghét việc giết chóc. Tôi đã buộc cán kiếm thật chặt vào vỏ để cho khó có thể rút ra được. Tôi đã quyết rằng dẫu mình có bị chém tôi cũng sẽ không chém trả. Ừ, Thật đấy! Cứ nghĩ đó là rận, là muỗi thì có sao đâu, nên dẫu có bị cắn thì chỉ bị ngứa thôi, có quan hệ gì đến sinh mạng đâu?” Đây là câu nói của người được huấn luyện võ sĩ đạo trong thời đại đầy rẫy tai ương và thắng lợi. Có câu tục ngữ “bại là thắng” có nghĩa là kẻ thắng thật sự không chống đối lại kẻ địch cuồng bạo, cũng có câu tục ngữ “không đổ máu mà thắng là cách thắng thượng đẳng” và nhiều câu nói giống như thế, cho thấy lý tưởng tối hậu của võ sĩ đạo là hòa bình.

Nhưng tiếc rằng việc giảng giải lí tưởng cao đẹp này đã được dành riêng cho tăng lữ và các nhà đạo đức, còn võ sĩ thì cứ mải miết luyện tập và tán dương đặc chất võ nghệ. Và võ sĩ còn đi quá xa, cố tình tạo ra một hình ảnh lí tưởng của phụ nữ với tính tình như những phụ nữ Amazon[1], không thua kém gì đàn ông. Sau đây tôi xin nói về vấn đề giáo dục và địa vị của phụ nữ.

[1] Amazon: Trong thần thoại Hi Lạp, xứ Amazon là xứ của những võ tướng phụ nữ. Nghĩa bóng dùng để chỉ những người phụ nữ can cường, mạnh bạo như đàn ông.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx