sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 14

Chương XIV: GIÁO DỤC và ĐỊA VỊ CỦA PHỤ NỮ

Phụ nữ, một phân nửa của nhân loại, đôi khi bị gọi là tiêu biểu của mâu thuẫn, vì tâm lý của phụ nữ thường được vận dụng theo trực giác vượt qua tầm hiểu biết có tính số học của đàn ông. Trong Hán tự, chữ diệu (妙) có nghĩa là kì diệu, không thể biết được, được tạo ra bằng cách ghép chữ nữ (女) và chữ thiếu (少) có nghĩa là trẻ, vì dung mạo dễ thương và tư duy tinh tế của phụ nữ không thể nào lí giải được bằng tâm lý thô lỗ của đàn ông.

Thế nhưng người phụ nữ lí tưởng trong võ sĩ đạo không có chỗ nào có vẻ kì lạ và có chăng chỉ là vẻ mâu thuẫn ở bên ngoài. Tôi có nói vẻ bên ngoài đó giống như của đàn bà Amazon (can đảm như đàn ông) nhưng chỉ trúng được có phân nửa. Chữ “phụ” (婦) trong hán tự có nghĩa là người vợ được tạo ra từ chữ nữ (女) và chữ trửu (帚) ghép lại chỉ người đàn bà cầm cây chổi. Nhất định đây không phải là cây chổi dùng để tấn công chồng hay để phòng thủ, cũng không phải dụng cụ để phù thủy hóa phép (thường xuất hiện trong chuyện cổ tích (Tây phương, ND)), mà đây là chổi được dùng theo cách vô hại có từ xưa. Khái niệm về chữ “phụ” giống như chữ “wife” của tiếng Anh được phái sinh từ chữ weaver (người dệt vải, ND) và chữ “daughter” được phái sinh từ chữ duhitar (người vắt sữa, ND), đều có tính cách gia đình. Hình ảnh lí tưởng của người phụ nữ trong võ sĩ đạo có tính cách gia đình nhiều hơn, không giới hạn trong ba phạm vi hoạt động như hoàng đế nước Đức đã nói là nhà bếp, nhà thờ và con cái. Vừa là phụ nữ đảm đang, vừa can đảm như đàn ông, hai đặc tính có vẻ trái ngược nhau, nhưng với giáo huấn của võ sĩ đạo thì chúng ta sẽ thấy là không có gì mâu thuẫn cả.

Võ sĩ đạo là những giáo huấn căn bản dành cho đàn ông, nên những đức tính mà võ sĩ đạo đòi hỏi ở phụ nữ rõ ràng khác xa với tính cách của phụ nữ. Winckelman (sử gia mỹ thuật người Đức, 1728-79, ND) đã lưu ý rằng “vẻ đẹp tối cao của nghệ thuật Hi Lạp không phải là ở chỗ có tính đàn bà mà là ở chỗ có tính đàn ông” và Lecky (trong “History of European morals”, ii, p. 383) thêm rằng điều này cũng có trong quan niệm đạo đức của người Hi Lạp, giống như trong quan niệm nghệ thuật của họ. Giống như vậy, võ sĩ đạo tán dương những người phụ nữ “thoát khỏi sự mềm yếu của giới tính, hành động cương cường không thua gì những người đàn ông mạnh mẽ, dũng cảm nhất”. Vì thế, phụ nữ từ lúc còn thơ đã được huấn luyện để có một thần kinh sắt đá, trấn áp tình cảm, sử dụng võ khí, đặc biệt là cách sử dụng “nagi-nata” (dao găm cán dài) để giữ thân khi gặp tình huống bất trắc. Tuy nhiên, võ nghệ của phụ nữ không nhằm mục đích chiến đấu, mà chỉ nhằm để giữ thân và giữ gia đình. Giống như việc chồng mình bảo vệ chúa quân, phụ nữ nhiệt thành bảo vệ sự tôn nghiêm của mình bằng võ khí của mình. Võ nghệ của phụ nữ được sử dụng trong việc giáo dục con trai như chúng ta sẽ thấy sau đây.

Kiếm thuật và những tập luyện tương tự, tuy thực tế ít có dịp để dùng nhưng có công dụng trong việc giữ gìn sức khỏe, bổ túc cho tập quán ít cử động của phụ nữ. Nhưng võ nghệ này không chỉ rèn luyện với mục đích giữ gìn sức khỏe mà thực sự là để sử dụng khi cần thiết. Thiếu nữ khi đến tuổi trưởng thành sẽ được ban cho một dao găm, gọi là kaiken (kiếm đựng trong bọc, ND), giắt ở ngực dùng để đâm vào ngực kẻ tấn công mình hoặc để đâm vào ngực mình khi cần thiết. Trường hợp sau rất thường xảy ra, nhưng ở đây tôi không muốn xét xử nghiêm khắc những người này vì việc này. Chắc đạo Cơ đốc cũng sẽ không phê phán họ dữ dội, dẫu theo lương tâm của đạo thì việc tự sát là việc đáng ghét. Pelagia[1] và Dominina[2] đã tự sát nhưng cả hai đã được phong thánh vì sự trong sạch và lòng thành kính của họ. Virginia[3] Nhật Bản sẽ không đợi lưỡi dao của cha mình khi biết sự trinh bạch của mình bị đe dọa. Vũ khí luôn được giắt ở trong ngực và nếu không biết cách tự giết mình thì đó là điều nhục nhã đối với nàng. Nàng không có học về giải phẫu học nhưng nàng phải biết chính xác chỗ cần phải đâm ở cổ họng; và trước khi chết dẫu có đau đớn đến mấy nàng cũng cần phải biết cách dùng dây lưng của mình buộc hai bắp chân lại để xác mình được phát hiện trong tư thế đàng hoàng nhất với hai chân vẫn được khép kín. Sự cẩn thận như thế này không xứng đáng để so sánh với hành vi của tín đồ Cơ đốc Perpetua[4] hay của trinh nữ Corneria[5] hay sao? Bất ngờ, tôi đặt ra câu hỏi như thế này là vì có người hiểu lầm là ở xứ chúng tôi không có quan niệm trinh tiết khi nhìn thấy một vài chuyện nhỏ nhoi như phong tục tắm chung[6] của chúng tôi. Ngược lại, trinh tiết là đức tính quan trọng nhất của vợ samurai, được coi trọng hơn cả sinh mạng. Có một người đàn bà trẻ bị địch bắt, biết mình sẽ bị bọn võ sĩ thô bạo làm nhục, nói rằng nàng sẽ nghe theo ý muốn của họ nếu họ cho phép viết vài hàng gởi đến cho các chị em bị li tán do chiến tranh. Khi viết xong bức thơ, nàng liền chạy đến một giếng nước gần đó và gieo mình xuống giếng để giữ danh dự cho mình. Trong bức thơ để lại có dòng chữ sau đây.

[1] Pelagia: Trinh nữ Pelagia 15 tuổi của xứ Antioch (nay thuộc Thổ Nhĩ Kì) đã chọn cái chết bằng cách nhảy từ nóc nhà xuống biển để khỏi bị lính hãm hiếp nhục nhã.

[2] Dominina: Dominina đã cùng với hai con gái dìm mình xuống sông tự tử để khỏi bị lính hãm hiếp nhục nhã.

[3] Virginia: Nhà độc tài Claudius (La Mã) thấy Virginia đẹp nên muốn bắt làm nô lệ và tì thiếp cho mình. Cha của Virginia vì quá phẫn nộ trước hành vi bạo ngược của kẻ độc tài, đã to giọng “Con ơi. Cha sẽ cứu con”. và ông đã đâm chết con mình trước mặt công chúng để giữ gìn trinh tiết cho con.

[4] Perpetua: Phụ nữ người châu Phi theo đạo Cơ đốc. Trong chiến dịch đàn áp đạo Cơ đốc, Perpetua bị bắt và bị dẫn đến La Mã cho thi đấu với thú dữ. Theo lệ thì phải lột y phục, nhưng Perpetua đã van xin quan hiến và với sự đồng tình của quần chúng, nàng đã được giữ nguyên y phục khi thi đấu. Bị thú dữ vồ chụp nhưng nàng vẫn cố gắng kéo y phục rách nát che thân. Cuối cùng Perpetua đã bị thú dữ cào chết.

[5] Cornelia: Một trong sáu trinh nữ được phái đến cung điện của nữ thần Vesta (nữ thần La Mã) để giữ lửa trong lò thánh được cháy mãi. Trinh nữ Cornelia đã phạm phải điều cấm nên bị xử tử hình bằng cách chôn sống. Cornelia đã cố giữ y phục của mình được chỉnh tề khi bị chôn sống.

[6] Phong tục tắm chung của người Nhật (cha con hoặc vợ chồng tắm chung với nhau trong cùng một phòng tắm, hoặc bồn tắm), ngày nay vẫn còn.

“Đường trần thế, sợ rằng có ngày bị mây che lấp.

Chỉ còn cách lẩn dưới vầng trăng thanh vắt ngang đồi”.

Thật là không có công bằng một chút nào nếu tôi đã để cho độc giả nghĩ rằng chỉ phụ nữ có tính cách đàn ông mới là lí tưởng cao cả nhất của chúng tôi. Hoàn toàn trái ngược! Những điều cần có ở phụ nữ là học thức cùng với tài nghệ và sự thanh nhã, uyển chuyển trong cuộc sống. Không coi thường âm nhạc, vũ múa, văn học. Trong những bài thơ haiku hay, điêu luyện, có nhiều bài diễn tả tâm tình phụ nữ và họ đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử văn học Nhật Bản. Vũ múa (tôi nói về con cái của samurai chứ không phải nói về geisha (kĩ nữ Nhật Bản, ND)) chủ yếu giúp dáng điệu trở nên dịu dàng, thanh nhã. Âm nhạc dùng để úy lạo chồng, cha. Có nghĩa là không nhằm mục đích vì nghệ thuật, mục đích tối hậu của nghệ thuật, của âm nhạc ở đây là tạo ra sự thanh khiết trong lòng vì nếu lòng không bình thản thì âm nhạc tự nó sẽ loạn điệu. Trong việc giáo dục thiếu niên, như đã nói ở phần trước, tài nghệ luôn ở vị trí phụ thuộc so với những giá trị đạo đức. Trường hợp của phụ nữ cũng giống như vậy. Vũ múa, âm nhạc chỉ nhằm làm cho cuộc sống trở nên thanh nhã, tươi sáng, và chỉ có thế, nhất định không nhằm mục đích nuôi dưỡng lòng kiêu căng và lãng phí. Tôi đồng tình với hoàng tử Ba Tư khi được mời nhảy trong buổi tiệc khiêu vũ ở London, đã thẳng thắn nói: “Ở nước tôi, chúng tôi dành thứ công việc này cho bọn gái đặc biệt làm”.

Phụ nữ học tập tài nghệ không nhằm mục đích để biểu diễn hay để đạt địa vị trong xã hội. Tài nghệ chỉ được dùng vào việc mua vui trong gia đình và dẫu có dịp phô trương trong tiệc xã giao thì đó cũng chỉ là công việc của bà chủ nhà, nói một cách khác đó chẳng qua chỉ là một cách tiếp đãi khách của gia đình. Vấn đề quan trọng nhất trong giáo dục phụ nữ là giữ gìn gia đình (trị gia, ND) và có thể nói rằng tài nghệ của phụ nữ Nhật Bản xưa, chủ yếu nhằm vào việc gia đình, bất kể văn hay võ. Phụ nữ dẫu có xa nhà đến mấy, họ cũng không bao giờ quên cảnh gia đình xúm xít quanh lò sưởi và để duy trì danh dự và sự tôn nghiêm cho gia đình họ sẵn sàng làm việc vất vả, và hi sinh cả đời mình. Vì tổ ấm của mình, ngày cũng như đêm, họ tiếp tục hát những bài ca lúc mạnh lúc yếu, lúc hùng dũng lúc bi ai. Phụ nữ hi sinh đời mình cho cha, cho chồng, cho con. Từ thời thơ ấu, phụ nữ được dạy phải quên mình. Cuộc đời của phụ nữ không phải là một đời sống độc lập mà là một đời sống phụng sự có tính phụ thuộc. Là người nội trợ, nếu sự hiện diện của mình có lợi cho chồng thì phải cùng chồng lên khán đài, nếu sự hiện diện của mình cản trở công việc của chồng thì phải rút ra phía sau màn. Tỉ dụ có một thanh niên yêu một cô gái và cô gái đáp lại bằng cả nhiệt tình của mình. Nhưng nếu cô gái biết được vì yêu mình mà người thanh niên kia quên mất nhiệm vụ thì sao? Chắc hẳn cô gái sẽ tìm cách làm mất sức quyến rũ bằng cách hủy hoại nhan sắc của mình và đó không phải là chuyện hiếm có. Azuma (khoảng thế kỉ 12-13, Azuma có pháp danh là Kesa, lấy chồng lúc 14 tuổi, chồng là Minamoto Wataru, ND), người đàn bà lí tưởng của những cô gái samurai, biết kẻ tìm cách hãm hại chồng mình yêu thương mình, đã giả vờ tham gia âm mưu giết chồng, nhưng sau đó đã lợi dụng đêm tối thay chồng để lưỡi kiếm của kẻ thích khách yêu mình chặt lấy đầu mình. Dưới đây là bức thơ của vợ một daimyo (lãnh chúa Kimura Shigenari 1593-1615, ND) trẻ tuổi gởi lại cho chồng trước khi kết liễu đời mình. Chắc không cần phải chú giải.

“Thiếp nghe rằng mọi việc đều suôn sẻ, không có bất cứ tai nạn hoặc rủi ro làm hỏng những việc đã định. Cùng ở dưới một bóng cây, cùng uống nước một dòng sông, giống như mọi chuyện đã được sắp đặt từ kiếp trước. Tính ra cũng gần được hai năm, từ ngày thiếp có duyên thành vợ thành chồng với chàng, thiếp đã sống dựa vào chàng như hình với bóng. Vừa rồi thiếp có nghe chàng sắp phải đánh trận chiến cuối cùng trong đời. Ngày xưa ở Trung Quốc, võ sĩ dũng mãnh nhất thế gian, Hạng Vũ trên đường cùng, vẫn tưởng nhớ hình bóng của Ngu Cơ. Dũng sĩ Yoshinaka của chúng ta cũng đã mềm lòng khi phải từ giã vợ mình (tên là Matsu, ND). Thế nên thiếp, kẻ không còn có mong muốn gì trong cuộc đời này nữa, ít ra cũng phải quyết thực hành việc cuối cùng thiếp cần phải làm trong lúc chàng còn sống, và hẹn sẽ đợi chàng trên con đường vào cõi chết. Xin chàng đừng bao giờ quên, đừng bao giờ quên ơn nghĩa như trời biển của chúa quân Hideyori đã ban cho chúng ta”.

Phụ nữ đường đường, vui lòng xả thân vì chồng con, và gia tộc giống như nam nhi xả thân vì chúa quân, và xứ sở. Từ bỏ bản ngã - không một bí ẩn nào của nhân sinh được giải quyết nếu thiếu điều này - là điều chủ yếu của tính gia đình của phụ nữ, tương tự như việc trung nghĩa của nam giới. Phụ nữ không bao giờ là nô lệ của đàn ông giống như chồng họ không bao giờ là nô lệ của chúa quân. Vai trò của phụ nữ có tính cách “naijo” có nghĩa là “trợ giúp bên trong”. Trên bậc thang cao dần của việc phụng sự, phụ nữ xả thân vì nam giới, từ đó nam giới có thể bỏ mình cho chúa quân và trên cơ sở đó chúa quân có thể vâng theo ý trời. Tôi biết khuyết điểm của việc giáo huấn như thế này và tôi cũng biết điểm ưu việt nổi bật nhất của Cơ đốc giáo là đòi hỏi trách nhiệm trực tiếp của mọi người đối với đấng tạo hóa. Tuy nhiên, giáo nghĩa của việc phục vụ - có nghĩa là hi sinh cá tính của mình để phục vụ cho một mục đích cao hơn mục đích của bản thân, là lời chỉ dạy lớn lao nhất của đức Jesus, tạo thành điểm chính thần thánh trong sứ mệnh của ngài - dựa vào điều này thì có thể nói là võ sĩ đạo cũng đã đặt cơ sở trên chân lí vĩnh viễn.

Chắc độc giả sẽ không chỉ trích rằng tôi có thiên kiến thiên vị càn bậy, thừa nhận sự phục tùng có tính cách nô lệ của ý chí. Trên đại thể, tôi chấp nhận thuyết mà Hegel, triết gia học rộng nghĩ sâu, đã chủ trương và biện hộ rằng “lịch sử là sự phát triển và thực hiện của tự do”. Điều mà tôi muốn nói rõ ở đây là giáo huấn của võ sĩ đạo, tất cả đều thấm nhuần tinh thần hi sinh cá nhân, không phải chỉ đòi hỏi ở phụ nữ mà ở cả nam giới. Vì thế, ngày nào mà ảnh hưởng của võ sĩ đạo vẫn còn, xã hội chúng tôi sẽ không tán thành quan điểm khinh suất của người Mỹ chủ trương nữ quyền, kêu gọi “tất cả phụ nữ Nhật Bản, hãy đứng lên chống lại những tục lệ cũ xưa”. Liệu một cuộc phản nghịch như thế này có thể thành công? Và rồi, địa vị của phụ nữ có được nâng cao? Quyền lợi dễ dàng giành được như thế này có đủ để đền bù lại sự mất mát của những hành động dịu dàng, tính nết nhu mì mà phụ nữ đã kế thừa hôm nay không? Sự băng hoại đạo đức đã xảy ra khi một số phụ nữ La Mã không còn thiết tha gì với gia đình, trầm trọng đến nỗi không thể tả phải không? Những người Mỹ chủ trương cải cách có thể làm cho chúng tôi hiểu và nhìn nhận rằng sự phản nghịch của phụ nữ đúng là con đường phát triển của lịch sử cần phải theo không? Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Biến đổi phải và sẽ xảy ra không cần phải qua những phản kháng. Hãy thử xem địa vị của phụ nữ dưới chế độ võ sĩ đạo có thật là tồi tệ đến độ cần phải thừa nhận một sự phản kháng?

Chúng tôi có nghe nhiều về sự tôn kính ngoài mặt mà kị sĩ Âu châu dành cho “Thượng đế và quí bà”. Sự không cân đối của hai từ ngữ này đã làm cho Gibbon (sử gia, nghị viên người Anh, 1737-94, ND) đỏ mặt. Vả lại, theo Hallam (sử gia người Anh, 1777-1859, ND), đạo đức của kị sĩ đạo rất thô tục, rằng sự chiều chuộng phụ nữ tiềm ẩn tình yêu bất chính. Ảnh hưởng của kị sĩ đạo đối với phụ nữ là đề tài suy ngẫm cho các triết gia. Guizot (sử gia người Pháp, 1787-1874, ND) cho rằng chế độ phong kiến và kị sĩ đạo đã tạo ra những ảnh hưởng lành mạnh, trong khi đó Spencer nói rằng trong xã hội quân sự (và xã hội phong kiến nếu không phải là xã hội quân sự thì là gì?) địa vị của phụ nữ đương nhiên sẽ thấp, và chỉ được cải thiện khi xã hội có công nghiệp phát đạt hơn. Thuyết của Guizot hay của Spencer đúng đối với Nhật Bản? Tôi nghĩ rằng cả hai đều đúng. Giai cấp quân nhân ở Nhật Bản giới hạn trong phạm vi samurai, gồm khoảng hai triệu người. Ở trên họ là những quí tộc quân nhân, những “daimyo”, những quí tộc triều đình, những “kuge”. Những quí tộc có địa vị cao, sống an dật này chỉ là những võ nhân trên danh nghĩa. Dưới võ sĩ là đám thường dân, nông, công, thương, suốt đời chuyên làm những công việc yên bình. Những điều mà Herbert Spencer đưa ra xem như là những hình thái đặc biệt của xã hội quân sự, có thể nói rằng tất cả chỉ có ở giai cấp võ sĩ. Trong khi đó những hình thái đặc biệt của xã hội công nghiệp lại chỉ có thể thấy được ở những giai cấp trên và dưới giai cấp võ sĩ. Nhìn vào địa vị của phụ nữ thì sẽ thấy rõ được điều này. Nghĩa là, phụ nữ ít được hưởng tự do nhất ở giai cấp samurai. Lạ lùng thay, ở giai cấp càng thấp - tỉ dụ như giai cấp thợ thủ công - địa vị vợ chồng càng trở nên bình đẳng hơn. Ở hàng quí tộc địa vị cao hơn, cũng giống như vậy, sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới không đáng kể, chủ yếu vì sinh hoạt của quí tộc nhàn rỗi đúng là đã bị phụ nữ hóa. Vì vậy thuyết của Spencer đã được minh chứng trong xã hội Nhật Bản cũ. Còn thuyết của Guizot, những người đã đọc những quan niệm về xã hội phong kiến của ông này chắc sẽ nhớ rằng đối tượng khảo sát đặc biệt của Guizot là những quí tộc có địa vị cao, do đó có thể áp dụng thuyết của ông vào giai cấp daimyo và kuge.

Nếu những giải thích của tôi khiến ai đó nghĩ rằng địa vị của phụ nữ rất thấp trong võ sĩ đạo, thì tôi đã phạm lỗi thiếu công chính lớn lao đối với sự thật của lịch sử. Tôi sẽ không do dự mà nói rằng phụ nữ không được đối xử bình đẳng với nam giới. Nhưng nếu không biết nhận rõ sự khác nhau giữa dị đồng và bất bình đẳng thì thường khó tránh khỏi hiểu lầm về vấn đề này.

Khi nghĩ rằng ngay cả đối với nam giới, nam giới cũng chỉ được bình đẳng với nhau trong một vài trường hợp hiếm hoi như ở tòa án hay trong lúc bầu cử, thì việc thảo luận về bình đẳng giới là điều vô ích chỉ gây phiền hà. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ có câu nói mọi người được tạo ra đều bình đẳng, nhưng không có nghĩa là bình đẳng về năng lực thể xác hay tinh thần. Đây chỉ muốn nhắc lại lời nói của Ulpian (luật gia người La Mã,?-228, ND) xưa kia, rằng “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Trong trường hợp này, quyền lợi về pháp luật là thước đo của sự bình đẳng. Nếu pháp luật là một thước đo duy nhất đo được địa vị của phụ nữ trong xã hội thì việc nói lên sự cao thấp của địa vị phụ nữ cũng dễ dàng như việc đo trọng lượng của họ. Thế nhưng vấn đề là: Có tiêu chuẩn chính xác để so sánh địa vị tương đối trong xã hội giữa nam và nữ hay không? So sánh giá trị giữa nam và nữ rồi đưa ra một tỉ lệ bằng một con số giống như là so sánh giá trị giữa vàng và bạc, và như vậy có đúng và đầy đủ không? Phương pháp tính toán như thế đó sẽ để một thứ giá trị quan trọng nhất của con người là giá trị nội tại ra ngoài việc khảo sát. Nếu nghĩ rằng để hoàn thành sứ mệnh trong cõi đời, nam nữ cần rất nhiều thứ năng lực khác nhau, thì thước đo dùng để đo địa vị tương đối giữa nam nữ phải là một thứ có tính chất phức hợp. Hoặc nếu dùng từ ngữ kinh tế thì đó phải là một “tiêu chuẩn đa nguyên”. Võ sĩ đạo có tiêu chuẩn của riêng mình, và đó là tiêu chuẩn của phương trình có hai số hạng. Giá trị của phụ nữ được đo bằng hai số hạng là chiến trường và gia đình. Ở số hạng đầu phụ nữ bị đánh giá rất nhẹ, nhưng ở số hạng sau thì là tuyệt hảo. Đối đãi dành cho phụ nữ tương ứng với sự đánh giá hai tầng này. Nghĩa là, thấp với tư cách là đơn vị chính trị, xã hội, trong khi nếu là mẹ và là vợ, phụ nữ được thương yêu và kính trọng vào bậc nhất. Tại sao ngay giữa những quốc dân nghiêng về quân sự như người La Mã xưa, phụ nữ vẫn được kính trọng hết mức? Vì họ là những “matronae”, có nghĩa là những bà mẹ phải không? Không phải vì là chiến sĩ, cũng không phải vì là chính trị gia mà vì là những bà mẹ của họ nên người La Mã đã cúi mình trước phụ nữ. Chúng tôi cũng như thế. Trong những lúc cha hoặc chồng ra chiến trường, việc quản lí gia đình được giao cho người mẹ hoặc người vợ. Những người phụ nữ này được giao phó việc giáo dục con trẻ, kể cả việc bảo vệ chúng. Như tôi đã trình bày ở phần trước, việc luyện tập võ nghệ của phụ nữ chủ yếu nhằm mục đích tạo cho họ khả năng sáng suốt hướng dẫn và theo dõi việc giáo dục con cái.

Trong những người ngoại quốc có kiến thức nửa vời về người Nhật, một số thấy người Nhật gọi vợ mình là “gusai” (con vợ ngu của tôi), từ cái nhìn bề ngoài, đã cho đây là bằng chứng người vợ bị khinh miệt, ít được kính trọng. Nhưng chỉ cần nói những chữ như “gufu” (người cha ngu của tôi), “tonji” (thằng con như heo của tôi), “sessha” (kẻ ngốc này, để xưng “tôi”) cũng được dùng trong đối thoại hằng ngày, thì câu trả lời đã đủ rõ.

Tôi nghĩ rằng quan niệm kết hôn của người Nhật, ở một điểm nào đó, tiến bộ hơn những người được gọi là tín đồ Cơ đốc. “Trai và gái hợp lại thành một thể xác”. Chủ nghĩa cá nhân của Anglo - Saxon không thể thoát ra khỏi quan niệm chồng và vợ là hai nhân cách khác nhau. Vì thế khi vợ chồng bất hòa, họ thừa nhận quyền lợi của nhau, và khi họ đằm thắm, họ dùng mọi thứ từ ngữ ngọt ngào vô nghĩa để nịnh hót nhau. Thế nhưng vẫn chưa đủ, đối với người ngoài, họ nói người bạn đời của mình nào là tử tế, là thông minh, là dễ thương - thật sự tốt hay xấu, không biết - những điều nghe hết sức trái tai. Khi nói tới mình mà cứ bảo là “thằng tôi thông minh” hoặc “thằng tôi dễ thương” thì thử hỏi nghe có được không? Chúng tôi nghĩ rằng khen vợ mình đồng nghĩa với khen một phần nào đó của mình. Và chúng tôi cũng xem việc khen mình ít nhất cũng là một sở thích không tốt. Tôi hi vọng trong những dân tộc Cơ đốc cũng có cách nghĩ như thế! Gọi vợ mình một cách lễ phép nhưng xấu miệng là cách gọi quen thuộc trong hàng ngũ võ sĩ. Vì thế tôi đã rẽ ngang lâu lắc để bàn về vấn đề này.

Người dân tộc Teuton (tiền thân của dân tộc Đức, ND) bắt đầu cuộc sống của bộ lạc mình trong nỗi kinh sợ có tính cách mê tín đối với phụ nữ (trên thực tế, việc này mất dần ở nước Đức), và người Mỹ bắt đầu cuộc sống xã hội của mình với nhận thức đau đớn của sự thiếu nhân số phụ nữ (ngày nay, nhân số phụ nữ gia tăng nên tôi sợ rằng đặc quyền mà người mẹ có được trong thời kỳ thực dân sẽ nhanh chóng mất đi) nên trong văn minh Tây phương sự kính trọng của nam giới đối với nữ giới đã trở thành tiêu chuẩn đạo đức chính yếu. Nhưng đạo đức của võ sĩ đạo đã tìm ngã rẽ của thiện ác ở một nơi khác. Ngã rẽ nằm dọc theo con đường nghĩa vụ nối linh hồn thiêng liêng của mình với linh hồn của người khác dựa theo đạo ngũ luân mà tôi đã nói ở phần trước. Trong đạo ngũ luân, tôi đã giải thích “trung nghĩa”, quan hệ của một người với tư cách là thần hạ đối với người có tư cách là chúa quân. Những điểm còn lại, tôi chỉ đề cập đến khi có cơ hội vì đó không phải là những đặc chất của võ sĩ đạo. Đó là những điều đặt căn bản trên tình ái tự nhiên của con người, là điểm chung cho tất cả nhân loại. Tuy nhiên một vài điểm đặc biệt đã được nhấn mạnh tùy theo tình huống được rút ra từ giáo huấn của võ sĩ đạo. Liên quan đến điều này, tôi nghĩ đến nét đẹp và sức mạnh cố hữu có trong tình bằng hữu giữa nam giới với nhau. Tình bằng hữu như thế này nhiều lúc tạo ra lòng yêu mến lãng mạn trong việc thề nguyền kết nghĩa anh em. Và chắc chắn là lòng yêu mến này trở thành sâu đậm hơn bởi tập quán khi còn trẻ nam nữ phải ở riêng. Việc nam nữ ở riêng đã bít kín con đường lưu thông tự nhiên của tình ái có trong kị sĩ đạo của châu Âu, hay có trong việc giao tế tự do của nam nữ ở những vùng đất Anglo - Saxon. Chúng tôi có thể dùng nhiều giấy mực kể những chuyện ở Nhật Bản giống như chuyện của Damon và Pythias[7] hay của Achilles với Patroclos[8], và những câu chuyện của võ sĩ đạo về tình bằng hữu sâu đậm, không thua gì tình bằng hữu giữa David và Jonathan[9].

Mặt khác, đạo đức và những chỉ dạy độc đáo của võ sĩ đạo không chỉ giới hạn trong giai cấp võ sĩ. Điều này khiến tôi phải gấp rút khảo sát sự cảm hóa của võ sĩ đạo trong phạm vi toàn quốc dân.

[7] Damon và Pythias: Damon là bạn thân của Pythias. Pythias vì có tội nên bị bạo chúa Dionusios tuyên án tử hình. Trước khi thụ hình, Pythias xin được về quê thu xếp việc nhà. Damon đã đứng ra bảo lãnh cho bạn. Damon vào ngục và sẽ thay bạn nhận án tử hình nếu bạn không trở lại. Đúng như lời hứa, sau khi thu xếp việc nhà, Pythias đã trở lại. Dionusios cảm kích tình bạn của hai người nên đã tha tội cho Pythias.

[8] Achilles và Patroclos: Trong trận đánh ở thành Troia (cổ Hi Lạp), Achilles là dũng sĩ có sức mạnh vô địch, nhưng qua cuộc tranh luận với nguyên soái Agamemnon, Achilles đã rút quân khỏi chiến tuyến. Quân Hi Lạp sau đó đã bị người Troia tập kích đốt chiến thuyền. Bạn của Achilles là Patroclos thay Achilles mặc áo giáp ra trận nhưng đã bị tướng của Troia là Hector giết chết. Achilles đem quân trở lại đánh và đâm chết Hector, trả thù cho bạn mình.

[9] David và Jonathan: David là thần hạ của vua Saul (vua của Israel) và Jonathan là con của Saul. Hai người kết bạn thâm giao. Trong trận chiến với người Perisite, Jonathan bị giết chết, David đã làm “Bài hát của cây cung” để tế bạn mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx