sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 08 phần 1

VIII

Chỉ riêng nghĩ đến việc Zỹpfner có thể được nhìn Marie mặc quần áo hay vặn lại nút ống thuốc đánh răng tôi đã thấy khổ sở. Cẳng chân tôi đau và tôi bắt đầu thấy nghi ngờ về khả năng tôi có thể trụ được ở khu vực được trả tiền thù lao từ ba mươi đến năm mươi mác, biểu diễn trong những quán rượu có hòa nhạc. Và tôi cũng lại băn khoăn với ý nghĩ là có thể Zỹpfner không hề để ý đến Marie lúc em vặn lại nút ống thuốc đánh răng. Kinh nghiệm ít ỏi của tôi đã cho tôi biết là những người Cơ Đốc giáo không thích đi vào chi tiết vụn vặt. Trên mảnh giấy của tôi, tôi đã ghi số điện thoại của Zỹpfner, nhưng tôi chưa đủ tự tin để gọi cho hắn. Không bao giờ có thể biết được khả năng của một con người được lí tưởng chi phối; có thể là Marie đã thực sự cưới hắn, như vậy tiếng nói ở đầu dây nói sẽ là “Alô, bà Zỹpfner đây...” làm sao tôi có thể chịu đựng được điều đó.

Với ý định gọi cho Léo, tôi đã tra cứu danh bạ ở đề mục các tu viện, nhưng không tìm ra. Tôi biết có sự tồn tại hai tu viện như thế, Léoninum và Albertinum. Cuối cùng, tôi quyết định nhấc máy xin chỉ dẫn. May mắn là đường dây không bận, và cô gái trả lời tôi có giọng Rhénan. Trong quá trình đi biểu diễn của tôi, đôi khi tôi cứ bị ám ảnh bởi cái thú được nghe giọng nói ấy. ở bất kể khách sạn nào tôi gọi telephon về Bonn, chỉ cốt để nghe một phương ngữ rất ít có tính chất thượng võ, ở đấy không có âm R, âm ngữ làm điểm tựa cho toàn bộ kỉ luật quân sự.

Tôi chỉ nghe thấy năm lần được nhắc “xin giữ máy”, rồi đường dây được nối vào chỗ một cô gái mà tôi có thể hỏi về những “nhà” nơi người ta đào tạo các linh mục Cơ Đốc giáo. Tôi nói là tôi không tìm thấy chúng ở đề mục các tu viện. Cô ta cười và trả lời những “nhà” ấy (cô phát âm rất hay để làm rõ dấu ngoặc kép) có tên là các trường dòng và cho tôi số điện thoại của Léoninum và Albertinum. Cái giọng nói phụ nữ ấy ở telephon phần nào an ủi tôi: rất hồn nhiên, không ra vẻ đoan trang, không õng ẹo, giọng Rhénan! Tôi còn được giúp gọi cho bưu điện và gửi một bức điện cho Karl Emonds.

Tôi không bao giờ có thể hiểu được tại sao tất cả những người muốn tỏ ra thông minh lại cứ buộc phải bày tỏ sự ghét bỏ Bonn. Bonn vẫn có vẻ quyến rũ duyên dáng của nó, một sự duyên dáng uể oải, cũng như có những người phụ nữ mà vẻ uể oải tạo ra sự duyên dáng. Đúng là Bonn không chịu để cho người ta đòi hỏi ở nó quá nhiều và nó lại chính là một thành phố người ta đặt ra quá nhiều đòi hỏi. Một thành phố không chấp nhận kiểu lạm dụng ấy là một thành phố người ta khó miêu tả; tất nhiên đấy là một đặc tính. Ai cũng biết rằng không chỉ ở Bonn là không khí của những người sống bằng tô tức: nghĩa là có vấn đề về sự liên quan giữa áp suất khí quyển và áp suất động mạch. Điều mà Bonn thật không chấp nhận được là sự căng thẳng thường xuyên mà từ nay người ta muốn áp đặt cho nó. Tôi thường có dịp, ở nhà bố mẹ tôi, nói chuyện với các quan chức, nghị sĩ và tướng tá - mẹ tôi sính tiếp tân - các vị này luôn luôn cảnh giác, nghi ngờ đủ thứ. Họ nói về Bonn với cái cười mỉa mai không che giấu sự lo lắng của họ. Tôi không thể hiểu được thái độ đó của họ. Nếu một phụ nữ có sự duyên dáng mang vẻ uể oải bỗng nhiên lao vào một điệu nhảy căng căng Pháp cuồng loạn, thì họ sẽ nghĩ ngay là người phụ nữ đó đã dùng chất kích thích; nhưng người ta không thể để chất kích thích cho cả thành phố được. Một bà thím tốt có thể bảo ban anh cách đan một chiếc áo chui đầu, thêu móc một chiếc khăn lót hay pha rượu sêri nhưng tôi không tin là bà ta có thể trong hai tiếng đồng hồ nói chuyện một cách thông minh và dí dỏm về luyến ái đồng giới, cũng như bà ta bỗng nhiên có thể lại nói năng như những ả gái điếm thường hay dùng biệt ngữ làm cho các công dân của Bonn ngán ngẩm. Toàn là những hi vọng hão, sự hổ thẹn không đáng, những suy luận sai trái phản tự nhiên. Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu chính những đại diện của lãnh địa Saint Siège[44] ở Bonn cũng phải than phiền về nạn khan hiếm gái điếm. Một hôm, trong buổi chiêu đãi ở nhà bố mẹ tôi, tôi làm quen được với một nhà chính trị, ủy viên một ủy ban đấu tranh chống nạn mãi dâm, ông ta rỉ tai tôi là ông không thể chịu đựng được sự vắng mặt gái điếm ở thành phố chúng tôi. Bonn trước kia không khó thở đến như vậy, với hàng lô ngõ ngách của nó, các hiệu sách, những hội sinh viên và những cửa hàng bánh ngọt nho nhỏ, ở hậu phòng có phục vụ cà phê.

[44] Lãnh địa thuộc chủ quyền Tòa Thánh.

Trước khi gọi cho Léo, tôi khập khễnh bước ra ban công để nhìn thành phố quê tôi. Thành phố thật đẹp với nhà thờ của nó, những nóc tòa lâu đài cổ Electeur, tượng đài Beethoven, khu chợ nhỏ và công viên Hofgarten. Số phận của Bonn, lại chính là ở chỗ người ta không tin vào số phận của nó. Từ trên cao, nơi ban công tôi đứng, căng đầy lồng ngực tôi hít thở không khí của Bonn và điều ngạc nhiên, tôi thấy mình khỏe ra. Để thay đổi không khí thì Bonn có thể có tác dụng kì diệu trong nhiều giờ.

Rời khỏi ban công, tôi trở lại phòng khách và không do dự quay số gọi cho cái nhà trường nơi Léo nghiên cứu khoa thần học của nó. Nhưng tôi thấy lo ngại: tôi đã không gặp em tôi từ khi nó cải đạo. Nó đã tin cho tôi về việc nó cải đạo với lời lẽ nói nhẹ đi như trẻ con, kiểu nói của nó: “Hans yêu dấu, nó viết, bức thư này nhằm báo tin anh biết là sau khi suy nghĩ kĩ, em đã quyết định quy theo đạo Cơ Đốc và chuẩn bị vào tu viện. Không lâu nữa chúng ta sẽ có dịp nói chuyện với nhau bằng lời lẽ về sự thay đổi có tính chất quyết định này trong cuộc đời của em. Người em trìu mến của anh, Léo”. Chỉ riêng nó, cái cách lỗi thời ra sức lẩn tránh việc mở đầu bức thư bằng “em” và viết: “Bức thư này nhằm báo tin anh là...” thay vì “Em viết bức thư này để báo tin anh là...”, đúng là Léo, giống lắm. Ở đây không còn có gì là thanh lịch như khi nó đàn piano. Cái cách giải quyết mọi công việc theo đúng tục lệ như vậy chỉ làm tăng thêm sự trầm uất ở tôi. Nếu Léo tiếp tục con đường này, một ngày nào đó rút cục nó cũng sẽ trở thành một Hồng y giáo chủ tôn quý với bộ tóc bạc. Về mặt này - văn phong thư tín - bố tôi và Léo cả hai hoàn toàn không có khả năng: họ coi mọi đối tượng như là than li nhít.

Trước khi có ai đó ở tu viện chịu cầm máy, là cả một thời gian dài. Với tính khí của tôi lúc đó, tôi chỉ muốn lên án một cách mạnh mẽ nhất cái đồ thày tu vứt đi đó. Tôi văng ra một tiếng “cứt” khô khốc đúng lúc có người nhấc máy và đáp lại bằng một tiếng “sao?”, giọng khàn khàn đến lạ. Tôi thấy thất vọng. Tôi đã hi vọng được nghe một giọng nói êm dịu của một sơ hiền hậu có mùi thơm cà phê và bánh ga tô khô. Thay vì thế, tôi lại ở vào trường hợp phải nghe một giọng đàn ông như tiếng quạ, sặc mùi thuốc sợi thô và mùi bắp cải làm tôi phát ho lên.

- Xin lỗi. - Cuối cùng tôi nói. - Tôi có thể nói chuyện với Léo Schỹier, sinh viên khoa thần học, được không?

- Ai ở máy đấy?

- Schnier. - Tôi trả lời.

Chuyện rõ ràng vượt ra ngoài lí trí của ông ta. Một sự im lặng kéo dài. Tôi hắng giọng một lần nữa, rồi tự trấn tĩnh lại:

- Tôi đánh vần nhé: SCH như trong từ Scheme, N như trong từ Normale, I như trong từ Interne, E như trong từ Ecole, R như trong từ Récréation.

- Ông nói sao?

Tôi thấy giọng ông ta như cũng chứa đựng một lượng thất vọng ngang bằng nỗi thất vọng đương đè nặng trong tôi. Tôi nghĩ có thể là người ta đã tống vào đây một ông giáo già nào đó, nghiện hút thuốc lá tẩu, vì vậy vội vã thu góp vài từ Latinh tôi nói một cách kính cẩn: “Sum frater leonis” [45]. Làm như vậy, tôi có cảm tưởng như tôi đã phản bội những ai đôi khi muốn có cái thú được nói chuyện với một thành viên của thư viện này mà chưa bao giờ học tiếng Latinh.

[45] Anh trai của Léo.

Nhưng tôi sửng sốt nghe thấy ông ta cười khẩy trước khi trả lời tôi: “Frater tuus est in refectorio...[46] anh ấy đang ở trong bữa ăn, ông xẵng giọng nói thêm, các ngài ấy đang ở trong bữa ăn và không ai được quấy rầy họ trong bữa ăn”.

[46] Em trai anh đương ở trong nhà ăn.

- Việc rất khẩn cấp. - Tôi nói.

- Có ai chết?

- Không phải... nhưng gần như thế?

- Vậy là một tai nạn nghiêm trọng?

- Không, một tai nạn bên trong.

- À, - giọng ông ta dịu đi, - xuất huyết?

- Không, về tâm hồn. Đây là vấn đề hoàn toàn về tâm hồn. - Rõ ràng chuyện này xa lạ đối với ông ta. Ông ta giữ im lặng một cách lạnh lùng.

- Trời ơi! - Tôi kêu lên. - Theo tôi biết thì con người được cấu tạo bởi một phần xác và một phần hồn.

Tiếp theo là một tiếng làu bàu, vẻ hết sức nghi ngờ về giá trị của một lời khẳng định như thế. Ông ta hít một hơi khói ở tẩu rồi lẩm nhẩm:

- Đúng là Saint Augustin, Bonaventure, Cusanus... [47] anh đi sai đường rồi.

[47] Saint Augustin (354- 430): cha giám mục nổi tiếng nhà thờ Latinh; Bonaventure (1221- 1274): Hồng y giáo chủ khâm sai của Giáo hoàng ở hội nghị giám mục Léon; Cusanus (1401- 1464): Hồng y giáo chủ người Italia.

- Tâm hồn, tôi nài nỉ, ông làm ơn báo với Schỹier là tâm hồn người anh trai của ông ta đương lâm nguy và yêu cầu cho gặp ngay sau bữa ăn.

- Tâm hồn, người anh trai, lâm nguy, ông ta phát lại từng từ giọng lạnh nhạt.

Một giọng rất hợp để nói về cứt đái, giòi bọ, rác rưởi. Tuy nhiên cũng lạ là: trong cái nhà này không phải được coi như là nơi đào tạo sinh viên thành những người chữa bệnh tâm hồn hay sao? Vậy thì sao ông ta lại chưa hề được nghe nói đến từ đó?

- Việc rất khẩn cấp, rất khẩn cấp. - Tôi cố nài.

Ông ta chỉ “hừm, hừm”, hình như thực không hiểu tại sao có một chuyện dính dáng đến tâm hồn lại có thể mang chút ít tính cách khẩn cấp được.

- Tôi sẽ báo, - ông ta nói, - những chuyện trường normale [48] là cái chuyện gì vậy?

[48] Trường sư phạm.

- Không có gì, hoàn toàn không có gì. Chuyện chẳng liên quan gì đến cái trường đó. Tôi chỉ sử dụng từ ngữ để đọc từng chữ tên của tôi.

- Thế anh cho là ở nhà trường người ta còn học đọc từng chữ à? Có phải thật anh cho là như thế không? (Ông ta bỗng như hăng lên làm tôi có đủ lí do để tin rằng cuối cùng ông ta đã bắt gặp được đề tài ưa thích của ông). Các phương pháp dạy học mới hiện nay thật quá hiền lành, ông nói to, quá hiền lành!

- Chắc chắn là những trận đét vào mông đã không còn...

- Có phải không? - Ông ta bốc lên.

- Vâng, không thiếu những ông giáo có thể cần đến việc sử dụng một trận đòn hẳn hoi... ông không quên việc báo tin cho em trai tôi đấy chứ?

- Đã ghi lại rồi: việc khẩn cấp về tâm hồn. Một chuyện về trường học. Nghe đây, anh bạn trẻ, anh cho phép tôi với tư cách là người lớn tuổi hơn (đúng là tôi lớn tuổi hơn anh) có một lời khuyên bạn bè chứ?

- Không dám, xin cứ tự nhiên.

- Vứt Saint Augustin đi, tính chủ quan được trình bày khôn khéo là không thuộc về thần học, còn rất xa, và nó có nguy cơ làm hủy hoại những tâm hồn trẻ. Không phải như văn báo chí cộng thêm vài yếu tố của phép biện chứng. Anh không giận tôi về lời khuyên đấy chứ?

- Đâu có, tôi còn đem vứt ngay St Augustin của tôi vào lửa nữa đấy.

- Tuyệt vời! - Ông ta sung sướng kêu lên. - Vào lửa! Chúa phù hộ cho anh!

Tôi đã toan nói cám ơn, nhưng thấy không đúng chỗ, nên tôi chỉ đơn giản gác máy và lấy tay lau mồ hôi trán. Tôi rất nhạy cảm với các thứ mùi, và cái mùi bắp cải hăng sì của ông ta đã khuấy động toàn bộ hệ thần kinh sinh dưỡng của tôi. Thế là tôi bắt đầu suy ngẫm về những phương pháp của các quan chức trong giáo hội. Dĩ nhiên đã là tử tế khi để cho ông lão có cảm tưởng là mình còn có ích, nhưng tại sao lại giao đúng trách nhiệm giữ telephon cho một người vừa nghễnh ngãng vừa có đầu óc kì dị như vậy. Tôi đã quen với mùi bắp cải từ hồi ở nội trú; một cha cố ở trường một hôm đã giải thích là bắp cải được coi như có tác dụng kìm nén tình dục. ý nghĩ là người ta có thể kìm nén tình dục ở tôi hay ở ai đó làm tôi buồn nôn.

Những cha ở chỗ Léo rõ ràng là đêm ngày chỉ nghĩ đến sự “ham muốn xác thịt”, chắc chắn là họ có một bà xơ phúc hậu ở nhà bếp để sắp xếp thực đơn và trao đổi ý kiến với bề trên. Họ ngồi đối diện với nhau, không công khai nói ra, nhưng đối với mỗi món ăn đưa vào thực đơn mỗi người đều nghĩ: món này kìm nén, món kia kích thích tình dục. Tôi không thể không coi đó là sự tục tĩu, cũng giống như cái trò đá bóng chết tiệt người ta bầy ra cho chúng tôi chơi hàng giờ ở nội trú. Chúng tôi biết rằng mục đích của cái trò này là để chúng tôi mệt bã người ra, khỏi nghĩ đến bọn con gái và rồi sẽ phải chán ngấy nó suốt những ngày còn lại trong đời; và khi tôi nghĩ đến Léo của tôi bị bắt buộc phải ăn bắp cải để làm nguội đi những cảm giác của nó, tôi chỉ muốn xông vào trong đó và đổ axit clohidrict vào đống bắp cải dự trữ của họ. Công việc dành cho các chàng trai này, không có cái đó, cũng đã quá nặng nề, thật khó có thể giảng mỗi ngày những điều khó hiểu như chuyện phục sinh và kiếp sống vĩnh hằng. Bỏ thời giờ vào việc truyền bá đạo Chúa để rồi hầu như không thấy sáng tỏ được gì, thật là ngu xuẩn. Một hôm, Heinrich Behen, anh ta rất tử tế đối với chúng tôi khi Marie bị sẩy thai, đã giải thích với chúng tôi về những điều đó. Đối với tôi, anh ta bao giờ cũng tự coi mình là “thợ không chuyên của đạo Chúa, cả về tâm trạng lẫn về tiền công”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx