sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản - Chương 15

Chương XV: SỰ CẢM HÓA CỦA VÕ SĨ ĐẠO

Đạo đức của võ sĩ đạo cao hơn mức tổng quát trong đời sống của quốc dân rất xa và trước nay tôi cũng chỉ khảo sát một vài đỉnh cao nổi bật trong số đó. Khi mặt trời mọc, trước tiên, đỉnh núi cao nhất nhuộm hồng, rồi từ từ ánh sáng mới bắt đầu chiếu xuống thung lũng. Giống như thế, hệ thống luân lí trước tiên soi sáng giai cấp võ sĩ, theo dòng chảy của thời gian, một số người trong đám dân thường bắt đầu chú ý và noi theo. Chủ nghĩa dân chủ dựng người vương giả trời ban thành người lãnh đạo và chủ nghĩa quí tộc truyền bá tinh thần vương giả ra trong khắp mọi người. Đạo đức cũng truyền nhiễm không kém gì tội ác. Emerson có nói rằng: “Trong cùng một bọn, chỉ cần có một người khôn thì cả bọn đều khôn. Sự truyền nhiễm nó nhanh như thế đó”. Không có bất cứ giai cấp nào của xã hội có thể ngăn chặn sức truyền bá của cảm hóa về đạo đức.

Chúng tôi có thể kể thao thao bất tuyệt cuộc tiến quân giành thắng lợi cho tự do của dân Anglo - Saxon, nhưng việc này ít khi được đại chúng thúc đẩy. Đằng nào đây cũng chỉ là sự nghiệp của các hương sĩ và gentlemen phải không? Taine rất đúng khi cho rằng: “Ba âm được dùng ở phía bên kia eo biển có thể tóm tắt lịch sử của xã hội nước Anh”. Đối với phát ngôn như thế đó, chủ nghĩa dân chủ sẽ đưa ra phản biện đầy tự tin, và chắc hẳn sẽ hỏi lại như sau: “Lúc Adam bới đất, Eve dệt vải, thì gentlemen ở đâu nhỉ?” Thật là đáng buồn vì gentleman không có ở Eden. Tổ tiên của nhân loại phải chịu đau khổ và phải trả giá đắt cho sự vắng mặt của gentleman. Nếu gentleman có ở đó thì thiên đường không những đầy hương vị, tổ tiên chúng ta không cần phải chịu đau khổ mà vẫn có thể học hỏi được rằng việc bất phục tùng đối với Jehovah (Thượng đế, ND) có nghĩa là bất trung và nhục nhã, là phản bội và phản nghịch.

Nhật Bản của quá khứ có được là nhờ ơn của võ sĩ. Võ sĩ không những là cành hoa của quốc gia mà còn là gốc rễ nữa. Tất cả mọi ân huệ của Thượng đế đều thông qua họ đến với mọi người. Về mặt xã hội, võ sĩ đã tách mình ra khỏi quần chúng, nhưng họ đã lập ra tiêu chuẩn đạo đức cho quần chúng, tự mình thành mô phạm, hướng dẫn quần chúng. Tôi thừa nhận trong võ sĩ đạo có giáo huấn nội bộ và công khai. Giáo huấn công khai nhằm vào lợi ích chung, giữ gìn an ninh và hạnh phúc cho xã hội, giáo huấn nội bộ có tính đạo đức thuần túy, nhấn mạnh việc thực hành hành vi đạo đức.

Thời kì kị sĩ đạo thịnh hành nhất ở Âu châu, kị sĩ cũng chỉ là một phần nhỏ trong dân số. Nhưng như Emerson đã nói “phân nửa kịch và tất cả tiểu thuyết trong văn học Anh quốc, từ thời Philip Sidney (thi sĩ thế kỉ 16, ND) đến thời Walter Scott (tiểu thuyết gia thế kỉ 18, ND) đều nhằm miêu tả nhân vật này (gentleman)”. Nếu thay Sidney và Scott bằng Chikamatsu (1653-1724) và Bakin (1767-1848), các bạn sẽ thấy rõ đặc tính chủ yếu của văn học sử Nhật Bản.

Dân chúng được giải trí và học hỏi qua nhiều hình thái - diễn kịch, kí tịch (tiếng Nhật là “Yose”: Nghệ thuật kể chuyện gồm chuyện cười, chuyện vũ dũng v.v., ND), kịch búp bê Joruri, tiểu thuyết - lấy chủ đề từ những câu chuyện của võ sĩ. Nông dân quây quần quanh bếp nghe kể đi kể lại chuyện của trung thần Benkei đối với chủ tướng Yoshitsune (1159-89), hoặc chuyện vũ dũng của hai anh em Soga (1172-93; 1174-93) mà không bao giờ thấy chán. Bên cạnh bếp, bọn trẻ nghịch ngợm há miệng, lắng tai nghe cho đến khi củi trong lò cháy hết mà lòng vẫn cứ rạo rực. Trong tiệm buôn, người giữ tiệm, thằng bé bán hàng, sau khi hết công việc trong ngày, đóng cửa tiệm, cùng nhau quây quần, nghe kể chuyện về Hideyoshi (1536-98), về Nobunaga (1534-82) cho đến khuya, mệt mỏi lim dim trong giấc mơ thoát khỏi những nỗi khổ nhọc của công việc hàng quán, và đưa họ vào cảnh đi tìm công danh trên chiến trường. Trẻ mới chập chững còn nói đớt, cũng được dạy kể lại chuyện mạo hiểm cổ tích Momo Taro đi chinh phạt đảo ông kẹ. Ngay cả những đứa con gái ái mộ sâu sắc lòng dũng cảm và đức độ của võ sĩ, cũng ham nghe những câu chuyện của võ sĩ, tựa như nàng Desdemona (trong bi kịch Othello của Shakespeares, ND).

Võ sĩ đã trở thành lí tưởng cao đẹp của toàn thể dân tộc. Trong quần chúng có câu hát rằng “Hoa thì phải là hoa anh đào, con người thì phải là võ sĩ”. Giai cấp võ sĩ bị cấm tham gia thương nghiệp nên đã không trực tiếp giúp đỡ thương nghiệp. Thế nhưng không có phương thức hoạt động nào, không có cách suy nghĩ nào, trong một chừng mực nào đó, đã không nhận kích thích từ võ sĩ đạo. Võ sĩ đạo đã trực tiếp hay gián tiếp hun đúc nên tri thức và đạo đức của Nhật Bản.

Ông Mallock (nhà văn người Anh, 1849-1923, ND), trong tác phẩm “Chủ nghĩa quí tộc và sự tiến hóa” có rất nhiều ám thị, đã hùng biện nói rằng “sự tiến hóa xã hội, chừng nào còn khác với sự tiến hóa của sinh vật, có thể được định nghĩa là kết quả không dự định, có được do ý chí của vĩ nhân”. Và ông còn nói rằng sự tiến bộ của lịch sử không phải do sự cạnh tranh sinh tồn của toàn thể xã hội, mà có được do sự cạnh tranh giữa một thiểu số người trong cộng đồng trong việc chỉ đạo, chi phối, mướn số đông đại chúng làm việc bằng cách làm tốt nhất. Không phải là không có chỗ để phê phán về sự thích đáng của nghị luận này nhưng những gì mà võ sĩ đã đóng góp cho sự tiến bộ xã hội của đế quốc chúng tôi, đủ để chứng thực cho lời nói trên.

Tinh thần võ sĩ đạo đã thâm nhập vào mọi giai cấp trong xã hội như thế nào, điều này có thể thấy được qua sự phát triển của một giai cấp đặc biệt, được gọi là “otoko-date”, giai cấp của những đầu lãnh thiên phú của chủ nghĩa dân chủ. Họ là những con người cương nghị, hào hùng, thân thể tràn đầy sức mạnh. Đồng thời họ cũng là người đại biện bảo vệ quyền lợi của tầng lớp thứ dân. Họ có trong tay hằng trăm, hằng ngàn bộ hạ sẵn sàng hiến dâng thể xác cùng sinh mệnh, tài sản cũng như danh dự có trên đời, để phục vụ thủ lãnh, giống như những samurai phục vụ daimyo. Được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng lao động hung hăng và liều lĩnh, những đầu lãnh thiên phú này đã tạo ra được một lực lượng đáng sợ, đủ sức ngăn chặn sự hoành hành của giai cấp cắm hai kiếm (để chỉ giai cấp võ sĩ, ND).

Võ sĩ đạo bắt nguồn từ một giai cấp xã hội, chia ra nhiều ngả chảy xuống, tác dụng như một thứ gây men trong đại chúng, cung cấp tiêu chuẩn đạo đức cho toàn thể nhân dân. Võ sĩ đạo khởi đầu như là vinh quang của tầng lớp ưu tú (tầng lớp élite, tầng lớp được chọn lọc, ND), dần theo thời gian, võ sĩ đạo đã trở thành khát vọng và cảm ứng linh thiêng của toàn thể quốc dân. Quần chúng đã không thể đạt đến mức độ đạo đức cao của võ sĩ, nhưng “yamato-damashi”, có nghĩa là “hồn Yamato” (Yamato là tên cũ của nước Nhật, ND) đã trở thành từ ngữ tượng trưng cho tinh thần của dân tộc. Nếu tôn giáo, như Matthew Arnold định nghĩa, là “đạo đức phát sinh từ những cảm động do tình tự mang đến” thì ít có hệ thống đạo đức nào ngoài võ sĩ đạo được liệt vào hàng tôn giáo. Moto-ori (1730-1801) đã ngâm câu thơ sau đây, để biểu hiện lời nói không thành tiếng của dân tộc chúng tôi.

“Hồn Yamato của đảo quốc

Người lạ hỏi ở đâu

Hoa anh đào dại

Thơm mùi trong sáng sớm”.

Vâng, “sakura” (anh đào, ND) là hoa mà quốc dân Nhật Bản yêu thích từ ngàn xưa, là tượng trưng cho khí chất dân tộc Nhật Bản. Hãy đặc biệt để ý câu thơ “Hoa anh đào dại, Thơm mùi trong sáng sớm”.

Yamato-damashi không phải là một thứ hoa mềm yếu, đó là một thứ hoa dại - với ý nghĩa là tự nhiên, là loài hoa đặc hữu của đất nước chúng tôi. Ở nước khác cũng có thể có những loài hoa giống như vậy, nhưng về bản chất, nhất định đây là loại hoa tự sinh, chỉ có ở đất nước chúng tôi. Nhưng không phải chỉ vì được sinh ra đầu tiên ở nước Nhật mà chúng tôi yêu thích đâu. Không có loại hoa nào có vẻ đẹp tác động đến cảm giác thẩm mỹ của chúng tôi bằng vẻ đẹp cao nhã của hoa anh đào. Người Tây phương yêu thích hoa hồng, nhưng chúng tôi khác. Hoa hồng thiếu vẻ đơn thuần của hoa anh đào. Ngoài ra, còn nữa, hoa hồng giấu gai dưới vẻ đẹp dịu ngọt, cố bám víu vào cuộc sống, tựa như ghét sợ cái chết, thà tàn úa trên cành chứ nhất định không chịu rụng khi còn đang nở, màu sắc rực rỡ cùng mùi thơm nồng nàn - tất cả đều là những đặc chất khác hẳn với hoa anh đào. Hoa anh đào của chúng tôi không mang dao găm hay chất độc dưới vẻ đẹp của mình, lúc nào cũng sẵn sàng lìa đời theo tiếng gọi của tự nhiên, màu sắc không hoa lệ, mùi thơm dịu nhẹ không bao giờ chán. Vẻ đẹp của màu sắc và hình dạng giới hạn trong cái nhìn bề ngoài và đó là tính chất cố hữu của thực thể. Trong khi đó, mùi thơm bồng bềnh, nhẹ bay lên trời tựa như hơi thở của cuộc sống. Vì lẽ đó nên hương thơm, vị thuốc của nó có vai trò quan trọng trong tất cả mọi nghi thức tôn giáo. Có một cái gì đó linh thiêng trong mùi hương của hoa anh đào. Khi mặt trời mọc, chiếu sáng hòn đảo cực đông này, hoa anh đào tỏa mùi hương thơm dịu trong không khí ban mai, không có cảm giác nào thanh khiết, sảng khoái bằng cảm giác khi hít đầy ngực mùi thơm của một ngày tươi đẹp.

Sau khi ngửi được mùi thơm ngọt dịu, ngay như đấng Tạo Hóa cũng đã có được quyết định mới ở trong lòng (“Cựu ước” - Sáng thế kí viii.21). Thế nên không có gì lạ khi hoa anh đào nở, thời tiết thơm tho kêu gọi tất cả nhân dân trong đất nước chúng tôi ra khỏi căn nhà chật hẹp của mình. Trong một thời gian ngắn, dẫu tay chân họ có quên mất khổ nhọc, dẫu lòng họ có quên mất đau buồn, thì cũng đừng quở trách họ. Khi niềm vui ngắn ngủi chấm dứt, họ sẽ quay lại với công việc hằng ngày với sức mạnh và quyết tâm mới. Với những lí do này, anh đào đúng là hoa của dân tộc chúng tôi.

Thế nhưng, đẹp và dễ rụng, hoa bay theo chiều gió, tỏa một làn hương rồi tiêu tan vĩnh viễn. Hoa này tiêu biểu cho “hồn Yamato” hay hồn Yamato mỏng manh dễ tiêu tan giống như hoa?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx