sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Người Thợ Cả Murát

Murát không nhớ mình thành thợ xây từ bao giờ. Tiếng đục đá là âm thanh đầu tiên mà Murát thân thuộc ngay từ khi mới lọt lòng. Tuổi thơ Murát trôi qua giữa những đống gạch đá, nên khi còn bé, nó vẫn nghĩ rằng cả thế giới này đều cấu tạo từ đá và gạch. Trong con mắt trẻ thơ của nó, thế giới này là những bức tường mà mỗi ngày lại thấy vươn cao hơn lên trời xanh và chỉ dừng lại trên những tầng mây khi trên đầu chúng có mái che.

Murát không biết mặt mẹ. Bà đã mất khi sinh nó. Cuộc đời của Murát giống hệt cuộc đời của bố nó. Ông cũng mồ côi từ khi mới lọt lòng, chưa kịp nhìn mẹ. Nghề thợ xây là nghề cha truyền con nối ở làng Murát.

Cho đến khi ba tuổi, Murát vẫn sống ở nhà một người bà con họ xa trong làng. Sau đó, bố nó mang thằng bé đi theo mình. Ông đứng xây, còn thằng bé thì tha thẩn gần đó. Nó lấy những miếng gạch, đá vỡ làm đồ chơi, nó lấy cát hoặc xi măng để đắp thành những chiếc bánh mì nhỏ xíu trên đất. Từ ngày đi theo bố ra công trường, gạch, đá, xi măng, đục, búa, dao xây... tất cả những thứ đó đã trở thành người bạn thân thiết của cậu bé. Nó cứ nghĩ rằng chúng cũng biết nói, biết trò chuyện và hiểu nó dù chỉ nói nửa lời. Vào những đêm mùa hè mát mẻ, hai bố con Murát ngủ ngay ngoài công trường. Về mùa đông, hai bố con Murát vẫn ở lại thành phố không về quê.

Trong giới nghệ sĩ có những người sinh ra trên sàn diễn, và cả đời họ cho đến khi chết hầu như diễn ra trên sàn diễn. Murát cũng vậy, chỉ có điều anh không phải là nghệ sĩ, cả cuộc đời anh đã trải qua giữa gạch đá vôi vữa trên các công trường. Anh đã thành người thợ xây như bố anh, như ông nội và cụ nội anh.

Bố Murát rất thích nhớ lại và kể cho con nghe những sự kiện xảy ra trong đời ông, mà sự kiện nào cũng liên quan đến đá, gạch, công trường. Hàng ngày nhìn bố làm việc, cậu bé Murát bắt chước bố, thoạt đầu xây nhà bằng cát, sau đó xây nhà thật. Đôi bàn tay Murát đầy những vết xước, vết tím bầm. Cuộc đời anh gắn liền với công việc đục đẽo đá, đào móng, xây tường.

Murát lớn lên thì tình yêu và lòng ham mê công việc xây dựng cũng lớn lên theo. Thế giới trò chơi mà Murát xây dựng nên bằng đá, gạch này còn thơ bé, nay đã trở thành thế giới hiện thực. Những vết sây sát, chai sạn đầu tiên đã hằn lên rất sớm trên đôi bàn tay Murát, khi anh còn nhỏ xíu đùa nghịch với dao, với đục của bố! Có một lần trèo lên giàn giáo, mải đùa chạy, Murát đã bị ngã, đầu bê bết máu. Lần khác, sa xuống móng nhà suýt chết, sau đó lại bị thụt xuống hố vôi ngang bụng...

Tình cảm thân thiết của Murát dành cho gạch đá, dao đục từ thơ bé để lại dấu ấn trong anh mãi mãi về sau này. Mới quan hệ đặc biệt ấy giống như tình cảm giao hoà giữa các thành viên ruột thịt trong một gia đình hay trong xã hội. Những vật vô tri vô giác đó đem lại niềm vui, hạnh phúc và đôi khi cả nỗi buồn nữa cho anh. Mối quan hệ gắn bó mật thiết này đã giúp cho Murát đạt được những kết quả không ngờ trong công việc của anh. Anh đục đẽo đá, anh xây các bức tường đá với những động tác vô cùng khéo léo, chuẩn xác trông cứ như anh đang biểu diễn xiếc chứ không phải làm việc. Tài nghệ của anh không chỉ làm người ngoài, mà cả các bạn cùng nghề phải hết sức thán phục.

Đôi bàn tay khéo léo của anh bắt những loại đá cứng nhất phải uốn lượn, tạo dáng theo ý anh muốn.

Murát không được đi học, mà thật ra cũng không dám mơ ước đến điều đó. Mới lên mười tuổi, bố Murát đã bị chết trong một vụ tai nạn ở công trường. Murát không còn ai thân thuộc và cũng không còn gì trong tay, ngoài những cái đục và những viên đá. Vâng, quả thế, lúc này những tảng đá đã trở thành những người bạn thân thiết duy nhất của Murát.

Nghề đục đẽo đá nặng nề và nguy hiểm, không được phép có những sai lầm. Mới mười bốn tuổi Murát đã thành thợ học việc, trên khuôn mặt non trẻ của anh đã hằn sâu những nếp nhăn đầu tiên. Năm mười sáu tuổi đã trở thành thợ chính thức và là trợ thủ đắc lực cho ông thợ cả. Hai năm sau Murát đã là thợ cả. Tiếng tăm tài nghệ của anh nổi lên như cồn. Người ta đồn rằng Murát biết trò chuyện với đá. Đá nghe lời anh như một đứa trẻ ngoan ngoãn, vâng lời.

Trong thời gian chiến tranh, Murát đi đẽo đá xây dựng doanh trại, kho tàng và các công trình quân sự khác. Hết thời hạn phục vụ trong quân đội, anh trở về quê lấy vợ. Nhưng không ai biết tại sao sau đó hai người ly dị nhau. Người ta nói rằng cô vợ anh rất ác cảm với đá, không hiểu được vẻ đẹp của đá và không hiểu tài nghệ của người thợ đá, từ đó đem lòng thương yêu người khác, phản bội anh.

Murát chia tay với người vợ không một lời buộc tội. Vì anh hiểu rằng, bấy nhiêu năm trời sống cô đơn anh đã biến thành một người khô cứng, lạnh lùng như đá.

Ít lâu sau Murát lấy vợ lần thứ hai. Cả người vợ này cũng ghen với những viên đá mà anh đục đẽo, ngắm, vuốt hàng ngày, với những bức tường mà anh xây nên với cả một tình yêu nồng nhiệt, với những toà nhà lộng lẫy mà anh và các bạn đồng nghiệp xây dựng nên... Người vợ thường oán trách: "Anh yêu công việc của mình hơn em". Còn Murát thì lại nghĩ rằng, anh lấy vợ, tránh được cảnh cô đơn, để làm việc tốt hơn. Đối với anh, vợ và công việc là một, anh yêu cả hai và không muốn tách rời ra. Tuy nhiên anh đã sai lầm. Khi hiểu ra điều đó thì đã muộn. Người vợ thứ hai này cũng bỏ anh ra đi.

Khi Murát bước sang tuổi năm mươi, thì tiếng tăm về người thợ cả tài năng này đã vang lừng khắp nước. Những kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng đánh giá ông cao hơn hẳn những người thợ cả khác. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi ngần ấy năm trời lăn lộn trong nghề, đôi bàn tay ông đã góp phần xây dựng nên bao nhiêu toà nhà lớn nhỏ, nên sự hiểu biết của người thợ cả trong công việc xây dựng không kém gì các kĩ sư. Có thể nói, ông đã trải qua một mái trường tốt nhất: đó là tự mình thí nghiệm, tự mình thực hành, tự mình đúc rút ra những kinh nghiệm quý quá, nâng tầm hiểu biết ngang với những kiến thức trong khoa học xây dựng. Kiến trúc sư giao công trình cho ông làm hoàn toàn yên tâm, bởi họ tin tưởng vào tài năng của ông. Trong dân gian đâu đâu cũng thấy người ta nó: "Ngôi nhà này, biệt thực kia là do ông thợ cả Murát xây đấy!"

Thợ cả Murát là một người nghiêm nghị, ít nói. Những người thợ cả khác vừa kính phục vừa e sợ ông. Còn đám thợ học việc, một mặt tôn kính Murát nhưng đôi khi lại tỏ ra thiếu thiện cảm với ông bởi người thầy cao xa quá, cứ như bức tường đổ bóng trùm lên hết họ.

Năm Murát sáu mươi tuổi, người ta gọi ông là vua xây dựng. Mỗi khi ông nhìn thấy người dân đi qua những chiếc cầu mà ông xây dựng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, là đôi mắt ông lại sáng rực lên niềm vui sướng. Murát đã xây nên rất nhiều ngôi nhà nhỏ có, bề thế nguy nga có, ông luôn luôn ngắm nhìn thích thú những người sống hoặc làm việc trong những ngôi nhà này. Trong số các công trình xây dựng, ông thích nhất được xây dựng trường học. Ngay vừa mới đặt những viên gạch đầu tiên của một ngôi trường nào đó, là ông đã nghe thấy tiếng cười đùa ríu rít, ngây thơ của tụi trẻ rồi.

Có một lần duy nhất trong đời, ông bỏ dở xây dựng công trình. Đó là công trình nhà tù. Murát nói rằng: "Nhà tù cũng là một công trình cần thiết. Hãy để những người khác làm công trình này". Số là khi bắt đầu xây những bức tường của nhà tù, ông bỗng cảm thấy mình như con nhện sa vào tấm lưới do chính nó dệt nên; rồi có lúc ông lại có cảm tưởng như mình đang xây hầm mộ cho chính mình! Thế là ông quyết định bỏ dở công việc. Ông sợ rằng, sau khi xây xong nhà tù, ông sẽ căm ghét những viên đá tuyệt vời này và không còn mê say cái nghề xây dựng mà ông hằng yêu quý nữa.

Murát rất hiếm khi có ngày nào rỗi. Nếu không đi làm thì giống như một nghệ sĩ thực thụ, không bao giờ ngừng việc tự hoàn thiện tài năng, nghệ thuật của mình, ông không chịu ngồi bó gối trong nhà, mà tìm đến những người nghèo, giúp họ sửa chữa nhà cửa. Hoặc nếu như không đi giúp bạn bè, thì ông lại đến thăm những ngôi nhà mà ông đã xây dựng trước kia để mà ngắm nhìn thoả thích dáng vẻ hài hoà xinh đẹp của chúng. Ông tự hào về công việc của mình, mặc dù không bao giờ ông nói ra điều đó.

Ông đi xây nhà khắp nơi cho mọi người nhưng không xây nhà cho mình. Ông có tiền, vậy thì tại sao ông không xây lấy một ngôi nhà để ở? Có thể ông mơ ước sẽ xây cho mình một ngôi nhà rất lớn, rất đẹp - như một lâu đài thực sự? Hay có thể ông nghĩ, lâu đài dinh thự để làm gì, khi chỉ có một thân một mình cô quạnh mà tuổi tác lại cao rồi.

Sau nhiều năm lao động miệt mài liên tục, thế mà cho đến tận khi về già, ông vẫn còn ngỡ ngàng, ngạc nhiên mỗi khi chủ nhà trả tiền công cho ông. Ông không quen với điều đó. Bởi vì công việc xây nhà đối với ông trước hết đó là niềm vui, niềm thích thú riêng của ông. Ông làm để thoả mãn nhu cầu của bản thân mà lại được nhận tiền à? Giả sử nếu ông giàu có, ông sẵn lòng chi thêm cho chủ nhà, giúp họ xây được nếp nhà theo ý ông muốn.

Mỗi khi nghĩ đến lúc mình không thể đi làm được nữa, ông lại buồn rầu không chịu nổi. Khi ông lão bảy mươi tuổi, những cơn đau vô cớ thi nhau hành hạ ông, thì những ý nghĩ buồn rầu đó lại càng xuất hiện thường xuyên hơn trong đầu ông.

Ông giữ kín trong lòng những suy nghĩ này, không nói cho ai biết, nhưng rồi sức lực ông cứ mai một, suy kiệt dần. Không còn những viên đá, không còn những ngôi nhà làm sao ông sống nổi. Hơn thế nữa, ông còn tin rằng những viên đá, những toà nhà nếu vắng ông chúng cũng không có cuộc sống, bởi bàn tay ông, tấm lòng ông đem lại linh hồn cho chúng.

Một lần thấy ông vật vã đau đớn, một người thợ học việc dẫn ông đến gặp bác sĩ. Khám xong người thấy thuốc nói rằng ông bị sỏi thận. Vốn rất hiếm khi cười, nghe thấy vậy ông Murát phá lên cười ha hả:

- Bác sĩ ơi trong thận tôi có sỏi, đá là cái sự hiển nhiên rồi.

Năm bảy mươi lăm tuổi ông Murát đến gặp bác sĩ lần thứ hai. Khám xong, người thầy thuốc nói ông bị vôi hoá cột sống. Cái lưng ông cứng đơ như đá không cúi gập được nữa.

- Đã đến lúc ông phải nghỉ ngơi, không nên đi làm nữa. - Bạn bè, thợ học việc thuyết phục ông thế. - Số tiền ông tích cóp được, đủ để ông sống dư dật những năm tháng cuối đời...

Nhưng ông không thể dời bỏ công việc được. Giữa ông và học trò ông vẫn còn đang tiếp diễn cuộc cạnh tranh ngầm về tài nghệ xây dựng và cho đến lúc ấy chưa ai có thể vượt lên trên ông được. Vì thế nên nếu có ai đó nói với những người thợ cả khác rằng: "Trình độ anh ngang với ông Murát rồi đấy" thì những người thợ này cảm thấy tức giận bởi họ đã xúc phạm đến người thầy của mình.

Tiếng tăm của người thợ cả Murát lớn đến mức, nếu có ai đó vượt trội hơn ông, thì nó vẫn không hề giảm sút đi chút nào.

Khi ông thợ cả Murát bảy mươi tám tuổi thì tay ông không cầm nổi chiếc đục đá nữa. Râu tóc ông bạc trắng như cước, lưng ông còng gập xuống. Khi nghe thấy đám học trò tự khoe khoang, khoác lác ông nói một cách bình thản.

- Tất nhiên các anh cũng là những người thợ cả tài hoa, nhưng nếu các anh làm thợ đá mười - hai mươi - ba mươi năm, bởi bố tôi, ông tôi và tất cả các cụ kỵ nhà tôi bao nhiêu đời nay đã làm thợ đá rồi...

Một ngày kia ông thợ cả Murát không dậy được nữa. Học trò ông không bỏ rơi người thợ cả, người thầy nổi tiếng của mình. Họ mời các bác sĩ đến thăm bệnh cho ông. Sau một hồi lâu khám bệnh và hội chuẩn, họ nói:

- Ông già chỉ còn sống được vài ngày nữa... Nhưng rồi một ngày, hai ngày, một tuần, hai tuần trôi qua người thợ cả già vẫn chưa chết. Ông nằm mê man, miệng thi thoảng lại lẩm bẩm:

- Đá, vữa, xi măng... vữa, đá...

Những người thợ đá đứng xung quanh người hấp hối mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau: người thì thương xót cho cảnh cô đơn của ông già, người thì mong cho ông chết cho xong bởi họ chờ đợi đã quá mệt mỏi, người thì ganh tỵ với tiếng tăm quá lớn của ông làm họ bị lép vế.

Đã hai tuần trôi qua, ông Murát vẫn nói mê sảng:

- Vữa, gạch, đá...

Đôi mắt ông nhắm nghiền nhưng tiếng nói ông vẫn còn đanh, nghiêm nghị. Các bác sĩ đưa mắt nhìn nhau, lộ vẻ ngạc nhiên.

Có một học trò yêu của ông thợ cả Murát đang làm việc ở một công trường xa, nghe tin người thầy bị ốm, liền thu xếp công việc vội vàng về thăm ông. Đứng cạnh người thầy, anh lắng tai nghe tiếng mê sảng:

- Vữa, xi măng, gạch...

Tiếng nói của ông Murát đã yếu lắm, nhỏ lắm, nhưng vẫn lộ rõ vẻ nghiêm khắc trong đó. Sáu tiếng đồng hồ liền người học trò đứng bên cạnh người thầy hấp hối, nghe tiếng mê sảng liên tục của ông. Thấy tình cảnh quá nặng nề, một người đứng cạnh bên nói:

- Tội nghiệp ông già, không sao nhắm mắt nổi...

- Ông già còn nói mê thì chưa chết được, - người học trò yêu của ông Murát ràn rụa nước mắt nói: - Rồi anh cúi xuống hôn vào bàn tay gầy guộc chỉ còn gân và xương của người thầy vĩ đại của mình. Sau đó anh ghé sát vào tai ông, nói rành rọt, cầu khẩn:

- Kính thưa thầy Murát! Kính thưa người thợ cả vĩ đại! Thầy có nghe thấy con nói không? Thầy ơi, thầy hãy nghỉ tay một lát...

Chỉ đến lúc này người thợ cả Murát mới thôi nói mê sảng. Chỉ đến lúc này cuộc đời lao động cần cù không biết mệt mỏi kéo dài cho đến phút mê sảng cuối cùng của người thợ cả mới chấm dứt. Trái tim người thợ cả ngừng đập, bởi nó không còn ý nghĩa và mục đích để đập nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx